Chồng chéo trong xét tặng danh hiệu nghệ nhân

Chính sách đãi ngộ đối với nghệ nhân hiện nay, trong đó có việc xét tặng danh hiệu Nghệ nhân Nhân dân (NNND), Nghệ nhân Ưu tú (NNƯT) gặp nhiều bất cập và cần thống nhất về đầu mối quản lý nhà nước.

Đó là thông tin được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch khẳng định trong hồ sơ đề nghị xây dựng Luật Di sản văn hóa (sửa đổi). Hiện tại, hồ sơ này được lấy ý kiến rộng rãi trong nhân dân đến ngày 1/9.

Lễ trao tặng, truy tặng danh hiệu “Nghệ nhân Nhân dân” trong lĩnh vực thủ công mỹ nghệ. Ảnh: Cổng thông tin điện tử Bộ Công Thương.

Lễ trao tặng, truy tặng danh hiệu “Nghệ nhân Nhân dân” trong lĩnh vực thủ công mỹ nghệ. Ảnh: Cổng thông tin điện tử Bộ Công Thương.

Theo Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Điều 26, Luật Di sản văn hóa hiện hành quy định nhiều chính sách đãi ngộ đối với nghệ nhân, trong đó có tặng, truy tặng huân chương, danh hiệu vinh dự nhà nước và thực hiện các hình thức tôn vinh khác. Tuy nhiên, đến nay mới thực hiện được nội dung về “tặng danh hiệu vinh dự nhà nước” thông qua việc Chính phủ ban hành 2 Nghị định.

Nghị định số 62/2014/NĐCP quy định về xét tặng danh hiệu NNND, NNƯT trong lĩnh vực di sản văn hóa phi vật thể và Nghị định số 123/2014/NĐ-CP quy định về xét tặng danh hiệu NNND, NNƯT trong lĩnh vực thủ công mỹ nghệ. Việc xây dựng 2 Nghị định và giao cho Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Bộ Công Thương phụ trách để cùng xét phong tặng danh hiệu NNND, NNƯT cho các đối tượng thuộc cùng lĩnh vực di sản văn hóa phi vật thể tạo ra những bất cập. Bởi lẽ, nghề thủ công truyền thống là một trong các lĩnh vực của di sản văn hóa phi vật thể. Một đối tượng thuộc lĩnh vực nghề thủ công truyền thống có thể chọn nộp hồ sơ cho Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch hoặc cho Sở Công Thương hoặc cùng lúc nộp cho cả 2 Sở. Đã có trường hợp bị loại ở hội đồng này rồi lại nộp hồ sơ sang hội đồng kia và cá nhân đã là NNƯT theo Nghị định này nộp hồ sơ xét phong tặng NNND theo Nghị định kia.

Tiêu chí để xét danh hiệu của 2 Nghị định nói trên có những điểm khác biệt trong khi cùng hướng đến một danh hiệu. Tiêu chí xét danh hiệu quy định trong Nghị định 62 có tính định tính cao trong khi tiêu chí quy định trong Nghị định 123 tập trung nhiều vào tính định lượng, sản phẩm, thành tích cụ thể. Điều này dẫn đến việc cùng một danh hiệu cho đối tượng cùng là thực hành di sản văn hóa phi vật thể nhưng được xét bởi hai bộ tiêu chí khác nhau.

Chưa kể, nhận thức của các cá nhân là thành viên hội đồng các cấp của hai “luồng” xét này không đồng đều. Luật Thi đua, Khen thưởng quy định danh hiệu NNND, NNƯT dành cho đối tượng thực hành trong lĩnh vực di sản văn hóa phi vật thể trong khi các cấp hội đồng thuộc lĩnh vực nghề thủ công truyền thống chỉ tập trung vào kỹ năng, kỹ thuật, am hiểu của nghệ nhân qua các sản phẩm vật chất cụ thể. Để khắc phục các bất cập, sự chồng chéo trong xét tặng danh hiệu NNND, NNƯT, cần thống nhất đầu mối quản lý nhà nước về di sản văn hóa phi vật thể.

N.Nguyễn

Nguồn CAND: https://cand.com.vn/chuyen-dong-van-hoa/chong-cheo-trong-xet-tang-danh-hieu-nghe-nhan-i662760/