Chính sách thuế là 'điểm tựa' cho doanh nghiệp vượt khó

Năm 2023 đi qua để lại nhiều dấu ấn, trong đó, chính sách thuế - 'điểm tựa' cho doanh nghiệp vượt khó là một trong những thành công trong điều hành của Bộ Tài chính.

Nguồn: Bộ Tài chính Đồ họa: Phương Anh

“Liều doping cho nền kinh tế"

Bộ Tài chính đã chủ động nghiên cứu, đề xuất, chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành, địa phương trình cấp thẩm quyền ban hành các gói chính sách miễn, giảm, gia hạn thuế, phí, lệ phí và tiền thuê đất năm 2023 với quy mô khoảng 200 nghìn tỷ đồng (miễn, giảm 79 nghìn tỷ đồng; gia hạn 121 nghìn tỷ đồng).

Trong đó, có nhiều chính sách giảm thuế được người dân, doanh nghiệp đánh giá cao, như: giảm 2% thuế giá trị gia tăng; giảm 50% thuế bảo vệ môi trường đối với xăng, dầu, mỡ nhờn; gia hạn thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế thu nhập cá nhân và tiền thuê đất trong năm 2023; giảm 10-50% đối với 36 khoản phí, lệ phí trong 6 tháng cuối năm 2023. Có chính sách lên tới hơn 100 nghìn tỷ đồng. Riêng chính sách giảm 36 khoản phí, lệ phí trong 6 tháng cuối năm 2023 của Bộ Tài chính dự kiến tác động giảm thu ngân sách nhà nước (NSNN) khoảng 700 tỷ đồng.

“Doanh nghiệp được tiếp thêm động lực”, “liều doping cho nền kinh tế”, “giảm thuế, lợi ích kép cho doanh nghiệp”... là những nhận định, lời khen của các chuyên gia kinh tế, nhà quản lý, nhà khoa học, đại biểu Quốc hội hay của chính doanh nghiệp, dành cho chính sách nhân văn này.

Từ người dân cho đến các doanh nghiệp, được hưởng lợi từ chính sách giảm thuế GTGT theo các cách khác nhau. Ví dụ như khách sạn Hà Nội Daewoo, mỗi ngày đón hàng nghìn lượt khách trong và ngoài nước đến sử dụng dịch vụ, từ ăn uống, giải trí đến lưu trú. Ông Sunny Ghaiee - quyền Giám đốc Điều hành Khách sạn Hà Nội Daewoo cho biết: “Với khách lẻ, mức giảm sẽ không thấy đáng kể, nhưng với nhóm khách 5 - 6 người, thậm chí những tiệc 10 - 20 người, khách hàng của chúng tôi đã thấy ngay được số tiền giảm lớn như thế nào. Điều này cũng khiến tỷ lệ lấp đầy của nhà hàng chúng tôi tăng hơn, giá dịch vụ cạnh tranh hơn”.

“Liều thuốc” hỗ trợ hiệu quả doanh nghiệp

Trao đổi với phóng viên TBTCVN, chuyên gia kinh tế PGS.TS Đinh Trọng Thịnh cho rằng, việc tiếp tục giảm nhiều loại thuế, phí trong năm 2024 sẽ là “liều thuốc” hỗ trợ hiệu quả doanh nghiệp và nền kinh tế phục hồi nhanh, qua đó hiện thực hóa mục tiêu tăng trưởng GDP 6 - 6,5% năm 2024 và cả giai đoạn 2021 - 2025 mà Quốc hội, Chính phủ đã đề ra.

Chia sẻ với báo giới, đại diện hợp tác xã (HTX) vận tải Thống Nhất (TP. Hồ Chí Minh) cho biết, HTX hiện có khoảng 700 xe hoạt động, trong đó có khoảng 150 xe khách chạy tuyến cố định đi các tỉnh thành phố, số còn lại là xe chạy hợp đồng và lúc cao điểm có thể lên đến hàng nghìn xe. Theo tính toán, giảm GTGT, chi phí đầu vào của HTX cũng giảm theo.

Chẳng hạn với một xe vận tải hành khách khách 45 chỗ, mỗi tháng chi trung bình khoảng 500.000 - 600.000 đồng phí đường cao tốc (tùy tuyến). Nhưng được giảm GTGT 2%, HTX sẽ giảm được một phần phí đường cao tốc. Chi phí này có thể bù vào việc giảm giá vé cho hành khách, từ đó thu hút được nhiều người đi xe khách hơn. Ngoài ra, HTX cũng sẽ giảm được chi phí đầu vào từ chính sách giảm GTGT 2%.

Củng cố niềm tin kinh doanh của doanh nghiệp

Ảnh minh họa

Trao đổi với phóng viên TBTCVN, chuyên gia kinh tế PGS.TS Đinh Trọng Thịnh cho rằng, việc tiếp tục giảm nhiều loại thuế, phí trong năm 2024 sẽ là “liều thuốc” hỗ trợ hiệu quả doanh nghiệp và nền kinh tế phục hồi nhanh, qua đó hiện thực hóa mục tiêu tăng trưởng GDP 6-6,5% năm 2024 và cả giai đoạn 2021 - 2025 mà Quốc hội, Chính phủ đã đề ra.

GS. TS Andreas Stoffers - Giám đốc quốc gia Viện Friedrich Naumann Foundation for Freedom (FNF) Việt Nam khẳng định, các biện pháp chính sách tài khóa của Chính phủ Việt Nam đang đi đúng hướng, hỗ trợ tích cực cho quá trình phục hồi và phát triển kinh tế. Một quốc gia có nền kinh tế tăng trưởng ổn định như Việt Nam có thể thực hiện chính sách tài khóa mở rộng hơn nếu chính sách này đi đôi với tăng trưởng kinh tế.

