Chủ động phòng, chống nắng nóng cho đàn vật nuôi

Che chắn chuồng trại, tăng cường dinh dưỡng, bổ sung các loại vitamin, không chăn thả vào lúc nắng nóng cao điểm…, đó là những biện pháp mà người chăn nuôi trên địa bàn tỉnh đang chủ động triển khai để bảo vệ an toàn cho đàn vật nuôi của mình trước những ảnh hưởng do nắng nóng gay gắt gây ra.

Ông Phạm Tùng ở thôn Xi Núc, xã Tân Long, huyện Hướng Hóa chăm sóc đàn bò của mình -Ảnh: L.A

Ông Phạm Tùng ở thôn Xi Núc, xã Tân Long, huyện Hướng Hóa chăm sóc đàn bò của mình -Ảnh: L.A

Là một trong những hộ chăn nuôi lợn lâu năm tại xã Triệu Thượng, huyện Triệu Phong, ngay từ đầu tháng 4/2023, chị Nguyễn Thị Mỹ ở tại thôn Nhan Biều 1 đã sửa sang chuồng trại, chuẩn bị các biện pháp chống nóng và đảm bảo thức ăn, nước uống đầy đủ cho đàn lợn hơn 100 con của gia đình.

Theo kinh nghiệm của chị Mỹ, để đàn lợn phát triển khỏe mạnh trong mùa nắng, chị đã lắp đặt thêm hệ thống thông gió, quạt điện để phòng khi nắng nóng gay gắt. Thực hiện vệ sinh chuồng trại hằng ngày, đảm bảo chuồng nuôi luôn sạch sẽ, thông thoáng.

Tăng cường thêm thức ăn giàu dinh dưỡng, bổ sung khoáng chất, các loại vitamin để nâng cao sức đề kháng.

Bên cạnh đó, chị còn tiêm đầy đủ các loại vắc xin phòng bệnh cho đàn lợn, định kỳ phun thuốc tiêu độc khử trùng chuồng trại và môi trường xung quanh để diệt mầm bệnh và các loại ký chủ trung gian. “Nhờ chuẩn bị kỹ càng nên các đợt nắng nóng đầu mùa vừa qua khá gay gắt nhưng đàn lợn của gia đình vẫn không bị ảnh hưởng gì”, chị Mỹ cho biết thêm.

Tại huyện Hướng Hóa, những ngày này, ông Phạm Tùng ở tại thôn Xi Núc, xã Tân Long cũng đang tất bật chăm sóc đàn bò hơn 20 con của mình.

Ông Tùng cho biết, đàn bò là tài sản lớn nhất của gia đình, mang lại thu nhập hằng năm từ 100 - 150 triệu đồng từ nuôi bò vỗ béo. Do vậy, nếu không chăm sóc tốt trong mùa nắng thì sẽ ảnh hưởng đến thu nhập. Bởi bò là loài vật nuôi khá nhạy cảm với thời tiết, đặc biệt là trong mùa nắng nóng sẽ dễ phát sinh dịch bệnh, hiệu quả chăn nuôi thấp.

Trong những ngày nắng nóng gay gắt, ông đã chủ động tăng lượng thức ăn thô xanh, trộn thêm thức ăn tinh, bổ sung vitamin C, khoáng chất trong khẩu phần ăn. Cung cấp đầy đủ nước uống có bổ sung chất điện giải để giảm nhiệt cho cơ thể vật nuôi. Nuôi nhốt hoàn toàn thay vì chăn thả để tránh nóng cho đàn bò.

Cũng theo ông Tùng, nắng nóng gay gắt trong những ngày qua sẽ làm đàn vật nuôi chậm phát triển, giảm sức đề kháng, tạo điều kiện thuận lợi cho các loại dịch bệnh trên gia súc, gia cầm bùng phát nếu không được chăm sóc, theo dõi cẩn thận.

Nên để đảm bảo an toàn cho đàn bò, ngoài thực hiện các biện pháp chống nóng, cung cấp đầy đủ thức ăn, nước uống, người nuôi cần tiêm phòng đầy đủ các loại vắc xin theo hướng dẫn của cán bộ thú y. Vệ sinh chuồng trại sạch sẽ, thông thoáng để vật nuôi phát triển tốt.

