Chủ động phòng, chống dịch bệnh

Trong chuyên mục 'Dân hỏi - Chính quyền trả lời' kỳ này, bác sĩ chuyên khoa II Chung Tấn Thịnh - Phó Giám đốc Sở Y tế tỉnh Kiên Giang sẽ trả lời các câu hỏi.

Phó Giám đốc Sở Y tế tỉnh Kiên Giang Chung Tấn Thịnh.

Đầu năm 2024 đến nay, bệnh đậu mùa khỉ ghi nhận 4 trường hợp mắc, trong đó 1 người tử vong. Bệnh sốt xuất huyết có 1 ca tử vong ở huyện Châu Thành. Bệnh tay chân miệng tăng khoảng 4,3 lần so năm 2023. Bệnh dại ghi nhận 1 trường hợp tử vong ...

- Phóng viên: Một vài con số ở trên cho thấy, những tháng đầu năm 2024, tình hình dịch bệnh trên địa bàn tỉnh diễn biến phức tạp, vậy ngành y tế đã ứng phó và có những biện pháp gì để ngăn chặn, đẩy lùi sự gia tăng các loại dịch bệnh?

- Bác sĩ chuyên khoa II Chung Tấn Thịnh: Ngành y tế tỉnh tham mưu UBND tỉnh triển khai các văn bản, quyết định liên quan đến dịch bệnh, bệnh truyền nhiễm đến tất cả các sở, ban, ngành, địa phương, các trạm y tế xã. Sở liên tục theo dõi sát tình hình dịch bệnh ở nước ngoài cũng như trong nước, trong tỉnh để kịp thời xây dựng các kế hoạch ứng phó khi dịch bệnh, bệnh truyền nhiễm diễn biến phức tạp; đồng thời chủ động chuẩn bị thuốc cũng như vaccine để ứng phó.

Ngành y tế thường xuyên truyền thông đến người dân tăng cường cảnh giác, phát hiện sớm, điều trị kịp thời những ca bệnh truyền nhiễm xảy ra trên địa bàn; quyết liệt kiểm tra, chỉ đạo các đơn vị y tế phối hợp với các sở, ban, ngành cùng với chính quyền địa phương theo dõi, giám sát các ca bệnh.

- Phóng viên: Trước tình hình bệnh dại diễn biến phức tạp, ngành y tế có khuyến cáo gì?

- Bác sĩ chuyên khoa II Chung Tấn Thịnh: Đối với bệnh dại, nếu như trường hợp mắc bệnh đã lên cơn dại thì tỷ lệ tử vong là 100% do không có thuốc đặc trị. Nguyên nhân phát bệnh dại thường là từ động vật truyền sang người do chó, mèo… cắn, quào. Có trường hợp xử lý dịch tiết, nước bọt của chó hoặc mèo va chạm vào vết thương chưa lành hẳn của con người cũng có khả năng sẽ lây lan bệnh. Vì vậy, người dân khi nuôi chó, mèo nên tiêm ngừa cho chó, mèo thường xuyên, tiêm ngừa khoảng 1 năm 1 lần đối với 1 động vật nuôi.

Khi bị chó, mèo cắn hoặc dính nước bọt vào vết thương chưa lành phải xử lý ngay bằng cách rửa vết thương dưới vòi xả nước thật mạnh, rửa bằng xà phòng từ 10-15 phút sau đó bôi thuốc sát khuẩn lên; đồng thời đưa người bệnh đến trạm y tế hoặc cơ sở y tế, trạm thú y gần nhất để được tiêm ngừa. Khi chó, mèo nuôi ở nhà phải xích hoặc nhốt lại để theo dõi những dấu hiệu ủ bệnh của bệnh dại, trung bình khoảng 1-3 tháng. Dấu hiệu chó, mèo, động vật lên cơn dại thường có biểu hiện ủ rũ, bỏ ăn, chảy nước dãi liên tục…

Sau khi bị chó, mèo cắn, người dân không nên đi đến thầy lang hoặc chữa trị theo truyền thống dân gian không được y học công nhận; nghiêm cấm tuyệt đối việc thầy lang hay các tổ chức, cá nhân xử lý, điều trị bệnh dại. Nếu phát hiện, ngành chức năng sẽ xử lý theo quy định của pháp luật. Người dân khi nuôi chó, mèo không nên thả rông ngoài đường, phải xích lại hay rọ mõm.

