Chọn quay về, cùng TP.HCM viết tiếp giấc mơ khoa học

Các trí thức, chuyên gia nhìn nhận TP.HCM là nơi 'đất lành chim đậu' nhưng để họ gắn bó lâu dài với TP thì cần những chính sách thật sự cụ thể và khả thi.

Dù đang sinh sống, làm việc trong hay ngoài nước, nhiều trí thức, chuyên gia, nhà khoa học luôn hướng về quê hương, đất nước. Không ít người trong số đó quay về, chọn TP.HCM làm nơi sinh sống, làm việc, khởi nghiệp. Đội ngũ này luôn sẵn sàng góp sức cho sự phát triển của TP.HCM trong nhiều lĩnh vực.

Chia sẻ với Pháp Luật TP.HCM, GS-BS Nguyễn Thu Anh (ảnh), Giám đốc điều hành và nghiên cứu của Viện ĐH Sydney Việt Nam (VN), hiện sinh sống, làm việc ở TP.HCM, nói: “Khi quay trở về và gắn bó với quê hương, tôi luôn mong muốn góp sức, tạo ra nhiều giá trị cho mảnh đất này”.

GS-BS Nguyễn Thu Anh.

Nhìn thấy cơ hội để cống hiến cho xã hội, đất nước

. Phóng viên: Khi quyết định từ bỏ những cơ hội lớn ở nước ngoài để trở về quê hương có lẽ không phải là một quyết định dễ dàng. Bà có thể chia sẻ thêm về quyết định này?

+ GS-BS Nguyễn Thu Anh: Với một người làm khoa học như tôi thì môi trường nước ngoài rất cởi mở. Họ cho phép mình được thoải mái suy nghĩ, thoải mái sáng tạo, thoải mái tìm một con đường riêng, không có rào cản. Rào cản duy nhất chính là năng lực của bản thân. Mình có làm được hay không, có xin được kinh phí cho nghiên cứu hay không, có triển khai, thuyết phục được mọi người hợp tác hay không. Ý tưởng của mình có sáng tạo, có tiềm năng phát triển hay không…

Muốn nghiên cứu thành công phải có những ý tưởng táo bạo, có tác động lớn và mới đến xã hội. Môi trường nước ngoài cho mình rất nhiều cơ hội phát triển và triển khai các ý tưởng nghiên cứu. Họ luôn khuyến khích để mình làm tốt hơn, hỗ trợ các nhà khoa học rất nhiều để triển khai các ý tưởng đó.

Thực tế tôi có nhiều cơ hội làm việc ở môi trường nước ngoài nhưng tôi nghĩ VN là một đất nước đang phát triển nên sẽ có rất nhiều cơ hội. Chẳng hạn trong lĩnh vực y tế mà tôi đang nghiên cứu, các vấn đề về bệnh truyền nhiễm ngày càng nhiều, bệnh huyết áp, tiểu đường… cũng dần tăng lên.

Tôi nhận ra VN có nhu cầu rất lớn và còn quá nhiều vấn đề bất cập trong lĩnh vực mà mình nghiên cứu. Và tôi nhìn về những bất cập đó như một cơ hội lớn để mình có thể đóng góp cho đất nước. Làm trong lĩnh vực y tế, nếu sự đóng góp nhỏ của mình có thể thay đổi cuộc sống của 5-10 người cũng thấy cuộc sống của mình rất có ý nghĩa rồi…

. Sau một thời gian quay về, bà có những trải nghiệm thế nào về môi trường làm việc, cơ hội việc làm, cơ hội phát triển ở trong nước và cụ thể hơn là tại TP.HCM?

+ Năm 2009, tôi hoàn thành luận án tiến sĩ tại Hà Lan và trở về làm việc trong môi trường cơ quan nhà nước. Sau đó thì chuyển sang làm việc cho các tổ chức quốc tế. Tại tất cả vị trí công tác này, tôi nhận thấy cơ hội thành công trong lĩnh vực nghiên cứu ở VN là rất lớn.

