Chọn đi hay ở lại khi sếp báo 'Năm nay không có thưởng Tết'?

Ngọc Thảo vội vàng sửa CV, tìm công việc mới khi doanh nghiệp thông báo năm nay không có thưởng. Trong khi đó, Minh Khôi sẵn sàng đồng hành với những khó khăn của công ty.

 Ngày Tết trở nên ảm đạm với nhiều nhân sự không có thưởng, điều này khiến họ trăn trở về việc liệu có gắn bó với doanh nghiệp hay không. Ảnh minh họa: Phương Lâm.

Ngày Tết trở nên ảm đạm với nhiều nhân sự không có thưởng, điều này khiến họ trăn trở về việc liệu có gắn bó với doanh nghiệp hay không. Ảnh minh họa: Phương Lâm.

“Năm nay không có thưởng, chán quá, chắc năm sau mình xin nghỉ việc, ai quen biết ở đâu thì giới thiệu nhé", Ngọc Thảo (26 tuổi, quận Phú Nhuận, TP.HCM) nhắn trong group chat với bạn bè sau khi nhận được email mới nhất từ bộ phận HR.

Ngọc Thảo làm việc với vai trò thư ký trợ lý cho lãnh đạo được 3 năm. Đây là năm đầu tiên cô không được thưởng Tết do tình hình kinh doanh của tập đoàn không khả quan.

“Công ty chúng tôi không tổ chức year end party, giờ đến cả thưởng Tết cũng không có. Làm việc chăm chỉ cả năm, chúng tôi chỉ mong đợi khoản thưởng này. Tết xong tôi sẽ tìm việc mới sớm”, cô nói với Tri Thức - ZNews.

Thảo cho biết sẽ nhanh chóng tìm việc, apply từ sớm để quá trình chuyển đổi diễn ra nhanh chóng. Như vậy, cô mới có thể đảm bảo được công ty mới xét lương, thưởng Tết 2025 đầy đủ.

Trước bối cảnh kinh tế ảm đạm do ảnh hưởng chung trên toàn cầu, nhiều doanh nghiệp cũng đang đau đầu để nỗ lực bố trí thưởng tết cho người lao động.

Song, nếu tình hình không khả quan, nhiều nhân sự sẽ không có thưởng tết cuối năm. Điều này ảnh hưởng trực tiếp đến quyết định gắn bó của họ đối với doanh nghiệp.

Nhân sự phân vân

“Đứng ngồi không yên” là tình trạng của Ngọc Anh (24 tuổi, quận Đống Đa, Hà Nội) lúc này. Cô chưa nhận được thông tin về thưởng cuối năm, trong khi Tết Âm lịch chỉ còn cách một tháng. Cô lo lắng kiểm tra hòm mail liên tục, song vẫn chưa nhận được thông báo chính thức.

 Ngọc Anh thấy bất công nhưng không dám nghỉ việc.

Ngọc Anh thấy bất công nhưng không dám nghỉ việc.

Hiện nhiều lời đồn đoán được truyền tai nhau tại văn phòng. Trong đó, dự báo xấu nhất là doanh nghiệp không thưởng Tết do hoạt động kinh doanh gặp khó khăn suốt nửa cuối năm 2023.

Nỗ lực vượt KPI trong năm qua, Ngọc Anh trông đợi khoản phúc lợi cuối năm để mua xe máy mới, hoàn tất trả góp chiếc laptop đã sắm từ giữa năm. Nếu không có thưởng, cô đành ngậm ngùi dẹp bỏ kế hoạch chi tiêu này.

“Tôi cảm thấy bất công, nhưng không dám nghỉ việc”, Ngọc Anh chia sẻ với Tri thức - ZNews.

Chứng kiến nhiều bạn bè rơi vào tình trạng thất nghiệp đến 6 tháng sau khi chủ động thôi việc hoặc bị sa thải trong năm qua, cô không dám đưa ra quyết định liều lĩnh. Lỡ chẳng may gặp cảnh tương tự, tài khoản tiết kiệm của cô không đủ chi trả sinh hoạt phí trong vòng nửa năm.

Hơn nữa, dù gặp khó, doanh nghiệp của Ngọc Anh vẫn không nợ lương nhân viên, không cắt giảm nhân sự ở bộ phận nào. Mức thu nhập ổn định hàng tháng giúp cô tạm thời duy trì cuộc sống trong bối cảnh khó khăn chung.

“Tôi đã nghĩ về chuyện ‘nhảy việc’ nhưng bây giờ không phải thời điểm thích hợp”, Ngọc Anh nói.

 Minh Khôi thông cảm, muốn san sẻ khó khăn với công ty.

Minh Khôi thông cảm, muốn san sẻ khó khăn với công ty.

Trong khi đó, Minh Khôi (27 tuổi, quận 3, TP.HCM), cảm thấy “hoàn toàn ổn" với chuyện năm nay không có thưởng tết. Chia sẻ với Tri Thức - ZNews, anh cho biết đang dồn lực làm việc, chuẩn bị cho ngày về quê đón năm mới.

