Chống sạt lở - Hành trình của nỗ lực và tâm huyết - Bài 2: Nhiều cách làm hay

Những năm qua, với sự hỗ trợ tích cực của Chính phủ, các bộ, ngành Trung ương và sự nỗ lực của địa phương, nhiều công trình phòng, chống sạt lở bờ biển của tỉnh đã được triển khai thực hiện, góp phần đảm bảo an toàn hệ thống đê điều, tính mạng, tài sản của Nhà nước và Nhân dân, giảm nhẹ thiệt hại do sạt lở gây ra.

Chống sạt lở - Hành trình của nỗ lực và tâm huyết - Bài 1: Hiểm họa đe dọa cuộc sống

Vừa làm vừa nghĩ

Cách đây gần 15 năm, tuyến đê biển Tây có nhiều đoạn không còn rừng phòng hộ bảo vệ bên ngoài. Trước nguy cơ vỡ đê đe dọa, một lượng lớn nhân lực, vật lực đã được tỉnh huy động để bắt tay vào hành trình hộ đê khẩn cấp. Cuộc chiến giành lại đất, giữ rừng trước những cơn sóng lớn cũng chính thức bắt đầu. “Vũ khí” trong những ngày đầu ấy chỉ là những cây cừ tràm, cừ dừa của địa phương được các lực lượng cắm xuống biển thành những vách ngăn bảo vệ thân đê.

Thế nhưng, trước những cơn sóng dữ, giải pháp này chỉ chống chọi được trong một thời gian ngắn. Khi những lá chắn bằng cừ tràm, cừ dừa bị “quật ngã” thì cũng là lúc kè rọ đá được tỉnh dựng lên áp sát thân đê. Giải pháp này cũng chỉ có thể chống chịu được đôi ba mùa gió Tây Nam. Với sự quyết tâm bảo vệ đê, giữ đất, giữ rừng, vậy là một giải pháp ứng phó mới lại ra đời. Ðó là cách cắm hai hàng cọc bê tông nằm song song phía xa ngoài đê, bỏ đá vào giữa, sau đó gắn kết chúng bằng những đà chịu lực, mà theo cơ quan chuyên môn gọi là giải pháp “kè bê tông ly tâm dự ứng lực”.

Từ một vài đoạn thí điểm ban đầu mang lại kết quả tốt, tỉnh đã cho triển khai áp dụng rộng rãi tại nhiều vị trí sạt lở rất xung yếu ven bờ biển từ Tây sang Ðông. Ðến nay, giải pháp này không chỉ được triển khai trải dài từ Tây sang Ðông với chiều dài hơn 63 km mà còn được nhân rộng tại một số tỉnh, thành có bờ biển đang chịu cảnh sạt lở như Cà Mau.

Những công trình kè chống sạt lở bờ biển được bố trí đủ vốn và đầu tư hoàn thiện đã phát huy hiệu quả rõ rệt, làm giảm sóng, chống sạt lở và bước đầu đã gây bồi, tạo bãi, khôi phục gần 1.000 ha rừng phòng hộ. Công trình kè các đoạn bờ sông, cửa biển đã khắc phục được sạt lở, đồng thời sắp xếp, chỉnh trang lại mỹ quan, trật tự xây dựng công trình, nhà ở ven sông phù hợp với biến đổi khí hậu.

Giải pháp công trình này đã mang lại hiệu quả tối ưu, được các chuyên gia, nhà khoa học và Nhân dân đánh giá cao, được các địa phương áp dụng nhân rộng.

Song song với việc triển khai thực hiện các giải pháp công trình phòng, chống sạt lở bờ biển, UBND tỉnh Cà Mau quan tâm, chỉ đạo các địa phương thực hiện các giải pháp phòng, chống sạt lở bờ sông nhằm bảo vệ tài sản, an toàn cho Nhân dân và các công trình hạ tầng ven sông, kênh, rạch, chủ yếu là gia cố bằng cừ tràm, cừ dừa và đắp đất bên trong. Một số điểm sạt lở sát đường giao thông được gia cố bằng kè đá hộc hoặc kè bê tông cốt thép tường đứng, nhưng số lượng còn hạn chế.

Tại các khu vực sạt lở ven biển, ven sông, UBND tỉnh chỉ đạo các địa phương khẩn trương triển khai di dời các hộ dân ra khỏi khu vực sạt lở có nguy cơ ảnh hưởng đến sự an toàn. Thời gian qua, có hàng trăm hộ dân trên địa bàn các huyện: Ðầm Dơi, Ngọc Hiển, Phú Tân, Trần Văn Thời, U Minh... đã được di dời khỏi khu vực sạt lở đặc biệt nguy hiểm.

Song song với giải pháp công trình, nhiều giải pháp phi công trình cũng đã được tỉnh triển khai. Cụ thể, tỉnh phối hợp với Tổ chức Hợp tác phát triển Ðức (GIZ) triển khai hiệu quả các hoạt động thuộc Chương trình bảo vệ vùng ven biển đồng bằng sông Cửu Long (ICMP); trong đó, triển khai hoạt động trồng rừng, phục hồi diện tích rừng ngập ven biển tại nhiều khu vực thuộc các huyện: Phú Tân, Trần Văn Thời và U Minh.

