Chính sách phát triển quốc tế mới - 'Kế hoạch Marshall' của Australia?

Chính phủ của Thủ tướng Albanese vừa công bố Chính sách phát triển quốc tế mới nhằm tạo nền tảng cho một khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương hòa bình, ổn định và thịnh vượng. Với khoản viện trợ phát triển lên tới 3,1 tỉ USD cùng các mục tiêu đối ngoại, chính sách này được nhìn nhận như một Kế hoạch Marshall của Australia.

Hỗ trợ phát triển gắn với mục tiêu đối ngoại

Vào năm 1947, khi Hoa Kỳ đối mặt với một châu Âu bên bờ sụp đổ trong bối cảnh Washington đang cần củng cố lực lượng trong cuộc đối đầu của Chiến tranh Lạnh, Bộ trưởng Ngoại giao Hoa Kỳ khi đó là George Marshall đã công bố một kế hoạch hỗ trợ “không nhằm vào bất kỳ quốc gia hay học thuyết nào mà nhằm vào nạn đói, nghèo, tuyệt vọng và hỗn loạn”. Kế hoạch Marshall, như đã được biết đến đã cung cấp hơn 12 tỉ USD (theo thời giá khi đó) để vực dậy nền kinh tế các nước châu Âu, cho đến nay vẫn là nỗ lực lớn nhất và duy nhất khai thác viện trợ công cho mục đích chiến lược. Nó đặt ra câu hỏi: hỗ trợ phát triển nước ngoài (ODA) có hiệu quả nhất khi gắn liền với các mục tiêu chính sách đối ngoại?

Bộ trưởng Ngoại giao Australia Penny Wong cho biết chính sách phát triển quốc tế mới có trọng tâm là khu vực Thái Bình Dương, Đông Nam Á và Nam Á Ảnh: Reuters

Tuần vừa qua, Chính phủ của Thủ tướng Australia Albanese đã công bố Chính sách Phát triển quốc tế mới - chính sách đầu tiên được đưa ra trong một thập kỷ - nhằm ứng phó với môi trường địa chiến lược “đang chịu nhiều áp lực” thông qua quan hệ đối tác phát triển với các nước láng giềng.

Mục đích của kế hoạch là tạo nền tảng cho một khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương hòa bình, ổn định và thịnh vượng. Điều đáng chú ý là chính sách này đã được thông qua Ủy ban An ninh Quốc gia với khoản hỗ trợ phát triển trị giá 3,1 tỷ USD - trong đó bao gồm 2/3 ngân sách của Bộ Ngoại giao và Thương mại (DFAT) - gắn liền với chính sách đối ngoại và mục đích chiến lược rộng lớn hơn của Canberra, theo The Diplomat.

Thật vậy, trong bối cảnh các quốc gia phụ thuộc lẫn nhau hiện nay, lợi ích quốc gia của một đất nước đôi khi phụ thuộc vào tiến trình xóa đói giảm nghèo ở quốc gia bên cạnh. Viện trợ chính thức, trong trường hợp này, có thể được coi là một “công cụ quản lý nhà nước hiệu quả” và là chìa khóa để “thúc đẩy khả năng phục hồi của khu vực”. Australia cho rằng, thúc đẩy nỗ lực thoát nghèo và vực dậy kinh tế khu vực là một cách để tránh cho đất nước này phải đối mặt với một môi trường quốc tế khó đoán định.

Có nhiều bằng chứng thuyết phục cho thấy chính sách trên được xây dựng hứa hẹn hiệu quả. Chính sách lưu ý rằng 22 trong số 26 nước láng giềng gần của Australia là các nước đang phát triển và nhiều nước trong số đó đang ở vào tình trạng khá “mong manh”. Bài học trong đại dịch Covid-19 và nhu cầu tăng cường hợp tác khu vực cho thấy rằng trong một thế giới phụ thuộc lẫn nhau, đầu tư vào giảm nghèo là điều nên làm.

Kế hoạch của Australia sẽ tập trung vào đâu?

