Chọn 'học gì thi nấy' hay 'thi gì học nấy'?

Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2024 dự kiến vẫn giữ ổn định, nhưng từ năm 2025 sẽ có nhiều điểm mới do những thay đổi của Chương trình giáo dục phổ thông (GDPT) năm 2018.

Đoàn công tác của Bộ GD-ĐT kiểm tra công tác bảo quản đề thi tốt nghiệp THPT năm 2023 tại Đồng Nai. Ảnh: C.NGHĨA

Đoàn công tác của Bộ GD-ĐT kiểm tra công tác bảo quản đề thi tốt nghiệp THPT năm 2023 tại Đồng Nai. Ảnh: C.NGHĨA

Nhiều học sinh, phụ huynh có con đang học lớp 11 theo Chương trình GDPT năm 2018, đến năm 2025 sẽ trải qua kỳ thi tốt nghiệp THPT theo phương thức mới khá lo lắng. Ngay cả các trường THPT cũng mong chờ Bộ GD-ĐT sớm chốt phương án thi tốt nghiệp để nhà trường chuẩn bị phương pháp dạy phù hợp.

Dự kiến thay đổi ra sao?

Một nội dung liên quan đến phương án thi tốt nghiệp năm 2025 được nhiều giáo viên, học sinh và phụ huynh đặc biệt quan tâm là quy định các môn thi bắt buộc và môn thi tự chọn. Theo đó, kỳ thi sẽ tổ chức theo môn thi, không theo hình thức môn thi bắt buộc kèm tổ hợp bài thi tự chọn như các năm trước. Các môn thi dự kiến gồm: Ngữ văn, Toán, Ngoại ngữ, Lịch sử, Vật lý, Hóa học, Sinh học, Địa lý, Giáo dục kinh tế và pháp luật, Tin học và Công nghệ.

Như vậy, kỳ thi tốt nghiệp THPT từ năm 2025 dự kiến sẽ có 11 môn, nếu tính chi tiết các môn ngoại ngữ như: Tiếng Anh, Tiếng Hoa, Tiếng Hàn... thì tổng cộng có tới 17 môn thi. Với học sinh hệ THPT, dự kiến thi 4 môn bắt buộc gồm: Ngữ văn, Toán, Lịch sử, Ngoại ngữ và 2/4 môn tự chọn đã học theo Chương trình GDPT năm 2018. Còn với học sinh hệ giáo dục thường xuyên (bậc THPT) sẽ thi 3 môn bắt buộc gồm: Ngữ văn, Toán, Lịch sử và 2/4 môn tự chọn đã học theo Chương trình GDPT năm 2018.

Phát biểu tại cuộc họp của Hội đồng Quốc gia giáo dục và phát triển nhân lực, Phó thủ tướng TRẦN HỒNG HÀ nhấn mạnh, phương án thi tốt nghiệp từ năm 2025 bảo đảm đơn giản, khoa học, đúng mục tiêu, hiệu quả, nhằm đánh giá năng lực của học sinh một cách thực chất, học gì thi nấy.

Có 3 phương án thi đã được Bộ GD-ĐT lấy ý kiến các địa phương và chuyên gia giáo dục. Trong đó, phương án 1 là thí sinh thi 2 môn bắt buộc Ngữ văn, Toán và 2 môn tự chọn (trong các môn: Ngoại ngữ, Lịch sử, Vật lý, Hóa học, Sinh học, Địa lý, Giáo dục kinh tế và pháp luật, Tin học, Công nghệ). Phương án 2 gồm 3 môn bắt buộc (Ngữ văn, Toán, Ngoại ngữ) và 2 môn tự chọn. Phương án 3 là thi 4 môn bắt buộc (Ngữ văn, Toán, Ngoại ngữ, Lịch sử) và 2 môn tự chọn.

Trình bày tại hội nghị lấy ý kiến địa phương và các trường đại học về tổ chức kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2024 và 2025, PGS-TS Huỳnh Văn Chương, Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng GD-ĐT cho biết, nội dung thi bám sát mục tiêu của Chương trình GDPT năm 2018, chủ yếu là chương trình lớp 12. Đề thi theo hướng tăng cường đánh giá năng lực, phù hợp với quy định và lộ trình triển khai Chương trình GDPT năm 2018. Ngân hàng câu hỏi thi và đề thi cho tất cả các môn được xây dựng theo định hướng chú trọng đánh giá năng lực.

Liên quan đến quy định khung thời gian tổ chức thi, cả nước sẽ vẫn có một kỳ thi chung, phù hợp với kế hoạch thời gian của năm học để bảo đảm thống nhất trong cả nước. Đối với phương thức xét công nhận tốt nghiệp THPT sẽ vẫn là sự kết hợp giữa kết quả đánh giá quá trình học tập và kết quả thi tốt nghiệp như trước đây. Dự kiến ít ngày nữa, Bộ GD-ĐT sẽ có định dạng đề thi tốt nghiệp THPT năm 2025, sau đó sẽ tiến hành thực nghiệm ở một số địa phương.