Xã hội hóa đầu tư phòng, chống sạt lở

Dù đã huy động tối đa các nguồn lực hiện có, Trung ương cũng đã cố gắng hỗ trợ nhưng kinh phí không thể đáp ứng được nhu cầu đầu tư phòng, chống sạt lở bờ biển; chưa kể đến nhu cầu vốn đầu tư phòng, chống xói lở bờ sông, đầu tư công trình di dời, bố trí tái định canh, định cư cho người dân sinh sống vùng thiên tai cũng rất lớn. Do đó, huy động nguồn lực xã hội trong đầu tư công trình phòng, chống sạt lở là vô cùng cần thiết và cấp bách. Thực đế đã được minh chứng tại dự án Khu Du lịch Khai Long, xã Ðất Mũi, huyện Ngọc Hiển.

Thời gian qua, tỉnh đã triển khai nhiều dự án phòng chống sạt lở bảo vệ khu vực mũi Cà Mau. (Ảnh chụp qua màn hình chiếu phục vụ Hội nghị Tổng kết Mô hình xã hội hóa phòng chống sạt lở, do UBND tỉnh Cà Mau tổ chức tại Khai Long, xã Ðất Mũi, huyện Ngọc Hiển, ngày 29/2/2024).

Khu Du lịch Khai Long được Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau phê duyệt quy hoạch với diện tích 229 ha. Trong quá trình thực hiện các dự án phát triển du lịch, tình hình sạt lở tại bãi Khu Du lịch Khai Long xảy ra nghiêm trọng, làm ảnh hưởng đến khu vực thực hiện các dự án du lịch của nhà đầu tư là Công ty TNHH Xây dựng - Thương mại - Du lịch Công Lý. Từ đó, công ty xin thi công khẩn cấp bờ kè chống sạt lở tại Khu Du lịch Khai Long và được UBND tỉnh thống nhất chủ trương.

Trên cơ sở đó, công ty đã triển khai xây dựng bờ kè với chiều dài 4 km. Trong đó, kè 2 lớp khoảng 2 km, vốn đầu tư 72 tỷ đồng, được triển khai thực hiện hoàn thành vào năm 2021. Phạm vi được bảo vệ bên trong kè có chiều rộng khoảng 89 m, tính từ đất liền đến chân kè. Sau khi xây dựng kè, đoạn bờ biển này không bị sạt lở thêm. Trong khi đó, các khu vực liền kề của dự án chưa có kè bảo vệ bị sạt lở nghiêm trọng.

Hiện nay, hai bên khu vực liền kề đoạn kè này đang bị sạt lở rất nhanh, cây rừng phòng hộ bị tàn phá nghiêm trọng. Chủ tịch UBND tỉnh đã ban hành Quyết định số 1527/QÐ-UBND, ngày 24/8/2023, công bố tình huống khẩn cấp về thiên tai đối với các đoạn bờ biển bị sạt lở với tổng chiều dài 29,15 km (trong đó có đoạn bờ biển nói trên).

Thực tế cho thấy, Dự án kè chống sạt lở Khu Du lịch Khai Long đã bảo vệ được 2 dự án du lịch đầu tư trước đó, vừa góp phần cùng với Nhà nước ứng phó tình trạng sạt lở bờ biển, tham gia cùng Nhà nước thực hiện nhiệm vụ giữ đất, giữ rừng và bảo vệ môi trường sinh thái, đáp ứng nhu cầu tham quan, du lịch của du khách trong và ngoài tỉnh, góp phần phát triển du lịch của địa phương.

Trong điều kiện ngân sách còn hạn chế, không đủ nguồn lực để thực hiện công trình bảo vệ bờ biển, dẫn đến nhiều diện tích đất, rừng bị mất, thì mô hình của Công ty Công lý đã mở ra hướng mới trong huy động nguồn lực, thông qua việc nghiên cứu khai thác diện tích đất ven biển, những nơi có điều kiện xây dựng, thực hiện các dự án phát triển sản xuất, kinh doanh để mời gọi đầu tư theo hình thức xã hội hóa.

Ông Nguyễn Văn Tiến, Phó cục trưởng Cục Quản lý Ðê điều và Phòng chống thiên tai, Bộ NN&PTNT, đánh giá: “Việc xã hội hóa trong đầu tư công trình phòng chống sạt lở bờ sông, bờ biển để bảo vệ đất rừng ngập mặn trong điều kiện ngân sách còn hạn chế là phù hợp với chỉ đạo của Thủ tướng và điều kiện thực tiễn”.

Tuy nhiên, thực tế hiện nay cho thấy, việc nhân rông mô hình này đang gặp phải nhiều khó khăn, vướng mắc từ các quy định trong Luật Ðất đai, Luật Lâm nghiệp và cả Luật Ðầu tư...

Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Hoàng Hiệp nhận định: “Trong 3 năm trở lại đây, tốc độ mất đất do sạt lở tăng lên rất nhiều. Xã hội hóa trong phòng, chống sạt lở không còn là câu chuyện của riêng Cà Mau mà đã trở thành vấn đề của quốc gia, bởi nếu làm được việc này, Nhà nước không cần phải bỏ tiền mà còn được thêm đất”.

Nguyễn Phú

Bài cuối: Gỡ khó từ chính sách

Nguồn Cà Mau: https://baocamau.vn/chong-sat-lo-hanh-trinh-cua-no-luc-va-tam-huyet-bai-2-nhieu-cach-lam-hay-a31526.html