Chủ động chăm sóc sức khỏe nhân dân

Covid-19 đã chính thức được 'hạ cấp' thành bệnh truyền nhiễm nhóm B, nhưng rõ ràng ba năm 'chiến đấu' với đại dịch này đã để lại nhiều bài học kinh nghiệm quý.

Sử dụng robot phẫu thuật cho người bệnh ung thư đường tiêu hóa tại Bệnh viện K. (Ảnh HÀ THÁI)

Mặt khác cũng cho thấy, để hoàn thành tốt công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân, ngành y tế cần chủ động hơn nữa, cũng như cần sự hỗ trợ, chung tay của các ngành, các cấp trong xử lý các vấn đề, thách thức mới.

Ngày 19/10/2023 đánh dấu bước chuyển trong cuộc chiến với dịch Covid-19 khi Bộ Y tế ban hành Quyết định về việc điều chỉnh bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của vi-rút Corona gây ra (Covid-19) từ bệnh truyền nhiễm nhóm A sang bệnh truyền nhiễm nhóm B của Luật Phòng, chống bệnh truyền nhiễm năm 2007.

Cần chống dịch từ sớm, từ xa

Thực tiễn phòng chống dịch Covid-19 để lại nhiều bài học kinh nghiệm quý cho ngành y tế về chỉ đạo, điều hành, nhất là trong công tác chăm sóc, bảo vệ sức khỏe nhân dân nói chung và công tác phòng chống dịch nói riêng.

Đó là sự lãnh đạo, chỉ đạo tập trung, đồng bộ, thống nhất từ Trung ương đến địa phương; huy động sự tham gia của cả hệ thống chính trị và phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc để huy động nguồn lực trong nước và nước ngoài, nguồn lực của nhân dân và xã hội với mục tiêu đặt lợi ích, tính mạng và sức khỏe của nhân dân lên trên hết, trước hết; lấy người dân là trung tâm, là chủ thể.

Sự phối hợp chặt chẽ, đồng bộ, nhịp nhàng, hiệu quả giữa các cơ quan; giữa các địa phương; giữa ngành y tế, công an, quân đội và các ngành liên quan được xác định là yếu tố quyết định trong phòng chống dịch và bảo đảm an sinh, an ninh, an toàn trật tự xã hội.

Những bài học kinh nghiệm rút ra còn là việc chủ động triển khai các biện pháp chống dịch từ sớm, từ xa, từ cơ sở; kiên định, nhất quán với biện pháp chống dịch theo diễn biến từng giai đoạn đồng thời linh hoạt, điều chỉnh phù hợp khi tình hình thay đổi; bám sát thực tiễn, nắm chắc tình hình, làm tốt công tác dự báo, căn cứ dữ liệu khoa học để đưa ra các biện pháp phù hợp, kịp thời, hiệu quả; sẵn sàng về mọi mặt và có phương án, kịch bản khoa học bảo đảm ứng phó hiệu quả với mọi tình huống, không để bị động, bất ngờ.

Tổ chức thực hiện quyết liệt, đồng bộ, linh hoạt, phù hợp, sát thực tiễn cũng đóng vai trò rất quan trọng gắn với xác định trách nhiệm người đứng đầu, phát huy tính chủ động, sáng tạo của các cấp, nhất là cấp cơ sở gắn với đặc thù ngành, lĩnh vực, địa bàn; thực hiện phân cấp, phân quyền.

Thực tế cho thấy, việc triển khai các biện pháp chống dịch đều bắt đầu từ cơ sở, do vậy, nâng cao năng lực hệ thống y tế, y tế dự phòng, y tế cơ sở là rất cần thiết để bảo đảm đáp ứng yêu cầu khi xuất hiện tình huống khẩn cấp về dịch bệnh. Mặt khác, phải luôn chuẩn bị sẵn sàng các phương án đáp ứng nhu cầu về dịch vụ y tế của người dân từ sớm, từ xa, ngay tại cơ sở.

