Chính sách tài khóa, tiền tệ thông qua đồng vốn ưu đãi

Với mục tiêu phục hồi, phát triển nhanh hoạt động sản xuất, kinh doanh, thúc đẩy các động lực tăng trưởng, ưu tiên một số ngành, lĩnh vực quan trọng, phấn đấu đạt mục tiêu của giai đoạn 2021 - 2025, Quốc hội đã ban hành Nghị quyết số 43 ngày 11/1/2022 về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội.

Người dân xã Đông An, huyện Văn Yên tiếp cận nguồn vốn chính sách.

Người dân xã Đông An, huyện Văn Yên tiếp cận nguồn vốn chính sách.

Có thể nói, đây là một nghị quyết quan trọng, một giải pháp thiết thực nhằm khôi phục và thúc đẩy sản xuất, kinh doanh sau ảnh hưởng của đại dịch Covid-19. Hệ thống Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) là một kênh tín dụng quan trọng, tuy không lớn như các hệ thống ngân hàng thương mại nhưng mang trong mình trọng trách đầu tư cho vay phục vụ đối tượng chính sách xã hội, trực tiếp tham gia vào công tác xóa đói giảm nghèo.

Sau khi Nghị quyết số 43 được ban hành, Chi nhánh NHCSXH tỉnh tham mưu với UBND tỉnh và Trưởng ban Đại diện Hội đồng quản trị NHCSXH tỉnh về những nhiệm vụ của NHCSXH trong triển khai các nội dung thuộc Nghị quyết; đề xuất nhiệm vụ, giải pháp của NHCSXH trong Chương trình hành động của UBND tỉnh Yên Bái thực hiện Nghị quyết số 11 của Chính phủ về Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội và triển khai Nghị quyết số 43/2022/QH15 của Quốc hội…

Ông Nguyễn Thanh Hải - Giám đốc NHCSXH Chi nhánh tỉnh cho biết: "Về phần mình, chúng tôi đã chỉ đạo các đơn vị tổ chức cho toàn thể cán bộ chuyên môn nghiệp vụ nghiên cứu, học tập, nắm bắt nội dung của Nghị quyết để làm công tác tuyên truyền và triển khai thực hiện gắn với nội dung công việc cụ thể. Chỉ đạo cán bộ tín dụng phụ trách địa bàn xã phường, thị trấn có trách nhiệm tuyên truyền, phổ biến nội dung các chính sách tín dụng ưu đãi theo Nghị quyết tại địa bàn mình phụ trách. Phối hợp với các tổ chức chính trị - xã hội cấp tỉnh tổ chức tập huấn nghiệp vụ cho cán bộ hội, đoàn thể và thống nhất nhiệm vụ triển khai các chính sách tín dụng ưu đãi theo Nghị quyết; thực hiện niêm yết nội dung các chính sách, quy trình, thủ tục vay vốn tại 100% các điểm giao dịch xã, phường, thị trấn trong toàn tỉnh; in tờ rơi tuyên truyền về các chính sách tín dụng ưu đãi để tuyên truyền rộng rãi tới người dân; phối hợp với các tổ chức chính trị - xã hội tuyên truyền tới các đối tượng thụ hưởng. Các tổ chức chính trị - xã hội đã thực hiện tuyên truyền, phổ biến trên website của hội và tuyên truyền trực tiếp cho hội viên”.

Trên cơ sở nhu cầu vay vốn của người dân và xuất phát từ tình hình thực tiễn tại địa bàn cơ sở, NHCSXH Chi nhánh tỉnh đã phân giao chỉ tiêu nguồn vốn cho vay các chương trình tín dụng chính sách theo Nghị quyết số 11 cho các đơn vị cấp huyện, cấp xã; đặc biệt, NHCSXH đã phối hợp chặt chẽ với các tổ chức chính trị - xã hội làm ủy thác khẩn trương hướng dẫn khách hàng lập hồ sơ vay vốn, tổ chức bình xét cho vay từ tổ tiết kiệm và vay vốn, trình cấp có thẩm quyền phê duyệt điều kiện cho vay, thẩm định hồ sơ nhanh chóng để giải ngân kịp thời cho khách hàng. Việc giải ngân được tổ chức tại các điểm giao dịch xã để tạo điều kiện thuận lợi cho người dân tiết giảm chi phí, thời gian.

Trong năm, ngoài lịch giao dịch cố định tại xã hàng tháng, NHCSXH đã tổ chức thêm hàng trăm phiên giao dịch bổ sung để nguồn vốn tín dụng chính sách đến được với đối tượng thụ hưởng kịp thời. Đặc biệt, sau khi Chính phủ ban hành Nghị quyết số 181, ngày 6/11/2023 về việc điều chỉnh nhiệm vụ chi thực hiện các chính sách cho vay ưu đãi qua NHCSXH theo Nghị quyết số 11, NHCSXH Chi nhánh tỉnh được giao chỉ tiêu nguồn vốn cho vay chương trình hỗ trợ tạo việc làm, duy trì và mở rộng việc làm với số tiền 200 tỷ đồng, NHCSXH đã thành lập Tổ chỉ đạo để đôn đốc công tác giải ngân.

Các đơn vị phòng giao dịch NHCSXH huyện, thị xã đã khẩn trương phối hợp với các ngành chức năng, chính quyền và hội, đoàn thể làm ủy thác cấp xã rà soát, lập danh sách đối tượng vay vốn, hướng dẫn khách hàng lập hồ sơ vay vốn và triển khai cho vay kịp thời, chỉ trong hơn 1 tháng đã hoàn thành giải ngân nguồn vốn được giao, đáp ứng kịp thời về vốn cho người lao động.

