Cho thí điểm thuốc lá điện tử, hệ lụy sẽ khôn lường

Theo các chuyên gia, cấm thuốc lá điện tử rất cấp thiết để bảo vệ sức khỏe cộng đồng. Nếu cho thí điểm, có thể để lại hệ lụy khôn lường.

Nỗi lo chất cấm ẩn dật

Tại phiên giải trình do Ủy ban Văn hóa, Giáo dục và Ủy ban Xã hội của Quốc hội tổ chức mới đây, Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan nêu rõ quan điểm nhất quán đề xuất cấm thuốc lá điện tử, nung nóng và các loại thuốc lá thế hệ mới khác.

Một trường hợp ngộ độc thuốc lá điện tử có chứa ma túy, điều trị tại Bệnh viện Bạch Mai.

Trong khi đó, nhiều đại biểu đặt vấn đề, trong khi Bộ Y tế đề nghị cấm thuốc lá điện tử, nung nóng nhưng Bộ Công thương lại đề nghị thí điểm quản lý thuốc lá mới. Vì vậy, các đại biểu đã đề nghị Bộ Công thương làm rõ lý do gì, căn cứ vào đâu đề xuất việc này. Trước khi đề xuất, Bộ Công thương đã nghiên cứu kỹ lưỡng, đánh giá tác động đề xuất này mang lại hay chưa.

Thậm chí, đại biểu Nguyễn Anh Trí (Hà Nội) bày tỏ: "Tôi cảm thấy kỳ lạ, tại sao lại thí điểm với chất gây nghiện, loại giết người mà thí điểm. Không thí điểm gì cả".

Theo ông Trí, thuốc lá điện tử tràn lan trên thế giới và ở Việt Nam, rất có hại, hại toàn diện và rõ ràng.

Giải trình nội dung này, Thứ trưởng Bộ Công thương Phan Thị Thắng nói bộ được giao nhiệm vụ nghiên cứu quy định để quản lý sản phẩm thuốc lá điện tử. Bà Thắng khẳng định, nếu thực hiện như hiện nay, không quản lý, cấm thì chế tài chưa rõ. Cũng theo bà Thắng, hiện nay chưa có văn bản nào cho nhập khẩu thuốc lá điện tử, mà chỉ cho nhập thuốc lá điếu và cigar.

Trao đổi với Báo Giao thông, TS Nguyễn Trung Nguyên, Giám đốc Trung tâm Chống độc, Bệnh viện Bạch Mai cho biết, dung dịch trong thuốc lá điện tử thường chứa các hóa chất nicotine, chất tạo hương vị, chất tạo màu, các chất phụ gia và có thể có các chất ma túy... để lại hậu quả rất nặng nề.

Trung tâm Chống độc đã tiếp nhận nhiều bệnh nhân rất trẻ nhập viện vì ngộ độc thuốc lá điện tử có chứa ma túy trong tình trạng "sinh mạng treo ngọn tóc". Không ít mẫu thuốc lá điện tử đã được xét nghiệm, kết quả tìm thấy chất cần sa tổng hợp hay ma túy mới.

Việc kiểm soát đang bị bỏ ngỏ

PGS.TS Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục Quản lý khám chữa bệnh (Bộ Y tế), Giám đốc Quỹ phòng chống tác hại của thuốc lá cho biết, tính riêng năm 2023, có 1.224 ca nhập viện do sử dụng thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng. Đáng lưu tâm, nhóm trẻ nhập viện do sử dụng thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng rất lớn, gồm cả nam và nữ.

Theo WHO, trên thế giới đã có ít nhất 39 quốc gia và vùng lãnh thổ cấm hoàn toàn các sản phẩm thuốc lá điện tử. Trong khu vực Asean, đã có 5 quốc gia cấm hoàn toàn, gồm: Thái Lan, Singapore, Lào, Brunei, Campuchia.

Ông Khuê cho biết thêm, các loại thuốc lá mới (thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng) thường sử dụng nhiều hương liệu, nguyên liệu, hóa chất khác nhau. Thông qua việc phối trộn, người sử dụng có thể tự ý tăng tỷ lệ nicotine quá mức hoặc thêm ma túy và các chất gây nghiện khác.

"Hiện, tỷ lệ sử dụng thuốc lá mới, đặc biệt trong giới trẻ đang có xu hướng tăng, nhất là khi việc kiểm soát nguồn tiếp cận với các sản phẩm này đang bỏ ngỏ", ông Khuê bày tỏ lo ngại.

Theo TS Nguyễn Trung Nguyên, thuốc lá điện tử đang khởi đầu cho trào lưu và xu hướng lạm dụng các hóa chất nhân tạo tổng hợp. Xu hướng này có nguy cơ gây ra rất nhiều vấn đề về y tế, an ninh và trật tự xã hội.

Theo ông, trong 2 năm qua, Bệnh viện Bạch Mai tiếp nhận hơn 130 trường hợp nhập viện sau khi sử dụng thuốc lá điện tử. Trong đó, xét nghiệm nhiều mẫu thuốc lá điện tử của bệnh nhân cho kết quả dương tính với ma túy. Chi phí điều trị những ca ngộ độc thuốc lá điện tử trộn ma túy tiêu tốn trung bình từ trên 10 triệu đồng đến hàng trăm triệu đồng.

Không hành động sẽ nhiều hệ lụy

"Cần ngay lập tức cấm lưu hành thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng ở Việt Nam, cần cấm hoàn toàn, không chờ thử nghiệm, không cần đánh giá, theo dõi", ông Nguyên đề xuất.

Theo công bố của WHO và CDC Hoa Kỳ, dù các sản phẩm thuốc lá điện tử mới xuất hiện trên thị trường gần đây và các bằng chứng còn đang được tiếp tục thu thập, nhưng đã đủ cho thấy các sản phẩm thuốc lá mới gây ra các bệnh mãn tính nguy hiểm cho người sử dụng như: Ung thư, tim mạch, hô hấp, sức khỏe tâm thần.

Chính vì vậy, WHO kêu gọi Việt Nam cần ban hành những quy định nghiêm ngặt nhất như cấm nhập khẩu, sản xuất, phân phối, buôn bán, và quảng cáo tất cả các sản phẩm nicotin và thuốc lá mới nhằm bảo vệ sức khỏe người dân, đặc biệt là sức khỏe của thế hệ trẻ.

Còn theo ông Khuê, thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng là các sản phẩm mới và không thuộc phạm vi điều chỉnh của Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá.

Trước mắt, Bộ Y tế đang nghiên cứu, đề xuất Chính phủ trình Quốc hội ban hành Nghị quyết cấm sản xuất, kinh doanh, nhập khẩu, quảng cáo thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng và các sản phẩm thuốc mới khác có thể sẽ xuất hiện trong tương lai. Về lâu dài, Bộ Y tế sẽ trình Chính phủ, Quốc hội xem xét sửa đổi, bổ sung Luật Phòng, chống tác hại thuốc lá để bổ sung quy định này vào luật.

An Vũ

Nguồn Giao Thông: https://www.baogiaothong.vn/cho-thi-diem-thuoc-la-dien-tu-he-luy-se-khon-luong-192240516231400335.htm