'Chim én báo hiệu mùa Xuân' của Việt Nam-Kazakhstan

Trao đổi với Báo TG&VN, Đại sứ Kazakhstan tại Việt Nam Yerlan Baizhanov nêu đề xuất thành lập Hội đồng Doanh nghiệp Kazakhstan-Việt Nam nhằm tăng cường tiếp xúc giữa doanh nghiệp hai nước.

Buổi gặp gỡ doanh nghiệp Việt Nam-Kazakhstan, ngày 16/3. (Ảnh: T.Đ)

Buổi gặp gỡ doanh nghiệp Việt Nam-Kazakhstan, ngày 16/3. (Ảnh: T.Đ)

Tại Diễn đàn doanh nghiệp Kazakhstan-Việt Nam vừa qua, Đại sứ nhận định rằng phái đoàn doanh nghiệp Kazakhstan đầu tiên đến Việt Nam là “chim én báo hiệu mùa Xuân”. Chúng ta có thể kỳ vọng điều gì, thưa Đại sứ?

Chúng tôi mong muốn thúc đẩy giao thương giữa các doanh nghiệp Kazakhstan và Việt Nam. Sự hiện diện của phái đoàn thương mại tại Hà Nội đã khẳng định sự quan tâm của các doanh nhân Kazakhstan đối với sự phát triển nhanh chóng của các quan hệ thương mại và kinh tế giữa hai nước.

Có nhiều điều kiện thuận lợi cho việc thúc đẩy hợp tác kinh tế giữa hai bên. Thứ nhất là bản chất hữu nghị trong quan hệ song phương.

Thứ hai, Hiệp định Thương mại tự do giữa Liên minh Kinh tế Á-Âu (EAEU) và Việt Nam tạo ra nhiều ưu đãi cho cả hai bên. Kazakhstan đứng thứ hai về thương mại với Việt Nam trong số các quốc gia thành viên EAEU.

Thứ ba, tính chất bổ sung của hai nền kinh tế rất rõ ràng, hai nước đều có nhu cầu hàng hóa của nhau. Kazakhstan sẵn sàng tăng xuất khẩu sang Việt Nam lên nhiều lần. Chúng tôi ước tính tiềm năng xuất khẩu này vào khoảng 500 triệu USD, danh sách hàng hóa xuất khẩu đã được chuyển cho phía Việt Nam.

Bây giờ, chúng tôi đang chờ đợi phái đoàn thương mại tương tự của Việt Nam đến Kazakhstan. Tôi rất mong điều này đến sớm và hy vọng việc trao đổi đoàn thương mại trở nên thường xuyên hơn.

Trong chuyến thăm chính thức Kazakhstan năm 2022 của Phó Chủ tịch nước Võ Thị Ánh Xuân, Tổng thống Kassym-Jomart Tokaev đã khẳng định mong muốn của Kazakhstan khi thực hiện bước đột phá trong hợp tác song phương với Việt Nam ở nhiều lĩnh vực, nhất là kinh tế-thương mại. Việt Nam có sức hút như thế nào với Kazakhstan, thưa Đại sứ?

Trên thế giới, Việt Nam đang có tốc độ tăng trưởng kinh tế ấn tượng. Hơn nữa, ngoài tốc độ phát triển nhanh, kinh tế Việt Nam còn nổi bật bởi sự tăng trưởng liên tục. Do đó, GDP của Việt Nam đã tăng 60 lần kể từ năm 1985. Thông qua môi trường đầu tư nước ngoài, Việt Nam cùng các đối tác thúc đẩy công nghệ cao sản xuất nhiều loại hàng tiêu dùng.

Hiện nay, ngay cả các công ty đa quốc gia lớn cũng có chung quan điểm rằng, đặt nhà máy sản xuất tại Việt Nam là có lợi. Thực tế này đã tác động nhiều đến doanh nghiệp Kazakhstan.

Thời gian tới, theo Đại sứ, Việt Nam và Kazakhstan cần có những giải pháp gì để sớm đạt mục tiêu kim ngạch thương mại 1,5 tỷ USD?

Chúng ta đã chứng kiến sự gia tăng đáng kể về thương mại sau khi có Hiệp định thương mại tự do EAEU-Việt Nam. Tuy vậy, sự tăng trưởng này là tự phát. Nó đạt đỉnh và chậm lại. Do đó, cần chủ động nỗ lực để hình thành nền tảng thể chế cho hợp tác kinh tế. Vấn đề không chỉ để thực hiện các nhiệm vụ thương mại tạm thời mà còn về các cơ chế lâu dài.

Trong khuôn khổ chuyến công tác thương mại vừa qua, Trung tâm Phát triển chính sách thương mại Kazakhstan “QazTrade” và Công ty Việt Nam “Inserimex Co.Ltd” đã lên kế hoạch thành lập công ty xuất nhập khẩu Kazakhstan và Việt Nam.

