Chủ động phát hiện, hướng tới mục tiêu chấm dứt bệnh lao trên địa bàn

Ngày Thế giới phòng, chống lao (24/3) năm nay có chủ đề 'Đúng! Việt Nam có thể chấm dứt bệnh lao' đã khẳng định quyết tâm, nỗ lực của Việt Nam trong công tác phòng, chống lao.

Khám cho bệnh nhân tại Khoa Nội 2, Bệnh viện Phổi Ninh Bình.

Tại Ninh Bình, mỗi năm phát hiện khoảng 700-800 bệnh nhân lao các thể, tỷ lệ khỏi bệnh đạt 92,5%. Chương trình phòng, chống lao Quốc gia tại Ninh Bình được ngành Y tế quan tâm triển khai, tăng cường công tác tuyên truyền, giáo dục sức khỏe bệnh lao, đào tạo nâng cao kiến thức về bệnh lao cho cán bộ y tế tuyến huyện, xã, thôn, bản. Chương trình được triển khai ở tất cả các huyện, thành phố, duy trì 100% dân số được Chương trình bảo vệ.

Hoạt động khám sàng lọc phát hiện chủ động tại cộng đồng để chẩn đoán sớm bệnh lao, giảm nguồn lây trong cộng đồng, đặc biệt ở những nơi có nguy cơ cao như trại giam, tạm giam, trường giáo dưỡng, cơ sở cai nghiện, đối tượng nghiện hút, HIV… được chú trọng.

Hàng năm, Bệnh viện Phổi Ninh Bình đã thực hiện nhiều đợt khám sàng lọc chủ động bệnh lao, lao tiềm ẩn tại cộng đồng nhằm sàng lọc sớm bệnh nhân. Năm 2023, Bệnh viện đã phối hợp với Bệnh viện Phổi Trung ương triển khai hoạt động khám sàng lọc miễn phí bệnh lao cho 18.649 người tại một số địa phương trong tỉnh. Nhóm người nguy cơ cao trong cộng đồng có các triệu chứng nghi lao, người cao tuổi, đặc biệt là những người có bệnh đồng mắc như: tiểu đường, tim mạch, tăng huyết áp, người có bệnh hen, bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính… đã được khám sàng lọc, tư vấn giáo dục sức khỏe cho người cao tuổi tại cộng đồng.

Sau khi khám sàng lọc, kết quả được bác sĩ thông báo nhanh tại chỗ, với những trường hợp dương tính với lao, bệnh nhân sẽ được hỗ trợ đăng ký điều trị theo đúng phác đồ chuẩn của Chương trình phòng, chống lao Quốc gia, đồng thời được tư vấn và hướng dẫn các thông tin cần thiết. Qua đó góp phần giúp người dân chủ động phát hiện và điều trị bệnh lao, tránh lây lan ra cộng đồng. Năm 2023, tổng số bệnh nhân lao thu nhận trong toàn tỉnh là 864 bệnh nhân, tỷ lệ điều trị khỏi đạt 92,5%.

Đến nay, Ninh Bình là một trong những tỉnh đầu tiên của cả nước tiên phong triển khai mô hình phát hiện chủ động bệnh lao tại cộng đồng với quy mô rộng, thí điểm mô hình chấm dứt bệnh lao ở từng địa phương. Bên cạnh đó, công tác quản lý điều trị bệnh nhân lao được triển khai hiệu quả. Bệnh nhân được quản lý điều trị tại y tế cơ sở theo hướng dẫn của chương trình chống lao.

Tại Bệnh viện Phổi Ninh Bình, để đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu khám, chữa bệnh của người dân, Bệnh viện đã ứng dụng công nghệ thông tin, cải tiến quy trình khám, chữa bệnh, nâng cao chất lượng dịch vụ, chú trọng triển khai nhiều kỹ thuật mới. Năm qua, Bệnh viện đã phát triển 2 kỹ thuật mới, ứng dụng 8 đề tài nghiên cứu khoa học cấp cơ sở để triển khai trong hoạt động khám, chữa bệnh; đã thực hiện 18.649 xét nghiệm, trong đó có phương pháp GeneXpert-một phương pháp xét nghiệm hiện đại, có độ chính xác cao.

Buồng nuôi cấy, định dạng vi khuẩn lao tại Bệnh viện Phổi Ninh Bình.

Bác sỹ Đinh Ngọc Xứng, Phó trưởng Khoa Xét nghiệm, Bệnh viện Phổi Ninh Bình cho biết: Với việc ứng dụng máy GeneXpert để xét nghiệm đờm trực tiếp nhằm phát hiện trực khuẩn lao sẽ giúp người bệnh nhận kết quả sớm sau 2 tiếng đồng hồ, đỡ tốn kém khi phải làm các xét nghiệm khác nhau và được điều trị sớm nhất có thể. Kết quả xét nghiệm này cũng giúp các bác sỹ xác định chính xác người bệnh có dương tính với lao hay không để phân loại thể mắc, xây dựng phác đồ điều trị phù hợp.

