Chile bỏ phiếu lần thứ hai về hiến pháp mới

Ngày 17/12, người dân Chile đi bỏ phiếu cho cuộc trưng cầu dân ý thứ hai nhằm thay thế hiến pháp thời độc tài của đất nước. Các cử tri được yêu cầu bỏ phiếu chấp thuận hoặc bác bỏ một dự thảo thận trọng hơn.

Phiên bản hiến pháp mới nhất được Đảng Cộng hòa giám sát sau khi cử tri bác bỏ hoàn toàn một dự thảo tiến bộ vào tháng 9/2022 bao gồm các các biện pháp bảo vệ môi trường và quyền phá thai tự quyết.

Một người đàn ông giơ bản sao Hiến pháp mới được đề xuất của Chile trước Dinh Tổng thống La Moneda. (Ảnh: AFP)

Cuộc bỏ phiếu bắt đầu lúc 8 giờ sáng giờ địa phương (11:00GMT) và kết thúc lúc 6 giờ chiều (21:00 GMT), kết quả sẽ có sau đó vài giờ.

Tổng thống Gabriel Boric tháng trước cho biết đây sẽ là nỗ lực cuối cùng của ông để cải cách hiến pháp nhằm tập trung vào sự ổn định và phát triển lâu dài.

Quá trình viết lại Hiến pháp năm 1980, được thông qua dưới chế độ độc tài quân sự Augusto Pinochet, bắt đầu như một nỗ lực nhằm xoa dịu các cuộc biểu tình rầm rộ nổ ra vào tháng 10/2019 chống lại bất bình đẳng xã hội.

Trong cuộc trưng cầu dân ý năm 2020, 80% đã bỏ phiếu ủng hộ việc thay thế Hiến pháp.

Tuy nhiên, các nhà phân tích cho biết, 4 năm sau khi các cuộc biểu tình nổ ra, sự nhiệt tình đã bị giảm sút do đại dịch, lạm phát và kinh tế trì trệ, cảm giác bất an ngày càng tăng và sự mệt mỏi của cử tri.

Hiến pháp năm 1980 bị nhiều người chỉ trích là đã cho phép các công ty và giới thượng lưu làm giàu cho bản thân bằng sự thiệt hại của tầng lớp lao động nghèo.

Bản hiến pháp viết lại đầu tiên bao gồm các biện pháp bảo vệ mạnh mẽ hơn đối với quyền của người bản địa, các đề xuất bảo vệ tài nguyên thiên nhiên như nước và yêu cầu phụ nữ nắm giữ ít nhất một nửa số vị trí trong các tổ chức công.

Heiss cho biết bản viết lại mới nhất "nằm giữa hiến pháp năm 1980 và một hiến pháp khác thận trọng hơn", đặc biệt là về các vấn đề như phá thai và an toàn công cộng.

Phiên bản mới nhằm mục đích bảo vệ quyền sống từ khi thụ thai, điều mà các chuyên gia tin rằng có thể dẫn đến thách thức luật pháp hiện hành.

Việc phá thai bị cấm ở Chile cho đến năm 2017 khi nó được cho phép trong các trường hợp bị hãm hiếp, khi tính mạng của người mẹ gặp nguy hiểm hoặc thai nhi được tuyên bố là không thể sống được.

Dự thảo hiến pháp mới cho phép trục xuất trong "thời gian ngắn nhất có thể" những người nhập cư không có giấy tờ.

Hiến pháp được đề xuất lần đầu tiên công nhận người dân bản địa, chiếm 12% dân số, nhưng không đáp ứng yêu cầu của họ về quyền tự chủ nhiều hơn.

Hà Mai

Nguồn Công Lý: https://congly.vn/chile-bo-phieu-lan-thu-hai-ve-hien-phap-moi-409885.html