Cho phép người dân tự xét nghiệm, Trung Quốc chuẩn bị từ bỏ chiến lược 'Zero COVID'?

Hôm 12/3, Cơ quan Quản lý Sản phẩm Y tế Quốc gia Trung Quốc đã cấp phép lưu hành 5 sản phẩm xét nghiệm kháng nguyên nhằm phục vụ nhu cầu tự xét nghiệm của người dân.

Nhân viên y tế tiến hành xét nghiệm kháng nguyên nhanh COVID-19. Ảnh: Tân Hoa xã

Nhân viên y tế tiến hành xét nghiệm kháng nguyên nhanh COVID-19. Ảnh: Tân Hoa xã

Theo tờ Thời báo Hoàn cầu, các chuyên gia nhận định việc cho phép người dân tự xét nghiệm là một phần trong quá trình điều chỉnh các biện pháp phòng dịch của Trung Quốc giữa bối cảnh biến thể Omicron đang lây lan mạnh mẽ. Điều đó cũng giúp nâng cao năng lực phòng dịch của nước này trước kịch bản các ca mắc nhập cảnh có thể bùng phát với quy mô lớn hơn khi nhiều quốc gia trên thế giới đang dần nới lỏng các hạn chế COVID-19.

Đài truyền hình Trung Quốc CCTV đưa tin nước này đã cấp phép lưu hành 5 bộ xét nghiệm kháng nguyên của 5 công ty sản xuất thiết bị y tế. So với xét nghiệm axit nucleic, dụng cụ xét nghiệm nhanh kháng nguyên có chi phí rẻ và tiện lợi hơn nhiều. Trong cuộc phỏng vấn với Tập đoàn Truyền thông Thượng Hải hôm 11/3, ông Zhang Wenhong, Giám đốc Trung tâm Bệnh truyền nhiễm tại Bệnh viện Huashan, thuộc Đại học Phúc Đán (Thượng Hải), cho biết kết quả xét nghiệm kháng nguyên cũng có giá trị cao mặc dù độ nhạy của phương pháp xét nghiệm này thấp hơn so với xét nghiệm axit nucleic.

Trích dẫn ví dụ ở đặc khu hành chính Hong Kong, nơi đang chấp nhận kết quả xét nghiệm kháng nguyên trong cuộc chiến chống COVID-19 hiện nay, ông Zhang cho biết phương pháp này có thể giúp kiểm soát virus lây lan với mức độ rất mức thấp.

Việc cho phép người dân sử dụng xét nghiệm kháng nguyên cũng là một phần của quá trình chuẩn bị cho các cuộc xét nghiệm quy mô lớn. Song ông Zhang nhấn mạnh điều đó không có nghĩa là Trung Quốc sẽ từ bỏ chính sách “không COVID” của mình.

Người dân xếp hàng chờ xét nghiệm axit nucleic ở Hàng Châu, tỉnh Chiết Giang. phía đông Trung Quốc vào ngày 11/3. Ảnh: IC

Người dân xếp hàng chờ xét nghiệm axit nucleic ở Hàng Châu, tỉnh Chiết Giang. phía đông Trung Quốc vào ngày 11/3. Ảnh: IC

Đánh giá về sự khác biệt trong chiến lược đối phó với đợt bùng dịch do biến thể Omicron hiện nay với các nỗ lực ngăn chặn dịch bệnh trước đây, ông Zhang lưu ý rằng công tác phòng dịch của Trung Quốc đang đạt được những bước tiến đột phá. Ông cho rằng thông qua việc tích lũy những bước tiến này, đất nước sẽ tiến tới mở cửa hoàn toàn.

Trước đó, hôm 11/3, Ủy ban Y tế Quốc gia Trung Quốc đã thông báo nước này sẽ cho phép người dân mua các bộ xét nghiệm COVID-19 trực tiếp tại cửa hàng hoặc trên mạng. Đây là lần đầu tiên Trung Quốc cho phép người dân tự xét nghiệm kể từ khi dịch bệnh bùng phát trong hơn 2 năm qua.