Trong hơn 10 năm qua, nhóm nghiên cứu của chúng tôi đã tập trung nghiên cứu để tìm kiếm các phương thức điều trị bệnh lao hiệu quả, cũng như những can thiệp cộng đồng nhằm tìm ra cách thức loại bỏ bệnh lao khỏi cộng đồng. Các nghiên cứu của chúng tôi đã được đăng tải trên các tạp chí khoa học hàng đầu như The Lancet, News England Journal of Medicine, sau đó đã được Tổ chức Y tế Thế giới sử dụng kết quả để xây dựng hướng dẫn mới về quản lý chương trình lao trên toàn cầu, tới đây là thay đổi phác đồ điều trị dự phòng lao kháng thuốc. Thành công của chương trình nghiên cứu về bệnh lao tại VN là nhờ có tinh thần dám dấn thân và sự cộng tác sâu rộng của các nhóm nghiên cứu trong và ngoài nước.

Sau đó, tôi thấy tấm áo này vẫn chật. Tôi nghĩ ngoài bệnh lao, tiềm năng nghiên cứu trong các lĩnh vực khác như nông nghiệp, Net Zero, văn hóa, giáo dục, kinh doanh… ở VN còn rất lớn. Do vậy, tôi đã thuyết phục Trường ĐH Sydney đầu tư thành lập Viện ĐH Sydney VN và chọn TP.HCM là nơi đặt trụ sở chính. Đây là nơi mà các cơ quan hành chính nhà nước cởi mở, có hướng dẫn rõ ràng, quy trình đăng ký cũng khá thuận lợi.

Đồng thời, Nghị quyết 98/2023 về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP.HCM do Quốc hội ban hành đã tạo ra những hành lang pháp lý thuận lợi, hỗ trợ các doanh nghiệp thực hiện các hoạt động quản lý khoa học và công nghệ, đổi mới sáng tạo. Chúng tôi cũng biết được TP.HCM luôn mở cửa chào đón các trí thức quay lại làm việc hoặc đầu tư vào TP. Trong bối cảnh đó, Trường ĐH Sydney quyết định thành lập doanh nghiệp xã hội để đầu tư và triển khai các nghiên cứu khoa học đa ngành tại TP.HCM.

Giữa năm 2023, tôi chính thức chuyển từ Hà Nội vào TP.HCM sinh sống. Tôi hy vọng TP sẽ sớm đưa ra các hướng dẫn cụ thể để hiện thực hóa những hỗ trợ đã nêu trong Điều 8 Nghị quyết 98/2023 nhằm thu hút nhiều hơn nữa các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực này.

Nghiên cứu công nghệ nano tại Khu công nghệ cao TP.HCM. Ảnh: TTXVN

Cần một cơ chế cởi mở để say mê nghiên cứu

. Vậy theo bà, TP.HCM cần làm gì để việc thu hút người giỏi, trí thức thực sự mang lại hiệu quả, là nơi “đất lành chim đậu” cho mọi người?

+ Trong cơ quan nhà nước, ngoài mức lương khá thấp thì cơ sở vật chất, phòng thí nghiệm để triển khai nghiên cứu cũng rất hạn chế. Trong đó, lớn nhất có lẽ là khó có đủ kinh phí để làm nghiên cứu và kể cả khi có kinh phí thì thủ tục thanh quyết toán cũng khá phức tạp.

Bên cạnh đó, việc đánh giá thế nào là một nghiên cứu khoa học thành công cũng là một rào cản. Ở VN, nếu tôi nghiên cứu về một phác đồ nhưng không hiệu quả thì có thể sẽ bị đánh giá đề tài thất bại. Còn ở nước ngoài, kể cả phác đồ đó không hiệu quả thì vẫn được đánh giá là thành công nếu chất lượng nghiên cứu tốt. Bởi nghiên cứu khoa học thì luôn có những rủi ro nhất định, không thể ngay lần đầu mà có thể có kết quả ngay.

