Chữ cái Hy Lạp thành tâm điểm thế giới theo cách không ai muốn

Sự lan rộng của những biến chủng Covid-19 cùng với cách đặt tên đã khiến cả thế giới chú ý tới bảng chữ cái Hy Lạp theo cách mà không ai có thể dự đoán.

Omicron là chữ cái thứ 15 trong bảng chữ cái Hy Lạp suốt 2.500 năm nhưng không mấy ai biết tới. Tuy nhiên, chỉ trong 2 tuần qua, chữ cái này đã vượt qua giới hạn của những cuốn sách triết học, vượt qua khuôn khổ của 13 triệu người nói tiếng Hy Lạp để xuất hiện trên các bản tin và phương tiện truyền thông trên toàn cầu.

Bảng chữ cái Hy Lạp, tuyệt tác văn hóa có lịch sử hàng nghìn năm, không cần đến sự nổi tiếng bất thường như vừa qua. Dẫu vậy, từng chữ cái Hy Lạp được đặt cho những biến chủng của Covid-19 giờ đây được khắc sâu trong tiềm thức của cả nhân loại.

Những chữ cái từng được sử dụng bởi các triết gia vĩ đại như Plato hay Aristotle giờ được biến thành biểu tượng của một đại dịch toàn cầu. Tuy nhiên, việc biết được sự khác biệt giữa Delta và Omicron trong bảng chữ cái có thể là chìa khóa để chúng ta biết được thế giới đã sắp thoát khỏi đại dịch Covid-19 hay vẫn đang chìm ngập trong đó.

Hàng loạt biến chủng Covid-19 mới xuất hiện gây tâm lý hoang mang cho nhiều người.

"Đây không phải cách tôi muốn học bảng chữ cái Hy Lạp", bà Isla McKetta, 43 tuổi, một cư dân tại thành phố Seattle, Mỹ viết trên mạng xã hội Twitter sau khi chữ cái Omicron được Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) sử dụng để đặt tên cho một biến chủng đáng lo ngại mới.

Lời nhắn của bà McKetta nhận được hơn 14.000 lượt chia sẻ trên Twitter.

Trong khi nhiều người có những hiểu biết nhất định về một số chữ cái Hy Lạp, chính sự xuất hiện của biến chủng Omicron đã thúc đẩy người dân toàn cầu tìm hiểu về bảng chữ cái này với số lượng lượt tra cứu bảng chữ cái Hy Lạp trên Google tăng đột biến. Một số nhà khoa học cho biết họ cũng phải tìm hiểu lại những chữ cái đó.

"Chúng tôi đều biết về những chữ cái như Alpha, Beta hay Gamma. Tuy nhiên phần còn lại thì nhiều người không còn nhớ rõ", ông Jeremy Luban, một nhà virus học tại khoa y Đại học Massachusetts cho biết.

Đối với những người Hy Lạp, một số cảm thấy thích thú khi người dân những quốc gia khác cố gắng sử dụng ngôn ngữ của họ, đơn cử như Tổng thống Mỹ Joe Biden, người gặp khó khăn trong việc phát âm tên biến chủng Omicron.

Một số người khác lại cảm thấy tự hào khi ngôn ngữ của mình đóng vai trò quan trọng trong khoa học, toán học hay công nghệ.

Tầm quan trọng của chữ cái Hy Lạp

Từ trước khi đại dịch bùng phát, chữ cái Hy Lạp đã được sử dụng để đặt cho những phát kiến khoa học vĩ đại như hạt phân tử Alpha hay tia phóng xạ Gamma. Với những người hay sử dụng phần mềm Microsoft Excel, ký tự đại diện cho phép cộng chính là chữ cái Sigma trong tiếng Hy Lạp. Có lẽ không một chữ cái nào được biết tới nhiều hơn là Pi.

"Chúng tôi không có vấn đề gì với việc chữ cái Hy Lạp được sử dụng trong đặt tên khoa học. Những nhà phát minh cũng không cần hỏi chúng tôi khi họ sử dụng tiếng Hy Lạp để đặt tên cho các sản phẩm ", một quan chức chính phủ Hy Lạp cho biết.

Người này sau đó lấy ví dụ về tập đoàn công nghệ Meta, công ty sở hữu mạng xã hội Facebook. Từ này thường mang nghĩa "tự tham chiếu" trong tiếng Anh nhưng lại có một ý nghĩa hoàn toàn khác trong tiếng Hy Lạp.

Đối với nhiều người dân Mỹ, trước khi đại dịch bùng phát, họ chủ yếu biết tới những chữ cái Hy Lạp thông qua tên của các hội nữ sinh và nam sinh tại các trường đại học.

Người dân Mỹ thường biết tới các chữ cái Hy Lạp thông qua tên của các hội nam sinh và nữ sinh tại các trường đại học. Trong ảnh, sinh viên Đại học Idaho chơi đùa bên ngoài tòa nhà hội sinh viên Sigma Nu năm 2020. Ảnh: AP.

Khi bình luận về lời nhắn của bà McKetta trên Twitter, nhiều người cho biết tên của các biến chủng Covid-19 gợi cho họ những ký ức về các nghi lễ kết nạp thời sinh viên.