Theo các chuyên gia kinh tế, việc cắt giảm thuế, đơn giản hóa các thủ tục hành chính và kịp thời tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp là chìa khóa thành công. Chính sách tài khóa đóng vai trò then chốt trong việc đảm bảo đạt được các mục tiêu tăng trưởng trong bối cảnh kinh tế toàn cầu khó khăn hiện nay.

Sự hỗ trợ này góp phần tiếp sức thêm cho sự phục hồi của doanh nghiệp, cũng như người dân thông qua kích cầu tiêu dùng. Điều này được thể hiện rất rõ khi đến cuối năm 2023, kinh tế của Việt Nam đã có sự tăng trưởng rõ rệt so với các quý trước đó trong năm. Đồng thời, khi nhận định tình hình còn tiếp tục khó khăn sang năm 2024, Bộ Tài chính đã trình Chính phủ trình Quốc hội việc tiếp tục giảm 2% thuế GTGT vào nửa năm 2024 được đánh giá là sẽ tạo tác động tích cực tới niềm tin kinh doanh của doanh nghiệp tại Việt Nam.

Cùng với những chính sách về miễn giảm thuế, phí, việc tiếp tục giảm 2% GTGT giúp cho các doanh nghiệp có thêm nguồn lực tài chính vượt qua giai đoạn khó khăn hiện nay để phục hồi và có thêm động lực hơn trong việc triển khai các hoạt động sản xuất kinh doanh.

Điều quan trọng hơn cả là sự hỗ trợ này thể hiện tinh thần đồng hành của Chính phủ với cộng đồng doanh nghiệp và người dân trong bối cảnh khó khăn hiện nay, giúp doanh nghiệp cảm thấy không bị bỏ rơi trong gian khó. Qua đó, doanh nghiệp có niềm tin tích cực hơn vào môi trường kinh doanh tại Việt Nam.

Cũng có ý kiến lo ngại, việc giảm thuế thì số thu NSNN sẽ sụt giảm và có thể sẽ có tác động ít nhiều tới đầu tư công. Tuy nhiên, những biện pháp này thường mang tính chất ngắn hạn nên về lâu dài, Chính phủ vẫn cần phải tiếp tục đánh giá thêm những biện pháp vĩ mô mang tầm bao quát hơn, để không chỉ hỗ trợ cho doanh nghiệp qua việc giảm thuế GTGT mà còn điều chỉnh các chính sách kinh tế vĩ mô cũng như tăng thêm các chính sách hỗ trợ cho doanh nghiệp và người dân để kích thích nền kinh tế phát triển.

“Tiền tươi thóc thật”

Tiêu dùng trong nước năm 2022 tăng trưởng ở mức cao, nhưng bước sang năm 2023, tiêu dùng rất thấp, cho thấy đầu ra của các doanh nghiệp rất khó khăn. Vì vậy, trong năm 2023, Chính phủ và Quốc hội đã có những chính sách tài khóa để hỗ trợ trực tiếp cho các doanh nghiệp sản xuất cũng như kích cầu tiêu dùng và hỗ trợ hoạt động xuất nhập khẩu. Chính sách giảm thuế GTGT cho nhiều mặt hàng; giảm 36 loại phí, lệ phí; giảm tiền thuê đất, thuê mặt nước…, giúp giảm chi phí sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, hạ giá thành sản phẩm, kích cầu tiêu dùng.

Ông Đậu Anh Tuấn - Phó Tổng thư ký Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho biết, trong bối cảnh nền kinh tế dự báo vẫn còn khó khăn thì bên cạnh các chính sách hỗ trợ về tiền tệ như giảm lãi suất, chính sách tài khóa rất quan trọng giúp doanh nghiệp nhanh chóng phục hồi.

“Chính sách giảm thuế, phí được các doanh nghiệp đánh giá rất cao. Bởi nhóm chính sách này đi nhanh vào thực tế, thường không phải qua các khâu triển khai, thực hiện vốn mất nhiều thời gian, có thể cũng không hiệu quả. Ngoài ra, nó mang lại lợi ích trực tiếp, theo ngôn ngữ dân dã là “tiền tươi thóc thật” nên doanh nghiệp tiếp cận rất dễ dàng, công bằng, minh bạch” - ông Tuấn nói.

Tại kỳ họp Quốc hội vừa qua, nhiều đại biểu Quốc hội đánh giá cao nỗ lực của Bộ Tài chính trong điều hành chính sách tài khóa hỗ trợ nền kinh tế. Tuy nhiên, có ý kiến cho rằng, nền kinh tế nước ta còn nhiều khó khăn, thách thức đang phải đối mặt, có những điểm nghẽn cần khơi thông. Để phục hồi và phát triển nền kinh tế thì nguồn lực tài chính là quan trọng, nhưng điều còn quan trọng hơn đó cần sự phối hợp tổng thể của các giải pháp, trong đó có chính sách tiền tệ và hỗ trợ về vốn cho các doanh nghiệp. Cùng với đó, một trong những giải pháp quan trọng là thể chế. Thể chế tốt có thể khơi thông nguồn lực và giúp "tiền đẻ ra tiền"./.

Minh Anh

Nguồn Thời báo Tài chính: https://thoibaotaichinhvietnam.vn/chinh-sach-thue-la-diem-tua-cho-doanh-nghiep-vuot-kho-142406.html