Việc thực hiện đồng bộ các biện pháp phòng chống dịch cần được gắn với bảo đảm an sinh xã hội và phát triển kinh tế; đồng thời thực hiện các giải pháp an ninh, an toàn trật tự xã hội trong tình huống dịch bệnh bùng phát. Với tình huống dịch mới xuất hiện và lây lan nhanh thì rất cần chủ động cũng như tăng cường hợp tác quốc tế, ngoại giao y tế với các quốc gia, tổ chức quốc tế để chia sẻ thông tin, vận động hỗ trợ nguồn lực, kinh nghiệm phòng chống đại dịch và nâng cao uy tín trên trường quốc tế.

Trong quá trình triển khai các biện pháp chống dịch Covid-19, một số mô hình, chương trình, phong trào cụ thể đã phát huy hiệu quả, góp phần vào việc đẩy lùi và kiểm soát hiệu quả dịch bệnh. Các mô hình này hoàn toàn có thể áp dụng trong các tình huống tương tự.

Trước tiên phải kể đến mô hình “Tổ Covid cộng đồng”, đây là một trong những giải pháp phát huy sức mạnh toàn dân, hoạt động với nòng cốt là các tổ chức chính trị-xã hội, đoàn thể tại cộng đồng, người tình nguyện tại khu dân cư, được tổ chức, quản lý bởi chính quyền địa phương và thực hiện theo các hướng dẫn về chuyên môn kỹ thuật của ngành y tế. Với phương châm “đi từng ngõ, gõ từng nhà, rà từng người”, Tổ Covid cộng đồng đã kịp thời phát hiện những trường hợp nghi ngờ mắc bệnh, người đi về từ vùng dịch, người tiếp xúc với trường hợp mắc bệnh, người có biểu hiện mắc bệnh… và báo cáo kịp thời cho chính quyền địa phương, cơ quan y tế để xác minh, sàng lọc, truy vết, xử lý kịp thời mầm bệnh, hạn chế lây lan rộng trong cộng đồng.

Tổ Covid cộng đồng cũng thực hiện tốt công tác tuyên truyền, vận động người dân thực hiện các quy định về phòng chống dịch như thực hiện 5K, tham gia tiêm chủng vắc-xin; hỗ trợ trạm y tế lưu động trong việc quản lý và điều trị F0 tại nhà…

Việc thành lập các trạm y tế lưu động đóng vai trò quan trọng, giúp cho người mắc Covid-19 được tiếp cận dịch vụ y tế một cách nhanh nhất, sớm nhất, ngay từ cơ sở nhằm phát hiện các dấu hiệu chuyển nặng, hỗ trợ ô-xi, cung cấp thuốc điều trị và chuyển tuyến kịp thời, hạn chế đến mức thấp nhất tử vong. Các trạm y tế lưu động cũng thực hiện khám bệnh, sơ cấp cứu các bệnh thông thường khác, giúp người dân trong vùng dịch vẫn được kịp thời tiếp cận các dịch vụ chăm sóc sức khỏe.

Trạm y tế lưu động đã phát huy hiệu quả trong chăm sóc điều trị bệnh nhân Covid-19 tại nhà, góp phần giảm tỷ lệ chuyển nặng và tử vong. Bên cạnh đó cũng phải kể đến mô hình “Tháp 3 tầng” trong phân tầng điều trị Covid-19 được triển khai trong bối cảnh các cơ sở điều trị và bệnh viện dã chiến bị quá tải. Mô hình này được triển khai đầu tiên tại Bắc Giang, sau đó tiếp tục được triển khai hiệu quả tại Thành phố Hồ Chí Minh, Bình Dương…

Trong bối cảnh thực hiện những quy định về giãn cách xã hội, hạn chế tiếp xúc thì hỗ trợ tư vấn từ xa là mô hình hay, đem lại hiệu quả. Thông qua các hình thức như đường dây nóng, tổng đài 1800, 1900, mạng lưới Thầy thuốc đồng hành, người nhiễm Covid-19 được hỗ trợ tiếp cận với các thông tin chăm sóc sức khỏe, hỗ trợ điều trị, chuyển tuyến, tiếp cận với dịch vụ y tế sớm, kịp thời…

Hiện nay dịch bệnh truyền nhiễm trên thế giới vẫn luôn diễn biến phức tạp, khó lường; có xu hướng tăng tần suất và xuất hiện nguy cơ lây nhiễm các biến thể mới, các dịch bệnh mới nổi. Tại nhiều nước, tiếp tục ghi nhận các trường hợp mắc, tử vong do các bệnh lây truyền từ động vật sang người, các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm, mới nổi. Trong khi đó, Việt Nam nằm trong khu vực khí hậu nhiệt đới gió mùa, nóng ẩm, mưa nhiều cùng với nhu cầu giao thương, du lịch ngày càng tăng cao nên nguy cơ đối mặt sự lây lan của nhiều loại dịch bệnh khác nhau là rất lớn.

