Chủ động phòng, chống sạt lở mùa mưa bão

Những năm trở lại đây, vào mùa mưa bão, tình trạng sạt lở trên địa bàn tỉnh diễn ra khá nghiêm trọng, gây thiệt hại về người và tài sản. Do vậy, bước vào mùa mưa bão năm 2023, các cấp, ngành liên quan đang chủ động triển khai các biện pháp ứng phó.

Khắc phục sạt lở đất tại Đường tỉnh 226, đoạn qua xã Đề Thám, huyện Tràng Định

Khắc phục sạt lở đất tại Đường tỉnh 226, đoạn qua xã Đề Thám, huyện Tràng Định

Lạng Sơn có địa hình phức tạp, chủ yếu là núi thấp và đồi (chiếm hơn 80% diện tích toàn tỉnh). Bên cạnh đó, Lạng Sơn nằm trong vùng khí hậu nhiệt đới gió mùa mang nét đặc trưng của vùng núi phía Bắc, lượng mưa trung bình từ 1.200 đến 1.600 mm/năm. Do địa hình là đồi núi, bị chia cắt mạnh, khi xảy ra mưa nhiều, lượng nước ngấm trong đất lớn gây nhão dẫn đến sạt lở.

Thực tế thời gian qua, trên địa bàn tỉnh khi xảy ra mưa lớn kéo dài đã gây ra lũ lụt, ngập úng, sạt lở đất gây thiệt hại về người và tài sản. Điển hình như năm 2022, do ảnh hưởng của mưa bão gây sạt lở ta luy âm dài trên 2.000 m; sạt lở ta luy dương trên 38.000 m3; hư hỏng gây ách tắc 216 điểm, đặc biệt, mưa lũ đã gây sạt lở đất gây sập nhà và chết người tại xã Tân Tri, huyện Bắc Sơn. Từ đầu năm 2023 đến nay, do ảnh hưởng của mưa lớn đã gây sạt lở tại nhiều tuyến đường quốc lộ với khối lượng trên 6.600 m3; sạt lở tại 151 điểm trên tuyến đường tỉnh, huyện với khối lượng 17.000 m3 đất, đá; sạt lở ta luy âm 125 m.

Từ thực tế đó, nhằm hạn chế thấp nhất ảnh hưởng do sạt lở đất, đá gây ra, hiện nay, ngành chức năng, các huyện, thành phố đã thường xuyên tuyên truyền, cảnh báo đến người dân về nguy cơ thiệt hại do thiên tai gây ra trong mùa mưa bão.

Ông Nông Văn Tùng, Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Văn Quan, Phó Trưởng Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn (PCTT&TKCN) huyện cho biết: Văn Quan là một trong những địa bàn có nguy cơ cao xảy ra sạt lở vào mùa mưa bão. Do đó, để chủ động phòng, chống sạt lở đất trong mùa mưa bão, ngay khi bước vào mùa mưa bão năm 2023, huyện đã kiện toàn Ban Chỉ huy PCTT&TKCN. Đồng thời phân công từng thành viên phụ trách các xã, thị trấn để kiểm tra, theo dõi, hướng dẫn các xã thực hiện công tác phòng, chống thiên tai. Bên cạnh đó, huyện tuyên truyền trực tiếp đến người dân và qua hệ thống loa truyền thanh để người dân chủ động ứng phó với sạt lở đất. Từ đầu tháng 5/2023 đến nay, huyện đã kiểm tra tại 100% xã, thị trấn trên địa bàn huyện, kiểm tra tại những điểm có nguy cơ xảy ra sạt lở để từ đó cảnh báo, tuyên truyền người dân. Ngoài ra, huyện cũng chủ động chuẩn bị đầy đủ nhân lực, vật tư theo phương châm “4 tại chỗ”, sẵn sàng ứng phó với mưa lớn gây sạt lở đất đá, góp phần hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại do thiên tai gây ra.

Cán bộ Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Chi Lăng kiểm tra địa điểm có nguy cơ ngập úng, sạt lở

Cán bộ Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Chi Lăng kiểm tra địa điểm có nguy cơ ngập úng, sạt lở

Cùng với huyện Văn Quan, các huyện, thành phố khác trên địa bàn tỉnh cũng chủ động triển khai các biện pháp ứng phó mưa lũ, sạt lở đất. Theo đó, Ban Chỉ huy PCTT&TKCN các huyện, thành phố đã kiểm tra tại tất cả các xã, thị trấn và thực hiện tuyên truyền, hướng dẫn người dân có biện pháp chủ động phòng, chống; bố trí lực lượng ứng trực để sẵn sàng tham gia cứu hộ, cứu nạn các trường hợp gặp nguy hiểm do mưa lũ gây ra…

Ông Nguyễn Phúc Đạt, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Ủy viên Thường trực Ban Chỉ huy PCTT&TKCN tỉnh cho biết: Để chủ động ứng phó, giảm thiểu thiệt hại do mưa lớn và nguy cơ xảy ra lũ quét, sạt lở đất, ngay từ đầu tháng 5/2023, Ban Chỉ huy PCTT và TKCN tỉnh đã tổ chức họp để đánh giá về công tác PCTT&TKCN năm 2022 và triển khai kế hoạch, phương án PCTT&TKCN năm 2023; đồng thời ban hành văn bản đề nghị UBND, Ban Chỉ huy PCTT&TKCN các huyện, thành phố chủ động theo dõi chặt chẽ diễn biến thời tiết để thông tin kịp thời đến các cấp chính quyền, người dân biết để chủ động phòng, tránh, ứng phó.

Cùng với đó, Ban Chỉ huy PCTT&TKCN tỉnh cùng các cơ quan liên quan đã tiến hành kiểm tra tại 11/11 huyện, thành phố trên địa bàn tỉnh, kiểm tra, rà soát các vị trí trọng yếu, có nguy cơ xảy ra sạt lở khi có mưa lớn để đưa ra cách khắc phục, trong đó, đặt mục tiêu tính mạng của người dân lên trên hết. Ngoài ra, tổ chức lực lượng kiểm soát, hướng dẫn giao thông, cắm biển cảnh báo tại các khu vực xảy ra sạt lở đất…

Không chỉ có sự chủ động của các cấp, ngành, người dân trên địa bàn tỉnh cũng chủ động trong việc ứng phó với mưa lũ, sạt lở đất. Ông Dương Đức Sản, thôn Rạ Lá, xã Long Đống, huyện Bắc Sơn cho biết: Nhà tôi ở khu vực dưới chân đồi, có nguy cơ rất cao xảy ra sạt lở vào mùa mưa bão. Do vậy, để chủ động ứng phó với sạt lở đất khi bước vào mùa mưa bão năm nay, gia đình tôi chủ động theo dõi diễn biến thời tiết để có biện pháp ứng phó kịp thời. Bên cạnh đó, gia đình tôi cũng gia cố, xây dựng kè đằng sau nhà để tránh bị thiệt hại mùa mưa bão, ảnh hưởng đến tính mạng và tài sản của gia đình.

Hy vọng rằng với sự chủ động của các cấp, ngành và người dân, công tác phòng, chống, ứng phó với mưa lũ, sạt lở đất trên địa bàn tỉnh sẽ đạt được kết quả tích cực, đảm bảo an toàn về người và tài sản trong mùa mưa bão.

TÂN AN - HIỂU LAM

Nguồn Lạng Sơn: https://baolangson.vn/van-de-hom-nay/605739-chu-dong-phong-chong-sat-lo-mua-mua-bao.html