Thời gian tới, việc ký kết biên bản ghi nhớ hợp tác giữa Phòng doanh nhân quốc gia Kazakhstan “Atameken” và Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI)rất cần thiết. Trao đổi trực tiếp giữa các doanh nhân là vô cùng quan trọng. Do đó, tôi đề xuất thành lập Hội đồng Doanh nghiệp Kazakhstan - Việt Nam như một diễn đàn thường trực để đối thoại doanh nghiệp.

Theo thời gian, tôi chắc chắn rằng sẽ có thêm nhiều công cụ để thúc đẩy quan hệ hợp tác kinh tế giữa hai nước như quỹ đầu tư chung, ngân hàng... Đây sẽ không còn là những “con chim én”, mà là những “con đại bàng”.

Đại sứ Kazakhstan tại Việt Nam Yerlan Baizhanov.

Đại sứ Kazakhstan tại Việt Nam Yerlan Baizhanov.

Đại sứ đánh giá thế nào về chiến lược, chính sách của Việt Nam về phát triển kinh tế, đặc biệt là kinh tế số và kinh tế xanh trong thời gian qua?

Kinh nghiệm cho thấy, nếu Việt Nam thể hiện quyết tâm chính trị để đạt được điều gì đó thì sẽ tiến tới mục tiêu một cách nhất quán. Việt Nam đang thể hiện quyết tâm rõ ràng trong phát triển kinh tế số và kinh tế xanh. Các chính sách đã được Chính phủ thông qua và có kết quả đáng kể. Phát thải khí nhà kính trong lĩnh vực năng lượng ở Việt Nam đang có xu hướng giảm, nhiều trang trại điện gió mọc lên ở nhiều tỉnh thành…

Với 68,17 triệu người dùng Internet, Việt Nam có triển vọng ấn tượng trong chuyển đổi kỹ thuật số. Hiện có hơn 45.000 công ty công nghệ thông tin đang hoạt động tại Việt Nam. Tổng doanh thu của các công ty này, bao gồm cả doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài, ước đạt 126 tỷ USD.

Xuất khẩu dịch vụ công nghệ thông tin của Việt Nam chiếm 30% tổng giá trị xuất khẩu của cả nước và 3% thị trường công nghệ thông tin toàn cầu. Người Việt tích cực sử dụng các ứng dụng di động và cửa hàng trực tuyến.

Tôi tin chắc rằng, thế hệ trẻ, năng động, am hiểu công nghệ của Việt Nam có thể đưa đất nước trở thành nền kinh tế kỹ thuật số toàn diện. Ở khía cạnh này, Kazakhstan và Việt Nam rất giống nhau.

Đại sứ từng chia sẻ về việc dành nhiều thời gian đi thực tế ở các địa phương Việt Nam, ấn tượng của Đại sứ như thế nào?

Đó là những trải nghiệm rất thú vị. Tôi đã đến thăm Khu công nghệ cao ở TP. Hồ Chí Minh, nhà máy cá trên sông Mekong, nhà máy dệt và cảng biển ở Đà Nẵng, nhà máy phosphorit ở Lào Cai, các điểm du lịch ở Nha Trang, Phú Quốc, nhiều xí nghiệp thức ăn công nghiệp tại các tỉnh lân cận Hà Nội…

Tôi thấy được sự tiến bộ và phát triển ở khắp nơi. Tôi tin rằng, các con số tăng trưởng kinh tế của Việt Nam phản ánh thực tế đời sống kinh tế của người dân.

Nhà ngoại giao là “cây cầu” kết nối các quốc gia. Đại sứ nghĩ sao về quan điểm này?

Tôi nghĩ điều đó hoàn toàn đúng. Một nhà ngoại giao không nên bị giới hạn trong ngoại giao “cứng nhắc” - các cuộc gặp gỡ, đàm phán, thăm viếng chính thức. Tôi thấy giá trị to lớn trong sự hội tụ của các nền văn hóa.

Vì vậy, Đại sứ quán chúng tôi cũng tham gia chiếu phim và dịch sách. Chúng tôi đã dịch cuốn Lời răn dạy của Abai và Truyện dân gian Kazakh sang tiếng Việt.

Chúng tôi sẽ sớm tổ chức buổi giới thiệu cuốn tiểu thuyết nổi tiếng về lịch sử của người Kazakhstan - bộ Dân du mục của nhà văn Ilyas Yesenberlin. Bất cứ ai đã đọc ba tập sách này đều có thể được coi là chuyên gia về lịch sử của nhà nước Kazakhstan.

Buổi gặp gỡ doanh nghiệp Việt Nam-Kazakhstan diễn ra tại Hà Nội trong khuôn khổ chuyến thăm và làm việc của phái đoàn thương mại - kinh tế, các nhà sản xuất Kazakhstan tại Việt Nam (15-17/3). Đây là lần đầu tiên có một đoàn doanh nghiệp Kazakhstan sang tìm hiểu thị trường Việt Nam.

(thực hiện)

Hà Phương

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/chim-en-bao-hieu-mua-xuan-cua-viet-nam-kazakhstan-221665.html