Chính phủ Mỹ và châu Âu theo dõi chặt thị trường ngân hàng

Căng thẳng trong lĩnh vực ngân hàng thế giới, đặc biệt là tại Mỹ và châu Âu đang được theo dõi chặt chẽ do khả năng gây ra khủng hoảng tín dụng cũng như khả năng chính sách cho vay sẽ được siết lại hơn.

Trụ sở Credit Suisse tại Bern, Thụy Sĩ. Ảnh: Reuters

Kể từ khi các ngân hàng SVB và Signature Bank của Mỹ sụp đổ dẫn tới thỏa thuận giải cứu và tiếp quản Credit Suisse bởi UBS một tuần trước, các nhà chức trách trên khắp thế giới đang trong tình trạng cảnh giác cao độ. Theo Reuters, tuần vừa qua kết thúc trong bối cảnh thị trường tài chính thể hiện các dấu hiệu căng thẳng chưa dứt.

Cụ thể, đồng Euro giảm so với đồng USD trong khi lợi suất trái phiếu chính phủ khu vực đồng Euro giảm. Ngoài ra, chi phí bảo hiểm đối với các vụ vỡ nợ ngân hàng cũng tăng bất chấp sự đảm bảo từ các nhà hoạch định chính sách.

Sau khi chính phủ Thụy Sĩ hậu thuẫn việc tiếp quản Credit Suisse bởi đối thủ UBS có trụ sở tại Zurich, lĩnh vực ngân hàng châu Âu thể hiện dấu hiệu căng thẳng tiếp theo khi Deutsche Bank của Đức lọt vào tầm ngắm của các nhà đầu tư.

Cổ phiếu ngân hàng lớn nhất Đức đã giảm 8,5% ngày 24/3 trong khi chi phí bảo hiểm trái phiếu của ngân hàng này trước rủi ro vỡ nợ tăng mạnh. Trong cùng ngày, chỉ số cổ phiếu của các ngân hàng hàng đầu châu Âu đều ghi nhận giảm.

Trong nỗ lực mới nhất nhằm xoa dịu các nhà đầu tư, Bộ Tài chính Mỹ hôm 24/3 trích dẫn thông báo từ Hội đồng Giám sát Ổn định Tài chính cho biết hệ thống ngân hàng quốc gia này hiện đang "an toàn và linh hoạt".

Theo Chủ tịch Fed Minneapolis Neel Kashkari trả lời đài CBS ngày 26/3, điều không rõ ràng ở hiện tại chính là mức độ căng thẳng tới đâu sẽ dẫn tới khủng hoảng tín dụng trên diện rộng. Do cuộc khủng hoảng tín dụng đó chắc chắn sẽ làm chậm nền kinh tế lại, các nhà hoạch định chính sách đang phải theo dõi vô cùng sát sao.

Tuy nhiên, ông cũng cho biết vẫn còn quá sớm để đánh giá "hệ quả" căng thẳng ngân hàng sẽ gây ra cho nền kinh tế và do đó còn quá sớm để biết nó có thể ảnh hưởng như thế nào đến quyết định lãi suất tiếp theo của Ủy ban Thị trường mở Liên bang (FOMC).

Fed đã triển khai một chương trình cho vay khẩn cấp nhằm giúp những ngân hàng khác trong khu vực không gặp rắc rối. Dữ liệu gần đây cho thấy tiền chuyển từ các ngân hàng nhỏ hơn sang các ngân hàng lớn hơn trong những ngày sau khi SVB sụp đổ vào ngày 10/3. Dù vậy, chủ tịch Fed Jerome Powell tuần trước nhận định rằng tình hình đã "ổn định".

Chủ tịch Fed Minneapolis Neel Kashkari. Ảnh: Reuters

Trong khi đó ở châu Âu, Phó chủ tịch ECB Luis de Guindos nhận định rằng, những bất ổn trong lĩnh vực ngân hàng gần đây có thể dẫn đến tốc độ tăng trưởng và lạm phát thấp hơn. Cụ thể, trong một bài phỏng vấn với Business Post ngày 26/3, ông chia sẻ: “Ấn tượng của chúng tôi là căng thẳng sẽ dẫn đến việc thắt chặt thêm các tiêu chuẩn tín dụng trong khu vực đồng euro. Và có lẽ điều này sẽ ảnh hưởng đến nền kinh tế về tăng trưởng thấp hơn và lạm phát thấp hơn”.

Căng thẳng gia tăng đột ngột đối với các ngân hàng cũng đặt ra câu hỏi liệu các ngân hàng trung ương lớn có tiếp tục theo đuổi việc tăng lãi suất mạnh mẽ để cố gắng giảm lạm phát hay không. Việc này cũng khiến một số người suy đoán khi nào lãi suất sẽ bắt đầu giảm.

Theo Reuters trích dẫn ông Erik Nielsen, trưởng nhóm cố vấn kinh tế tại UniCredit ở London, các ngân hàng trung ương không nên tách rời chính sách tiền tệ khỏi sự ổn định tài chính vào thời điểm có nhiều lo ngại rằng áp lực ngành ngân hàng có thể dẫn đến khủng hoảng tài chính lan rộng.

Trong một báo cáo ngày 26/3, ông Nielsen nhận định: "Các ngân hàng trung ương lớn, bao gồm Fed và ECB, nên đưa ra một tuyên bố chung rằng bất kỳ đợt tăng lãi suất nào nữa sẽ không được tính đến, ít nhất là cho đến khi thị trường tài chính ổn định trở lại".

Trước mắt, Fed vừa tăng lãi suất một phần tư điểm. Tuy nhiên, cơ hội tạm dừng các đợt tăng lãi suất tiếp theo vẫn mở ra cho đến khi cơ quan này có thông tin rõ ràng về cách các hoạt động cho vay của ngân hàng có thể thay đổi sau sự sụp đổ gần đây của SVB và Signature Bank.

Ngân Hà

Nguồn Mekong Asean: https://mekongasean.vn/chinh-phu-my-va-chau-au-theo-doi-chat-thi-truong-ngan-hang-post19534.html