Ông Lu Hongzhou, Giám đốc Bệnh viện Nhân dân 3 ở Thâm Quyến, cho biết: “So với xét nghiệm axit nucleic, xét nghiệm kháng nguyên có ưu điểm là thuận tiện, nhanh chóng và chi phí thấp, và người dân có thể dễ dàng làm xét nghiệm tại nhà”.

Giáo sư Jin Dongyan tại khoa Khoa học Y sinh thuộc Đại học Hong Kong, cho rằng việc điều chỉnh chiến lược đối phó với COVID-19 hiện nay được thực hiện dựa trên các đặc điểm của biến thể Omicron. Điều này cho thấy Trung Quốc đang thay đổi chính sách chống dịch một cách khoa học và có mục tiêu hơn.

Người dân xếp hàng chờ xét nghiệm ở tỉnh Sơn Đông, Trung Quốc. Ảnh: VCG

Người dân xếp hàng chờ xét nghiệm ở tỉnh Sơn Đông, Trung Quốc. Ảnh: VCG

Biến thể Omicron lây lan mạnh ở nhiều thành phố của Trung Quốc gần đây đòi hỏi cần phải xét nghiệm sớm và nhanh chóng. Ông Jin cho biết trong khi xét nghiệm kháng nguyên chỉ mất khoảng 20 phút để xác định các trường hợp dương tính, xét nghiệm axit nucleic truyền thống mất nhiều thời gian hơn và đôi khi, các ca dương tính có thể không còn khả năng lây nhiễm cho người khác trước khi nhận kết quả. Ông Jin cho rằng việc cách ly những trường hợp này sẽ chỉ gây lãng phí tài nguyên.

Ông Jin và nhiều chuyên gia từ lâu đã kêu gọi các cơ quan y tế áp dụng các xét nghiệm kháng nguyên. Song vị quan chức này nhấn mạnh mặc dù xét nghiệm kháng nguyên nhanh hơn nhiều, nhưng chúng vẫn chỉ là biện pháp bổ sung cho xét nghiệm axit nucleic.

“Các xét nghiệm axit nucleic vẫn sẽ là cơ sở để xác nhận ca mắc COVID-19. Trong khi đó xét nghiệm kháng nguyên có thể được sử dụng như một phương tiện bổ sung để sàng lọc một số nhóm dân số nhất định, góp phần phát hiện sớm ca nhiễm”, cơ quan y tế Trung Quốc giải thích.

Trung Quốc vẫn kiên quyết theo đuổi chiến lược “không COVID” từ khi đại dịch bùng phát. Chính sách này có mục tiêu đưa ca nhiễm về 0 bằng các lệnh phong tỏa nghiêm ngặt, xét nghiệm hàng loạt và truy vết tiếp xúc nhằm khoanh vùng và loại bỏ ổ dịch ngay khi phát hiện.

Ngày 11/3, Trung Quốc báo cáo đã ghi nhận trên 1.500 ca nhiễm mới giữa bối cảnh biến thể Omicron khiến nhiều thành phố trên khắp nước này siết chặt hơn nữa các biện pháp phòng dịch. Đây là số ca nhiễm trong ngày cao nhất mà Trung Quốc đại lục ghi nhận trong 2 năm qua kể từ đợt bùng phát dịch đầu tiên ở nước này vào đầu năm 2020. Từ đầu đại dịch đến nay, nước này đã ghi nhận tổng cộng trên 113.500 ca nhiễm và ít nhất 4.600 ca tử vong do COVID-19.

Hải Vân/Báo Tin tức

Nguồn Tin Tức TTXVN: https://baotintuc.vn/the-gioi/cho-phep-nguoi-dan-tu-xet-nghiem-trung-quoc-chuan-bi-tu-bo-chien-luoc-zero-covid-20220312235053349.htm