Chủ động phối hợp đào tạo nghề cho học sinh ở Vĩnh Linh

Song song với nhiệm vụ giáo dục văn hóa cấp THPT, hoạt động đào tạo nghề là một trong những chiến lược quan trọng hàng đầu của Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên huyện Vĩnh Linh. Việc thực hiện nhiệm vụ kép của trung tâm đã góp phần không nhỏ trong việc cung cấp nguồn nhân lực có kiến thức, kỹ năng đáp ứng nhu cầu của thị trường lao động trong và ngoài nước cũng như phát triển KT-XH.

Học sinh của trung tâm thi tốt nghiệp thực hành trung cấp nghề công nghệ ô tô -Ảnh: TÚ LINH

Có mặt tại trung tâm, chúng tôi chứng kiến không khí dạy học sôi nổi của thầy và trò nơi đây. Giám đốc Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp-Giáo dục thường xuyên huyện Vĩnh Linh Lê Thị Thanh Tâm cho biết, kể từ năm 2016, sau khi sáp nhập và hoạt động theo mô hình mới, trung tâm liên kết tổ chức cho toàn bộ học sinh vừa học văn hóa kết hợp học trung cấp nghề. Để làm tốt công việc này, trung tâm chủ động phối hợp với các trường trung cấp, cao đẳng trong và ngoài tỉnh mở lớp liên kết đào tạo trung cấp nghề.

Học sinh tốt nghiệp THPT tại trung tâm lại có thêm bằng trung cấp nghề, dễ dàng tìm việc làm ngay khi ra trường tại các doanh nghiệp hoặc đi lao động xuất khẩu. Công tác tư vấn, hướng nghiệp luôn được trung tâm chú trọng thực hiện ngay từ khi học sinh vào lớp 10 giúp các em lựa chọn nghề học phù hợp khả năng và đáp ứng nhu cầu xã hội.

Các ngành nghề đào tạo được đa dạng hóa như: chăn nuôi - thú y, công nghệ thông tin, công nghệ ô tô, máy lạnh và điều hòa không khí, chế biến món ăn, pha chế đồ uống, điện công nghiệp, điện lạnh, quản trị khách sạn, tiếng Nhật...

Em Nguyễn Văn Nguyên (sinh năm 2005), ở thôn Phúc Lâm, xã Vĩnh Long, huyện Vĩnh Linh, cho biết, ngay từ năm học lớp 10, em đã đăng ký học nghề chăn nuôi-thú y. Hè năm lớp 11, em được trung tâm tổ chức đi thực tập 2 tháng tại Công ty Greenfeed ở Đồng Nai. Tại đây, ngoài việc thực tập, học việc, áp dụng kiến thức đã học vào thực tế giúp có thêm kinh nghiệm, Nguyên còn được doanh nghiệp hỗ trợ 3 triệu đồng/tháng.

“Em thấy mình đã đi đúng hướng khi chọn học chương trình giáo dục thường xuyên tại trung tâm. Hình thức đào tạo này vừa tiết kiệm thời gian, vừa hiệu quả đối với những học sinh muốn tham gia ngay vào thị trường lao động sau khi tốt nghiệp THPT”, Nguyên cho biết.

Tuy nhiên, Nguyên không chịu dừng lại với tấm bằng tốt nghiệp THPT và trung cấp nghề, em tiếp tục đăng ký học liên thông hệ cao đẳng ngành chăn nuôi- thú y tại Trường Cao đẳng Kỹ thuật Quảng Trị nhằm bổ sung kiến thức để sau này ra trường tự mở mô hình trang trại chăn nuôi tại quê nhà.

Theo cô Lê Thị Thanh Tâm, hằng năm có 100% học sinh vừa học xong lớp 11 (sau khi học xong 2 năm nghề) được trung tâm kết nối để tham gia thực tập tại các công ty, doanh nghiệp ở trong và ngoài tỉnh vào thời gian nghỉ hè.

Với kiến thức nghề được học, các em đã đáp ứng yêu cầu công việc, được các đơn vị ghi nhận và hỗ trợ kinh phí từ 2-3,5 triệu đồng/tháng/người. Việc dạy văn hóa kết hợp dạy nghề ở trung tâm được xem là giải pháp quan trọng nhằm nâng cao hiệu quả phân luồng học sinh, từng bước đáp ứng nguồn nhân lực cho mục tiêu phát triển KT-XH ở địa phương.

Năm học 2021-2022 và 2022-2023, trung tâm đã liên kết, phối hợp với các trường trung cấp, cao đẳng trong và ngoài tỉnh đào tạo nghề trình độ trung cấp cho hơn 600 học sinh.

Tiếp tục phát huy lợi thế, năm học này trung tâm đào tạo 19 lớp trung cấp cho hơn 500 em, đồng thời dạy văn hóa theo chương trình giáo dục thường xuyên cấp THPT. Chú trọng đầu tư xây dựng cơ sở vật chất phục vụ việc dạy nghề, dạy văn hóa.

Tăng cường công tác điều tra, nắm bắt nhu cầu của địa phương để đào tạo nghề nhằm đảm bảo cơ hội việc làm cho học sinh sau khi tốt nghiệp ra trường. Nhờ có sự chuyển đổi linh hoạt trong hình thức dạy học nên chất lượng giáo dục nghề phổ thông của trung tâm tăng lên đáng kể. Hoạt động tư vấn hướng nghiệp đã giúp học sinh có nhận thức đúng đắn về nghề nghiệp.

Phó Chủ tịch UBND huyện Vĩnh Linh Nguyễn Thiên Tùng đánh giá, Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp-Giáo dục thường xuyên là đơn vị đóng trên địa bàn huyện cùng lúc thực hiện tốt hai nhiệm vụ giáo dục và dạy nghề, định hướng nghề nghiệp cho học sinh trên địa bàn rất tốt.

Trong xu thế hội nhập ngày càng sâu rộng, huyện và tỉnh đang kêu gọi nhiều doanh nghiệp đến đầu tư phát triển, thì nguồn lao động tay nghề cần có để cung ứng là ưu tiên hàng đầu.

Trong hoàn cảnh đó, trung tâm chủ động liên kết đào tạo nghề cho học sinh là việc làm được huyện luôn hoan nghênh.

Để thu hút được học sinh đến với trung tâm ngày càng nhiều hơn, cần thực hiện tốt hơn nữa công tác phân luồng; các đơn vị liên quan phải có sự phối hợp nhịp nhàng, thực hiện công tác truyền thông tốt hơn để phục vụ phân luồng học sinh.

Làm tốt công tác này sẽ giúp mọi người hiểu rằng đại học không phải là lựa chọn duy nhất của mỗi một học sinh sau khi tốt nghiệp THPT, để từ đó có nhiều sự lựa chọn hơn cho tương lai, trong đó có học nghề.

Tú Linh

Nguồn Quảng Trị: http://www.baoquangtri.vn/kinh-te/chu-dong-phoi-hop-dao-tao-nghe-cho-hoc-sinh-o-vinh-linh/180737.htm