Chính phủ Đức vẫn bất đồng về chiến lược mới với Trung Quốc

Các quan chức trong chính phủ Đức vẫn chưa thể tìm kiếm tiếng nói chung trong quá trình thảo luận, xây dựng chiến lược mới với Trung Quốc.

Thủ tướng Đức Olaf Scholz thảo luận với Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Kinh tế Robert Habek và Bộ trưởng Tài chính Christian Lindner. (Nguồn: T-online)

Thủ tướng Đức Olaf Scholz thảo luận với Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Kinh tế Robert Habek và Bộ trưởng Tài chính Christian Lindner. (Nguồn: T-online)

Một trong số 3 nguồn tin chính phủ Đức tiết lộ: “Chiến lược an ninh quốc gia mở rộng của Đức dự kiến sẽ được đưa ra thảo luận tại Nội các trong ngày 14/6 tới. Chúng tôi không thể có được một chiến lược với Trung Quốc chỉ trong 6 ngày sau đó (thời gian dẫn đến cuộc thảo luận song phương)”.

Hiện nay, liên minh cầm quyền đang tranh luận gay gắt về chiến lược đối với Trung Quốc. Cả Bộ Ngoại giao và Bộ Kinh tế, các vị trí do đảng Xanh nắm giữ, đều ủng hộ chính sách hạn chế hơn các mối quan hệ kinh tế với Bắc Kinh. Phó Thủ tướng Bộ trưởng Kinh tế Robert Habeck ủng hộ quan điểm sàng lọc đầu tư của các công ty Đức đang làm ăn tại Trung Quốc để bảo vệ công nghệ và bí quyết nhạy cảm.

Trong khi đó, Thủ tướng Đức Olaf Scholz muốn thúc đẩy kinh tế thông qua dự án đầu tư của Tập đoàn vận tải biển Cosco (Trung Quốc) vào cảng container ở Hamburg, vốn được coi là tài sản chiến lược.

Năm ngoái, nhà lãnh đạo này đã chỉ đạo đánh giá lại cách thức tương tác của Đức với Trung Quốc - đối tác thương mại lớn nhất, song cũng là đối thủ cạnh tranh và đối thủ chiến lược với Bắc Kinh.

Tuy nhiên, Đức sẽ chỉ công bố chiến lược với Trung Quốc khi liên minh cầm quyền công bố chiến lược an ninh quốc gia mở rộng, trong đó đề cập đến cả các vấn đề về xuất khẩu vũ khí và khả năng Berlin có hay không nên phát động những cuộc phản công mạng nhằm vào các thực thể sau khi bị tấn công.

Cuối tuần trước, tại Hội nghị thượng đỉnh Nhóm các nước công nghiệp phát triển hàng đầu thế giới (G7) ở Hiroshima (Nhật Bản), ông Scholz đã khẳng định đầu tư lớn sẽ tiếp tục chảy sang Trung Quốc. ngay cả khi các chính phủ tìm cách giảm thiểu rủi ro khi tiếp xúc với nền kinh tế lớn thứ hai thế giới này.

(theo TTXVN)

Minh Quân

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/chinh-phu-duc-van-bat-dong-ve-chien-luoc-moi-voi-trung-quoc-228298.html