Chông chênh dạy học tích hợp - Bài 1: Giáo viên sợ bị học sinh hỏi hóc búa

Nhiều giáo viên khi được phân công dạy môn tích hợp ở TP.HCM vẫn không tự tin khi đứng lớp, sợ học sinh hỏi những câu hỏi hóc búa.

LTS: Năm học 2022-2023 là năm thứ hai chương trình giáo dục phổ thông 2018 được tiếp tục triển khai ở bậc THCS với lớp 7. Dù đã tham gia lớp tập huấn nhưng do chỉ được đào tạo đơn môn nên hầu hết giáo viên đều khá lúng túng khi phải dạy môn tích hợp khoa học tự nhiên hay lịch sử, địa lý. Trong khi đó, sinh viên được đào tạo chính quy về môn tích hợp đến hết năm 2023 mới ra trường.

Học sinh Trường THCS Lý Tự Trọng, quận Gò Vấp trong giờ học môn lịch sử và địa lý. Ảnh: NGUYỄN QUYÊN

Học sinh Trường THCS Lý Tự Trọng, quận Gò Vấp trong giờ học môn lịch sử và địa lý. Ảnh: NGUYỄN QUYÊN

Các môn tích hợp khoa học tự nhiên và lịch sử, địa lý đang được triển khai ở lớp 6 và lớp 7. Tùy vào điều kiện và đội ngũ nhân sự mà mỗi trường triển khai dạy môn học này khác nhau. Có trường môn tích hợp do một cô đảm nhận, có trường môn học này do hai giáo viên (GV) (lịch sử và địa lý) hoặc ba GV (khoa học tự nhiên) cùng dạy.

Gặp khó nếu bị hỏi chuyên sâu

Phụ trách môn khoa học tự nhiên lớp 7, cô Ngô Thị Hoài Trang (Trường THCS Lý Tự Trọng, quận Gò Vấp) cho biết trước đây mình dạy môn vật lý. Sau thời gian tập huấn, năm ngoái là năm đầu tiên cô dạy môn khoa học tự nhiên. Tuy nhiên, do dịch COVID-19 nên cô chỉ dạy online, có thể tra cứu Google để giải đáp thắc mắc cho học sinh.

“Thế nhưng khi dạy trực tiếp, chúng tôi phải chuẩn bị giáo án điện tử và rất nhiều tư liệu hình ảnh minh họa cho bài học bởi học sinh giờ rất giỏi, các em tìm hiểu và hỏi rất nhiều. Có những vấn đề chưa nghiên cứu kỹ, tôi thường phải về nhà tìm hiểu lại và hẹn các em trả lời vào tiết học sau” - cô Trang cho hay.

Tương tự, GV một trường THCS ở Gò Vấp đang phụ trách môn khoa học tự nhiên cũng cho biết mình có thế mạnh ở môn hóa và lý. Trong khi đó, kiến thức môn sinh dù được tập huấn vẫn không thể bằng người học chính quy bốn năm. “Vì vậy, khi được phân công phụ trách môn học tích hợp, tôi tự tin dạy tốt phân môn lý và hóa trong khi môn sinh khá mù mờ, rất khó trả lời nếu học sinh hỏi chuyên sâu” - cô này nói thêm.

Có những vấn đề chưa nghiên cứu kỹ, tôi thường phải về nhà tìm hiểu kỹ và hẹn trả lời cho các em vào tiết học sau.

Tại buổi làm việc với Đoàn đại biểu Quốc hội TP.HCM về việc đổi mới sách giáo khoa hồi tháng 11, bà Nguyễn Thị Suốt, Hiệu trưởng Trường THCS Lý Thường Kiệt, quận Bình Tân, nhìn nhận việc chưa có GV chính quy bộ môn khiến GV được phân công dạy thêm các môn khá áp lực.

Để có thể dạy tốt, GV trong trường họp liên tục, họp trực tuyến, họp trực tiếp. “Điều khiến tôi băn khoăn là nhiều GV chia sẻ: “Em rất sợ khi lên lớp dạy bài khó môn tích hợp, học sinh sẽ hỏi những nội dung mình không nắm rõ”. Tất nhiên thầy cô sẽ có cách trả lời nhưng đó là một trong những áp lực khi phải dạy môn này do chưa được đào tạo ở trường sư phạm” - bà Suốt bày tỏ.

