Chủ động phòng, chống thiên tai, bảo vệ lúa Hè Thu

Những năm gần đây, tác động của biến đổi khí hậu cùng thời tiết diễn biến phức tạp, khó lường đã ảnh hưởng không nhỏ đến sản xuất. Để hạn chế thấp nhất thiệt hại do thiên tai gây ra, ngành Nông nghiệp tỉnh Long An quan tâm chỉ đạo, yêu cầu các cơ quan chức năng và ban, ngành, địa phương phải xây dựng các chương trình, kế hoạch, phương án sát với tình hình thực tế, bảo đảm sản xuất vụ Hè Thu (HT) an toàn, hiệu quả.

Ngành Nông nghiệp thường xuyên thăm đồng để kịp thời khuyến cáo cho nông dân, bảo đảm sản xuất vụ Hè Thu hiệu quả

Chủ động thực hiện nhiều giải pháp

Theo dự báo của Đài Khí tượng Thủy văn khu vực Nam bộ, năm 2022, số lượng bão và áp thấp nhiệt đới hoạt động trên biển Đông có khả năng ở mức xấp xỉ trung bình nhiều năm. Thời kỳ bắt đầu mùa mưa vào giữa tháng 5 và kết thúc vào khoảng cuối tháng 11, khi xuất hiện mưa thường kèm theo giông lốc với cường độ lớn cục bộ, xảy ra ở nhiều nơi và các hiện tượng thời tiết nguy hiểm; cần đề phòng giông lốc, sấm sét vào thời kỳ chuyển mùa, các tháng đầu mùa mưa.

Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Tân Trụ - Đặng Văn Tây Lo cho biết, huyện có 7 xã và thị trấn giáp sông Vàm Cỏ Đông và Vàm Cỏ Tây, hàng năm, những khu vực này chịu ảnh hưởng mạnh của triều cường. Vụ HT năm nay, toàn huyện xuống giống gần 4.950ha lúa. Nhằm ứng phó với triều cường, thiên tai, hầu hết các địa phương trong huyện đều thành lập lực lượng quản lý đê tại các xã có đê. Hiện nay, các xã và thị trấn giáp sông Vàm Cỏ Đông và Vàm Cỏ Tây của huyện Tân Trụ đều có lực lượng tuần tra, kiểm tra gia cố các tuyến đê bao, cửa cống để kịp thời xử lý khi xảy ra sự cố tràn đê, vỡ đê nhằm bảo đảm đời sống và sản xuất của người dân. Bên cạnh đó, bộ phận quản lý khai thác công trình thủy lợi thuộc Trung tâm Dịch vụ Nông nghiệp huyện cũng có kế hoạch vận hành, tổ chức vận hành các cống ngăn triều hợp lý, không để xảy ra ngập úng kéo dài.

Nhằm chủ động triển khai các giải pháp phòng tránh, ứng phó kịp thời, hiệu quả, bảo đảm an toàn tính mạng, tài sản của người dân trước các hiện tượng thời tiết nguy hiểm như mưa giông kèm theo lốc, sét, mưa đá và gió giật mạnh,... Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm, cứu nạn (PCTT&TKCN) tỉnh chỉ đạo ban chỉ huy PCTT&TKCN các địa phương điều hành, theo dõi và xử lý kịp thời các tình huống khi thiên tai xảy ra; tổ chức tuyên truyền, nâng cao nhận thức cộng đồng về hiểm họa thiên tai để người dân không chủ quan, có những biện pháp phòng tránh và tự vệ.

Chi cục trưởng Chi cục Phát triển nông thôn và Thủy lợi tỉnh - Võ Kim Thuần yêu cầu các địa phương cần thường xuyên kiểm tra, đôn đốc các ban, ngành và địa phương triển khai, thực hiện nghiêm các nhiệm vụ PCTT&TKCN. Trong đó, quán triệt và thực hiện hiệu quả phương châm “4 tại chỗ” và “3 sẵn sàng”. Song song đó, lên kế hoạch huy động lực lượng, phương tiện của địa phương để chủ động, kịp thời thực hiện công tác cứu hộ, cứu nạn và xử lý các tình huống khi có lũ, bão, thiên tai xảy ra. Thực hiện chế độ trực ban 24/24 giờ, nhất là trong thời kỳ cao điểm mùa mưa, bão nhằm đối phó kịp thời và hiệu quả.

Bảo vệ lúa Hè Thu

Vụ HT 2022, toàn huyện Tân Hưng xuống giống hơn 36.868ha lúa, đến nay đã thu hoạch hơn 8.200ha, đạt 22,2% trên tổng diện tích xuống giống với năng suất khô ước đạt 5,3 tấn/ha, sản lượng đạt 43.566 tấn. Ông Nguyễn Văn Tài (xã Thạnh Hưng, huyện Tân Hưng) chia sẻ: “Vụ này, tôi sản xuất 2,5ha lúa, giống OM 5451, hiện trong giai đoạn làm đòng. Được ngành chức năng khuyến cáo, tôi thường xuyên thăm đồng, theo dõi mực nước ngoài đê và lên kế hoạch gia cố đê bao, phòng ngừa nguy cơ lũ đổ về sớm”.

Tăng cường kiểm tra các trạm bơm điện, đảm bảo phục vụ tốt nhu cầu tưới, tiêu nước trong vụ Hè Thu

Phó Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Tân Hưng - Phan Văn Nỉ thông tin, thời gian gần đây, tình hình thời tiết diễn biến tương đối phức tạp, ngày nắng nóng, chiều và tối thường xuất hiện những cơn mưa lớn, sáng sớm có sương mù, ẩm độ không khí cao. Tuy chưa ảnh hưởng nhiều đến năng suất nhưng dự báo chi phí thu hoạch (giá thuê máy cắt) trong vụ HT này có thể tăng đối với những diện tích có nguy cơ đổ ngã.

Theo Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn - Nguyễn Chí Thiện, các địa phương cần triển khai sớm các biện pháp phòng, chống, ứng phó và giảm thiểu thiệt hại do thiên tai gây ra, nhất là khi lũ từ thượng nguồn sắp đổ về. Theo đó, cần nhanh chóng lập kế hoạch kiểm tra, rà soát và chủ động gia cố sớm các tuyến đê để chống ngập, tràn; đồng thời, chuẩn bị các điều kiện cần thiết để kịp thời xử lý nguy cơ vỡ đê bao, bờ bao, không để xảy ra tình trạng ngập úng kéo dài ảnh hưởng đến sản xuất và sinh hoạt của người dân.

“Bên cạnh việc gia cố đê bao, phòng, chống thiên tai, bão, lũ,... ngành Nông nghiệp các địa phương cũng cần thường xuyên cùng người dân thăm đồng, theo dõi tình hình sâu, bệnh trên lúa HT để kịp thời xử lý, hạn chế ảnh hưởng đến năng suất lúa và thu nhập của người dân” - ông Thiện cho biết thêm./.

Bùi Tùng

Nguồn Long An: https://baolongan.vn/chu-dong-phong-chong-thien-tai-bao-ve-lua-he-thu-a138166.html