Do vậy, cần luôn chủ động phòng bệnh từ sớm, từ xa; chuẩn bị sẵn sàng các phương án ứng phó với các đại dịch hoặc các tình huống khẩn cấp về dịch bệnh trong tương lai. Bộ Y tế cũng như các bộ, ngành, địa phương cần tập trung tổ chức triển khai các nhiệm vụ, giải pháp theo chỉ đạo của Trung ương, Quốc hội, Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ; đồng thời chủ động tiếp cận an ninh y tế toàn cầu trong phòng chống dịch để thông tin, chia sẻ kinh nghiệm thông qua các cơ chế hợp tác song phương, đa phương trên cơ sở phối hợp liên ngành, đa lĩnh vực.

Bộ Y tế cũng đã kêu gọi cộng đồng nâng cao ý thức cũng như tích cực tham gia các hoạt động phòng chống dịch bệnh. Mặt khác cũng đề nghị Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố quan tâm, chỉ đạo chính quyền các cấp nâng cao vai trò, trách nhiệm trong công tác phòng chống dịch bệnh; chuẩn bị sẵn sàng các phương án ứng phó các dịch bệnh phù hợp; ưu tiên củng cố, nâng cao năng lực của hệ thống phòng chống dịch các tuyến, nhất là tại các vùng khó khăn…

Phối hợp đa ngành trong giải quyết thách thức mới

Sau dịch Covid-19, cũng như nhiều nước trên thế giới, lĩnh vực y tế ở nước ta đã bộc lộ nhiều bất cập, vướng mắc, từ thiếu cơ chế, chính sách đến làn sóng nghỉ việc của đội ngũ nhân lực y tế…, đặc biệt là tình trạng thiếu thuốc, trang thiết bị vật tư y tế xảy ra ở nhiều cơ sở y tế.

Thực tế đó đòi hỏi toàn ngành, nhất là những bộ phận liên quan tập trung cao nhất để giải quyết những khó khăn, vướng mắc của ngành trước mắt cũng như định hướng lâu dài.

Giải quyết bài toán thiếu thuốc, vật tư y tế đó, toàn ngành đã dành sự ưu tiên hàng đầu cho công tác xây dựng, hoàn thiện thể chế, chiến lược trong lĩnh vực y tế để tạo hành lang pháp lý bảo đảm cho công tác khám, chữa bệnh phục vụ người dân cũng như thực hiện chức năng quản lý nhà nước trong lĩnh vực y tế; tập trung nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh ở các cấp; tập trung giải quyết các vấn đề tồn đọng của ngành.

Theo báo cáo của Bộ Y tế, việc này xảy ra do nhiều nguyên nhân, trong đó nguồn cung nguyên liệu khan hiếm, vấn đề biến động giá cả trên quy mô toàn cầu, vấn đề lạm phát, khủng hoảng năng lượng, ảnh hưởng xung đột quân sự… làm tăng cao chi phí đầu vào của việc sản xuất dược phẩm. Giá thành sản phẩm tăng cao, chuỗi cung ứng gián đoạn, thiếu động lực khuyến khích các nhà sản xuất, sản xuất các loại thuốc mang lại ít lợi nhuận hơn.

Về nguyên nhân chủ quan, đó là hệ thống văn bản pháp luật liên quan còn bất cập; việc tổ chức thực hiện mua sắm đấu thầu còn vướng mắc; công tác phối hợp giữa các đơn vị trong quá trình triển khai thực hiện chưa kịp thời; đặc biệt có tâm lý e ngại, sợ sai ở một số cá nhân, đơn vị, địa phương.

Với tinh thần bảo vệ, chăm sóc sức khỏe nhân dân là trên hết, trước hết, Bộ Y tế cùng các bộ, ngành đã trình Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ nhiều giải pháp để tháo gỡ khó khăn liên quan đến mua sắm, đấu thầu thuốc, vật tư y tế.

