Chiều tháng Bảy trên đồi Dương Lâm

Chiều 25-7, trên đồi Dương Lâm (xã Hòa Phong, huyện Hòa Vang, TP Đà Nẵng) các cựu chiến binh từ mọi miền đất nước về thắp hương tưởng nhớ những đồng đội đã hy sinh xương máu cho hòa bình hôm nay...

Trong không khí trang nghiêm, xúc động, các cựu chiến binh, thân nhân liệt sĩ, những cựu du kích, thanh niên xung phong và cán bộ, nhân dân địa phương đã dâng hương tưởng nhớ công lao to lớn của các anh hùng liệt sĩ đã hy sinh quên mình vì nền độc lập, tự do của dân tộc; ôn lại lịch sử, truyền thống hào hùng của Đoàn Pháo binh 575-Mặt trận 44 Quảng Đà anh hùng.

Đoàn Pháo binh 575 được thành lập ngày 10-3-1966, có nhiệm vụ bắn phá và tiêu diệt các trận địa pháo, kho, trạm, nơi quân địch đồn trú, đặc biệt là những mục tiêu quan trọng như: Sở chỉ huy địch, sân bay, cảng biển trong TP Đà Nẵng... Trong gần 10 năm chiến đấu ở chiến trường, đơn vị đã tập kích hàng trăm trận vào các khu căn cứ quân sự, kho tàng, bến cảng của địch; tiêu diệt hơn 6.000 tên địch, trong đó có nhiều cố vấn, sĩ quan, chuyên viên quân sự cao cấp của địch; phá hỏng, phá hủy 780 máy bay, 1.000 xe quân sự, 200 khẩu pháo các loại; thiêu hủy hơn 50 triệu lít xăng... Đơn vị đã vinh dự được Đảng, Nhà nước tuyên dương Anh hùng LLVT nhân dân ngày 31-3-1973.

Trung tướng Phùng Khắc Đăng cùng các cựu chiến binh và thân nhân các liệt sĩ Đoàn Pháo binh 575 ôn lại truyền thống Đoàn Pháo binh 575 anh hùng.

Sau hơn 56 năm trôi qua, ký ức về trận đánh đầu tiên (tháng 2-1967), về cuộc chiến khốc liệt, với sự hy sinh của hàng trăm người lính vẫn in sâu trong tâm tưởng từng người dân Quảng Nam-Đà Nẵng và từng cựu chiến binh. Trở lại chiến trường xưa, Trung tướng Phùng Khắc Đăng, nguyên Phó chủ nhiệm Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam, nguyên Phó chủ tịch Hội Cựu chiến binh Việt Nam, nguyên cựu chiến binh Đoàn Pháo binh 575, vẫn nhớ như in hình ảnh những người mẹ, người chị trao từng chai nước, nắm cơm cho bộ đội trên đường hành quân vào trận địa trong trận đánh đầu tiên của đơn vị, ngày 27-2-1967. Trung tướng Phùng Khắc Đăng xúc động nói: “Chúng tôi vô cùng biết ơn chính quyền, nhân dân địa phương, những người cha, người mẹ, người chị, người em ở Điện Bàn, Đại Lộc, Hòa Vang, Liên Chiểu... đã luôn bám trụ, cưu mang từ miếng cơm, manh áo, chở che từng cán bộ, chiến sĩ, vận chuyển, chôn giấu vũ khí, đạn dược...”.