Cách duy nhất để phòng ngừa bệnh dại là tiêm ngừa vaccine, đừng để xảy ra cơn dại mới tiêm ngừa vaccine. Đầu tháng 3-2024, một trường hợp ở huyện Hòn Đất tử vong nghi do bệnh dại. Một trẻ em sau khi bị chó cắn nhưng không đi tiêm ngừa vaccine, 1 tháng sau lên cơn dại, đi nhập viện nhưng đã trễ, sau đó tử vong.

Người dân đăng ký nhận thuốc tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Kiên Giang.

- Phóng viên: Ngành y tế có kế hoạch, giải pháp gì đối với bệnh sốt xuất huyết khi mùa mưa sắp đến?

- Bác sĩ chuyên khoa II Chung Tấn Thịnh: Công tác phòng ngừa bệnh sốt xuất huyết vẫn còn khó khăn, nhất là đối với vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa. Nguyên nhân của bệnh sốt xuất huyết là do bị muỗi mang mầm bệnh sốt xuất huyết đốt. Cách phòng ngừa là diệt lăng quăng xung quanh nhà, xử lý ao, nơi đọng nước xung quanh nhà, không để phát triển lăng quăng. Khi phát hiện trường hợp bị sốt xuất huyết nên báo ngay đến cơ sở y tế, Sở Y tế chỉ đạo đội ngũ y tế dự phòng xử lý ổ dịch triệt để, không để lây lan, phát triển thêm nữa, phun hóa chất, dùng nhiều biện pháp không để ổ dịch lây lan.

- Phóng viên: Để phòng, chống có hiệu quả các loại dịch bệnh?

- Bác sĩ chuyên khoa II Chung Tấn Thịnh: Ngành y tế tỉnh tham mưu UBND tỉnh xây dựng kế hoạch phòng, chống dịch bệnh, đồng thời triển khai rộng rãi đến toàn thể cán bộ y tế trong tỉnh, phối hợp với các sở, ban, ngành, chính quyền địa phương để tham mưu, chỉ đạo và trực tiếp xử lý những ổ dịch bùng phát trên địa bàn được triệt để.

Đối với trường học, các trường sẽ triển khai các kế hoạch phòng, chống dịch bệnh của Sở Y tế trong trường học, tuyên truyền trong phụ huynh, học sinh biết cách vệ sinh bàn tay, thân thể, cách phòng, chống dịch bệnh tay chân miệng, sốt xuất huyết…; đồng thời tăng cường giám sát, theo dõi diễn biến của tình hình dịch bệnh khi xảy ra.

Chúng tôi khuyến cáo người dân không nên chủ quan, lơ là đối với các loại dịch bệnh, bệnh truyền nhiễm; theo dõi các thông tin để biết cách tự phòng, chống các loại bệnh. Phòng bệnh lúc nào cũng hơn chữa bệnh cho nên người dân phải hết sức cảnh giác để biết cách phòng từng loại bệnh cụ thể. Một số bệnh có thể phòng được bằng vaccine thì nên cho trẻ đi tiêm ngừa theo hướng dẫn của các cơ sở y tế như một số bệnh bạch hầu, ho gà, uốn ván...

- Phóng viên: Cảm ơn bác sĩ!

Người dân có yêu cầu cơ quan chức năng trả lời, trực tiếp gửi câu hỏi về chuyên mục tại địa chỉ email danhoichinhquyentraloi@kiengiang.gov.vn hoặc gửi thư về Sở Nội vụ tỉnh Kiên Giang: Số 9 đường Mạc Đĩnh Chi, phường Vĩnh Thanh, TP. Rạch Giá hoặc Báo Kiên Giang: Số 16 đường Mạc Đĩnh Chi, phường Vĩnh Thanh, TP. Rạch Giá (Kiên Giang).

TÂY HỒ - NGUYỄN PHI thực hiện

Nguồn Kiên Giang: https://baokiengiang.vn/dan-hoi-chinh-quyen-tra-loi/chu-dong-phong-chong-dich-benh-20116.html