Cho đi là còn mãi

“Một ngày nào đó nếu không may chết não, qua đời, ước mong khi trở về cát bụi, chúng ta vẫn có thể tiếp tục thắp sáng, viết tiếp cuộc đời của nhiều người khác”… đó là chia sẻ của GS.TS, Thầy thuốc Nhân dân Trịnh Hồng Sơn, Phó Giám đốc Bệnh viện Hữu nghị Việt Ðức, Giám đốc Trung tâm Ðiều phối quốc gia về ghép bộ phận cơ thể người. Câu nói này đã đánh thức nhiều trái tim nhân ái, là động lực để họ sẵn sàng hiến tặng mô, tạng… viết tiếp sự sống cho những cuộc đời ở lại.

Lãnh đạo Hội Chữ thập đỏ tỉnh trao thẻ nhận đăng ký hiến tặng mô, tạng cho bà Kiều Thị Thủy, phường Khai Quang, thành phố Vĩnh Yên. Ảnh: Kim Ly

Lãnh đạo Hội Chữ thập đỏ tỉnh trao thẻ nhận đăng ký hiến tặng mô, tạng cho bà Kiều Thị Thủy, phường Khai Quang, thành phố Vĩnh Yên. Ảnh: Kim Ly

Ghép mô, tạng (giác mạc, thận, gan, tim...) là một trong những thành tựu quan trọng của ngành Y tế trong việc chữa trị đối với những người bị bệnh hiểm nghèo. Rất nhiều trường hợp suy nội tạng sẽ được cứu sống nếu như có nguồn hiến, tặng thích hợp; có những người tưởng chừng sống trong bóng tối vĩnh viễn lại may mắn nhìn thấy ánh sáng do được hiến giác mạc…

Mỗi ngày trôi đi, có biết bao bệnh nhân đang giành giật từng giây, từng phút được sống để chờ đợi người hiến mô, tạng phù hợp. Thế nhưng, cho đến nay, vẫn chưa có nhiều bệnh nhân được ghép tạng do số lượng người đăng ký hiến tạng còn ít ỏi. Có những người chờ đợi trong mỏi mòn và rồi họ mất đi khi chưa tìm được nguồn tạng hiến. Trong khi đó, mỗi một người chết não hiến đa tạng có thể cứu sống cùng lúc 8-10 người.

Thời gian qua, Hội Chữ thập đỏ (CTĐ) tỉnh đã tích cực tuyên truyền, vận động nhân dân tham gia đăng ký hiến mô, tạng; tổ chức tập huấn cho đội ngũ cán bộ hội, tình nguyện viên các cấp về công tác vận động hiến mô, tạng. Qua các hoạt động tuyên truyền, những câu chuyện truyền cảm hứng, đến những hành động thực tế đầy tính nhân văn, đến nay, toàn tỉnh đã có 26 người đăng ký hiến mô, tạng.

Với mong muốn chia sẻ sự sống cho những số phận kém may mắn, bà Kiều Thị Thủy ở phường Khai Quang, thành phố Vĩnh Yên đã tình nguyện viết di chúc hiến tặng mô, tạng và bộ phận cơ thể của mình cho những người cần được thay thế khi bà qua đời.

Bà Thủy chia sẻ: “Tôi đã gặp rất nhiều hoàn cảnh éo le trong cuộc sống. Tôi chỉ nghĩ, bản thân mình phải luôn hướng thiện, nếu một ngày tôi mất đi, mô tạng của tôi có thể giúp mang lại sự sống cho người khác, tôi sẽ hiến tặng”. Luôn có suy nghĩ như vậy, nên khi được tham gia lớp tập huấn về công tác vận động hiến mô, tạng, bà Thủy không ngần ngại đăng ký hiến mô, tạng khi qua đời.

Cầm trên tay tấm thẻ ghi nhận đăng ký hiến tặng mô, tạng, chàng trai trẻ Doãn Văn Thịnh (32 tuổi) nở nụ cười mãn nguyện. Làm việc ở Hội CTĐ tỉnh đã nhiều năm, nhất là lại làm việc ở Phòng Chăm sóc sức khỏe, nên anh Thịnh có điều kiện đi và biết đến những hoàn cảnh, số phận không may mắc phải căn bệnh hiểm nghèo.

Có những người không có tiền chữa bệnh, khi có tiền rồi cũng không giữ được mạng sống, chỉ vì không có mô, tạng để cấy ghép. Chứng kiến những hoàn cảnh ấy, anh Thịnh không ngần ngại đăng ký hiến tặng mô, tạng sau khi qua đời với hy vọng sẽ cứu được nhiều người hơn.

Anh Thịnh cho biết: “Ban đầu, vợ con và gia đình cũng không đồng ý với quyết định của tôi, bởi theo quan niệm của người Việt Nam khi qua đời ai cũng muốn được toàn vẹn, nhưng tôi đã kể những câu chuyện và ý nghĩa của hành động hiến mô, tạng nên vợ con tôi đã đồng ý, ủng hộ tâm nguyện của tôi”.

Chuyện hiến tặng mô, tạng giờ đây chẳng còn quá xa lạ hay đáng sợ với nhiều người, chỉ khác nhau ở cách tiếp nhận và quyết tâm của mỗi người. Chủ tịch Hội CTĐ tỉnh Trần Phú Phương cho biết: “Việc vận động người dân hiến tặng mô, tạng sau khi qua đời còn gặp nhiều khó khăn. Tuy nhiên, với quan điểm “mưa dầm thấm lâu”, chúng tôi sẽ tiếp tục tuyên truyền, vận động để thay đổi nhận thức của người dân.

Ngoài ý nghĩa cao đẹp, người đăng ký hiến tặng mô, tạng còn được hưởng những quyền lợi như người đã hiến mô khi còn sống được chăm sóc, phục hồi sức khỏe miễn phí ngay sau khi thực hiện việc hiến mô tại cơ sở y tế. Người hiến giác mạc sau khi mất sẽ được tôn vinh, gia đình sẽ được trao tặng bằng ghi nhận nghĩa cử cao đẹp, thân nhân người đó sẽ được ưu tiên trong khám, chữa mắt và đặc biệt được ưu tiên ghép giác mạc trong trường hợp họ bị mắc bệnh về giác mạc và cần phải ghép thay thế. Người hiến tạng sau khi chết, chết não, hiến xác được truy tặng Kỷ niệm chương vì sức khỏe nhân dân…”.

“Cho đi là còn mãi”, người ra đi tiếp thêm niềm tin cho người ở lại, người ở lại tiếp tục truyền cảm hứng đến với những người xung quanh. Hy vọng, thời gian tới sẽ có thêm nhiều hành động, nghĩa cử cao đẹp của việc hiến tặng mô, tạng, để cuộc đời này sẽ có thêm nhiều đôi mắt sáng, nhiều trái tim ấm áp được đập những nhịp yêu thương…

Bích Huệ

Nguồn Vĩnh Phúc: https://baovinhphuc.com.vn/tin-tuc/articletype/articleview/articleid/94872//cho-di-la-con-mai