Để đảm bảo nguồn vốn tín dụng chính sách đến đúng đối tượng thụ hưởng, phát huy hiệu quả, ngăn chặn kịp thời các trường hợp trục lợi chính sách, bên cạnh việc phối hợp với các tổ chức chính trị - xã hội làm tốt công tác tuyên truyền, trong hai năm 2022-2023, Chi nhánh còn tập trung tăng cường thực hiện công tác kiểm tra, giám sát; trong đó, Ban Giám đốc Chi nhánh trực tiếp thực hiện việc kiểm tra tại các đơn vị cơ sở, điểm giao dịch xã và hộ vay vốn để nắm bắt tình hình triển khai Nghị quyết số 11; các tổ chức chính trị xã hội đã làm tốt vai trò nhận ủy thác, từ khâu chỉ đạo bình xét cho vay công khai, dân chủ, đúng đối tượng đến khâu kiểm tra sử dụng vốn sau cho vay, 100% các khoản vay đều đã được kiểm tra đầy đủ.

Ngoài ra, để đảm bảo các khoản vay đúng đối tượng, danh sách khách hàng vay vốn NHCSXH đều được niêm yết công khai tại trụ sở UBND các xã, phường, thị trấn để nhân dân có thể giám sát.

Với nguồn vốn thực hiện các chương trình tín dụng chính sách được Trung ương và địa phương giao, trong hai năm 2022 - 2023, NHCSXH Chi nhánh tỉnh đã thực hiện giải ngân cho 51.889 khách hàng vay vốn là hộ nghèo và đối tượng chính sách với tổng doanh số cho vay 2.732,8 tỷ đồng; tổng dư nợ đến 31/12/2023 đạt 4.867,6 tỷ đồng, tăng 1.273 tỷ đồng so với cuối năm 2021, tỷ lệ tăng trưởng bình quân 16,3%/năm.

Số khách hàng đang còn dư nợ tại ngân hàng là trên 84 ngàn hộ. Dư nợ các chương trình tín dụng chính sách tập trung vào nhóm khách hàng là hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo (chiếm 56% tổng dư nợ), hộ sản xuất, kinh doanh vùng khó khăn, người lao động thiếu việc làm, hộ đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi, hộ ở khu vực nông thôn xây dựng công trình nước sạch, vệ sinh môi trường... đã góp phần thực hiện tốt các chương trình mục tiêu quốc gia.

Đối với các chính sách tín dụng theo Nghị quyết số 11 (bao gồm: cho vay tạo việc làm, duy trì và mở rộng việc làm, cho vay học sinh sinh viên có hoàn cảnh gia đình khó khăn mua máy tính, thiết bị học tập, cho vay nhà ở xã hội, cho vay cơ sở giáo dục mầm non, tiểu học ngoài công lập, cho vay thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng dân tộc thiểu số miền núi), NHCSXH Chi nhánh tỉnh đã được giao kế hoạch dư nợ là 460,7 tỷ đồng, đến 31/12/2023 đã giải ngân cho 7.162 lượt khách hàng với tổng số tiền 461,3 tỷ đồng, hoàn thành 100% kế hoạch được giao.

Đối với chính sách hỗ trợ lãi suất theo Nghị định số 36 của Chính phủ, trong 2 năm 2022 - 2023, Chi nhánh đã thực hiện hỗ trợ lãi suất cho 44.071 khách hàng, dư nợ được hỗ trợ lãi suất là 2.255,9 tỷ đồng, số tiền hỗ trợ lãi suất 43,1 tỷ đồng. Danh sách khách hàng được hỗ trợ lãi suất được niêm yết công khai tại trụ sở UBND tất cả các xã, phường, thị trấn đảm bảo công khai, minh bạch. Việc hỗ trợ lãi suất được kết thúc vào thời điểm 31/10/2023, NHCSXH đã thực hiện thông báo thời gian kết thúc hỗ trợ lãi suất theo đúng quy định.

Với nguồn vốn ưu đãi của Chính phủ đã hỗ trợ tạo việc làm mới cho 5.018 lao động, hỗ trợ 138 hộ có thu nhập thấp làm nhà ở, hỗ trợ 1.801 em học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn mua máy tính, thiết bị học trực tuyến, hỗ trợ 11 cơ sở mầm non bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 có chi phí phục hồi hoạt động, hỗ trợ 704 hộ đồng bào dân tộc thiểu số, hộ nghèo ở vùng đặc biệt khó khăn chưa có nhà ở, thiếu đất sản xuất để làm nhà ở và chuyển đổi nghề...

Đánh giá của Ban đại diện NHCSXH tỉnh Yên Bái cho thấy, đồng vốn chính sách đã là động lực quan trọng trong công cuộc xóa đói giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới; giúp Yên Bái giảm thiểu những tác động tiêu cực của đại dịch Covid-19, khôi phục và phát triển sản xuất, kinh doanh, duy trì tốc độ tăng trưởng kinh tế và đảm bảo an sinh xã hội.

Lê Phiên

Nguồn Yên Bái: https://baoyenbai.com.vn/11/316923/chinh-sach-tai-khoa-tien-te-thong-qua-dong-von-uu-dai.aspx