'Chợ quê' thúc đẩy giao thương

Từ trước đến nay, chợ nông thôn luôn là hình thức mua bán truyền thống, sự xuất hiện của chợ ở các vùng nông thôn sâu đã tô điểm thêm sinh khí, rộn ràng nhịp sống, thúc đẩy giao thương, tiêu thụ sản phẩm của địa phương.

Là 1 trong 2 xã của huyện U Minh (bên cạnh Khánh Hội) có điểm chợ, chợ Khánh Hòa nằm ở vị trí trung tâm xã, ngay ngã ba sông rất thuận tiện cho việc mua bán. Chợ có diện tích 3.900 m2, diện tích xây dựng chợ 708,5 m2, có 45 hộ kinh doanh, với 77 ki-ốt. Chợ được đầu tư xây dựng từ năm 2009.

“Chợ được thành lập tạo điều kiện cho người dân trong và ngoài xã trao đổi giao thương hàng hóa, đặc biệt hàng nông sản của nông dân được mua bán dễ dàng, giá cao so với trước khi thành lập chợ. Từ đó, giúp kinh tế giao thương phát triển”, ông Lâm Hải Ðăng, Phó chủ tịch UBND xã Khánh Hòa, cho biết.

Ông Nguyễn Tấn Hưng, Trưởng ban Quản lý chợ Khánh Hòa, chia sẻ: “So với trước đây, việc có chợ đã giải quyết được vấn đề lấn chiếm lòng lề đường, đảm bảo trật tự an toàn giao thông, phòng cháy chữa cháy. Rác thải được thu gom hằng ngày nên tạo được mỹ quan. Chính quyền địa phương cũng như Ban quản lý chợ thường xuyên vận động, hướng dẫn tiểu thương về công tác an toàn thực phẩm và niêm yết giá cả. Nhắc nhở người dân không bán hàng gian, hàng giả, hàng kém chất lượng, hàng cấm, tích cực vận động người tiêu dùng “người Việt ưu tiên dùng hàng Việt”.

Kinh doanh mặt hàng điện gia dụng trong chợ, chị Huỳnh Mai Trinh (ngụ Ấp 5) cho biết: “Tôi vào bán từ lúc thành lập chợ đến nay, lúc trước bán được lắm nhưng sau dịch thì sức mua người dân chậm lại”.

Mô hình chợ 4.0 là xu hướng tất yếu trong tiến trình chuyển đổi số. (Trong ảnh: Chợ 4.0 tại xã Tân Lộc, huyện Thới Bình).

Mô hình chợ 4.0 là xu hướng tất yếu trong tiến trình chuyển đổi số. (Trong ảnh: Chợ 4.0 tại xã Tân Lộc, huyện Thới Bình).

Trong bối cảnh chuyển đổi số, cụm từ “chợ 4.0” dần trở nên quen thuộc với người dân, đó cũng là xu hướng tất yếu, bước chuyển mình mạnh mẽ của các chợ nông thôn. Bên cạnh kinh doanh các mặt hàng truyền thống, với lợi thế vị trí nằm ngay tuyến Quốc lộ 63, chợ Tân Lộc (huyện Thới Bình) ngày nay còn kinh doanh nhiều mặt hàng, sản phẩm công nghiệp, hàng Online, hàng nhập khẩu. Các dịch vụ hiện đại như ngân hàng, chuyển tiền, bảo hiểm, viễn thông cũng phát triển mạnh. Các hoạt động chuyển đổi số mô hình “chợ 4.0” cũng được triển khai với các hình thức mua bán, trao đổi không dùng tiền mặt mang lại nhiều sự thuận tiện cho tiểu thương lẫn khách hàng.

Ông Trần Bình Ðẳng (tiểu thương chợ Tân Lộc, huyện Thới Bình) cho biết: “Cửa hàng tôi thực hiện các dịch vụ chuyển tiền, thanh toán không dùng tiền mặt đã nhiều năm nay. Ưu điểm của thanh toán không dùng tiền mặt là tránh tình trạng bị lẫn lộn vì khi giao dịch có phần sao lưu liên kết giữa 2 người, sử dụng tiền mặt nhiều khi khách dễ đánh rơi”.

Khách hàng đến giao dịch chuyển tiền tại cửa hàng của anh Trần Bình Đẳng (tiểu thương chợ Tân Lộc, huyện Thới Bình).

Khách hàng đến giao dịch chuyển tiền tại cửa hàng của anh Trần Bình Đẳng (tiểu thương chợ Tân Lộc, huyện Thới Bình).

Ông Huỳnh Thanh Tuấn, Giám đốc Viettel huyện Thới Bình, thông tin, vừa qua, Viettel phối hợp cùng với chính quyền địa phương thực hiện mô hình “chợ 4.0”, ra quân cài đặt app Viettel Money tạo mã QR cho các tiểu thương trong chợ để bà con dần thích nghi với hình thức thanh toán không dùng tiền mặt. Hiện tại, chúng tôi đã thực hiện cài đặt các app không dùng tiền mặt cho người dân trên các trục lộ chính của xã. Thời gian tới, mục tiêu ở mỗi ấp chúng tôi sẽ có từ 2-3 điểm nạp rút tiền”.

Ðược xem là một trong những nét đẹp đặc trưng trong văn hóa thương mại của người Việt, chợ nông thôn giữa nhịp sống hiện đại đang từng ngày mang sứ mệnh lưu giữ những giá trị truyền thống vốn có, đồng thời, những thay đổi lớn về quy mô, chức năng hoạt động chợ, đã phản ánh được sự phát triển kinh tế, góp phần nâng cao nhu cầu, tạo thêm thu nhập cho người dân địa phương./.

Hữu Nghĩa

Nguồn Cà Mau: https://baocamau.vn/-cho-que-thuc-day-giao-thuong-a31134.html