Chủ động phòng ngừa cúm A/H5N1

Chiều 24/3, Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) thông tin về trường hợp mắc cúm A/H5N1 tại Khánh Hòa tử vong sau 12 ngày xuất hiện các triệu chứng bệnh. Đây là trường hợp mắc cúm A/H5N1 thứ 2 kể từ năm 2014 sau nhiều năm không ghi nhận trường hợp mắc bệnh trên người tại Việt Nam. Tích lũy từ năm 2003 đến nay, cả nước ghi nhận 128 người nhiễm cúm A/H5N1, trong đó có 65 người tử vong.

Ảnh: minh họa

Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), cúm là bệnh nhiễm trùng đường hô hấp, do virus cúm gây ra. 3 chủng virus cúm ảnh hưởng tới người là cúm A, B, C. Trong đó, cúm A là nguyên nhân gây bệnh phổ biến do virus thường xuyên thay đổi, tạo nhiều biến chủng mới, khả năng lây nhiễm cao... Nghiên cứu về gánh nặng bệnh tật toàn cầu công bố cho thấy, tỷ lệ ca bệnh cúm trung bình hàng năm tại Việt Nam là hơn 3.700/100.000 dân, cao gấp 5 lần trung bình thế giới.

Từ cuối năm 2023 đến nay, thế giới ghi nhận nhiều đợt bùng phát cúm gia cầm trên động vật ở tất cả các khu vực, chủ yếu là do chủng virus cúm A(H1N1), A(H3N2) và cúm B. Đặc biệt, Campuchia liên tiếp ghi nhận các ca bệnh cúm A/H5N1 trên người từ đầu năm đến nay.

WHO cũng lưu ý, cần phân biệt cúm mùa thông thường với cúm A/H5N1 vì virus cúm A/H5N1 lây từ chim hoang dã hoặc gia cầm sang người, chưa phát hiện lây từ người sang người. Các dấu hiệu sớm của bệnh cúm thường bắt đầu trong vòng 2-5 ngày kể từ ngày bị nhiễm trùng như sốt cao đột ngột (trên 38 độ C), đau ngực, khó thở, mệt mỏi, cảm thấy rét run, choáng váng đầu óc; đau họng, ho, thường ho khan, ho có đờm... hoặc kèm theo các triệu chứng khác như: đau bụng, tiêu chảy. Nhưng người mắc bệnh cúm A/H5N1 thường có nguy cơ diễn tiến bệnh rất nhanh, biến chứng nặng như suy hô hấp, viêm phổi cấp tính, tổn thương đa tạng, phải thở máy... và dẫn tới tử vong với tỷ lệ cao khoảng 50%.

Trước nguy cơ lây nhiễm cúm A/H5N1 từ gia cầm sang người, Bộ Y tế đã liên tục khuyến cáo, thời điểm này đang là giai đoạn chuyển mùa, thời tiết thay đổi bất thường, nhiệt độ và độ ẩm không khí chênh lệch cao là điều kiện thuận lợi cho virus lây bệnh cúm phát triển. Trong khi đó, từ đầu năm 2024 đến nay, dịch cúm gia cầm được ghi nhận rải rác ở nhiều địa phương và xuất hiện 6 ổ dịch lớn tại Bắc Ninh, Ninh Bình, Khánh Hòa, Bà Rịa-Vũng Tàu, Long An và Tiền Giang.

Cục Y tế dự phòng khuyến nghị, trong bối cảnh nhiều dịch bệnh có dấu hiệu khởi phát khá giống nhau như cúm A/H5N1, cúm mùa, Covid-19..., người dân không nên chủ quan, tránh nhầm lẫn dẫn đến việc tự ý điều trị sai, gây hậu quả đáng tiếc.

Cúm A/H5N1 là vi rút cúm lây từ gia cầm sang người thông qua việc hít thở hoặc tiếp xúc trực tiếp với chất tiết từ những con vật bị nhiễm bệnh. Vì vậy, người dân khi có các triệu chứng nhiễm cúm và có tiền sử tiếp xúc với gia cầm cần đến ngay các cơ sở y tế để được khám, phát hiện và điều trị kịp thời. Hạn chế tiếp xúc với người mắc bệnh cúm hoặc các trường hợp nghi ngờ mắc bệnh khi không cần thiết.

Bệnh cúm gia cầm trên người hiện chưa có thuốc điều trị đặc hiệu cũng như chưa có vaccine phòng bệnh. Do đó, để chủ động phòng, chống dịch cúm A/H5N1 lây từ gia cầm sang người, người dân cần tuân thủ, tuyệt đối không ăn gia cầm, các sản phẩm gia cầm ốm, chết và không rõ nguồn gốc; đảm bảo ăn chín, uống sôi; thường xuyên đeo khẩu trang và rửa tay bằng xà phòng sau khi tiếp xúc với gia cầm; không giết mổ, vận chuyển, mua bán các loại động vật hoang dã, gia cầm và sản phẩm gia cầm không rõ nguồn gốc; báo ngay cơ quan quản lý khi có hiện tượng gia cầm ốm, chết...

Thiết nghĩ, trong thời điểm dịch cúm gia cầm đang diễn biến phức tạp, Trung tâm kiểm soát bệnh tật (CDC) các tỉnh, thành phố cần chủ động phối hợp với ngành nông nghiệp và chính quyền địa phương giám sát phát hiện sớm các ổ dịch cúm trên gia cầm; sẵn sàng thu dung, cách ly, khoanh vùng dịch để triển khai biện pháp điều trị theo quy định của Bộ Y tế.

Hoàng Lâm

Nguồn Biên Phòng: https://bienphong.com.vn/chu-dong-phong-ngua-cum-a-h5n1-post474177.html