Chủ động bám nắm địa bàn, tích cực hỗ trợ nhân dân ứng phó với thiên tai

Xã A Ngo và A Bung thuộc huyện Đakrông là địa bàn xung yếu có nguy cơ cao xảy ra sạt lở, lũ quét mỗi khi có mưa bão. Trong nhiều năm qua, chính quyền địa phương và các lực lượng chức năng, trong đó có BĐBP đứng chân trên địa bàn đã tích cực, chủ động bám nắm tình hình, kịp thời hỗ trợ người dân ứng phó và giảm thiểu thiệt hại do mưa bão gây ra.

Cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng cửa khẩu quốc tế La Lay chốt chặn, tuyên truyền cho nhân dân không qua lại khu vực nước chảy xiết tại cầu tràn thôn La Hót, xã A Bung, huyện Đakrông, tỉnh Quảng Trị. Ảnh: Đình Tiến

Những ngày cuối tháng 10/2023, các đợt mưa lớn kéo dài nhiều ngày đã làm mực nước trên dòng suối Khe Xay ở thôn A Đeng, xã A Ngo dâng cao và chảy xiết hơn. Ngôi nhà sàn nhỏ, đơn sơ là nơi sinh sống của gia đình ông Hồ Văn Riêng (65 tuổi) nằm gần dòng suối này từ hàng chục năm qua. Ông Riêng kể, thời tiết diễn biến bất thường, mưa bão ngày càng khó lường nên gia đình ông luôn cảm thấy bất an.

“Nước lũ về đỏ quạch, thường chảy nhanh và mạnh lắm, chẳng ai dám ra suối vào ngày mưa bão như trước đây. Mỗi khi mực nước dâng cao, gia đình tôi kê cao đồ đạc, chằng chéo lại nhà rồi tìm cách đi lên nhà cộng đồng hoặc các nhà khác cao hơn trong thôn để xin tránh lũ. Lũ rút, chúng tôi lại về, như vậy cho yên tâm” - ông Riêng cho biết.

Lời chia sẻ đó của ông Riêng cho thấy sự thay đổi lớn về nhận thức của người dân nơi đây đối với vấn đề phòng, chống thiên tai. Có được sự thay đổi tích cực đó là nhờ sự tuyên truyền, vận động của chính quyền địa phương và lực lượng BĐBP đóng quân trên địa bàn. “Trước đây, nhiều gia đình ở gần sông, suối vào mùa lũ, cứ nước ngập tới nhà mới chịu di chuyển đi nơi khác. Do đó, thóc lúa, tài sản trong nhà đều bị thiệt hại. Nhiều người còn liều lĩnh ra sông, suối bắt cá, vớt củi hay vượt ngầm tràn để đi lại. Vì thế, đã có nhiều vụ việc đáng tiếc xảy ra. Những năm gần đây, được sự vận động của BĐBP, cán bộ thôn, xã nên dân bản chúng tôi nhận thức rõ việc phòng, chống thiên tai là hết sức cần thiết” - ông Riêng bộc bạch.

Cũng như mọi năm, đợt này, gia đình ông Riêng và nhiều hộ dân khác sống gần khu vực sông, suối đã được BĐBP đến tuyên truyền, vận động ứng phó với tình hình mưa lũ. Bởi lẽ, mưa lớn kéo dài trên địa bàn huyện Đakrông trong thời gian qua khiến nguy cơ xảy ra sạt lở cao. Huyện Đakrông hiện có 11 xã nằm trong khu vực có nguy cơ cao chịu ảnh hưởng của sạt lở đất. Từ giữa tháng 10 đến nay, mưa lớn đã gây sạt lở hàng nghìn mét khối đất đá trên các tuyến đường vào trung tâm các xã, đường nội thôn; nhiều ngầm tràn ở huyện Đakrông bị ngập sâu gây chia cắt giao thông...

Trước tình hình mưa lũ diễn biến phức tạp, chính quyền các địa phương, các lực lượng chức năng đã tăng cường kiểm tra, rà soát các khu vực ven sông, suối, khu vực thấp trũng, có nguy cơ cao xảy ra ngập lụt, lũ quét, sạt lở đất. Đồng thời, bố trí lực lượng canh gác, chốt chặn, nghiêm cấm người và phương tiện đi lại các khu vực nguy cơ bị sạt lở; sẵn sàng lực lượng, vật tư, phương tiện để khắc phục sự cố, đảm bảo giao thông thông suốt trên các trục giao thông.

Thiếu tá Nguyễn Thế Cường, Phó Đồn trưởng Đồn Biên phòng cửa khẩu quốc tế La Lay, BĐBP Quảng Trị cho biết: “Thực hiện các công điện chỉ đạo của Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh, đơn vị đã chuẩn bị sẵn sàng các vật chất, trang thiết bị, lương thực, thực phẩm đảm bảo cho quá trình thực hiện nhiệm vụ. Đồng thời, tích cực nắm bắt các thông tin, triển khai cán bộ về địa bàn phối hợp với chính quyền địa phương tuyên truyền, vận động, giúp đỡ người dân thực hiện tốt các phương án ứng phó với thiên tai.

Đặc biệt, Đồn Biên phòng cửa khẩu quốc tế La Lay hỗ trợ các gia đình có điều kiện khó khăn ở các khu vực, địa điểm có nguy cơ sạt lở, sụt lún, dễ xảy ra lũ quét. Đơn vị cũng tổ chức một đội cơ động sẵn sàng phối hợp với Công an, dân quân xã chốt chặn tại các vị trí xảy ra ngập lụt như với phương châm chủ động phòng, chống, hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại có thể xảy ra”.

Cùng với lực lượng BĐBP, chính quyền các địa phương cũng đã tập trung triển khai nhiều biện pháp ứng phó kịp thời nhằm bảo đảm an toàn tính mạng, tài sản của người dân. Các địa phương bố trí các điểm sơ tán dân đảm bảo an toàn và chủ động lên phương án sơ tán dân ra khỏi các khu vực nguy hiểm, nhất là khu vực có nguy cơ xảy ra sạt lở đất.

Ông Hồ Tất Huấn, Chủ tịch UBND xã A Ngo cho biết: “Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn xã đã tổ chức họp triển khai đến các đoàn thể, các thôn sẵn sàng ứng phó với thiên tai. Chúng tôi đã chuẩn bị barie ở các ngầm tràn để kịp thời ngăn chặn người dân qua lại khi nước dâng cao. Ở các khu vực có nguy cơ sạt lở cao, chính quyền xã cũng chuẩn bị các phương án về địa điểm sơ tán dân, lương thực, thực phẩm nhằm đảm bảo an toàn cho người dân và không để xảy ra tình trạng người dân đói, rét do ảnh hưởng của mưa lũ”.

Đình Tiến

Nguồn Biên Phòng: https://bienphong.com.vn/chu-dong-bam-nam-dia-ban-tich-cuc-ho-tro-nhan-dan-ung-pho-voi-thien-tai-post469281.html