Chủ động nguyên liệu đầu vào - yếu tố 'sống còn' của ngành gỗ xuất khẩu

Hiện nay, xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ đang còn nhiều dư địa để đẩy mạnh. Tuy nhiên, để đạt được mục tiêu xuất khẩu năm 2022, việc chủ động nguồn gỗ nguyên liệu đầu vào có vai trò 'sống còn' cho hoạt động của doanh nghiệp chế biến xuất khẩu. Sự kéo dài của đại dịch đòi hỏi các doanh nghiệp và các cơ quan quản lý cần có phương thức tiếp cận mới về tạo nguồn nguyên liệu đầu vào bền vững dựa trên nguồn gỗ rừng trồng tại Việt Nam.

Thị trường đồ nội ngoại thất toàn cầu đã phục hồi

Theo thông tin từ Tổng cục Hải quan, ngay trong tháng đầu tiên của năm 2022, xuất khẩu (XK) gỗ và sản phẩm gỗ đã đạt kim ngạch hơn 1,5 tỷ USD, tăng hơn 14% so với cùng kỳ 2021. Trong lịch sử XK gỗ và sản phẩm gỗ, đây là lần thứ ba kim ngạch vượt mốc 1,5 tỷ USD/tháng. Đây là một sự khởi động đầy ấn tượng cho ngành gỗ trong năm 2022 và thể hiện XK gỗ và sản phẩm gỗ ngày càng đóng góp lớn hơn vào XK chung của cả nước.

Các doanh nghiệp cần chủ động nguồn cung gỗ nguyên liệu trong bối cảnh giá gỗ
nguyên liệu nhập khẩu tăng cao.

Các chuyên gia nhận định, sau khi bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19, thị trường nội ngoại thất toàn cầu đã phục hồi từ cuối năm 2021 và đang có xu hướng tiếp tục tăng trưởng mạnh bởi người tiêu dùng ở nhiều quốc gia làm việc tại nhà nhiều hơn trước. Theo Trung tâm Nghiên cứu công nghiệp Italia (CSIL), đến hết năm 2021, tổng giá trị sản xuất hàng nội ngoại thất trên thế giới đã đạt 500 tỷ USD, mà 1/3 trong đó là giành cho XK. Như vậy, giá trị XK nội ngoại thất trên toàn cầu hiện rất lớn, đạt khoảng 170 tỷ USD.

Qua kết quả khảo sát tại 100 thị trường, CSIL đưa ra nhận định, trong năm 2022, thị trường đồ nội thất toàn cầu sẽ tăng trưởng khoảng 4%. Trong số các thị trường lớn (tiêu thụ đồ nội thất dự báo trên 5 tỷ USD/năm), các thị trường thuộc châu Âu và châu Á sẽ có sự tăng trưởng mạnh nhất về tiêu thụ đồ nội ngoại thất. Bên cạnh đó, thị trường chủ đạo của ngành gỗ Việt Nam là Bắc Mỹ sẽ tiếp tục tăng trưởng ổn định.

Điều này khẳng định thị trường thế giới vẫn đang rất rộng mở cho ngành gỗ Việt Nam. XK gỗ và sản phẩm gỗ đang còn nhiều dư địa để đẩy mạnh tăng trưởng khi mà tại một số thị trường nhập khẩu (NK) đồ nội thất bằng gỗ hàng đầu thế giới, thị phần của Việt Nam còn khiêm tốn. Tính chung thị trường xuất NK đồ nội ngoại thất toàn cầu, trị giá XK của Việt Nam cũng mới chỉ chiếm khoảng 6%.

Chủ động nguồn gỗ nguyên liệu

Việt Nam đứng đầu Đông Nam Á về xuất khẩu gỗ

Với kim ngạch xuất khẩu gỗ và lâm sản đạt gần 16 tỷ USD trong năm 2021, Việt Nam hiện đang đứng đầu Đông Nam Á, đứng thứ 2 châu Á và thứ 4 trên thế giới về xuất khẩu gỗ và lâm sản. Riêng về xuất khẩu đồ nội thất bằng gỗ, Việt Nam đang đứng đầu Đông Nam Á, đứng thứ 2 châu Á và đứng thứ năm thế giới.

Những tín hiệu tích cực từ thị trường cho thấy, trong năm 2022, ngành gỗ sẽ tiếp tục tăng trưởng tốt, vượt mục tiêu đề ra và tiến gần hơn tới mốc 20 tỷ USD. Tuy nhiên, để đạt mục tiêu này, các chuyên gia nhận định, các doanh nghiệp cần chủ động nguồn cung gỗ nguyên liệu trong bối cảnh giá gỗ nguyên liệu NK tăng cao. Đây là yếu tố quan trọng hàng đầu để các doanh nghiệp duy trì được sản xuất ổn định, đáp ứng kịp thời các đơn hàng XK.

Theo Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam, để chủ động hơn về gỗ nguyên liệu, một giải pháp mà các doanh nghiệp cần tính tới là gia tăng sử dụng gỗ trong nước nhằm giảm phụ thuộc gỗ NK. Thực tế trong năm 2021 cho thấy, trong khi các doanh nghiệp có các đơn hàng sử dụng gỗ trong nước như keo, tràm, cao su… có lợi nhuận tốt thì các doanh nghiệp có các đơn hàng sử dụng gỗ NK lại giảm mạnh về lợi nhuận do giá gỗ NK tăng cao.

Vì vậy, nguồn gỗ rừng trồng trong nước đã được kỳ vọng là một trong những nguồn cung quan trọng để thay thế nguồn cung NK. Vấn đề cấp bách hiện nay là tạo nguồn gỗ nguyên liệu trong nước, có chất lượng cao phục vụ tiêu dùng nội địa và chế biến XK sẽ trực tiếp góp phần thúc đẩy ngành phát triển bền vững trong tương lai.

