Chủ động nguồn kinh phí trong bảo vệ đê điều

Hệ thống đê điều trên địa bàn tỉnh từng bước được đầu tư xây dựng, nâng cấp cơ bản hoàn thiện, góp phần quan trọng phục vụ phát triển KT-XH địa phương, trong đó phục vụ sản xuất, bảo vệ tính mạng, tài sản, cơ sở hạ tầng của Nhà nước và Nhân dân, kết hợp mục đích giao thông phục vụ nhu cầu dân sinh, công tác cứu hộ, cứu nạn trong mùa mưa bão; tạo điều kiện thuận lợi góp phần hoàn thành các tiêu chí về thủy lợi, giao thông trong xây dựng nông thôn mới.

Gia cố đê bao vùng trũng Hải Lăng - Ảnh: LÊ AN

Gia cố đê bao vùng trũng Hải Lăng - Ảnh: LÊ AN

Tuy nhiên, qua quá trình khai thác, hệ thống đê điều bị xuống cấp, cùng với sự tác động của thiên tai càng làm cho tình trạng hư hỏng trầm trọng hơn, ảnh hưởng đến khả năng phục vụ của công trình. Hằng năm, nguồn vốn của trung ương có đầu tư cho việc tu sửa các công trình đê điều, nhưng do tình hình sạt lở ở các công trình diễn ra nhanh nên việc sửa chữa, xử lý cấp bách sự cố đê điều phải sử dụng thêm ngân sách địa phương.

Tính đến nay, toàn tỉnh có hệ thống đê điều tổng chiều dài 181,45 km, trong đó đê biển 11,17 km; đê cửa sông 57,43 km; đê bao 58,15 km và đê chuyên dụng 54,7 km. Trong những năm qua, việc duy tu, bảo dưỡng hệ thống đê điều trên địa bàn tỉnh chủ yếu kết hợp trong các dự án sửa chữa, nâng cấp các tuyến đê sử dụng nguồn ngân sách trung ương hỗ trợ với tổng chiều dài hơn 150,68 km, tập trung chủ yếu ở tuyến đê biển Vĩnh Thái; đê cửa sông Bến Hải và sông Thạch Hãn; đê cát ở Hải Lăng, Triệu Phong, Gio Linh.

Nguồn ngân sách tỉnh chủ yếu để khắc phục tạm thời các sự cố khẩn cấp và mất nhiều thời gian để phê duyệt kinh phí phân bổ, trong khi còn nhiều tuyến đê cần duy tu, bảo dưỡng trong mùa mưa bão. Vì vậy, công tác duy tu, bảo dưỡng và xử lý sự cố đê điều còn bị động, hiệu quả kinh phí đầu tư chưa cao, trong khi chiều dài các tuyến đê khá lớn.

Nhằm chủ động trong công tác sửa chữa, khắc phục kịp thời hư hỏng, sự cố đê điều, đảm bảo an toàn phục vụ sản xuất, an toàn tính mạng và tài sản của Nhà nước và Nhân dân, tỉnh bố trí ngân sách hằng năm để thực hiện duy tu, bảo dưỡng, xử lý cấp bách sự cố đê điều là nhiệm vụ rất cần thiết và đảm bảo đúng pháp luật.

Do đó, UBND tỉnh đã có tờ trình HĐND tỉnh ban hành Nghị quyết phê duyệt nội dung, nhiệm vụ chi duy tu, bảo dưỡng, xử lý cấp bách sự cố đê điều hệ thống đê điều do địa phương quản lý trên địa bàn tỉnh Quảng Trị tại kỳ họp HĐND tỉnh cuối năm 2023.

Nội dung chi duy tu, bảo dưỡng, xử lý cấp bách sự cố đê điều được trình quy định trong nghị quyết là bước cụ thể hóa các quy định pháp luật về phòng, chống thiên tai, đê điều và Thông tư số 68/2020/TT-BTC ngày 15/7/2020 của Bộ Tài chính về quy định quản lý, sử dụng và thanh, quyết toán kinh phí chi thường xuyên thực hiện duy tu, bảo dưỡng đê điều và xử lý cấp bách sự cố đê điều, nhằm đảm bảo và chủ động nguồn tài chính trong công tác này trên địa bàn tỉnh quản lý để phục vụ phát triển KTXH của tỉnh.

Đây cũng là cơ sở pháp lý để xây dựng kế hoạch duy tu, bảo dưỡng và xử lý sự cố cấp bách về đê điều hằng năm để cân đối ngân sách địa phương phù hợp trình cấp có thẩm quyền xem xét để triển khai thực hiện.

Theo đó, hằng năm, ngân sách tỉnh chi vào việc cải tạo, sửa chữa, gia cố mặt đê; đường gom, đường hành lang chân đê, dốc lên xuống đê trong phạm vi bảo vệ đê điều; sửa chữa và trồng cỏ mái đê; cơ đê, chân đê và mái kè; đắp đất, trồng cây chắn sóng; khảo sát, phát hiện, xử lý mối và các ẩn họa trong chân đê, khoan vụt vữa gia cố chất lượng thân đê; kiểm tra, đánh giá chất lượng cống dưới đê, xử lý các hư hỏng nhỏ, nạo vét dưới cống đê.

Kiểm tra hiện trạng kè bảo vệ đê, tu sửa các hư hỏng ở kè; bổ sung, sửa chữa các công trình phục vụ việc quản lý, bảo vệ đê điều; cột mốc, cột chỉ giới, cột thủy chí, thiết bị quan trắc, bãi chứa vật tư phòng, chống thiên tai. Khi sự cố đê điều xảy ra, việc chủ động ngân sách cũng tạo điều kiện chi cho các đơn vị làm nhiệm vụ xử lý sạt, trượt mái đê, mái kè, nứt đê, sập tổ mối, sụt, lún thân đê; xử lý đoạn bờ sông bị sạt trượt có nguy cơ ảnh hưởng đến an toàn đê điều; xử lý rò rỉ, thấm, lỗ sủi, mạch sủi, mạch đùn, bục đất, giếng phụt, nước lũ tràn đỉnh đê, hàn khẩu đê, các sự cố hư hỏng cống qua đê...

Các nội dung về duy tu, bảo dưỡng và xử lý sự cố đê điều mà UBND tỉnh trình HĐND tỉnh tại kỳ họp sắp tới được xây dựng trên cơ sở bám sát thực trạng đê điều trên địa bàn tỉnh và khả năng cân đối bố trí ngân sách của địa phương, tạo điều kiện thuận lợi cho các cơ quan, đơn vị, tổ chức, cá nhân có liên quan chủ động trong công tác xây dựng kế hoạch và tổ chức duy tu, bảo dưỡng, xử lý sự cố cấp bách đê điều nhằm đảm bảo an toàn cho hệ thống đê điều phục vụ sản xuất, an toàn tính mạng và tài sản cho Nhà nước và Nhân dân.

Trần Cát Linh

Nguồn Quảng Trị: http://www.baoquangtri.vn/kinh-te/chu-dong-nguon-kinh-phi-trong-bao-ve-de-dieu/181597.htm