Chính trị - Xã hội Lồng ghép để chính sách hiệu quả

Thực hiện tốt các chính sách dân tộc, miền núi gắn với các chính sách đầu tư trên địa bàn, huyện A Lưới đã khai thác có hiệu quả các tiềm năng, thế mạnh, làm chuyển biến mọi mặt đời sống của vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) theo hướng bền vững.

Vinh danh những tập thể, cá nhân thực hiện tốt chính sách dân tộc ở A Lưới

Ghi từ một xã đặc biệt khó khăn

Hồng Thủy là địa bàn biên giới thuộc diện đặc biệt khó khăn, nhất là về cơ sở hạ tầng. Lồng ghép các dự án để phát triển kết cấu hạ tầng, năm 2018, Hồng Thủy hoàn thành các dự án thuộc chương trình “Di dân, định canh, định cư cho đồng bào DTTS”. Nhiều công trình bức thiết như giao thông, lưới điện, hệ thống nước sạch, công trình thủy lợi... được ưu tiên thực hiện ở thôn 3 và thôn 6, với tổng mức đầu tư gần 6 tỷ đồng.

Con đường dưới chân núi từ thôn 3 về thôn 7 xã Hồng Thủy san sát những ngôi nhà khang trang mọc lên, các quầy hàng tạp hóa, quán cà phê, xưởng mộc, nhà máy xay xát... Anh Hồ Văn Ma ở thôn 5 cho biết: Từ khi giao thông thuận lợi, gia đình tôi đầu tư mở quầy hàng bán tạp hóa, quán karaoke, dịch vụ xay xát. Hiện, gia đình tôi đã có nguồn thu gần 30 triệu đồng mỗi tháng.

Thôn định cư Par Ay của Hồng Thủy cũng đã có nhiều hàng quán tạp hóa mọc lên. Gia đình chị Kăn Dung và anh Pa Rang chỉ sau mấy năm đến định cư ở thôn này đã có cuộc sống khá đầy đủ. Quầy tạp hóa của gia đình anh chị luôn đông người ra vào. Anh Pa Rang chia sẻ: “Nhờ các cấp quan tâm chăm lo đời sống cho bà con, gia đình tôi khấm khá rồi, giờ chỉ lo cho con được đến trường để sau này chúng nó có tương lai...”.

Cuộc sống đổi thay

Lồng ghép vào chương trình phát triển kinh tế, xã hội của địa phương, các chính sách xóa nhà tạm, Chương trình 134, 135, 160... đã được huyện A Lưới triển khai hiệu quả, tạo được bộ mặt nông thôn mới cho miền núi. Tất cả các xã đều có lưới điện quốc gia, trạm y tế và trường học khang trang, có bưu điện văn hóa, trạm truyền thanh, nhà sinh hoạt văn hóa cộng đồng... Hệ thống đường giao thông liên xã, liên thôn đã được bê tông hóa, nhựa hóa, góp phần thúc đẩy các hoạt động thương mại, dịch vụ trên địa bàn. Đến nay, A Lưới có 99,5% số hộ sử dụng điện, 75% số hộ dùng nước sạch hợp vệ sinh, tỷ lệ học sinh trong độ tuổi đi học được đến trường đạt trên 90%, tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 21,5%. Đáng chú ý là con số hơn 80% hộ có xe máy và nhiều gia đình đồng bào ở đây đã có ô tô con, ô tô tải phục vụ nhu cầu cuộc sống.

Trưởng ban Dân tộc tỉnh, ông Hồ Xuân Trăng cho biết, các cấp ủy, chính quyền huyện A Lưới đã linh hoạt trong lồng ghép thực hiện các chính sách dân tộc, miền núi, chú trọng nâng cao đời sống cho đồng bào, quan tâm từ cái ăn, cái mặc, chỗ ở, đến việc chữa bệnh, học hành cho đồng bào. Cấp ủy Đảng, chính quyền các xã có đồng bào DTTS đã quan tâm việc nâng cao trình độ dân trí, làm cho bà con dân tộc thay đổi cách nghĩ, cách làm, học tập để tiếp thu những kinh nghiệm trong sản xuất. Trong đó, quan trọng nhất là việc ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật và phương thức canh tác mới; chỉ rõ từng bước đi, từng việc cụ thể để giúp đồng bào không chỉ giỏi về kinh nghiệm làm ăn mà còn xây dựng nếp sống văn minh, xây dựng thành công nông thôn mới.

Theo Bí thư Huyện ủy A Lưới Nguyễn Thị Sửu, cùng với việc thực hiện hiệu quả các chính sách dân tộc, việc đào tạo nguồn nhân lực là người DTTS có vai trò rất lớn, quyết định sự phát triển bền vững, ổn định của vùng đồng bào DTTS. Vì vậy, huyện sẽ có chính sách thu hút, tạo điều kiện để con em trong huyện sau khi tốt nghiệp đại học, cao đẳng… trở về địa phương công tác, đem kiến thức khoa học kỹ thuật được đào tạo về làm giàu cho quê hương. Quan tâm hơn nữa đến việc đào tạo, bồi dưỡng và sử dụng có hiệu quả đội ngũ cán bộ là con em đồng bào các dân tộc A Lưới trên mọi lĩnh vực.

Đi đôi với công tác đào tạo, sử dụng cán bộ, Đảng bộ, chính quyền và các đoàn thể huyện tiếp tục thực hiện tốt các chương trình mục tiêu quốc gia; trong đó chú ý đến chương trình xóa đói giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới và triển khai tốt các dự án của Chính phủ để đồng bào các dân tộc được thụ hưởng các chính sách của Đảng và Nhà nước một cách hiệu quả nhất...

A Lưới có tổng số 13.448 hộ, với 51.398 khẩu, trong đó DTTS chiếm trên 77,5%. Chương trình 135 giai đoạn 2014-2019 tiếp tục thực hiện đầu tư ở huyện với hơn 82 tỷ đồng để xây dựng 78 công trình; đầu tư 15 tỷ đồng hỗ trợ phát triển sản xuất cho hơn 1.800 lượt hộ nghèo. Thực hiện Quyết định số 755/QĐ-TTg, huyện đã hỗ trợ khai hoang đất sản xuất hơn 2 tỷ đồng/152 hộ; mua sắm nông cụ sản xuất gần 2 tỷ đồng/435 hộ... Chính sách vay vốn theo Quyết định 2085/QĐ-TTg với tổng số vốn vay là 15 tỷ đồng/311 hộ vay.

Bài, ảnh: Bá Trí

Nguồn Thừa Thiên Huế: http://baothuathienhue.vn/long-ghep-de-chinh-sach-hieu-qua-a74181.html