Mong muốn của người làm nghiên cứu, trí thức và nhà khoa học, trên tất cả là để họ được say mê với công việc nghiên cứu. Để chúng tôi làm những công việc mình thích, được cống hiến và được nhìn thấy ý nghĩa của những dự án nghiên cứu, dù ở bất cứ lĩnh vực nào. Nếu TP có cơ chế giúp nhà khoa học làm được những nghiên cứu có hiệu quả thì tôi tin giới trí thức sẽ quay về nhiều hơn nữa. Và cơ chế đó phải thực sự minh bạch trong quá trình thực hiện.

Tôi cũng nghĩ rằng TP cần sự thay đổi lớn trong đánh giá hiệu quả công việc, sự thành công của một dự án nghiên cứu. Đã làm sáng tạo thì phải có thất bại, phải có sự cạnh tranh lành mạnh. Hơn cả, không chỉ có sự tham gia của khối nhà nước mà còn phải có khối tư nhân, đảm bảo sự đánh giá là khách quan.

Đầu tư cho khoa học có lẽ sẽ là quyết định đầu tư khó khăn vì sẽ không mang lại hiệu quả kinh tế ngay tức thời mà phải chờ đợi lâu dài. TP.HCM hoàn toàn có thể trở thành con chim đầu đàn trong lĩnh vực nghiên cứu khoa học không chỉ ở VN mà còn trong khu vực nếu TP nhìn tới những giá trị xa hơn, có hỗ trợ thiết thực, lâu dài, hiệu quả và thiết lập các cơ chế, chương trình để kết nối đa ngành, đa lĩnh vực và đầu tư có trọng điểm.

TP cần những chính sách thật sự cụ thể để thu hút và giữ chân người giỏi. Ảnh: TTXVN

GS-BS Nguyễn Thu Anh là nhà nghiên cứu dịch tễ học và khoa học xã hội. Bà từng theo học chuyên ngành dịch tễ học và nhân học trong y tế ở châu Âu và Thái Lan.

Sau khi tốt nghiệp, bà quay về VN làm việc và gần đây chọn TP.HCM làm điểm dừng chân để tiếp tục giấc mơ nghiên cứu khoa học trong lĩnh vực y tế. Bà cùng nhóm nghiên cứu từng đưa ra nhiều khuyến cáo quan trọng để ứng phó với đại dịch COVID-19.

Để ai cũng muốn ở lại làm việc

. Như vậy, vấn đề cần thiết ở đây là phải làm sao để các chính sách có thể được thực thi hiệu quả nhất?

+ Khi Nghị quyết 98/2023 được đi vào vận hành, tức là TP.HCM đã có thêm lợi thế cạnh tranh hơn rất nhiều so với các tỉnh, thành khác. Do vậy, TP cần sớm có các hướng dẫn cụ thể để hiệu quả chính sách tốt hơn. Có như thế thì các nhà đầu tư lớn mới sẵn sàng tham gia cùng. Trong lĩnh vực của mình, tôi ước tính trong năm năm đầu tiên, kinh phí mà Trường ĐH Sydney đầu tư khoảng 45 triệu đô la Úc là không hề nhỏ.

Trong Nghị quyết 98 có Điều 8 đề cập tới một số cơ chế, miễn thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế thu nhập cá nhân cho chuyên gia, nhà khoa học, người có tài năng đặc biệt, cá nhân khởi nghiệp sáng tạo nhưng khi văn phòng được mở ở TP.HCM, chúng tôi kỳ vọng nó sẽ được hiện thực hóa nhanh chóng trong thời gian tới.

Hoạt động nghiên cứu khoa học không sinh lợi nhuận nhưng buộc phải trả thuế. Nếu tiền thuế đó có thể cho phép nhà khoa học được nghiên cứu đầu tư vào hoạt động nghiên cứu thì sẽ mang lại lợi ích cho TP.

Tới đây, chúng tôi sẽ thực hiện một nghiên cứu trong lĩnh vực bệnh lao với khoản kinh phí là 15 triệu USD, mang lại lợi ích rất lớn cho người dân. Tôi nghĩ những nghiên cứu đó nên được miễn đánh thuế như đã đề cập trong Nghị quyết 98. Và tôi mong khi đã có cơ chế rồi thì hướng dẫn cũng cần có sớm và rõ ràng hơn, như vậy sẽ thu hút được nhiều nguồn lực hơn cho TP.

