Chớ chủ quan với bệnh giời leo

Việc điều trị Zona thần kinh (giời leo) không kịp thời dễ để lại biến chứng, ảnh hưởng nghiêm trọng tới sức khỏe người bệnh.

Tổn thương vì "thuốc dân gian"

Ông N.V.T (45 tuổi, Hà Nội) tìm đến phòng khám da liễu với tình trạng đám mụn nước một bên trán sưng đỏ, lan rộng xuống hố mắt, sống mũi, mắt phải bỗng dưng mờ hơn trước.

Một bệnh nhân bị Zona thần kinh nhập viện điều trị.

Nghĩ mình bị giời leo, ông T làm theo bài thuốc dân gian là giã dập đậu xanh và đắp lên các nốt mụn nước. Tuy nhiên, càng đắp thì tổn thương trên mặt càng nặng hơn. Lúc này, ông T mới đi khám.

BS Nguyễn Tiến Thành, Bệnh viện Da liễu Trung ương nhận định, ông T bị zona thần kinh nhưng không điều trị đúng cách dẫn đến nhiễm khuẩn, giác mạc bị tổn thương nguy cơ giảm thị lực nếu không điều trị sớm.

BS Thành cho biết, nhiều bệnh nhân mắc bệnh zona ở vùng mặt, vùng ngực (dân gian thường gọi là giời leo) tự ý điều trị tại nhà bằng cách đắp lá, đậu xanh, thuốc tím, tự bôi đắp thuốc không đúng làm bệnh nặng thêm và để lại nhiều biến chứng đáng tiếc.

Cũng tới khám tại Bệnh viện Da liễu Trung ương, bà N.T.H (60 tuổi, Thái Bình) cho biết, trước đó 10 ngày bà thấy xuất hiện đau vùng cổ, vai, lưng... khám ở phòng khám tư gần nhà nhưng bác sĩ không phát hiện bệnh. Khi cơn đau lan lên đầu, kèm theo hạch to ở cổ, gia đình đưa bà lên Hà Nội khám.

Sau 4 ngày điều trị, các mụn nước trên da đã khô và các cơn đau có giảm nhưng vẫn khiến bà rất khó chịu.

Với ông T.V.P (57 tuổi, Hà Nội), căn bệnh zona thần kinh hành hạ ông bằng những cơn đau và co giật liên tiếp trên vùng lưng, đùi trong ngày. Sau 3 ngày vào viện điều trị, các biểu hiện co giật đã giảm và hết hẳn, mức đau giảm 70-80%. Trường hợp như ông P được can thiệp trong thời điểm sớm (trong tháng đầu tiên) nên mang lại hiệu quả điều trị cao.

Dấu hiệu nhận biết

Chia sẻ các dấu hiệu nhận biết bệnh zona thần kinh, BS Thành cho hay, trước khi tổn thương mọc 2-3 ngày, bệnh nhân thường sẽ có cảm giác báo hiệu như rát kiểu dấm dứt, đau vùng sắp mọc tổn thương kèm theo triệu chứng toàn thân mệt mỏi, đau đầu… hạch ngoại vi lân cận có thể sưng và đau.

Sau đó, xuất hiện tổn thương là ban nổi dưới dạng dải hoặc mảng lớn, sau 3- 4 ngày phát triển thành bọng nước đỏ hình tròn hoặc bầu dục, mọc rải rác hoặc từng dải, vệt ở dọc dây thần kinh chứa nhiều dịch và gây đau.

BS Thành cũng cho biết, sau 72 giờ khi đã có tổn thương da, virus xâm nhập và gây tổn thương vào các rễ, dây thần kinh liên quan. Nếu kéo dài bệnh sẽ gây nhiều biến chứng, thường gặp nhất là đau dây thần kinh nhiều tháng, có khi kéo dài nhiều năm.

Lưu ý thời gian "vàng"

Theo các bác sĩ, người mắc zola thần kinh nếu để thành mạn tính (ngoài 3 tháng kể từ khi mắc) thì việc điều trị vừa mất nhiều thời gian vừa đáp ứng kém.

Cần lưu ý, đau thần kinh sau zona là một chứng bệnh rất hay gặp nhưng lại ít được nhiều người quan tâm, thường tìm đến bác sỹ muộn. Người bệnh cần lưu ý, cơ hội điều trị tốt nhất là ngay khi chưa có triệu chứng phát ban. Nếu được dùng thuốc kháng virus sớm, sẽ khống chế virus phát triển tránh tổn thương phát triển nặng và gây biến chứng.

BS Nguyễn Thanh Thùy

BS Nguyễn Thị Thanh Thùy, Trưởng khoa Điều trị bệnh da phụ nữ và trẻ em, Bệnh viện Da liễu Trung ương cho biết, zona thần kinh là bệnh nhiễm trùng cho virus Varicella-Zoster (VZV) gây ra.

Người nhiễm virus này lần đầu sẽ có biểu hiện như bệnh thủy đậu. Sau khi người bệnh khỏi hoàn toàn thủy đậu, virus Varicella vẫn tồn tại và sống ẩn trong hạch thần kinh nhiều tháng, nhiều năm. Khi gặp điều kiện thuận lợi như suy giảm miễn dịch, căng thẳng, suy nhược cơ thể… virus sẽ được kích hoạt trở lại, rời vị trí trú ngụ, di chuyển dọc dây thần kinh và gây ra những biểu hiện của bệnh zona.

Do nhiều người nhầm lẫn bệnh zona thần kinh với viêm da tiếp xúc do côn trùng, cơn đau thắt ngực (bệnh lý tim mạch), đau nửa đầu… nên rất ít bệnh nhân tìm đến các cơ sở y tế để điều trị trong thời gian "vàng". Đó là từ 24-72 giờ sau khi bệnh xuất hiện tổn thương.

"Hầu hết bệnh nhân đến muộn, từ đó gây những biến chứng nặng nề, phải điều trị và phục hồi rất lâu", BS Thành cho biết.

Theo BS Thanh Thùy, bệnh zona thần kinh thường xuất hiện ở một bên cơ như: Quanh eo, một bên mặt, cổ hoặc thân... Tùy vị trí bị bệnh mà có các biến chứng khác nhau. Ví như zona trên mặt dễ đi kèm biến chứng liệt mặt (liệt dây thần kinh VII ngoại biên), có thể phục hồi hoàn toàn hoặc không. Zona ở mắt có thể gây viêm kết mạc, viêm giác mạc và thậm chí mù lòa. Zona tai gây đau tai, liệt mặt, loét trong tai, nổi hạch ở trước và sau tai, xuất huyết, mất thính lực…

Có khoảng 5-50% người bệnh sẽ bị biến chứng đau dây thần kinh sau zona kéo dài. Ngoài đau đớn, bệnh nhân có cảm giác tê nhức, ngứa ran ngay cả khi đã hết phát ban, viêm rộp. Biến chứng này có thể kéo dài nhiều tháng, nhiều năm, nếu không được điều trị sớm có thể gây rối loạn hoạt động thần kinh, gây liệt. Đặc biệt nguy hiểm là các biến chứng cấp tính như viêm phổi, viêm gan, viêm màng não hoặc tủy sống...

An Vũ

Nguồn Giao Thông: https://www.baogiaothong.vn/cho-chu-quan-voi-benh-gioi-leo-192240422234457718.htm