'Chiến trường chia nửa vầng trăng'

Cũng như người dân 2 quốc gia ở đôi bờ eo biển Manche, người hâm mộ bóng đá Việt Nam cũng chia 2 nửa trong trận đại chiến Anh - Pháp.

Trong tâm khảm những người hâm mộ bóng đá Việt Nam lớn tuổi, tuyển Pháp gắn liền với chất nghệ sĩ, hào hoa, mà 2 huyền thoại là Just Fontaine và Raymond Kopa đã đưa Pháp đoạt hạng 3 World Cup 1958 (Fontaine là vua phá lưới với 13 bàn thắng).

Nhưng cũng vì cái chất hào hoa, nghệ sĩ ấy mà bóng đá Pháp đi qua những thăng trầm đều ở cung bậc cực đỉnh. Bán kết Espana 1982, Pháp - Đức là một trong những trận cầu đỉnh cao, vĩ đại nhất trong lịch sử World Cup mà bi kịch trên chấm 11m luân lưu thuộc về Pháp. Nhưng 2 năm sau với kỳ EURO trên sân nhà, tuyển Pháp là đoàn quân bách chiến bách thắng, đã có danh hiệu vô địch lớn đầu tiên. Tuy nhiên, cũng 2 năm sau, đến World Cup Mexico 1986, ĐKVĐ châu Âu lại gục ngã trước người Đức, vẫn là ở bán kết.

Phải 12 năm sau, bóng đá Pháp mới xuất hiện thế hệ vàng mới. Những tài năng trẻ: Zidane, Henry, Vieira, Deschamps, Thuram, Blanc… đã đưa Pháp lần đầu tiên lên đỉnh thế giới sau 68 năm kể từ lần tham dự kỳ World Cup đầu tiên. Đến EURO 2000, Zidane và đồng đội trở thành nhà vô địch thế giới đầu tiên vô địch châu Âu.

Tuy nhiên, World Cup 2002, những người hùng lại trở thành tội đồ khi đi vào lịch sử là đội ĐKVĐ có thành tích kém cỏi nhất. EURO 2004, họ cũng trở thành cựu vương. Và cú “thiết đầu công” của Zidane vào hậu vệ Materazzi của Italy ở trận chung kết World Cup 2006 cũng là hình ảnh cuối cùng của thế hệ vàng thứ 3.

Một trong số đó trở thành HLV của lứa thế hệ vàng thứ 3 và với chức vô địch World Cup 2018, Didier Deschamp trở thành người thứ 3 đoạt cúp trên cả cương vị cầu thủ lẫn HLV, sau Zagallo (Brasil) và Beckenbauer (Đức). Tuy nhiên, tại Qatar 2022 này, Les Bleus khó lòng bảo vệ được ngôi vương, nhất là khi chỉ có duy nhất một Mbappe xứng đáng là thế hệ vàng thứ 4.

Người hâm mộ Việt Nam chỉ mới biết đến bóng đá Anh khoảng 20 năm gần đây với Giải Ngoại hạng Anh. Trước đó, trong mắt các thế hệ đi trước, trái với chất La-tinh của Pháp, Anh là trường phái chạy và sút, tạt cánh đánh đầu, khá thực dụng và đơn điệu. Cộng thêm vào đó, dù luôn là tên tuổi lớn của làng cầu thế giới, có giải đấu hấp dẫn nhất hành tinh, nhưng tuyển Anh có “gót chân Achilles” không thể khắc phục là tâm lý, luôn “chết” ở những trận cầu lớn, những khoảnh khắc quyết định. Vì vậy, tuyển Anh chỉ mới một lần lên đỉnh thế giới và á quân châu Âu đều trên sân nhà (EURO 2020 họ được chơi 3/4 trận cuối, bao gồm cả chung kết tại Wembley).

Nhưng tuyển Anh trong “thế giới phẳng” hôm nay đã rất khác. Tam sư nay đã trưởng thành, mạnh mẽ hơn rất nhiều, để sẵn sàng vào vai “chúa tể sơn lâm”.

Đông Kha

Nguồn Đồng Nai: http://www.baodongnai.com.vn/thethao/202212/chien-truong-chia-nua-vang-trang-3148393/