Chợ quê làng Chăm Đa Phước: Nét văn hóa độc đáo của cộng đồng người Chăm ở An Giang

Quá trình đô thị hóa phát triển, các cửa hàng tiện lợi và siêu thị đang dần thay thế chợ truyền thống. Tuy nhiên, đồng bào dân tộc Chăm Islam ở An Giang vẫn luôn lưu giữ được những giá trị văn hóa mang đậm nét truyền thống qua chợ quê làng Chăm Đa Phước.

Du khách thích thú chụp ảnh lưu niệm tại phiên chợ quê làng Chăm Đa Phước. Ảnh: Thúy Hạnh

Tỉnh An Giang có đường biên giới giáp Campuchia dài gần 100km. Khu vực biên giới có 18 xã, phường, thị trấn, 5 huyện, thị xã, thành phố. Thời gian qua, Tỉnh ủy, UBND tỉnh đặc biệt quan tâm đầu tư, phát triển kinh tế - xã hội, cơ sở hạ tầng, kinh tế cửa khẩu gắn với đảm bảo quốc phòng - an ninh, tạo điều kiện cho người dân có cuộc sống ổn định và phát triển.

Theo số liệu của Ban Đại diện cộng đồng Hồi giáo tỉnh An Giang, đồng bào Chăm theo Hồi giáo (Islam) ở An Giang có khoảng 17.000 người, chủ yếu ở huyện An Phú và thị xã Tân Châu. Thị trấn Đa Phước, huyện An Phú là một thị trấn năng động với nhiều lợi thế để phát triển kinh tế - xã hội, trong đó, phát triển du lịch được coi là hướng đi mới đầy tiềm năng và triển vọng.

Gần đây, nhiều người biết đến thị trấn Đa Phước không chỉ là làng bè đa sắc màu tại ngã ba sông Châu Đốc, mà còn nổi lên điểm nhấn du lịch văn hóa mới là chợ quê làng Chăm Đa Phước. Chợ quê kết nối với thành phố Châu Đốc bằng cầu Cồn Tiên hiền hòa. Nằm phía sau Thánh đường Hồi giáo, mô hình chợ quê thuộc khu sinh thái Jiao Hary, do ông Abdul Alim làm chủ đầu tư có diện tích hơn 40.000m2. Chợ quê ở xóm Chăm thuộc khóm Hà Bao 2, thị trấn Đa Phước. Được kết hợp giữa yếu tố truyền thống và hiện đại, chợ quê làng Chăm Đa Phước có hơn 60 gian hàng là các sản phẩm nông - lâm sản, thủ công mỹ nghệ, sản phẩm OCOP cùng các loại bánh truyền thống của dân tộc. Các tiểu thương ở chợ quê phần lớn là người dân địa phương.

Những giá trị văn hóa của cộng đồng người Chăm Islam dường như được thu nhỏ trong khu du lịch sinh thái chợ quê làng Chăm Đa Phước. Dưới những quán hàng là căn chòi nhỏ đơn sơ, mái lá, vách tre, các món hàng được bày bán đều do người dân tự tay làm ra. Chính vì vậy, nơi đây đã thu hút được hàng ngàn lượt người đến tham quan với nhiều hoạt động vui chơi, giải trí mang đậm bản sắc dân tộc. Với không gian rộng rãi thoáng mát, khu du lịch sinh thái là nơi thích hợp để người thân, gia đình và bạn bè có thể cùng nhau trò chuyện, thưởng thức những món ăn đậm hương vị truyền thống của người Chăm như: Tung lò mò, khồi e tích, cari bò, cơm truyền thống, bánh saykya... với nước giải khát đã tạo nên bức tranh ẩm thực rất riêng của đồng bào Chăm nơi đây.

Ông Abdul Alim, Giám đốc Công ty Trách nhiệm hữu hạn Thương mại và Du lịch làng Chăm An Giang cho biết: “Là người con của dân tộc Chăm, với tình yêu quê hương, tôi có mơ ước cống hiến một phần công sức để xây dựng quê hương ngày càng phát triển. Nhận thấy tiềm năng du lịch cộng đồng nơi đây, công ty chúng tôi đã đầu tư xây dựng khu du lịch sinh thái Jiao Hary để kết nối, quảng bá rộng văn hóa, ẩm thực truyền thống của người Chăm tới khách du lịch trong và ngoài nước. Đồng thời, tạo điều kiện cho đồng bào Chăm có việc làm ổn định, góp phần cùng địa phương phát triển kinh tế. Qua đó, duy trì, gìn giữ và phát huy những giá trị truyền thống của đồng bào dân tộc Chăm Islam”.

Bà Ma Ri Giah, một Việt kiều ở Mỹ khi đến đây bày tỏ: “Tôi qua sống bên Mỹ lâu rồi và rất bất ngờ khi thấy phiên chợ quê làng Chăm này. Trước kia, kiếm được những món ăn truyền thống là rất khó khăn, nay dễ dàng tìm thấy ở phiên chợ quê. Cảm ơn những người đã có ý tưởng, quan tâm đầu tư khu sinh thái mang đậm bản sắc văn hóa truyền thống của dân tộc Chăm. Rất mong mọi người dân trong và ngoài nước hãy đến đây một lần cho biết, khu du lịch sinh thái này sẽ không làm chúng ta thất vọng”.

Du lịch An Giang, khám phá và trải nghiệm với người Chăm thân thiện, hiền lành với lòng hiếu khách, du khách không những được thưởng thức hương vị ẩm thực đặc sắc từ những đôi bàn tay khéo léo của người Chăm Đa Phước, mà còn được mua sắm những sản phẩm truyền thống như túi xách, bút viết, khăn choàng rất đa dạng với nhiều màu sắc hoa văn đẹp mắt, do chính những nghệ nhân người Chăm làm ra. Với những tinh hoa độc đáo này, du khách có thể mua làm quà tặng, lưu niệm. Không những thế, mọi người có thể cùng với người thân, bạn bè, hòa mình với thiên nhiên trên những chiếc thuyền với mái chèo lướt sóng quanh đảo cá chép. Du khách còn có thể ngắm nhìn vườn trái cây, khung cảnh tuyệt vời của phiên chợ quê tái hiện cảnh sông nước hữu tình, mang đậm chất miền Tây Nam Bộ, một cách yên bình và thoải mái.

Ngoài ra, du khách có thể thả hồn theo gió chiều với ly cà phê trên đảo cá chép, thưởng thức các tiết mục văn nghệ đặc sắc mang đậm nét văn hóa truyền thống của đồng bào dân tộc Chăm, cùng với các ca sĩ, nhạc sĩ của người Chăm biểu diễn. Du khách cũng có thể hóa thân làm người Chăm, chụp ảnh tại buồng cưới được trang hoàng rất đẹp, đầy màu sắc rực rỡ với những phong tục cưới hỏi của người Chăm. Trời về đêm, khu chợ trở nên đẹp lung linh, huyền ảo bên cạnh thánh đường cổ kính với những nét kiến trúc độc đáo.

Hy vọng, loại hình du lịch cộng đồng hấp dẫn này không chỉ góp phần bảo tồn và phát huy các giá trị bản sắc văn hóa dân tộc, mà còn nâng cao đời sống của người dân tỉnh An Giang nói chung, huyện An Phú nói riêng.

Thúy Hạnh

Nguồn Biên Phòng: https://bienphong.com.vn/cho-que-lang-cham-da-phuoc-net-van-hoa-doc-dao-cua-cong-dong-nguoi-cham-o-an-giang-post473832.html