Chính phủ Mỹ công bố chương trình dán nhãn các thiết bị thông minh

Theo công bố của Nhà Trắng ngày 18/7, chính phủ Mỹ đang đề xuất một chương trình chứng nhận an ninh mạng, trong đó bao gồm việc dán nhãn các thiết bị điện tử nhằm giúp người dùng đưa ra lựa chọn an toàn và ít bị tấn công mạng hơn.

Các nhãn dán mới lên thiết bị điện tử thông minh do chính phủ Mỹ đề xuất sẽ giúp người tiêu dùng lựa chọn các thiết bị an toàn trước các cuộc tấn công mạng. Ảnh: AP

Động thái này nằm trong khuôn khổ chương Trình “US Cyber Trust Mark” do Chủ tịch Ủy ban Truyền thông Liên bang Mỹ (FCC) Jessica Rosenworcel đề xuất. Với chương trình này, chính phủ Mỹ sẽ nâng cao tiêu chuẩn an ninh mạng trên các thiết bị thông minh phổ biến hiện nay bao gồm tủ lạnh, lò vi sóng, TV, thiết bị hỗ trợ theo dõi việc tập thể dục hay các thiết bị khác. Mục tiêu của chương trình là cung cấp các công cụ để người tiêu dùng đưa ra quyết định sáng suốt về độ an toàn tương đối của các sản phẩm mà họ chọn mang vào nhà.

Theo chương trình mới được đề xuất, người tiêu dùng sẽ thấy một nhãn dán “US Cyber Trust Mark” ở dạng logo hình khiên đối với các sản phẩm đáp ứng được các tiêu chí an ninh mạng mới. FCC dự kiến sẽ lấy ý kiến của công chúng về việc triển khai chương trình dán nhãn an ninh mạng tự nguyện trong khi chương trình này dự kiến sẽ được triển khai vào năm 2024.

Trong ngày 18/7, FCC sẽ tiến hành đăng ký nhãn hiệu quốc gia với Văn phòng Nhãn hiệu và Bằng sáng chế Mỹ - nhãn sẽ được áp dụng cho các sản phẩm đáp ứng các tiêu chí an ninh mạng. Cùng với FCC, Cơ quan An ninh Cơ sở Hạ tầng và An ninh Mạng sẽ đóng vai trò hướng dẫn người tiêu dùng tìm kiếm nhãn mới khi đưa ra quyết định mua hàng và khuyến khích các nhà bán lẻ lớn của Mỹ ưu tiên các sản phẩm được dán nhãn khi bày bán chúng trên kệ và thông qua hình thức trực tuyến.

Để có thể nhận được logo, các công ty sẽ phải đạt được các tiêu chí an ninh mạng cụ thể do Viện Tiêu chuẩn và Công nghệ Quốc gia (NIST) công bố, ví dụ như yêu cầu mật khẩu mặc định mạnh và duy nhất, bảo vệ dữ liệu, cập nhật phần mềm và khả năng phát hiện sự cố.

Tính tới hiện tại, Nhà Trắng cho biết các tập đoàn lớn như Amazon, Best Buy, Google, LG Electronics U.S.A., Logitech và Samsung là những doanh nghiệp đã cam kết tăng cường an ninh mạng cho các sản phẩm của mình nhằm hưởng ứng thông báo của chính phủ.

Ngoài sự hợp tác của công ty, nhiều cơ quan chính phủ khác cũng có kế hoạch tham gia vào chương trình này. Trước mắt, Bộ Năng lượng Mỹ thông báo sẽ hợp tác với Phòng thí nghiệm Quốc gia và các đối tác trong ngành để tạo ra các tiêu chuẩn ghi nhãn an ninh mạng cho đồng hồ thông minh và bộ biến tần. Về phía FCC, cơ quan này dự định sử dụng mã QR liên kết với cơ quan đăng ký quốc gia về các thiết bị được chứng nhận để cung cấp cho người tiêu dùng thông tin bảo mật cụ thể về các sản phẩm thông minh này.

Trong khi đó, Bộ Ngoại giao Mỹ có kế hoạch thu hút các đồng minh đồng bộ hóa các tiêu chuẩn ghi nhãn an ninh mạng và tạo ra sự công nhận quốc tế đối với các nhãn đó. Đặc biệt, NIST cũng sẽ chủ động đưa ra các yêu cầu về an ninh mạng cho bộ định tuyến của người tiêu dùng vào cuối năm 2023, sản phẩm được chính phủ Mỹ cho là “có rủi ro cao và nếu bị xâm nhập sẽ có thể được sử dụng để nghe lén, đánh cắp mật khẩu và tấn công các thiết bị khác và các mạng giá trị cao”.

Ngân Hà

Nguồn Mekong Asean: https://mekongasean.vn/chinh-phu-my-cong-bo-chuong-trinh-dan-nhan-cac-thiet-bi-thong-minh-post24352.html