Chiếu trên, chiếu dưới

Là nói về đẳng cấp của mọi thứ nghề trong xã hội. Tất cả những nghề làm ra sản phẩm vật chất và sản phẩm tinh thần. Ở những sản phẩm tinh thần tưởng như rất khó phân biệt đẳng cấp trong tác phẩm cụ thể thì việc tác giả của nó ngồi 'chiếu' nào lại luôn rõ nét. Đời thi sĩ một bài tuyệt bút ngồi chót vót trên 'chiếu' cao. Và cũng đời thi sĩ mười quyển nghìn bài ngồi 'chiếu' trải dưới đất là chuyện thường. Lại cũng có khi ngồi 'chiếu trên' chẳng phải vì tài vì những linh tinh khác.

Ảnh minh họa (Nguồn: Internet).

Ảnh minh họa (Nguồn: Internet).

Lịch sử cây cói ở một đất nước có hơn ba nghìn cây số bờ biển hẳn là rất dài. Nó dài hơn mọi ước đoán và bằng chứng khảo cổ. Thí dụ như khi khai quật vài ngôi mộ cổ nghìn năm tuổi đã thấy có đồ đan dệt bằng cói với kĩ thuật điêu luyện. Điều đó buộc ta phải nghĩ rằng từ trước đó rất lâu cây cói đã có mặt trong đời sống cư dân Việt. Rất nhiều đồ vật được chế tác từ cây cói nhưng thông dụng nhất vẫn là chiếc chiếu. Nó đã trải trong nhà người Việt vài nghìn năm có lẻ.

Hà Nội có nguyên một con phố khang trang trong phố cổ mang tên Hàng Chiếu. Cùng với những Hàng Bè, Hàng Bạc, Hàng Đường, Hàng Đồng, Hàng Muối, Hàng Mắm.. là những con phố được hình thành bởi những nhà buôn bán cùng một mặt hàng tụ về gây dựng nên theo lý thuyết thương mại cổ “Buôn có bạn, bán có phường”. Những con phố mang tên Hàng… dần dà mất đi mặt hàng kinh doanh đặc trưng của mình do biến động về nhu cầu tiêu dùng của dân phố. Đại loại như hết thời “Mực tàu giấy bản bút lông mèo…” thì có ít nhất hai con phố cổ Hà Nội mất nghề là Hàng Giấy và Hàng Bút. Cũng như thế với hết thời ngựa xe võng lọng thì phố Hàng Lọng chuyển thành hàng ăn và Hàng Cỏ thành ga xe lửa. Vài con phố còn tồn tại cũng không bán duy nhất một mặt hàng mang tên phố mình nữa. Hàng Thiếc, Hàng Bè nhiều khách sạn. Hàng Điếu, Hàng Gà bán buôn đủ thứ chỉ thiếu điếu và gà. Hàng Cót bán lẩu dê và Hàng Thùng bán giày…

Chục năm trở lại đây cùng với mức sinh hoạt được tăng lên, chiếc chiếu gần như không còn thông dụng ở thành phố. Chiếc chiếu trải trên long sàng của vua chúa chưa xa bấy giờ rất khó tìm thấy ở nhà ông tổ trưởng dân phố. Ông ấy cũng nằm đệm, ngồi xa lông lâu rồi. Vậy nhưng con phố mang tên Hàng Chiếc vẫn còn vài hàng bán chiếc chiếu dù chiếu bây giờ cũng không còn dùng nhiều sợi cói đay nữa. Chiếu nhựa và chiếu tre, chiếu gỗ nhiều gỗ nhiều hơn. Phố Hàng Chiếu thỉnh thoảng vẫn thấy vài người bán chiếu cói chở cồng kềnh trên xe đạp tụ tập nhau ở Ô Quan Chưởng. Khách hàng của họ là những lao động thời vụ Hà Nội và người nhà những bệnh nhân nghèo trong các bệnh viện dùng để trải trong gậm giường bệnh mà chăm sóc người nằm trên. Sau đợt điều trị dài ngày ấy rất có thể người nằm trên lại đổi chỗ cho người nằm dưới chiếu. Tình thương không phải là sản phẩm vật chất hay tinh thần nên làm gì có chuyện chiếu trên chiếu dưới.

Người Hà Nội không có nghề dệt chiếu như Thái Bình, Nam Định, Thanh Hóa nên muốn dùng chiếu chỉ có cách bỏ tiền ra mua. Đã mua được chiếu thì “chiếu trên chiếu dưới” cũng mua được. Làng văn nghệ khá nhiều anh em các tỉnh mang tiền về Hà Nội để mua một “chiếu” danh cho hành trình văn nghệ vô danh của mình ở địa phương. Đám doanh nhân cả thành đạt lẫn gian dối cũng bỏ tiền ra mua vài ba biệt thự ở những khu vực chỉ dành cho nhà giàu “chiếu trên”. Cũng là giàu cả thôi nhưng “chiếu trên chiếu dưới” rất rõ ràng nhiều khi không phải vì tiền mà còn vì cả mối quan hệ nữa. Dù sao thì sao Hà Nội cũng là manh chiếu sang trọng nhất đất nước mà. Rất khó nghĩ khi các liền chị quan họ Bắc Ninh hát “.. Nửa chăn, nửa chiếu, nửa giường đợi ai” (Ngồi tựa song đào). Ở đấy vẫn chưa dùng đệm?

Đỗ Phấn

Nguồn Xây Dựng: https://baoxaydung.com.vn/chieu-tren-chieu-duoi-289821.html