Chủ cà phê xoay đủ cách để giữ giá trước cơn bão giá nguyên liệu

Trước cơn bão tăng giá nguyên liệu, nhiều chủ quán cà phê tại TP.HCM tìm cách xoay xở để giữ giá bằng việc bán thêm món ăn kèm, món nước mới hoặc chấp nhận giảm lợi nhuận.

Giá cà phê nhân vượt mốc 100.000 đồng/kg đã đẩy giá cà phê nguyên liệu trong nước tăng, gây áp lực đến giá bán của mỗi ly cà phê. Dù vậy, hầu hết các chủ quán cà phê tại TP.HCM vẫn đang cố gắng xoay xở để giữ giá bán.

Chưa dám tăng giá cà phê vì sợ mất khách

Trong nhiều ngày qua, dù truyền thông liên tục thông tin giá cà phê nhân tăng cao nhưng anh Phan Tú (Gò Vấp, TP.HCM) cho biết giá một ly cà phê ở quán anh thường uống vẫn đang giữ nguyên ở mức 20.000 đồng/ly đối với đen đá và 25.000 đồng/ly đối với bạc xỉu, hoặc cà phê sữa.

Dù giá nguyên liệu đầu vào tăng nhưng chủ quán cà phê tại TP.HCM vẫn không dám tăng giá vì sợ mất khách. Ảnh: THU HÀ

"Nếu có tăng giá trong khoảng 1-2 ngàn, tôi nghĩ cũng chấp nhận được, bởi giá nguyên liệu tăng thì về lâu dài chủ quán chắc cũng phải tăng giá bán"- anh Tú bày tỏ.

Chị Nguyễn An, chủ tiệm cà phê Blue Cafe (quận 11) cho biết việc tăng giá bán vốn rất nhạy cảm nên chị thà giảm lợi nhuận còn hơn tăng giá bán để mất khách.

"Tháng trước, phía công ty cung ứng cà phê đã thông báo tăng 10.000 đồng/kg đối với cà phê hạt cả Robusta lẫn Arabica. Mức tăng này hiện vẫn nằm trong khả năng xoay xở của quán, nên chúng tôi quyết định không tăng giá mỗi ly cà phê bán ra" - chị An nói.

Trong khi đó, một chủ quán cà phê khác tại Tân Bình thừa nhận dù hiện nay giá nguyên liệu đã tăng ít nhất 10.000 đồng/kg nhưng nhìn vào tỉ lệ sử dụng thực tế trên từng ly lại tác động không quá lớn.

Ông Nguyễn Đình Tùng, đồng sáng lập chuỗi cà phê The Bunny Coffee cũng cho hay hiện giá bán các thức uống tại chuỗi không thay đổi do chủ động được nguồn hàng từ đầu.

"Từ đầu vụ, thời điểm cà phê ngon nhất, chúng tôi đã có kế hoạch nhập đủ nguồn hàng dự kiến bán trong một năm. Chính vì thế, chuỗi ít bị ảnh hưởng bởi giá nguyên liệu hiện nay, do đó giá bán sản phẩm ở Bunny không thay đổi" - ông Tùng nói.

Nhà sáng lập chuỗi Bunny Coffee cũng nhìn nhận thị trường cà phê vốn rất nhạy cảm với việc thay đổi giá bán. Do đó, các nhà kinh doanh cần đánh giá một cách kỹ lưỡng trước khi thay đổi giá bán, tránh gây ảnh hưởng tới tâm lý tiêu dùng.

Tương tự, theo ghi nhận của PV, tại một số chuỗi lớn như Highland, The Coffee House, Phúc Long... giá bán các sản phẩm cà phê và thức uống có sử dụng cà phê vẫn giữ nguyên trong suốt thời gian qua.

Dù vậy, một số quán cà phê di động ven đường trên tuyến Phạm Văn Bạch và Cộng Hòa (Tân Bình) đã tăng nhẹ 1.000 đồng/ly cà phê sữa và bạc xỉu từ 13.000 đồng lên 14.000 đồng/ly.

Nhiều cách xoay xở với bão giá nguyên liệu

Không tăng giá bán nhưng đứng trước bài toán kinh doanh phải có lời, hơn hai tháng nay quán cà phê của chị Minh Tâm tại Gò Vấp, TP.HCM đã bán thêm hạt dưa và hạt hướng dương cho khách, mở dịch vụ tô tượng, để "lấy lời cái này đắp lỗ cái kia".

Cùng với đó, trước áp lực khách gọi một ly nhưng ngồi cả ngày, quán cà phê của chị Tâm cũng linh hoạt bán thêm gói ăn trưa cho khách như mì tôm trứng, cơm chiên, bánh mì.

Tương tự, tại chuỗi The Coffee House, thời gian gần đây người dùng Việt dễ dàng nhận ra chuỗi đồ uống này ngoài bán các bánh ngọt ăn kèm đã bán thêm cơm trưa cho khách.

Trước đó, ông Ngô Nguyên Kha- CEO của The Coffee House nói trong một sự kiện về ngành F&B do iPos.vn tổ chức tại Hà Nội, để giải quyết nhu cầu khách muốn ngồi lâu tại quán, chuỗi này đã có kế hoạch mang thêm giá trị cho khách hàng.

Chẳng hạn gửi thông báo trên hóa đơn hoặc trên app tới khách hàng rằng nếu mua ly nước thứ hai sẽ được giảm bao nhiêu % hoặc bao nhiêu tiền.

"Bằng cách này, chúng tôi không thể khẳng định mình tăng được nhiều doanh thu nhưng cũng cải thiện được tiêu chí về công suất ghế” - vị CEO của The Coffee House bày tỏ.

Người Việt chịu chi hơn cho mỗi lần đến quán cà phê

Theo khảo sát của iPos.vn, có tới 59,5% đáp viên cho hay sẵn sàng chi từ 41.000 đồng trở lên cho 1 lần "đi cà phê" (năm 2022 là 58%). Đây được coi là yếu tố bất ngờ trong trong một năm kinh tế khó khăn như 2023.

Theo đó, mức chi tiêu phổ biến nhất vẫn từ 41.000 - 70.000 đồng, chiếm khoảng 45,2% tổng số đáp viên. So với năm 2022 (chiếm khoảng 44%), số lượng có tăng lên nhưng không đáng kể.

Ngay cả việc "đi cà phê" ở phân khúc cao cấp, từ 70.000 đồng trở lên, theo iPos.vn, tần suất tiêu dùng vẫn không giảm so với 2022.

THU HÀ

Nguồn PLO: https://plo.vn/chu-ca-phe-xoay-du-cach-de-giu-gia-truoc-con-bao-gia-nguyen-lieu-post784438.html