Chủ động phòng, chống bệnh dại trên người

Bệnh dại là một trong những bệnh truyền nhiễm, do một loại vi khuẩn tên là Rhabdovirus có trong nước bọt của những động vật bị bệnh dại. Khi chúng nhiễm bệnh sẽ lây nhiễm cho động vật khác hoặc con người thông qua vết cắn. Trong một vài trường hợp, bệnh dại có thể lây qua nước bọt trên vết thương hở, niêm mạc mắt, mũi trong giai đoạn ủ bệnh có thể bị nhiễm bệnh. Khi đã lên cơn dại, kể cả là động vật hay con người đều sẽ tử vong nhanh chóng trong đau đớn và hoảng loạn. Tại Việt Nam, bệnh dại liên tục có những diễn tiến phức tạp, do đó việc chủ động dự phòng bằng vắc xin là rất cấp thiết.

Người dân khi bị chó cắn đã đến Trung tâm y tế huyện Tân Sơn và huyện Thanh Sơn để tiêm phòng dại

Trung tuần tháng Ba, Trung tâm Kiểm soát bệnh tỉnh nhận được văn bản của Chi cục thú y và Chăn nuôi tỉnh về thông tin kết quả xét nghiệm dương tính với vi rút dại trên chó tại khu 10, xã Hoàng Xá huyện Thanh Thủy và khu Nà Nờm, xã Thu Ngạc huyện Tân Sơn.

Theo báo cáo nhanh của Trung tâm y tế huyện Tân Sơn đã tiêm phòng dại cho 155 bệnh nhân với 545 liều vacxin phòng dại; 10 bệnh nhân tiêm huyết thanh kháng dại và có năm trường hợp xét nghiệm mẫu đầu chó, trong đó có ba mẫu dương tính. Đồng chí Đỗ Thị Thu Hiền - Phó giám đốc Trung tâm y tế huyện Tân Sơn cho biết: “Khó khăn nhất ở đây đó là một số người dân khi bị chó, mèo cắn vẫn lơ là, chủ quan không đi tiêm phòng huyết thanh và vacxin phòng chống dại. Một số khi đi tiêm phòng không tuân thủ lịch tiêm như tiêm không đúng ngày hẹn, bỏ lịch tiêm… Nguyên nhân do điều kiện kinh tế khó khăn, không có kinh phí để tiêm phòng; trong khi đó do trình độ dân trí không đồng đều, người dân tộc thiểu số còn hạn chế về kiến thức cho là chó, mèo vẫn khỏe mạnh sẽ không ảnh hưởng đến sức khỏe…”. Để người dân hiểu về tác hại của việc không tiêm phòng vacxin khi bị chó, mèo cắn, Trung tâm Y tế huyện phối hợp với Đài phát thanh huyện và 17 xã phát tin tuyên truyền về phòng chống bệnh dại; chỉ đạo các trạm y tế xã về biện pháp sơ cứu, xử lý khi bị chó mèo cắn, vận động người bị chó mèo cắn đi tiêm phòng…

Trước diễn biến tình hình bệnh dại trên chó tại các địa phương trên, để chủ động phòng, chống bệnh dại trên người, theo đồng chí Nguyễn Trọng Oánh- Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh cho biết: “Trung tâm đã yêu cầu các địa phương có dương tính với vi rút dại trên chó đẩy mạnh công tác truyền thông trên hệ thống loa đài phát thanh tại xã, phường, thị trấn về dấu hiệu nhận biết bệnh dại trên động vật, tính chất nguy hiểm của bệnh dại và các biện pháp phòng, chống bệnh dại trên người. Trạm Y tế xã, phường, đặc biệt tại khu vực có chó mắc bệnh dại, tăng cường giám sát các trường hợp tiếp xúc, bị chó, mèo cắn tại khu vực nói trên, để vận động những người chưa đi tiêm vắc xin phòng dại, đến ngay cơ sở tiêm phòng dại trên địa bàn để được tư vấn, tiêm vắc xin phòng dại kịp thời. Đồng thời phối hợp chặt chẽ với đơn vị thú y địa phương để nắm bắt diễn biến tình hình bệnh dại trên động vật và chủ động tham mưu kịp thời triển khai các biện pháp phòng, chống bệnh dại trên người; báo cáo kết quả triển khai về Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh trong thời gian sớm nhất”.

Theo báo cáo của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), bệnh dại phổ biến trên toàn thế giới. Hàng năm căn bệnh này gây ra cái chết cho 60.000 - 70.000 người và hàng triệu loài động vật. Dại là căn bệnh vô cùng nguy hiểm khi phát bệnh, 100% cả người bị cắn và vật cắn đều tử vong. Tuy nhiên nhiều người vẫn còn lơ là, chưa hiểu rõ về bệnh dại nên rất chủ quan hoặc điều trị sai cách gây nguy hiểm đến mạng.

Thúy Hằng

Nguồn Phú Thọ: https://baophutho.vn//y-te/chu-dong-phong-chong-benh-dai-tren-nguoi/191735.htm