Còn nhiều băn khoăn

Ở bậc THPT, ngành GD-ĐT đã triển khai đổi mới Chương trình GDPT năm 2018 đến với học sinh lớp 11 và năm học 2024-2025 chương trình sẽ “phủ” đến học sinh lớp 12 và đây cũng là lứa học sinh đầu tiên của chương trình mới thi tốt nghiệp THPT theo phương thức mới. Việc thay đổi phương thức một kỳ thi lớn như kỳ thi tốt nghiệp THPT thu hút sự quan tâm đặc biệt của toàn xã hội. Sự thay đổi phương thức kỳ thi không chỉ ảnh hưởng đến cách dạy và học, mà còn liên quan đến công tác xét tuyển vào đại học.

Thí sinh Đồng Nai tham dự kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2023 tại Trường THPT Nam Hà (TP.Biên Hòa)

Thí sinh Đồng Nai tham dự kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2023 tại Trường THPT Nam Hà (TP.Biên Hòa)

Nhiều ý kiến cho rằng, cần xác định rõ quan điểm khi lựa chọn các môn thi, đó là “học gì thi nấy” hay “thi gì học nấy”?

Hiệu trưởng một trường THPT công lập tại Đồng Nai cho rằng, cần xem xét hướng đến bỏ kỳ thi tốt nghiệp THPT. Thay vào đó, xét tốt nghiệp là đủ, giống như đã thực hiện với xét hoàn thành chương trình THCS. Lý do được vị hiệu trưởng này nêu ra là vì tỷ lệ tốt nghiệp THPT các trường hàng năm đạt rất cao, nhiều trường đạt 100%, trong khi việc duy trì kỳ thi này sẽ tiếp tục gây tốn kém và áp lực cho xã hội. Mặt khác, nếu để xét tuyển đại học thì hiện nay các trường cũng có nhiều phương án xét tuyển mà không phụ thuộc vào kết quả thi tốt nghiệp THPT.

Nhiều giáo viên đang dạy lớp 12 tại các trường THPT tại Đồng Nai cũng có ý kiến khác nhau về số lượng môn thi bắt buộc và môn thi tự chọn. Không ít ý kiến bày tỏ băn khoăn, nếu thi theo phương án 2+2 thì quá ít, 4+2 thì quá áp lực và 3+2 sẽ phù hợp hơn.

Theo lãnh đạo Cục Quản lý chất lượng Bộ GD-ĐT, dự thảo kỳ thi tốt nghiệp THPT từ năm 2025 có 3 điểm mới. Một là, việc xây dựng ngân hàng câu hỏi thi và ra đề thi theo hướng đánh giá năng lực phù hợp Chương trình GDPT năm 2018. Hai là, việc định hướng nghề nghiệp qua môn thi tự chọn từ các môn học của học sinh, giúp sớm định hướng nghề nghiệp phù hợp với năng lực và sở thích cho các em. Ba là, từng bước đẩy mạnh việc ứng dụng công nghệ thông tin để tổ chức kỳ thi trên máy tính.

Tại cuộc họp của Hội đồng Quốc gia giáo dục và phát triển nhân lực do Phó thủ tướng Trần Hồng Hà chủ trì vào ngày 14-11, Bộ GD-ĐT đã đưa ra kiến nghị kỳ thi tốt nghiệp năm 2025 với 2 môn bắt buộc là Toán, Văn cùng 2 môn tự chọn. Kiến nghị này được Bộ dựa trên ý kiến rộng rãi về 3 phương án thi. Lý do Bộ đưa ra là giảm áp lực thi cử cho học sinh, giảm chi phí cho gia đình các em và cả xã hội, đồng thời không gây mất cân bằng giữa khối khoa học xã hội hay khoa học tự nhiên. Tỷ lệ thí sinh chọn tổ hợp khoa học xã hội của 3 năm gần đây luôn khoảng 64-68%.

Hiệu trưởng Trường THPT Long Khánh (TP.Long Khánh) NGUYỄN DUY BẰNG:

Phương án thi 3+2 là vừa đủ

Việc thay đổi số lượng môn thi không phải đợi đến năm 2025 mới xảy ra, mà kỳ thi tốt nghiệp THPT qua nhiều giai đoạn đã từng có số lượng môn thi khác nhau.

Theo tôi, ngoài 3 môn bắt buộc: Toán, Ngữ văn và Ngoại ngữ thì chỉ nên thi thêm 2 môn tự chọn trong kỳ thi tốt nghiệp là vừa đủ. Đối với môn Ngoại ngữ, cần ổn định trong số các môn thi để khuyến khích học sinh học tập nghiêm túc ngay từ những bậc học dưới, bởi Ngoại ngữ là không thể thiếu trong thời kỳ hội nhập.

Hiệu trưởng Trường THCS-THPT Bàu Hàm (H.Trảng Bom) HOÀNG VĂN BẮC:

Không nên ôm đồm quá nhiều môn thi

Tôi cho rằng không nên ôm đồm quá nhiều môn thi trong một kỳ thi tốt nghiệp THPT vì áp lực và tốn kém cho xã hội. Chỉ cần thi 2 môn bắt buộc Ngữ văn, Toán và 2 môn tự chọn là đủ. Chúng ta không nên lo không thi môn này, môn kia là học sinh sẽ không học, bởi đó là tư duy “thi cái gì học cái nấy”. Nếu ép các em “học để thi”, thì sớm muộn các em sẽ quên ngay kiến thức sau kỳ thi, như thế sẽ không thực chất.

Thành Nam (ghi)

Công Nghĩa

Nguồn Đồng Nai: https://baodongnai.com.vn/xa-hoi/202311/chon-hoc-gi-thi-nay-hay-thi-gi-hoc-nay-300648b/