Rõ ràng là chính quyền TP.HCM đã rất cởi mở. Để các nhà khoa học có thể có các đóng góp thiết thực, tôi nghĩ TP cần có các đặt hàng cụ thể để nhà khoa học có thể định hướng nghiên cứu của họ và hiến kế cho TP.

. Xin cảm ơn bà.

Đi cùng TP.HCM để cùng tạo ra nhiều giá trị

. Phóng viên: Được biết Viện ĐH Sydney VN - nơi bà đang công tác vẫn đang có kế hoạch thu hút trí thức trong và ngoài nước đến đóng góp cho TP.HCM?

+ GS-BS Nguyễn Thu Anh: Với kế hoạch này, không chỉ chuyên gia trong nước mà nếu có thể kết nối thêm chuyên gia nước ngoài thì TP sẽ có thêm nguồn lực phát triển. Tôi mong các thủ tục về xin visa, giấy phép lao động cùng các quy trình thủ tục khác có thể đơn giản hơn, có hướng dẫn cụ thể thì những chuyên gia giỏi sẽ sẵn sàng đến.

Ở TP.HCM có rất nhiều sự lựa chọn về nhà ở, dịch vụ, trường học, bệnh viện. Đây cũng là TP năng động nên sẽ là nơi ưu tiên hàng đầu của các nhà nghiên cứu, trí thức, nhà khoa học lựa chọn trở về sinh sống.

Hiện TP.HCM cũng là nơi thu hút những người giỏi nhất, năng động nhất, sáng tạo nhất về đây nên nguồn lực cho hoạt động nghiên cứu khoa học là rất lớn, hoàn toàn có thể đủ tiềm lực để sánh vai với các nhà khoa học trên thế giới. Tôi nghĩ rất nhiều chuyên gia, nhà khoa học cũng tin như thế.

Tôi rất tự hào là người VN và muốn đưa VN lên bản đồ nghiên cứu khoa học thế giới trong lĩnh vực mà mình nghiên cứu. Tôi tin những nhà khoa học khác cũng có thể làm được điều đó và làm tốt khi có cơ chế thuận lợi, cụ thể các quy trình, quy định thông thoáng không chỉ trên giấy tờ.

Dù trong thời điểm này vẫn còn nhiều điều chưa thể như mong muốn, các chính sách vẫn chưa đến gần hơn với chúng tôi nhưng tôi vẫn sẽ ở đây cùng TP.HCM, chỉ với mong muốn tạo ra nhiều giá trị cho mảnh đất này.

*****

TP.HCM muốn thu hút người giỏi, cần những hành động thiết thực

Phải thẳng thắn rằng tôi quay về nước sau thời gian học tập ở Nhật Bản với nhiều cơ hội việc làm là bởi lý do cá nhân. Khi đó, sức khỏe của cha mẹ tôi không tốt và mong tôi về nước. Khi về nước, tôi làm việc tại Viện Công nghệ sinh học Việt Nam ở Hà Nội. Sau đó vài tháng thì tôi chuyển vào TP.HCM.

Với tôi, thành công là khi bản thân trở nên có ích hơn, đem lại lợi ích cụ thể cho cộng đồng xung quanh mình, mang lại nhiều giá trị cho nền khoa học của nước nhà. Tôi từng mất khá nhiều thời gian để có thể thích nghi trở lại với môi trường trong nước. Một phần là do bản thân mỗi người nhưng phần khác, tôi cho rằng chúng ta vẫn còn nhiều rào cản, mức lương chưa hấp dẫn...

