Chợ tự phát - nỗi lo mất an toàn giao thông

Những năm gần đây, cùng với sự xuất hiện các khu, cụm công nghiệp (KCN), tình trạng người dân tự ý lấn chiếm lòng, lề đường để kinh doanh, mua bán trở nên phổ biến, tạo thành những điểm chợ tự phát.

Vô tư dừng xe giữa đường mua hàng.

Xuất phát nhu cầu “mua nhanh bán vội”, “tiện người mua, lợi người bán”, nhiều người dân bất chấp nguy hiểm và sự ngăn cấm của chính quyền địa phương, vẫn cố ý bày hàng hóa, thực phẩm ra lòng, lề đường. Trong khi đó, không ít người vô tư dừng, đỗ xe lấn chiếm đường giao thông để mua hàng, tiềm ẩn nguy cơ tai nạn khó lường. Dù lực lượng chức năng nhiều lần xử lý nhưng tình trạng chợ tự phát lấn chiếm lòng, lề đường vẫn không thể giải quyết triệt để.

Tiềm ẩn nguy cơ tai nạn giao thông

Tình trạng kẹt xe, ùn ứ giao thông tại khu vực ngã tư Suối Sâu (khu phố Suối Sâu, phường An Tịnh, thị xã Trảng Bàng) mỗi khi công nhân trong Khu chế xuất - công nghiệp Linh Trung III tan ca vẫn thường xuyên diễn ra. Theo người dân địa phương, chợ tự phát tại đây hình thành từ hơn chục năm qua, ban đầu chỉ là các sạp hàng của những hộ kinh doanh tại nhà. Sau đó, nhiều người sắm xe đẩy, bày hàng bán cặp hai bên lề khiến cho mặt đường thu hẹp, có lúc chỉ đủ lối đi cho một xe ô tô.

Chị Nhung, hiện đang làm việc tại Khu chế xuất - công nghiệp Linh Trung III cho biết, mỗi buổi chiều, khoảng từ 15 giờ 30 đến hơn 18 giờ hằng ngày là lúc công nhân tan ca. Hàng trăm, hàng ngàn xe gắn máy nối đuôi nhau chầm chậm di chuyển qua đoạn đường từ cổng KCN-KCX đến ngã tư Suối Sâu. Điều đáng nói là, một bộ phận không nhỏ người đi đường vẫn vô tư tấp vào mua hàng hóa, bất chấp phía sau có nhiều phương tiện đang di chuyển khó khăn.

Khi có lực lượng chức năng, người bán đem hàng tránh đi nơi khác, sau đó mọi chuyện trở lại như cũ.

Cũng theo phản ánh của người dân phường An Tịnh, tuyến đường từ ngã tư An Bình đến khu phố An Khương cũng trở thành điểm họp chợ tự phát từ nhiều năm qua. Đoạn đường khoảng gần 500m với đầy đủ các loại thực phẩm từ thịt cá, rau quả tươi sống đến cả các mặt hàng may mặc, được người dân vô tư bày bán dọc hai bên đường... Thậm chí, có người còn mang ra giữa đường bày hàng, bất chấp dòng xe cộ đông đúc. Những người đi ngang qua đoạn đường này không khỏi đau đầu bởi tiếng còi xe liên tục phát ra hòa lẫn với tiếng rao bán hàng hóa từ hàng chục chiếc loa phóng thanh hỗn tạp.

Bà L.T.Ng, một người buôn bán tại đây cho biết, trước bà là công nhân làm việc tại KCN Trảng Bàng. Công việc vất vả nhưng đồng lương thấp, không đủ chi phí trang trải cho cuộc sống nên bà bỏ việc, gom chút vốn liếng đi mua cá tại Long An mang về bán. Theo bà Ng, việc buôn bán tại điểm chợ thường họp vào buổi chiều, bắt đầu từ lúc gần 15 giờ đến hơn 18 giờ. Mỗi ngày, bà bán được khoảng từ 10 - 20kg cá, thu nhập khoảng trên dưới 500.000 đồng, trừ vốn liếng, bà còn lời khoảng 200.000 đồng. “Giờ tôi lớn tuổi rồi, khó xin vào làm việc trong các công ty nên ra đây buôn bán, thu nhập tuy không cao nhưng bù lại có nhiều thời gian lo cho gia đình hơn”- bà Ng tâm sự.

Trên tuyến đường 782, đoạn qua KCN Phước Đông (thuộc ấp Phước Đức B, xã Phước Đông, huyện Gò Dầu) cũng tồn tại chợ tự phát để phục vụ người dân và công nhân khu vực này. Các tiểu thương bày bán dưới lòng đường đúng vào giờ tan ca thường gây ùn tắc giao thông, tiềm ẩn nguy cơ tai nạn rất cao.