Chính sách mới mang lại bằng chứng cho thấy Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương vẫn đang phục hồi chật vật sau thời kỳ bất ổn kinh tế kéo dài, đồng thời khu vực cũng đứng trước những cơ hội và thách thức trong các xu hướng kinh tế và nhân khẩu học dài hạn. Việc trẻ em không được tiếp cận với giáo dục, không có các biện pháp bảo vệ xã hội và bất bình đẳng gia tăng - nếu không được giải quyết - đều là những dấu hiệu báo trước mạnh mẽ cho sự bất ổn chính trị hoặc là “nguyên liệu” nguy hiểm cho chủ nghĩa phi tự do và chủ nghĩa dân túy. Trước tình hình đó, nguồn hỗ trợ phát triển của Australia nên tập trung vào đâu?

Đáng chú ý, Australia đặc biệt quan tâm tới việc thúc đẩy khả năng quản trị ở các quốc gia láng giềng. Trong văn kiện của mình, Chính sách Phát triển quốc tế của Australia lưu ý: “Tham nhũng, tình trạng thiếu chắc chắn và quản trị yếu kém tiếp tục kìm hãm một số quốc gia”. Australia tự khẳng định có thể hỗ trợ các chính phủ trong khu vực xây dựng nền quản trị hiệu quả, có trách nhiệm để có thể duy trì sự phát triển của chính họ. Chính sách cam kết củng cố các thể chế công, chia sẻ kiến thức chuyên môn về xây dựng nền kinh tế mở và đa dạng thông qua Quỹ Đối tác xã hội dân sự mới.

Ảnh hưởng của Ủy ban An ninh Quốc gia được thể hiện khá rõ khi tài liệu tuyên bố rằng an ninh và phát triển là hai vấn đề “không thể tách rời”, mặc dù điều này có thể gây khó chịu cho một số người trong lĩnh vực phát triển, những người cho rằng tất cả các vấn đề phát triển chỉ để phục vụ các Mục tiêu Phát triển Bền vững của Liên Hợp Quốc.

Chính sách cũng xác định rõ biến đổi khí hậu là mối đe dọa lớn nhất đối với sự phát triển của con người. Do đó, từ năm 2024, ít nhất một nửa trong số tất cả các khoản đầu tư phát triển mới trị giá hơn 1,9 triệu USD sẽ có mục tiêu liên quan đến biến đổi khí hậu, và tỷ lệ này sẽ đạt 80% vào năm 2028. Để điều phối các mục tiêu trên, chính sách hứa hẹn một cách tiếp cận chặt chẽ hơn đối với tài chính phát triển, cung cấp các chương trình cho vay khác nhau dưới sự quản lý của một ủy ban mới.

Tuy nhiên, trọng tâm của Canberra rõ ràng là chỉ giới hạn ở Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương. Bên ngoài khu vực trực tiếp ảnh hưởng của Australia, chính sách này tỏ ra không thuyết phục, chỉ hứa hẹn một chiến lược nhân đạo mơ hồ. Chẳng hạn, chính sách này không đưa ra chỉ dấu nào cho thấy khả năng khôi phục các chương trình song phương với châu Phi, điều có thể sẽ hỗ trợ Australia trong nỗ lực giành lấy một ghế không thường trực trong Hội đồng Bảo an LHQ nhiệm kỳ 2028 - 2029.

Các chuyên gia cho rằng, để có một kế hoạch tổng quát, rõ ràng có nhiều việc phải làm. Australia đang có một thứ hạng không quá nổi trội của của Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD) về viện trợ nước ngoài với vị trí 27 trên tổng số 31 thành viên. Trong bối cảnh Australia và các quốc gia Thái Bình Dương muốn đồng đăng cai tổ chức COP31 vào năm 2026, cũng như việc nước này đang tìm kiếm một ghế trong Hội đồng Bảo an trong tương lai, và Trung Quốc đang tỏ ra là một đối tác viện trợ cơ sở hạ tầng đáng gờm ở khu vực Thái Bình Dương, những gì dừng lại ở Kế hoạch Marshall phiên bản Australia còn tỏ ra khiêm tốn. Và câu hỏi đặt ra là liệu các khoản ngân sách trong tương lai có cam kết đủ nguồn lực để phù hợp với tham vọng của chính sách này hay không.

Quốc Đạt

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/viet-nam-va-the-gioi/chinh-sach-phat-trien-quoc-te-moi---ke-hoach-marshall-cua-australia-i340259/