Công ty anh hỗ trợ cho nhân sự được về quê từ sớm, có thể làm việc từ xa, nhằm giảm gánh nặng chi phí di chuyển.

“Giờ có công việc là may mắn, một năm không thưởng tết cũng không sao”, anh khẳng định.

Khôi cho biết anh đang làm việc tại một công ty startup nhỏ, sau khi bị lay-off vào đầu năm nay. Chật vật tìm việc, Minh Khôi hiểu có được công việc phù hợp với mức lương tốt thời điểm hiện tại là điều quan trọng hơn hết.

“Tôi nhận thấy rất nhiều nhân viên cũng muốn san sẻ khó khăn với công ty, miễn là các sếp thấy được điều đó và trân trọng họ", anh nói.

Quản lý không dám giữ

Đăng Khoa (30 tuổi, quận Cầu Giấy, Hà Nội), trưởng nhóm truyền thông của một công ty công nghệ, cho biết không dám níu chân nếu nhân sự quyết định nghỉ việc vì không có thưởng Tết.

Khi nhận được thông báo khoản thưởng cuối năm bị cắt giảm, Khoa nhận thấy 2-3 nhân sự dưới quyền quản lý của anh thể hiện thái độ chán nản, rục rịch xin nghỉ việc.

“Tôi bất lực trước tình huống này”, trưởng nhóm truyền thông chia sẻ.

Dưới góc độ quản lý, Khoa cần đảm bảo phúc lợi cho nhân viên, đưa ra những quyền lợi hấp dẫn để thuyết phục người lao động tiếp tục gắn bó với doanh nghiệp.

Song, anh biết quỹ lương thưởng của công ty ngày càng bị siết chặt, nên không thể tự tin đem đến lợi ích cho cấp dưới. Thậm chí, quyền lợi của quản lý cấp trung như anh cũng bị lung lay ít nhiều.

Đối với một số nhân sự làm việc với chức danh cộng tác viên, không thuộc chế độ hưởng bảo hiểm, thưởng Tết, Đăng Khoa cũng không thể hứa hẹn về thời gian ký hợp đồng lao động chính thức do vị trí trống tại công ty không còn nhiều.

Hơn nữa, doanh nghiệp cũng ưu tiên tuyển và sử dụng cộng tác viên trong bối cảnh kinh tế khó khăn để tiết kiệm ngân quỹ vận hành eo hẹp.

Đối với cộng tác viên nữ, Đăng Khoa càng không có ý định giữ chân vì hiểu rằng nữ giới đặc biệt cần bảo hiểm thai sản và các phúc lợi liên quan khác.

Để đảm bảo công việc không bị ảnh hưởng nhiều, anh chỉ có thể tuyển dụng nhân sự mới và trao đổi rõ ràng về lợi ích với người lao động trong buổi phỏng vấn. Nếu ứng viên không hài lòng với chế độ đãi ngộ, Khoa không còn cách nào khác.

Phạm Bình, phó giám đốc công ty sản xuất thực phẩm tại TP.HCM, cho biết theo quan điểm của anh, thưởng Tết là trách nhiệm của doanh nghiệp. Dù tình hình kinh tế không khả quan, năm nay công ty anh vẫn bố trí cho nhân viên nhận đủ lương tháng 13 và thưởng cá nhân nếu nhân sự hoàn thành KPI.

Với góc độ cấp quản lý, Phạm Bình cho biết không thưởng tết là thiệt thòi lớn cho nhân sự.

“Đã làm chủ doanh nghiệp, điều này cần các lãnh đạo phải chịu được áp lực về mặt tài chính. Việc không thể bố trí thưởng tết cho nhân viên thể hiện sự yếu kém trong việc quản lý dòng tiền. Từ giữa năm, các công tác chi trả cho thưởng tết đã phải được tiến hành, sắp xếp. Ở cấp quản lý nhưng tôi cũng không đồng tình với việc không thưởng Tết cho nhân viên", anh Bình nói.

Nếu đặt trường hợp công ty không đủ điều kiện để chi trả lương, thưởng, Phạm Bình sẵn sàng suy nghĩ về việc chuyển đổi công việc nếu quan sát tình hình không khả quan trong năm sau.

Bên cạnh đó, anh cho rằng khi công ty không có thưởng tết, các lãnh đạo cần động viên sát sao, trình bày hoàn cảnh để được nhân viên thông cảm.

“Nếu có khả năng, các doanh nghiệp nên thiện chí cân nhắc đến việc thưởng một khoản trong quý 1, quý 2 năm sau để giữ chân nhân sự", anh nói thêm.

Mỹ Trinh - Linh Vũ

Ảnh: NVCC

Nguồn Znews: https://znews.vn/chon-di-hay-o-lai-khi-sep-bao-nam-nay-khong-co-thuong-tet-post1454600.html