Chị Nguyễn Thị Oanh, công nhân KCN Phước Đông cho biết, sở dĩ chị chọn mua thực phẩm ven đường vì “tiện lợi”, cần mua món gì chỉ việc tấp xe vào, mua bán chỉ diễn trong vòng 1-2 phút, rất nhanh gọn. Theo chị Oanh, công việc của chị phải đứng liên tục cả ngày rất mệt mỏi nên khi tan ca, chỉ muốn mua vội vài món về chế biến, tranh thủ thời gian còn lại nghỉ ngơi. “Tôi nghĩ mình tấp vô mua cũng nhanh rồi đi chứ có làm ảnh hưởng đến ai đâu mà lo”- chị Oanh phân trần.

Còn theo anh Võ Văn Tiến, tài xế xe tải thường xuyên qua lại tuyến đường này ngán ngẩm chia sẻ, việc lưu thông qua đoạn đường này vào giờ cao điểm rất khó khăn. Người buôn bán lấn chiếm lòng đường đã đành, nhiều người đi đường cũng vô tư tấp vào mua, đường đông, nhiều người ra vô loạn xạ nên mỗi khi lái xe qua đây, anh phải tập trung chú ý, chủ động rà phanh để tránh những trường hợp bất ngờ.

Nhiều người mua bán lấn chiếm lòng, lề đường.

Dẹp chợ tự phát có thực sự khó?

Thực tế cho thấy, trong những năm qua, việc lấn chiếm lòng, lề đường để họp chợ diễn ra ở nhiều địa phương trên địa bàn tỉnh. Tình trạng này không chỉ diễn ra tại các điểm chợ tự phát mà ngay tại những chợ dân sinh, tình trạng lấn chiếm hành lang, lòng, lề đường để buôn bán cũng diễn ra phổ biến. Nơi bị lấn chiếm đều là những tuyến đường, đoạn đường khu vực đông dân cư hay có lưu lượng phương tiện giao thông lớn. Tuy nhiên, bất chấp nguy hiểm, nhiều người vẫn thản nhiên mua, bán hàng hóa mà không nghĩ đến những nguy cơ có thể xảy ra.

Ông Nguyễn Đông Đức- Phó Chủ tịch UBND phường An Tịnh (thị xã Trảng Bàng) cho biết, tình trạng người dân tự ý tụ tập kinh doanh, buôn bán lấn chiếm lòng, lề đường tại một số điểm trên địa bàn phường như ngã tư Suối Sâu, đoạn đường từ ngã tư An Bình đến khu phố An Khương thường xuyên diễn ra. Để bảo đảm an ninh trật tự và an toàn giao thông, mỗi buổi chiều, phường đều cử lực lượng bảo vệ dân phố đi đến từng hộ kinh doanh nhắc nhở, yêu cầu họ thu dọn hàng hóa vào sát lề. Tuy nhiên, mỗi khi các lực lượng chức năng xuất hiện thì người bán lại đem hàng tránh đi một nơi khác. Đến khi không có mặt lực lượng chức năng, mọi chuyện trở lại như cũ.

Ông Lê Tấn Vinh- Phó Chủ tịch UBND xã Phước Đông, trên địa bàn xã hiện có 2 điểm chợ là chợ xã Phước Đông tại ấp Phước Đức A và điểm chợ của HTX chợ Phước Đông tại ấp Phước Đức B. Ngoài ra, tại khu vực giáp với xã Bàu Đồn có có điểm chợ Võ Vương phục vụ nhu cầu buôn bán và mua sắm của người dân địa phương và công nhân tại KCN Phước Đông. Tuy nhiên, hiện nay, tại khu vực cổng chính KCN Phước Đông vẫn thường xuyên diễn ra tình trạng nhiều hộ kinh doanh lấn chiếm lòng, lề đường bày bán hàng hóa, thực phẩm, gây ùn tắc vào giờ cao điểm.

Để giải quyết vấn đề này, địa phương đã cử lực lượng Công an xã thường xuyên tuyên truyền, nhắc nhở. Đối với các cá nhân không chấp hành, lực lượng chức năng xử lý bằng cách lập biên bản, tịch thu hàng hóa. Không những vậy, xã còn cử lực lượng thường xuyên túc trực tại chỗ để giảm việc họp chợ tự phát; nhưng khi lực lượng chức năng rút đi, đâu lại vào đấy. Tình trạng trên gây ảnh hưởng không nhỏ đến tình hình an ninh trật tự, an toàn giao thông của địa phương. Theo ông Vinh, cái khó của địa phương là đa số các hộ kinh doanh tự phát đều là dân nhập cư nên rất khó xử lý. Bên cạnh đó, hoàn cảnh kinh tế của đa số các hộ này thuộc diện khó khăn, nhiều người bán còn thể hiện việc chống đối, không chấp hành quy định.

Minh Dương – Phương Thảo

Nguồn Tây Ninh: https://baotayninh.vn/cho-tu-pha-t-no-i-lo-ma-t-an-toa-n-giao-thong-a149696.html