Chính phủ Mỹ có thể phải đóng cửa: Lần thứ 15 kể từ năm 1980

Chính phủ Mỹ đang đối diện nguy cơ đóng cửa khi Quốc hội nước này gần như sẽ không phê chuẩn kế hoạch ngân sách cho các cơ quan liên bang trước hạn chót 1/10. Nếu bế tắc không được tháo gỡ, Chính phủ Mỹ sẽ có lần thứ 15 phải đóng cửa kể từ năm 1980.

Tại Mỹ, việc chính phủ đóng cửa xảy ra khi Quốc hội không phê duyệt tài trợ cho các cơ quan liên bang. Trước năm 1980, các cơ quan phần lớn vẫn tiếp tục hoạt động trong thời gian thiếu kinh phí với giả định rằng Quốc hội sẽ hành động nhanh chóng.

Tổng thống Ronald Reagan (phải) trao đổi Phó Tổng thống George Bush tại Nhà Trắng ngày 4/10/1984, dưới thời ông Reagan, Chính phủ Mỹ đã 8 lần đóng cửa. Ảnh: GI

Nhưng vào năm 1980 và 1981, Bộ trưởng Tư pháp Mỹ lúc đó là Benjamin Civiletti đã đưa ra một loạt ý kiến pháp lý cho rằng các cơ quan chính phủ không có thẩm quyền tiếp tục hoạt động trong thời gian thiếu hụt nguồn tài chính.

Kể từ đó đến nay, nước Mỹ đã có 14 lần phải đóng cửa Chính phủ. Trong đó, Tổng thống Ronald Reagan đã chứng kiến 8 lần, còn Tổng thống Donald Trump thì chứng kiến lần đóng cửa chính phủ dài nhất, với 34 ngày, vào năm 2018. Dưới đây là chi tiết về 14 lần Nhà Trắng phải “shutdown”:

Ngày 20 tháng 11 năm 1981
Thời gian: Hai ngày
Nhà Trắng: Tổng thống Ronald Reagan

Lý do: Vào ngày 20 tháng 11 năm 1981, Thượng viện đã thông qua đạo luật không cắt giảm chi tiêu mà Tổng thống Reagan đề xuất. Dự luật này khác với phiên bản được thông qua tại Hạ viện và về mặt kỹ thuật, nguồn ngân sách đã hết hiệu lực vào nửa đêm, nhưng vì ngày 21 tháng 11 rơi vào thứ Bảy nên tác động không được cảm nhận ngay lập tức. Các nhà đàm phán của Hạ viện và Thượng viện đã làm việc suốt cuối tuần để hòa giải những khác biệt giữa họ và thông qua các dự luật giống hệt nhau vào Chủ nhật.

Vào hôm thứ Hai sau đó, Tổng thống Reagan đã phủ quyết kế hoạch này và ra lệnh đóng cửa Chính phủ Mỹ, cho 250.000 nhân viên liên bang nghỉ việc tạm thời. Cuối ngày, các nhà lập pháp đã thông qua dự luật tạm thời để giữ cho chính quyền liên bang duy trì ngân sách và cho phép có thêm thời gian để đàm phán về một thỏa thuận. Các công chức Mỹ rốt cuộc trở lại làm việc vào ngày hôm sau.

Ngày 30 tháng 9 năm 1982
Thời gian: Một ngày
Nhà Trắng: Tổng thống Ronald Reagan

Lý do: Việc đóng cửa một ngày không phải là kết quả của sự bế tắc mà xảy ra do các thành viên Quốc hội bận rộn với các hoạt động xã hội.

Tờ New York Times đưa tin vào thời điểm đó rằng “các nhà lãnh đạo quốc hội đã cấm họp muộn vì có các sự kiện xã hội lớn tối nay của cả Đảng Cộng hòa và Đảng Dân chủ”. Cụ thể, Tổng thống Reagan đã mời các thành viên Quốc hội đến dự tiệc BBQ tại Nhà Trắng, trong khi các đảng viên Đảng Dân chủ tổ chức bữa tối gây quỹ trị giá 1.000 USD/đĩa.

Tổng thống Reagan cuối cùng đã ký các dự luật chi tiêu đã được Quốc hội thông qua.

Ngày 17 tháng 12 năm 1982
Thời gian: Ba ngày
Nhà Trắng: Tổng thống Ronald Reagan

Lý do: Việc đóng cửa một phần xuất phát từ sự phản đối của Tổng thống Reagan đối với hàng tỷ USD tài trợ cho chương trình tạo việc làm và sự phản đối của Đảng Dân chủ đối với tiền dành cho chương trình tên lửa MX.

Ngày 10 tháng 11 năm 1983
Thời lượng: Ba ngày
Nhà Trắng: Tổng thống Ronald Reagan

Lý do: Việc đóng cửa bắt nguồn từ việc Đảng Dân chủ bổ sung khoảng 1 tỷ USD chi tiêu cho giáo dục và cắt giảm viện trợ nước ngoài. Đảng Dân chủ tại Hạ viện cuối cùng đã giảm yêu cầu chi tiêu cho giáo dục xuống còn 100 triệu USD và cung cấp tiền cho tên lửa MX, thứ mà Tổng thống Reagan mong muốn.