Khi tôi đi dự giờ, GV bộ môn lịch sử dạy phần lịch sử rất hay, tuy nhiên đến phân môn địa lý thì GV không tự tin đứng lớp nữa. Dù khi đó trường đã triển khai GV lịch sử sẽ dạy mô phỏng cho các GV địa lý và ngược lại.

Bà BÙI MINH TÂM, Hiệu trưởng Trường THPT Lê Quý Đôn, quận 3, chia sẻ thực tế dạy môn tích hợp khi còn công tác ở Trường THPT Lương Thế Vinh, quận 1 tại hội nghị chuyên môn giáo dục trung học diễn ra mới đây

Trường xoay xở nhiều cách

Tại Trường THCS Trần Quang Khải, quận 12, cô Nguyễn Thị Vân, Phó Hiệu trưởng nhà trường, cho hay trường phân công một GV đảm nhận bộ môn khoa học tự nhiên, lịch sử và địa lý.

Năm đầu tiên, nhà trường chọn tổ trưởng chuyên môn, tổ phó chuyên môn và một số GV có kinh nghiệm đảm nhận nhiệm vụ. Còn năm học này, những GV đã dạy lớp 6 sẽ lên lớp 7 để chỉ đạo tổ bộ môn tốt hơn. Các GV khác năm rồi chưa tham gia sẽ được phân công dạy lớp 6.

“Nói chung việc thực hiện môn tích hợp lúc đầu gặp rất nhiều khó khăn bởi GV chủ yếu được đào tạo đơn môn, nay phải dạy đa môn nhưng chỉ tập huấn trong một khoảng thời gian ngắn. Khi dạy phân môn không phải là chuyên môn, GV phải tìm tòi, nghiên cứu và nhờ sự hỗ trợ của đồng nghiệp. GV khá vất vả nhưng ai cũng nỗ lực vượt khó, cố gắng học hỏi để đảm bảo tốt việc thực hiện chương trình” - cô Vân nói.

Để dạy tốt môn tích hợp trong trường hợp một GV phải đảm nhận, cô Lê Thị Thanh Hà, tổ trưởng tổ khoa học tự nhiên tại Trường THCS Lý Tự Trọng, quận Gò Vấp, cho biết việc họp tổ chuyên môn rất quan trọng. Trong đó GV lý, hóa sẽ hỗ trợ GV sinh và ngược lại. Tại cuộc họp, những vấn đề khó khăn khi dạy sẽ được mổ xẻ và tìm giải pháp khắc phục. Do đó hiện môn học này được triển khai khá ổn tại trường.

Trong khi đó, tại Trường THPT chuyên Trần Đại Nghĩa, quận 1, các môn tích hợp do nhiều GV cùng phụ trách. Cụ thể, môn lịch sử và địa lý do hai GV cùng đảm nhận. Cô Nguyễn Thị Như Ngọc, phụ trách phân môn lịch sử, cho biết đặc thù của trường GV lịch sử vẫn dạy lịch sử, GV địa lý vẫn dạy phân môn địa lý. Các chủ đề tích hợp sẽ có sự phân công, cụ thể nếu chủ đề có ba tiết thì hai tiết đầu sẽ do GV lịch sử dạy, tiết sau là GV địa lý dạy.

“Môn học muốn triển khai thuận lợi cần sự phối hợp nhịp nhàng giữa hai GV đứng lớp từ chương trình dạy đến kiểm tra, đánh giá. Từ đầu năm, hai GV phải họp để đề ra kế hoạch cho môn học, tuần nào kiểm tra giữa kỳ, cuối kỳ và ra đề ra sao” - cô Ngọc nói.•

Học sinh phát triển năng lực khi học liên môn

Nếu trước đây học sinh chủ yếu học thuộc bài, học địa là địa, sử là sử thì bây giờ có sự liên môn giúp các em tổng hợp kiến thức để giải quyết vấn đề, phát triển kỹ năng đọc hiểu văn bản, kỹ năng quan sát hình ảnh, thiết lập sơ đồ tư duy. Môn lịch sử và địa lý cũng có nhiều hình ảnh và nội dung để biến tấu thành các hoạt động trò chơi khiến học sinh thích thú.

Cô NGUYỄN THỊ NHƯ NGỌC, giáo viên Trường THPT chuyên
Trần Đại Nghĩa, quận 1

Bài 2: Đến hết 2023 mới có giáo viên tích hợp

NGUYỄN QUYÊN

Nguồn PLO: https://plo.vn/chong-chenh-day-hoc-tich-hop-bai-1-giao-vien-so-bi-hoc-sinh-hoi-hoc-bua-post714240.html