Chính phủ đã trình Quốc hội sửa đổi, bổ sung các luật về đấu thầu, giá, khám bệnh, chữa bệnh và các nghị quyết cho phép gia hạn giấy đăng ký lưu hành đối với thuốc hết hiệu lực lưu hành; ban hành nghị quyết về bảo đảm thuốc, trang thiết bị y tế; chỉ đạo tháo gỡ vướng mắc trong hoạt động đấu thầu, mua sắm thuốc và thanh toán bảo hiểm y tế. Cụ thể như sửa đổi Luật Đấu thầu, Luật Giá, Luật Khám, chữa bệnh; Nghị quyết số 80, Nghị quyết số 99 của Quốc hội; Nghị quyết số 30, Nghị định số 07, Nghị định số 75 của Chính phủ…

Để bảo đảm nguồn cung thuốc, thiết bị y tế trên thị trường, Bộ Y tế tập trung đẩy nhanh tiến độ cấp, gia hạn thuốc, đăng ký lưu hành thuốc và thiết bị y tế. Đến hết năm 2023, tổng số thuốc, nguyên liệu làm thuốc còn hiệu lực là 22 nghìn và hơn 100 nghìn chủng loại trang thiết bị y tế.

Bộ cũng chỉ đạo các doanh nghiệp tìm nguồn cung, đẩy mạnh cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục hành chính; thực hiện phân cấp toàn diện việc phê duyệt thẩm quyền quyết định mua sắm, kế hoạch lựa chọn nhà thầu cho các đơn vị y tế trực thuộc bộ; đẩy nhanh tiến độ mua sắm thuốc, đấu thầu tập trung quốc gia; tăng cường công bố thông tin phục vụ đấu thầu; rà soát các vướng mắc liên quan đến việc bảo đảm thuốc, trang thiết bị y tế để giải quyết theo thẩm quyền.

Nhờ triển khai đồng bộ các giải pháp, đến cuối năm 2023, tình trạng thiếu thuốc, trang thiết bị, vật tư y tế từng bước được khắc phục, trong đó bảo đảm đủ các loại thuốc thiết yếu, phổ biến; các bệnh viện đã có hành lang pháp lý, hướng dẫn cụ thể đang đẩy nhanh quy trình đấu thầu, mua sắm thuốc, trang thiết bị, vật tư y tế để phục vụ công tác khám, chữa bệnh cho người dân.

Có những đơn vị trước đây rất khó khăn nhưng nay đã thực hiện đấu thầu bảo đảm cơ bản cho công tác khám chữa bệnh. Đối với các bệnh hiếm gặp, Bộ Y tế đã trình cấp có thẩm quyền cơ chế để tháo gỡ trong vấn đề bảo đảm nguồn cung thuốc hiếm, nhất là cơ chế tài chính để thực hiện mua sắm thuốc hiếm.

Theo đánh giá, Luật Đấu thầu (sửa đổi) có hiệu lực từ ngày 1/1/2024 sẽ giải quyết, tháo gỡ nhiều vấn đề vướng mắc về bảo đảm nguồn cung và việc thực hiện mua sắm thuốc, trang thiết bị y tế. Luật Đấu thầu (sửa đổi) đã bổ sung hàng loạt nội dung liên quan đến ngành y tế, trong đó dành riêng chương 5 cho việc đấu thầu thuốc, trang thiết bị, vật tư y tế. Cùng với các nghị định, thông tư hướng dẫn thì chắc chắn việc đấu thầu trong lĩnh vực y tế sẽ hiệu quả hơn.

Bộ Y tế cũng sẽ tiếp tục phối hợp các bộ, ngành liên quan xây dựng, trình cấp có thẩm quyền ban hành các hành lang pháp lý để giải quyết các vấn đề thiếu thuốc, trang thiết bị, vật tư y tế một cách căn cơ, có hệ thống.

Nguồn:https://nhandan.vn/chu-dong-cham-soc-suc-khoe-nhan-dan-post791034.html

Theo nhandan.vn

Nguồn Lạng Sơn: https://baolangson.vn/xa-hoi/635741-chu-dong-cham-soc-suc-khoe-nhan-dan.html