Tôi chọn TP.HCM vì cảm thấy đây là mảnh đất thân thiện, cởi mở, có nhiều cơ hội để khám phá, thử thách chính mình. Ở TP.HCM, tôi có thể thử nghiệm mình ở nhiều môi trường khác, tìm kiếm được nhiều cơ hội phát triển hơn. Tôi nghĩ không chỉ riêng mình mà nhiều nhà khoa học, các chuyên gia khác cũng luôn muốn thử thách mình ở một môi trường đầy tiềm năng, ở một TP lớn như TP.HCM.

TP.HCM từng có nhiều cơ chế theo Nghị quyết 54, có chính sách ưu đãi để thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao, trí thức tề tựu về cống hiến. Có lẽ không chỉ tôi mà rất nhiều trí thức khác đều muốn mình là người có ích, cùng giúp sức cho TP. Mới đây nhất là Nghị quyết 98, TP cũng có nhiều chính sách ưu đãi để thu hút giới trí thức.

Dù vậy, TP cũng cần hiểu giới trí thức cần gì. Đa phần trí thức sẽ muốn là người có ích và phải làm được việc. Mà ở môi trường này, muốn làm được việc thì bị phụ thuộc quá nhiều vào quy trình, thủ tục hành chính, quy định về tài chính, như vậy rất khó để trí thức có thể đóng góp nhiều hơn.

Nghị quyết 98 được ban hành, hy vọng mức độ tự chủ của TP sẽ được nâng lên, là cơ hội để nhiều trí thức có thể đóng góp cho TP. Tôi kỳ vọng các cơ quan sẽ triển khai nghị quyết này quyết liệt hơn, không bị ràng buộc quá nhiều, dần hình thành cơ chế sandbox cho TP.HCM về khoa học và công nghệ, đổi mới sáng tạo. Người làm khoa học, giới trí thức phải nhìn thấy được họ có đất để dụng võ thì lúc đó nguồn lực mới được nâng lên.

Lãnh đạo TP chủ động lắng nghe nhưng cũng cần có sự thay đổi quyết liệt, rõ ràng hơn chứ không chỉ đơn giản là làm chính sách theo nhiệm kỳ. Việc thu hút người giỏi, trí thức trở về cần những hành động thực sự chứ không chỉ trên giấy tờ.

Dù thấy còn nhiều điều bất cập trong chính sách thu hút trí thức nhưng tôi vẫn luôn cống hiến hết mình trong hoạt động giảng dạy, nghiên cứu. Tôi biết có nhiều người ngoài kia cũng giống mình, cũng hết mình cho công việc, tạo ra giá trị chung cho xã hội. Người làm khoa học hay trí thức luôn muốn được cống hiến hết mình cho mảnh đất này.

PGS-TS Nguyễn Phương Thảo, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu bệnh truyền nhiễm, Đại học Quốc gia TP.HCM

******

Anh DANNY VÕ THÀNH ĐĂNG, kiều bào Singapore, Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nhân Việt Nam (VN) ở nước ngoài:

TP.HCM cầu thị và lắng nghe

Từ khi còn là du học sinh tại New Zealand, rồi lập nghiệp ở Singapore, tôi chưa từng nghĩ mình sẽ quay về VN bởi cơ hội và môi trường phát triển ở nước ngoài khi đó quá tốt.

Nhưng đến năm 2007, VN gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) và tôi thấy đó là một cơ hội tiềm năng cho bản thân. Chưa kể thị trường ở VN, đặc biệt là TP.HCM với nhiều lao động trẻ cùng nhiều cơ hội phát triển nên tôi đã trở về với sự háo hức, quyết tâm.

Anh Danny Võ Thành Đăng.

Thực tế khi trở về VN, tôi cũng từng gặp khó khăn khi nhiều cơ chế, chính sách của đất nước chưa được như mong đợi. Nhiều ý kiến của mình cũng như của kiều bào góp ý cho TP chưa làm được vì nhiều lý do như nguồn lực, cơ chế…

Ở thời điểm đó, điều lớn nhất níu kéo tôi ở lại với TP, với đất nước là tình yêu. Như các kiều bào thường hay nói, chỉ có tình yêu đủ lớn, mình mới đủ bao dung, đủ cảm thông để góp ý và chờ TP đổi thay.