Ông Ngô Văn Hoàng xã Kim Định (huyện Kim Sơn) đang điều trị tại Khoa Nội 2, Bệnh viện Phổi Ninh Bình cho biết: Sau khi thấy các triệu chứng như ho kéo dài, thậm chí ho ra máu, thỉnh thoảng bị sốt, người sụt cân…, tôi đã đến khám tại Bệnh viện Phổi Ninh Bình và được chẩn đoán mắc lao phổi. Quá trình điều trị 2 tuần ở Bệnh viện, được các y, bác sỹ chăm sóc, hướng dẫn và điều trị theo phác đồ nên sức khỏe của tôi đã ổn định trở lại, chuẩn bị xuất viện. Qua tư vấn của bác sỹ, tôi thấy bệnh có thể được đẩy lùi nếu bản thân mình hiểu biết, có kiến thức về phòng, chống bệnh, có lối sống lành mạnh, khoa học…

Theo bác sỹ Đỗ Giang Nam, Khoa Nội 2, Bệnh viện Phổi Ninh Bình các triệu chứng chung của bệnh lao là: Ho kéo dài trên 2 tuần, gầy sút cân, sốt nhẹ (thường là sốt nhẹ về chiều hoặc đêm), kèm theo mệt mỏi, kém ăn, đau tức ngực, khó thở, da xanh… Thời gian nguy hiểm của người mắc lao là ở giai đoạn đầu từ khi họ có triệu chứng đầu tiên đến khi được điều trị đặc hiệu theo phác đồ của ngành Y tế và là giai đoạn lây nhiễm cho người xung quanh.

Do đó, để công tác phòng bệnh lao đạt hiệu quả cao cần chú ý hai vấn đề: Phát hiện sớm, điều trị triệt để, đúng nguyên tắc đi đôi với công tác tiêm vắc xin BCG phòng lao cho trẻ sơ sinh và trẻ dưới 1 tuổi đầy đủ, đúng kỹ thuật và đảm bảo chất lượng.

Bên cạnh đó, cuộc sống, sinh hoạt của người bệnh liên quan mật thiết với tình hình bệnh lao. Cải thiện điều kiện sống, sinh hoạt, làm việc và làm trong sạch môi trường sống sẽ làm giảm nguy cơ mắc bệnh.

Để phát hiện thụ động có hiệu quả, mỗi người dân cần nâng cao hiểu biết về bệnh lao. Cần biết các triệu chứng nghi mắc lao để tự nguyện đến cơ sở y tế khám khi có các dấu hiệu của bệnh. Qua đó, người dân cũng loại trừ quan niệm sợ bệnh lao, giấu bệnh...

Hiện nay, tiêm vắc xin BCG là biện pháp phòng bệnh chủ động và đặc hiệu để phòng bệnh lao. Đây là loại vắc xin tiêm chủng miễn phí trong chương trình tiêm chủng mở rộng. Trẻ em mới sinh ra cần được tiêm ngay một liều vắc xin BCG càng sớm càng tốt. Do vậy, việc tiêm chủng vắc xin BCG cho trẻ sơ sinh trong chương trình tiêm chủng mở rộng có ý nghĩa quan trọng trong công tác phòng, chống lao.

Ngày Thế giới phòng, chống lao được tổ chức hàng năm nhằm nâng cao nhận thức của cộng đồng về những ảnh hưởng nghiêm trọng của bệnh lao tới sức khỏe con người, kinh tế và xã hội. Đồng thời thúc đẩy nỗ lực chấm dứt bệnh lao trên toàn cầu.

Để hoạt động phòng, chống lao tại cộng đồng phát huy hiệu quả tích cực, bên cạnh sự nỗ lực của ngành Y tế, điều quan trọng là cần thay đổi nhận thức, nâng cao hiểu biết của người dân về bệnh lao để bản thân người dân chủ động hơn trong việc phát hiện, phòng chống cho chính mình và mọi người trong cộng đồng. Bên cạnh đó, cần sự tăng cường phối hợp giữa các ban, ngành, đoàn thể để nâng cao hơn nữa chất lượng các hoạt động phòng, chống bệnh lao, góp phần chăm sóc, bảo vệ sức khỏe Nhân dân trên địa bàn.

Quỹ hỗ trợ người bệnh chiến thắng bệnh lao-PASTB được thành lập và đi vào hoạt động từ năm 2018. Quỹ nhằm hỗ trợ chăm sóc, điều trị, dự phòng điều trị cho người bị bệnh lao, người bị ảnh hưởng bởi bệnh lao gặp hoàn cảnh khó khăn.

Hướng tới ngày Thế giới phòng chống lao (24/3) và giúp đỡ những người bị bệnh lao gặp hoàn cảnh khó khăn, mọi sự ủng hộ xin gửi về Quỹ PASTB bằng cách nhắn tin với cú pháp: TB gửi 1402 (20.000 đồng/tin nhắn, không giới hạn số lượng).

Bài, ảnh: Bùi Diệu

Nguồn Ninh Bình: https://baoninhbinh.org.vn/chu-dong-phat-hien-huong-toi-muc-tieu-cham-dut-benh-lao-tren/d20240322104830154.htm