Ngày 30 tháng 9 năm 1984
Thời lượng: Hai ngày
Nhà Trắng: Tổng thống Ronald Reagan

Lý do: Tổng thống Reagan và các đảng viên Đảng Dân chủ trong Quốc hội bất đồng về một số điều khoản có trong dự luật tài trợ được Hạ viện thông qua, cụ thể là dự luật tội phạm được Tổng thống ủng hộ và dự luật về dự án nước mà ông phản đối.

Đảng Dân chủ cũng muốn có luật đảo ngược quyết định của Tòa án Tối cao cho rằng toàn bộ các trường cao đẳng không nhận tài trợ của liên bang hoặc tiểu bang đều không tuân theo các yêu cầu của Tiêu đề IX mặc dù sinh viên của họ đã nhận được hỗ trợ của liên bang.

Các nhà lập pháp đã thông qua và Reagan đã ký một dự luật giữ chính phủ mở cửa thêm vài ngày nữa để cho phép các cuộc đàm phán tiếp tục.

Ngày 3 tháng 10 năm 1984
Thời lượng: Một ngày
Nhà Trắng: Tổng thống Ronald Reagan

Lý do: Phương án ngân sách tạm thời được thông qua vài ngày trước đó không đủ để ngăn chặn một đợt đóng cửa khác. Đảng Dân chủ cuối cùng đã nhượng bộ và loại bỏ các dự án nước cũng như các điều khoản về quyền công dân, và Quốc hội đã thông qua dự luật tội phạm.

Ngày 16 tháng 10 năm 1986
Thời lượng: Một ngày
Nhà Trắng: Tổng thống Ronald Reagan

Lý do: Các đảng viên Đảng Dân chủ trong Quốc hội muốn mở rộng phúc lợi, lúc đó được gọi là “Viện trợ cho các Gia đình có Trẻ em Phụ thuộc”, cũng như các biện pháp khác mà Nhà Trắng phản đối. Đảng Dân chủ cuối cùng đã từ bỏ một số điều khoản của họ và được hứa sẽ bỏ phiếu về việc mở rộng phúc lợi nhằm chấm dứt tình trạng bế tắc về tài chính.

Ngày 18 tháng 12 năm 1987
Thời lượng: Một ngày
Nhà Trắng: Tổng thống Ronald Reagan

Lý do: Sự thiếu hụt nguồn tài trợ của chính phủ là kết quả của sự bất đồng trong việc cung cấp viện trợ cho phe Contras ở Nicaragua và nỗ lực của Đảng Dân chủ nhằm khôi phục “Học thuyết Công bằng, một chính sách của Ủy ban Truyền thông Liên bang yêu cầu những người được cấp phép phát sóng phải đề cập đến các khía cạnh khác nhau của các vấn đề gây tranh cãi. Quy tắc này đã bị bãi bỏ vào năm 1987.

Cuối cùng, Quốc hội đã thông qua viện trợ phi sát thương cho phe Contras ở Nicaragua, nhưng các đảng viên Đảng Dân chủ đã không thành công trong nỗ lực khôi phục Học thuyết Công bằng.

Ngày 5 tháng 10 năm 1990
Thời lượng: Ba ngày
Nhà Trắng: Tổng thống George HW Bush

Lý do: Tổng thống Bush cho biết ông sẽ phủ quyết một biện pháp tài trợ ngắn hạn không bao gồm kế hoạch giảm thâm hụt, buộc Chính phủ Mỹ phải đóng cửa. Cuối cùng Quốc hội đã thông qua một nghị quyết ngân sách chung vạch ra kế hoạch giảm thâm hụt, và Tổng thống Mỹ đã ký một nghị quyết tiếp tục mở cửa lại Chính phủ nước này.

Ngày 13 tháng 11 năm 1995
Thời lượng: Năm ngày
Nhà Trắng: Tổng thống Bill Clinton

Lý do: Việc đóng cửa xảy ra trong nhiệm kỳ tổng thống của Clinton tập trung vào tranh chấp giữa ông với các nghị sĩ Đảng Cộng hòa trong Quốc hội về cam kết cân bằng ngân sách và bãi bỏ việc tăng thuế năm 1993. Đảng Cộng hòa, do Chủ tịch Hạ viện Newt Gingrich lãnh đạo, đã nắm quyền kiểm soát Hạ viện lần đầu tiên sau 40 năm vào năm 1995 trong sự kiện được nhớ đến với cái tên "Cách mạng Cộng hòa".

Quốc hội do Đảng Cộng hòa lãnh đạo đã thông qua một nghị quyết tiếp tục ngắn hạn nhằm tìm cách tăng phí bảo hiểm Medicare và yêu cầu tổng thống cân bằng ngân sách trong vòng 7 năm, cùng với các biện pháp khác. Nhưng Tổng thống Clinton đã phủ quyết đạo luật này, dẫn đến việc Chính phủ phải đóng cửa.

