Cho mượn sổ đỏ - 'vạ gió tai bay'

Hiện trên địa bàn tỉnh Bắc Giang có nhiều trường hợp cho người khác mượn giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (sổ đỏ) để thế chấp vay tiền tại các tổ chức tín dụng, ngân hàng. Việc làm này tiềm ẩn nhiều rủi ro đối với người cho mượn.

Trong ngôi nhà hai tầng ở thị trấn Nhã Nam (Tân Yên), ông Phạm Đình N ngồi một mình, gương mặt mệt mỏi. Thấy tôi đến và có ý muốn hỏi về chuyện mấy năm trước cho người khác mượn sổ đỏ để thế chấp vay tiền, ông kể bằng giọng buồn bã.

Chấp hành viên Chi cục THADS huyện Lạng Giang kê biên tài sản thế chấp để thi hành án.

Chấp hành viên Chi cục THADS huyện Lạng Giang kê biên tài sản thế chấp để thi hành án.

Năm 2011, ông cho vợ chồng anh Nguyễn Văn T ở thị trấn Nhã Nam mượn giấy chứng nhận quyền sử dụng đất để vay 600 triệu đồng của Ngân hàng thương mại cổ phần Đông Á (Chi nhánh Tân Yên). Làm ăn thua lỗ, anh T không trả được nợ nên bị ngân hàng khởi kiện. Tháng 2/2020, TAND huyện Tân Yên tuyên buộc vợ chồng anh T phải trả hơn 1,3 tỷ đồng (cả gốc và lãi phát sinh).

Tuy nhiên, anh T không tự nguyện thi hành án, chây ì. Chi cục Thi hành án dân sự huyện Tân Yên phải xử lý tài sản bảo đảm là hơn 220 m2 đất và tài sản gắn liền của hộ gia đình ông N. “Ban đầu, tôi rất bức xúc vì bản thân không đi vay tiền, không được sử dụng số tiền đó nhưng nay lại phải trả.

Gia đình tôi tá hỏa vì bị kê biên cả đất cả nhà, của đau con xót. Nhưng ngẫm lại cũng do mình cả nể, chưa ý thức được hậu quả phải chịu khi cho người khác mượn sổ đỏ. Bây giờ già rồi chẳng lẽ lại không nhà không cửa, vợ chồng tôi lại chạy vạy vay tiền để thực hiện nghĩa vụ thi hành án, mong giữ được căn nhà”, ông N ngao ngán nói.

Từ ngày 1/10/2021 đến nay, toàn ngành Thi hành án phải thi hành hơn 300 việc liên quan đến thu hồi nợ của tổ chức tín dụng, ngân hàng, tương ứng với số tiền gần 500 tỷ đồng. Trong đó chủ yếu liên quan đến thi hành tài sản bảo lãnh của bên thứ ba.

Trường hợp của ông N là một trong số hàng trăm giao dịch dân sự mỗi năm liên quan đến cho mượn tài sản thế chấp vay tiền từ các tổ chức tín dụng, ngân hàng.

Ông Nguyễn Văn Toản, Chánh án TAND huyện Tân Yên cho biết: “Về mặt pháp lý, khi người vay không trả được nợ thì người đứng tên thế chấp phải có trách nhiệm, nghĩa vụ trả nợ thay (thường là xử lý kê biên quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền).

Nguyên nhân thường do bên có tài sản bảo đảm chưa nắm rõ các quy định của pháp luật liên quan, đặc biệt chưa nắm rõ quyền, trách nhiệm, hậu quả pháp lý mà mình phải chịu khi cho người khác mượn sổ đỏ; không đọc kỹ hợp đồng.

Một số đơn vị công chứng, ngân hàng chưa làm tốt trách nhiệm tuyên truyền, giải thích nghĩa vụ, trách nhiệm, rủi ro mà bên có tài sản thế chấp phải chịu. Trong nhiều trường hợp còn dẫn đến tranh chấp, mâu thuẫn, kiện cáo vượt cấp, kéo dài”.

Xử lý những việc này, cơ quan tòa án gặp khá nhiều vướng mắc. Đơn cử như tại TAND TP Bắc Giang, trung bình mỗi năm thụ lý gần 80 việc (nhiều nhất tỉnh) liên quan đến thu hồi nợ của tổ chức tín dụng, ngân hàng. Nhiều trường hợp, người vay tiền không trả được nợ, bỏ trốn khỏi địa phương, phó mặc cho người bảo lãnh, dù biết trách nhiệm của mình nhưng vẫn chống đối.

Do đó, việc triệu tập làm việc, giải quyết gặp rất nhiều khó khăn. Phía bảo lãnh đa phần không hợp tác dẫn đến kéo dài thời gian thi hành, đồng nghĩa với việc lãi suất ngày một nhiều lên. Như trường hợp của ông Trần Văn Ch ở phường Lê Lợi (TP Bắc Giang) cho người thân mượn sổ đỏ để vay 1 tỷ đồng từ ngân hàng từ năm 2014.

Vụ việc kéo dài nhiều năm, đến nay, ông Ch phải thi hành số tiền lên tới hơn 1,8 tỷ đồng. Hay như ông Nguyễn Đình T ở xã Tân Dĩnh (Lạng Giang) cho người quen tên là Hằng mượn sổ đỏ để vay 400 triệu đồng của ngân hàng trong thời hạn 3 năm.

Quá hạn nhưng người này không trả được nợ. Do cần bán nhà, để lấy được “sổ đỏ” về, ông T phải chạy vạy khắp nơi vay mượn trả ngân hàng thay. Đến nay sau 10 năm, mỗi tháng Hằng trả nhỏ giọt từ 1 đến 2 triệu đồng.

Bản án được ban hành, hầu hết đương sự không tự nguyện thi hành án. Ông Nguyễn Thành Bắc, Chi cục trưởng Chi cục Thi hành án dân sự TP Bắc Giang thông tin, quá trình làm việc, chấp hành viên đều chú trọng tuyên truyền, giải thích quyền, trách nhiệm, nghĩa vụ của đương sự.

Đơn vị cũng trao đổi, chủ động đề xuất với phía tổ chức tín dụng, ngân hàng miễn giảm một phần lãi suất, tạo thuận lợi cho đương sự có thời gian trả nợ. Đối với các trường hợp chống đối, bất hợp tác, Chi cục sẽ kê biên tài sản là nhà đất để thi hành án. Ông Bắc khuyến cáo: “Các tổ chức hành nghề công chứng, tổ chức tín dụng, ngân hàng cần tuyên truyền, giải thích rõ trách nhiệm, nghĩa vụ, hậu quả pháp lý mà người bảo lãnh phải chịu nếu như người vay không trả được nợ”.

Luật sư Trần Văn An, Chủ nhiệm Đoàn Luật sư tỉnh Bắc Giang tư vấn thêm, khi dùng tài sản (sổ đỏ) của mình thực hiện các giao dịch dân sự, người dân cần xem xét kỹ mục đích sử dụng của người mượn có đúng quy định của pháp luật hay không? Khả năng trả nợ ra sao? Thu hồi tài sản như thế nào? Đặc biệt trước khi quyết định ký hợp đồng vay tiền, người cho mượn sổ đỏ cần đọc, nghiên cứu, cân nhắc thật kỹ để tránh rủi ro, vướng mắc pháp lý về sau.

Bài, ảnh: Mạc Yến

Nguồn Bắc Giang: http://baobacgiang.com.vn/bg/phap-luat/388255/cho-muon-so-do-va-gio-tai-bay-.html