Mặc dù đã gặp nhiều lần khi thăm lại chiến trường xưa nhưng thấy bà Lê Thị Hồng (trú tại tổ 62 phường Hòa Thọ Đông, TP Đà Nẵng), Trung tá Nguyễn Duy Chiến, Phó trưởng ban liên lạc Đoàn Pháo binh 575-Mặt trận 44 Quảng Đà vẫn không khỏi bùi ngùi, nhớ về cô du kích Lê Thị Kêu. Trung tá Nguyễn Duy Chiến kể lại: Khi thực hiện nhiệm vụ tại địa bàn huyện Hòa Vang, cán bộ, chiến sĩ Đoàn Pháo binh 575 được cô du kích Lê Thị Kêu (chị gái bà Lê Thị Hồng) dẫn đường đi trinh sát thực địa trước mỗi trận đánh. Lúc đó, đơn vị hay gán ghép và trêu đùa cô Kêu: “Em hãy yêu và lấy anh Chiến (khi đó là chiến sĩ trinh sát của đơn vị)”. Cô Kêu bẽn lẽn trả lời: “Em không dám đâu, vì trai miền Bắc trắng trẻo và khéo miệng lắm!”. Tuy nhiên, hai người chưa một lời hẹn ước thì năm 1968, cô du kích Lê Thị Kêu đã anh dũng hy sinh khi tuổi đời mới đôi mươi.

Tìm hiểu thực tế chúng tôi được biết, bằng công sức, ý nguyện của các cựu chiến binh Đoàn Pháo binh 575; sự động viên, giúp đỡ của cấp ủy Đảng, chính quyền, nhân dân TP Đà Nẵng và Quân khu 5, Đài kỷ niệm chiến thắng Đoàn Pháo binh 575-Mặt trận 44 Quảng Đà đã được tổ chức xây dựng, khánh thành vào tháng 3-2007 tại đồi Dương Lâm để ghi nhớ công ơn của các anh hùng liệt sĩ hy sinh trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước.

Trao đổi với chúng tôi, Thượng tá Lê Huy Từ, Phó trưởng ban liên lạc Đoàn Pháo binh 575-Mặt trận 44 Quảng Đà cho biết: Trong số hơn 800 liệt sĩ của Đoàn Pháo binh 575 hy sinh trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước tại Mặt trận 44 Quảng Đà (chủ yếu quê ở các tỉnh, thành phố miền Bắc), còn nhiều đồng chí chưa tìm được phần mộ và nằm rải rác trong các nghĩa trang liệt sĩ trên địa bàn tỉnh Quảng Nam và TP Đà Nẵng. Chính vì thế, hằng năm, Ban liên lạc Đoàn Pháo binh 575-Mặt trận 44 Quảng Đà đều tổ chức cho các cựu chiến binh, thân nhân liệt sĩ hành quân về chiến trường xưa để thắp hương, tưởng nhớ các đồng đội đã hy sinh vì độc lập, tự do của Tổ quốc tại các nghĩa trang liệt sĩ trên địa bàn tỉnh Quảng Nam, TP Đà Nẵng và Đài kỷ niệm chiến thắng Đoàn Pháo binh 575...

Hành trình về chiến trường xưa năm nay không chỉ có các cựu chiến binh của Đoàn Pháo binh 575 anh hùng mà còn có thân nhân của các liệt sĩ. Đại tá Lê Quang Thắng, nguyên cán bộ Phòng Quân huấn-Nhà trường (Bộ Tham mưu, Quân chủng Phòng không-Không quân), là con trai của liệt sĩ Lê Cảnh Hưng (hy sinh năm 1968, khi anh Thắng chưa đầy 2 tuổi), chia sẻ: “Thế hệ chúng tôi và mai sau sẽ nguyện tiếp bước cha anh, sống xứng đáng với anh linh các anh hùng liệt sĩ, với truyền thống của Đoàn Pháo binh 575 anh hùng”.

Hoàng hôn dần buông, đồi Dương Lâm lan tỏa mùi hương trầm ngào ngạt. Các cựu chiến binh, thân nhân liệt sĩ của Đoàn Pháo binh 575 cứ mong muốn thời gian ngừng trôi để được ở bên hương linh đồng đội năm xưa lâu hơn nữa.

Bài và ảnh: NGUYỄN VĂN CHUNG

*Mời bạn đọc vào chuyên mục Xã hội xem các tin, bài liên quan.

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/xa-hoi/cac-van-de/chieu-thang-bay-tren-doi-duong-lam-736328