Tổng thống Clinton và các nhà lãnh đạo quốc hội thuộc Đảng Cộng hòa cuối cùng đã đạt được thỏa thuận tài trợ cho chính phủ trong vài tuần và cho phép các cuộc đàm phán tiếp tục.

Ngày 15 tháng 12 năm 1995
Thời lượng: 21 ngày

Lý do: Thời gian bổ sung dành cho Quốc hội và Nhà Trắng vào tháng 11 để tiếp tục đàm phán là không đủ và ngân sách lại hết hiệu lực vào giữa tháng 12. Không giống như đợt đóng cửa tháng 11 năm 1985, đợt này kéo dài lâu hơn nhiều, đến đầu tháng 1 năm 1996.

Vấn đề lúc ấy là dự báo ngân sách của cơ quan nào: Văn phòng Ngân sách Quốc hội hay Văn phòng Quản lý và Ngân sách của Nhà Trắng nên được sử dụng để chứng minh rằng ngân sách đã được cân bằng trong vòng 7 năm? Cuối cùng, Đảng Cộng hòa đã nhượng bộ: Lãnh đạo Đa số Thượng viện lúc bấy giờ là Bob Dole đã chỉ ra trong một bài phát biểu vào đêm Giao thừa rằng "chúng ta nên chấm dứt chuyện này. Ý tôi là, nó đã đến mức hơi lố bịch, xa như thế này”.

Ngày 30 tháng 9 năm 2013
Thời lượng: 16 ngày
Nhà Trắng: Tổng thống Barack Obama

Lý do: Cuộc chiến bắt đầu dựa trên “Đạo luật Chăm sóc sức khỏe hợp túi tiền” (còn gọi là Obamacare) và sự thúc đẩy của Đảng Cộng hòa nhằm dỡ bỏ những phần quan trọng trong luật chăm sóc sức khỏe đặc trưng của Tổng thống Obama. Hạ viện do Đảng Cộng hòa lãnh đạo đã thông qua hai dự luật chi tiêu, một trong số đó sẽ trì hoãn việc thực hiện Obamacare, cả hai đều bị Thượng viện do Đảng Dân chủ lãnh đạo bác bỏ.

Một cảnh sát đi ngang qua tấm biển thông báo đóng cửa Đài tưởng niệm Lincoln khi chính phủ Mỹ đóng cửa một phần ngày 1/10/2013. Ảnh: GI

Tổng thống Obama kêu gọi một dự luật chi tiêu không có điều kiện kèm theo, nhưng đảng Cộng hòa cuối cùng đã quyết định đóng cửa chính phủ vì phản đối luật chăm sóc sức khỏe mang tính bước ngoặt.

Đảng Cộng hòa tại Hạ viện do Chủ tịch Hạ viện John Boehner lãnh đạo cuối cùng đã nhượng bộ cho Đảng Dân chủ và thông qua dự luật chi tiêu ngắn hạn không bao gồm những thay đổi đối với Obamacare.

Ngày 19 tháng 1 năm 2018
Thời lượng: Hai ngày
Nhà Trắng: Tổng thống Donald Trump

Lý do: Việc đóng cửa, chính thức bắt đầu vào dịp kỷ niệm một năm ngày ông Trump nhậm chức, xuất phát từ cuộc chiến về vấn đề nhập cư và đặc biệt là yêu cầu bảo vệ của Đảng Dân chủ đối với những chính sách nhập cư có tên “Trì hoãn hành động dành cho những người đến Mỹ từ nhỏ” (DACA).

Cuối cùng, đảng Dân chủ đã nhượng bộ sau khi đảng Cộng hòa cam kết nỗ lực hướng tới một thỏa thuận giải quyết DACA và Trump đã ký một dự luật tài trợ ngắn hạn để mở cửa lại chính phủ.

Ngày 21 tháng 12 năm 2018
Thời lượng: 34 ngày
Nhà Trắng: Tổng thống Donald Trump

Lý do: Lần đóng cửa này liên quan đến yêu cầu của ông Trump về 5,7 tỷ USD chi trả cho bức tường dọc biên giới Mỹ-Mexico.

Tổng thống Donald Trump giơ bức ảnh "thiết kế bức tường tiêu chuẩn điển hình" trong thời điểm Chính phủ Mỹ đóng cửa tháng 1/2019. Ảnh: GI

Khi lệnh đóng cửa kéo dài trở thành dài nhất trong lịch sử và Đảng Dân chủ nắm quyền kiểm soát Hạ viện, ông Trump cuối cùng đã ký một dự luật mở lại các cơ quan trong ba tuần và không cấp tiền cho bức tường biên giới. Chính phủ Mỹ hoạt động trở lại vào ngày 25/1/2019.

Vài tuần sau, Quốc hội đã ngăn chặn một đợt đóng cửa khác bằng cách thông qua một biện pháp bao gồm 1,375 tỷ USD cho bức tường biên giới, ít hơn nhiều so với con số 5,7 tỷ USD mà ông Trump yêu cầu.

Nguyễn Khánh

Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/chinh-phu-my-co-the-phai-dong-cua-lan-thu-15-ke-tu-nam-1980-post266731.html