Đến nay, khi nhìn lại chặng đường 15 năm, tôi thấy TP.HCM đang ngày càng phát triển, nhiều cơ hội mở ra cho kiều bào… Và đó cũng là động lực để tôi cùng nhiều kiều bào khác tiếp tục ở lại, gắn bó, đồng hành cùng sự phát triển của TP.

Mới đây nhất, Nghị quyết 98 khi ra đời đã mở ra nhiều cơ hội phát triển cho TP.HCM cũng như thu hút kiều bào quay về quê hương lập nghiệp. Quan trọng là TP, đất nước vẫn đang cầu thị, lắng nghe góp ý.

Dù vậy, tôi cho rằng TP.HCM cần truyền thông mạnh mẽ hơn những nội dung cụ thể của Nghị quyết 98, những thay đổi về chính sách đầu tư, kinh doanh, cơ chế thu hút nguồn lực trí thức về đóng góp cho TP... Qua đó, giúp kiều bào hiểu, đón nhận và thấy TP đã có thay đổi sát sườn với thực tế.

TP.HCM cũng cần định vị, xây dựng lại thương hiệu của mình. Trong phương hướng phát triển, TP cần chọn cho mình mũi nhọn nổi trội nhất, tạo ra “câu chuyện” để kể cho bạn bè quốc tế nghe. Nếu làm tốt được câu chuyện định vị TP.HCM thì kiều bào có thể dễ dàng quảng bá với bạn bè quốc tế để thu hút nhiều hơn các nguồn lực về với TP.

-----

Anh KIMBLE NGÔ, kiều bào Canada, nhà sáng lập AMBlockchain:

Cải cách môi trường đầu tư, kinh doanh nhiều hơn nữa

Tôi đến VN lần đầu tiên vào năm 2007 để tham gia xây dựng AIESEC - một tổ chức dành cho sinh viên quốc tế tại Trường ĐH RMIT ở TP.HCM.

Chuyến đi ấy như một bước ngoặt để tôi đưa ra quyết định làm thay đổi cuộc đời mình - tôi sẽ quay về quê hương và cùng góp sức giúp đất nước phát triển hơn.

Khi quay về, tôi thử sức ở rất nhiều lĩnh vực như làm về mạng xã hội, công nghệ thông tin và khối startup, tìm hiểu về blockchain. Cuối năm 2017, tôi thành lập Công ty AMBlockchain và đảm nhận vị trí cố vấn, giúp các doanh nghiệp hiểu về cách vận hành và lợi ích mà blockchain mang lại.

Anh Kimble Ngô

Tôi nhận thấy một điều là môi trường kinh doanh ở VN cần tăng tính minh bạch, pháp luật cần quy định rõ ràng hơn nữa. Nhiều nhà đầu tư Việt kiều muốn làm ăn tại VN nhưng họ còn chần chừ vì có những rào cản.

Vì thế, mục tiêu của tôi là giúp mọi người hiểu biết về blockchain, ngăn chặn các ý đồ xấu trong giao dịch, giúp môi trường kinh doanh của VN trở nên minh bạch hơn. Từ đó, giúp VN trở thành điểm thu hút nhiều nhà đầu tư tìm đến. Cạnh đó, tôi cũng mong muốn hỗ trợ để kiều bào quay về quê hương nhiều hơn, qua đó nhằm thúc đẩy sự phát triển của VN.

Trong đó, các doanh nghiệp, các tổ chức cần tổ chức các hoạt động hội nghị giao lưu, giải đáp thắc mắc cho kiều bào, tổ chức các lớp đào tạo tiếng Việt… Và các cơ quan quản lý nhà nước có thể hỗ trợ về không gian tổ chức hội nghị miễn phí, thông tin trên các phương tiện truyền thông, hỗ trợ các thủ tục hành chính…

BẢO PHƯƠNG ghi

THANH TUYỀN thực hiện

Nguồn PLO: https://plo.vn/chon-quay-ve-cung-tphcm-viet-tiep-giac-mo-khoa-hoc-post787777.html