"Tôi không thể ngờ bảng chữ cái Hy Lạp mà tôi buộc phải học khi tham gia hội nữ sinh ngày xưa lại giúp ích cho tôi bây giờ", một người dùng Twitter bình luận.

Nguồn gốc sử dụng chữ cái Hy Lạp trong đặt tên biến chủng Covid-19

Những chữ cái Hy Lạp bắt đầu được sử dụng để đặt tên cho các biến chủng vào tháng 6/2021. Trước đó, các nhà khoa học chủ yếu sử dụng các tên khoa học như B.1.1.7 để đặt cho các biến chủng Covid-19. Trên các phương tiện truyền thông, các biến chủng lại được gọi bằng tên của các nước phát hiện ca nhiễm biến chủng đó đầu tiên.

Nhận thấy cách gọi tên này mang tính "phân biệt" và "thù địch" đối với những quốc gia phát hiện ra biến chủng, WHO đã triệu tập hàng loạt cuộc gặp để tìm ra một cách đặt tên thích hợp cho các biến chủng.

Nhiều ý tưởng về cách gọi tên đã được đề xuất trong các cuộc gặp trên, bao gồm đặt tên các biến chủng theo tên các loài chim, hay theo tên của các vị thần Hy Lạp.

Giáo sư Mark Pallen từ Đại học East Anglia, một trong những người tham dự các cuộc họp, nhận định bất cứ cách đặt tên nào cũng phải truyền tải được tầm quan trọng của biến chủng và có sự quen thuộc đối với công chúng.

Theo ông Pallen, phần lớn các ý tưởng đều đã bị từ chối vì nhiều lí do khác nhau, trong đó có những lo ngại về vấn đề tranh chấp bản quyền. Cuối cùng, ông Frank Konings, một quan chức của WHO đã đề xuất ý tưởng sử dụng các chữ cái Hy Lạp để đặt tên cho các biến chủng.

Sau hàng loạt các cuộc gặp, WHO đã quyết định sử dụng các chữ cái Hy Lạp để đặt tên cho biến chủng Covid-19. Ảnh: AFP.

Tuy vậy, ngay cả việc sử dụng chữ cái Hy Lạp để đặt tên cho biến chủng cũng gây ra nhiều vấn đề cho giới chức y tế toàn cầu.

Khi một biến chủng mới xuất hiện vào tháng 11/2021, dựa theo thứ tự bảng chữ cái Hy Lạp, biến chủng này sẽ được đặt tên là Nu. Tuy nhiên, các quan chức WHO nhận định cách phát âm biến chủng này quá giống với từ "mới" trong tiếng Anh, dễ gây hiểu nhầm đối với công chúng. Chính vì vậy chữ Nu đã bị bỏ qua.

Một vấn đề khác mà giới chức y tế phải đối mặt chính là số lượng chữ có hạn trong bảng chữ cái Hy Lạp. Hiện chỉ còn 9 chữ cái chưa được sử dụng trong khi còn nhiều biến chủng Covid-19 có thể xuất hiện trong tương lai.

"Tôi nghĩ chúng ta đã sử dụng quá nhanh các chữ cái Hy Lạp khi đặt tên cho biến chủng Covid-19", ông William Hanage, một nhà dịch tễ học tại trường Sức khỏe Cộng đồng T.H. Chan thuộc Đại học Harvard cho biết.

Ngoài ra, chúng ta cũng phải nhắc tới những định kiến mà chữ cái Hy Lạp sẽ hứng chịu trong tương lai khi được sử dụng để đặt tên cho các biến chủng của một đại dịch đã giết chết hàng triệu người.

Bà Maria Kaliambou, một giáo viên dạy tiếng Hy Lạp cho người mới bắt đầu tại Đại học Yale cho biết một sinh viên đã sử dụng đại dịch làm chủ đề bài cuối kỳ bộ môn viết sáng tạo tiếng Hy Lạp của bà.

Người sinh viên này đã mô tả các chữ cái Hy Lạp như những nhân vật với tay và chân, sống trong tầng hầm của một giáo sư dạy tiếng Hy Lạp và những chữ cái này muốn đi kiện vì đã bị phỉ báng nhân cách.

Trong câu chuyện, những chữ cái trên cảm thấy chán nản và buồn bã khi bị liên kết với sự đau ốm và bệnh tật và muốn đòi lại thanh danh cho bản thân.

"Tôi cảm thấy may mắn khi đã học ngôn ngữ này trước khi dịch bệnh bùng phát. Điều đó đã giúp tôi miễn nhiễm trước sự liên kết giữa các chữ cái Hy Lạp và biến chủng Covid-19", Kincaid MacDonald, tác giả của câu chuyện trên cho biết.

"Số lần tôi nghe thấy những từ như Omicron hay Delta được sử dụng như trên phương tiện truyền thông thời gian gần đây còn nhiều hơn số lần tôi thấy chúng xuất hiện trong các nghiên cứu tiếng Hy Lạp. Tôi sợ rằng những người bắt đầu hoặc có mong muốn học tiếng Hy Lạp sẽ không tránh khỏi những suy nghĩ về dịch bệnh khi thấy các chữ cái này", anh MacDonald cho biết.

An Bình

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/chu-cai-hy-lap-thanh-tam-diem-the-gioi-theo-cach-khong-ai-muon-post1283681.html