Tuy nhiên cho đến nay vẫn còn rất nhiều hạn chế để tạo ra nguồn cung gỗ rừng trong trong nước có chất lượng. Phần lớn gỗ rừng trồng của Việt Nam là gỗ nhỏ, với 60-70% được đưa vào làm dăm gỗ và viên nén. Lượng gỗ lớn, đặc biệt là gỗ có chứng chỉ quản lý rừng bền vững FSC vẫn rất hạn chế.

Nhằm giải quyết bài toán tạo nguồn gỗ nguyên liệu trong nước, ông Tô Xuân Phúc - chuyên gia về lâm nghiệp và thương mại gỗ tại Việt Nam thuộc Tổ chức Forest Trends cho rằng, các cơ chế, chính sách về liên kết chuỗi và về đất đai cần có những thay đổi mang tính đột phá.

Cụ thể, liên kết chuỗi, đặc biệt liên kết giữa doanh nghiệp chế biến gỗ và hộ trồng rừng, giữa doanh nghiệp chế biến và công ty lâm nghiệp, giữa doanh nghiệp chế biến và doanh nghiệp nước ngoài theo hình thức đầu tư chất lượng cao, theo chuỗi sản xuất có tiềm năng trong việc tạo các bước phát triển đột phá trong ngành chế biến nói riêng và ngành lâm nghiệp nói chung. Các chính sách về đất đai, liên kết hợp tác kinh doanh trong ngành cần thay đổi, theo hướng tạo môi trường thúc đẩy hình thành liên kết, cởi trói và giải phóng tiềm năng về đất đai thông qua các mô hình liên kết. Cùng với đó, siết chặt kiểm soát gỗ rủi ro nhập khẩu, quản lý và minh bạch hóa thị trường nội địa sẽ giúp giảm lượng cung gỗ rủi ro nhập khẩu, từ đó tạo cơ hội cho các nguồn gỗ rừng trồng trong nước, bao gồm cả gỗ tạo ra bởi các mô hình liên kết phát triển...

“Các cơ chế chính sách này sẽ tạo ra động lực nhằm giúp ngành giảm phụ thuộc vào nguồn nguyên liệu nhập khẩu, bao gồm cả nguồn gỗ rủi ro, giúp nâng hình ảnh và vị thế ngành gỗ Việt trên trường quốc tế. Các giải pháp này cũng trực tiếp thúc đẩy mở rộng các diện tích rừng chất lượng cao tại Việt Nam trong tương lai.” – ông Tô Xuân Phúc nhấn mạnh.

Giá gỗ nguyên liệu tăng mạnh

Theo nhóm nghiên cứu của các hiệp hội gỗ Việt Nam và Tổ chức Forest Trends, dịch Covid-19 tác động không nhỏ tới nguồn cung gỗ nguyên liệu trên thế giới vì đã làm hạn chế việc khai thác gỗ ở nhiều quốc gia. Những dấu hiệu thiếu hụt gỗ nguyên liệu đã xuất hiện từ cuối năm 2021, đang dẫn tới việc giá gỗ nguyên liệu sẽ tiếp tục tăng cao ngay từ đầu năm 2022.

Cụ thể, bên cạnh giá cước vận chuyển tăng, đại dịch với các hoạt động giãn cách cũng tạo ra sự khan hiếm nguồn cung gỗ tại một số quốc gia cung gỗ chính cho Việt Nam, đặc biệt là đối với các nguồn cung rủi ro thấp như Mỹ và các nước châu Âu. Các gói kích cầu và nguồn vay lãi suất thấp tại các quốc gia này làm bùng nổ nhu cầu xây dựng có sử dụng gỗ nguyên liệu tại đây. Nguồn gỗ XK càng trở nên khan hiếm, đẩy giá gỗ nguyên liệu tăng cao. Hiện nay, nhiều nhà cung đang chào bán gỗ cho các doanh nghiệp Việt Nam với mức giá cao hơn rất nhiều so với trước đó.

Một công ty chuyên làm đồ gỗ ngoài trời tại Quy Nhơn cho biết hiện đang có doanh nghiệp chào gỗ nhập khẩu với mức giá 215 USD/m3 gỗ bạch đàn xẻ, trong khi mức giá cao nhất trước đo mà công ty mua chỉ là 172-175 USD/m3. Một doanh nghiệp khác tại đây cho biết có những lô gỗ bạch đàn nhập về cảng giá đã lên tới 300 USD/m3, mức cao nhất trong lịch sử. Giá gỗ nguyên liệu nhập khẩu cao trong khi giá sản phẩm đầu ra không đổi làm cho lợi nhuận của doanh nghiệp giảm mạnh. Một doanh nghiệp tại Bình Dương chia sẻ giá gỗ nhập khẩu cùng với cước phí vận chuyển tăng cao làm lợi nhuận của doanh nghiệp giảm từ 7-8% xuống còn 3-4%, một số dòng hàng hòa vốn.

Giá cước vận chuyển và giá gỗ tăng làm cho ngành gỗ Việt Nam giảm lợi thế cạnh tranh trên trường quốc tế. Mặc khác, do thiếu container rỗng, thời gian vận chuyển bây giờ kéo dài hơn 4-5 lần so với trước thời điểm dịch. Điều này làm nhiều doanh nghiệp không chủ động được nguồn gỗ nguyên liệu đầu vào và trực tiếp ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất kinh doanh và kế hoạch giao hàng.

Nguồn Thời báo Tài chính: https://thoibaotaichinhvietnam.vn/chu-dong-nguyen-lieu-dau-vao-yeu-to-song-con-cua-nganh-go-xuat-khau-100660.html