Không chỉ đối với đàn gia súc, việc áp dụng các biện pháp chống nóng cũng được các hộ chăn nuôi gia cầm chú trọng.

Ông Trần Hữu Tấn, chủ trang trại chăn nuôi gà quy mô hơn 10.000 con/lứa ở tại xã Triệu Thuận, huyện Triệu Phong cho biết, do gà là loài vật chịu nóng kém nên trước khi bước vào mùa nắng nóng, ông đã vệ sinh toàn bộ hệ thống làm lạnh chuồng nuôi, lắp đặt thêm quạt gió để đảm bảo nhiệt độ tối ưu cho đàn gà phát triển.

Chủ động giảm mật độ nuôi. Ngoài ra, vào những ngày nắng nóng kéo dài, ông còn điều chỉnh lượng thức ăn phù hợp.

Cung cấp đủ nước sạch, có bổ sung chất điện giải, vitamin C cho gà uống nhằm tăng sức đề kháng và giải nhiệt. Thường xuyên xới xáo, bổ sung cải tạo đệm lót sinh học từ trấu giúp phân hủy phân gà, khử mùi hôi, tạo môi trường sạch, thông thoáng trong chuồng nuôi.

Theo Phó Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y (CN&TY) Đào Văn An, toàn tỉnh hiện có hơn 83.000 con trâu, bò, hơn 212.000 con lợn và trên 3,8 triệu con gia cầm các loại. Để duy trì ổn định, phát triển hoạt động chăn nuôi trong mùa nắng, Chi cục CN&TY khuyến cáo người chăn nuôi tuyệt đối không chăn thả vật nuôi khi trời nắng nóng, nhiệt độ cao; giảm mật độ nuôi nhốt phù hợp. Cung cấp đầy đủ nước uống sạch và thức ăn đảm bảo chất lượng, dễ tiêu hóa theo từng giai đoạn phát triển của đàn vật nuôi.

Chú ý bổ sung các loại vitamin, glucoza, chất điện giải cần thiết. Phủ mái chuồng nuôi bằng các vật liệu chống nóng như tre, nứa, rơm hoặc trồng cây dây leo lên mái chuồng trại để chống nóng trực tiếp.

Nếu có điều kiện nên bố trí quạt thông gió, lắp đặt hệ thống phun sương để làm mát chuồng nuôi trong thời điểm nắng nóng. Tiêm phòng đầy đủ các loại vắc xin cho vật nuôi theo hướng dẫn của cơ quan thú y. Vệ sinh chuồng trại sạch sẽ, định kỳ tẩy trùng chuồng trại, dụng cụ chăn nuôi và phun thuốc sát trùng khu vực xung quanh chuồng nuôi từ 1 - 2 lần/tuần bằng vôi hoặc các loại hóa chất như Iodine, benkocid, cloramin…

Lưu ý, sau những đợt nắng nóng kéo dài, đàn gia súc, gia cầm thường mệt mỏi, sức đề kháng giảm, tăng nguy cơ mắc bệnh… Vì vậy cần có phương án bổ sung kịp thời các vitamin, dinh dưỡng và khoáng chất nhằm nâng cao sức đề kháng cho đàn vật nuôi, đặc biệt là đối với gia súc non.

“Qua kiểm tra, giám sát, đến thời điểm này các hộ chăn nuôi đều thực hiện khá tốt các biện pháp phòng, chống nắng nóng cho đàn vật nuôi. Tuy nhiên, không vì vậy mà chủ quan, lơ là. Nhất là trong thời điểm nguy cơ các loại dịch bệnh nguy hiểm như cúm gia cầm và một số bệnh nguy hiểm trên gia súc có khả năng tái bùng phát”, ông An lưu ý thêm.

Lê An

Nguồn Quảng Trị: http://www.baoquangtri.vn/kinh-te/chu-dong-phong-chong-nang-nong-cho-dan-vat-nuoi/176759.htm