Chiến tranh Ukraine: Bao nhiêu cơ sở hạ tầng năng lượng đã bị tấn công hoặc phá hủy?

Ukraine đang đối mặt với những thách thức lớn sau nhiều sự kiện gần đây, bao gồm cả tình trạng lũ lụt tàn khốc. Trước bối cảnh trầm trọng ấy, quốc gia này đã gửi lời kêu gọi khẩn cấp đến châu Âu để tăng cường nguồn cung điện.

Trong một cuộc phỏng vấn với AFP vào hôm 10/6, Bộ trưởng Bộ Năng lượng Ukraine Guerman Galouchchenko cho biết: Ukraine kiến nghị châu Âu “tăng đáng kể” nguồn cung điện sau khi Nga thực hiện nhiều cuộc tấn công vào “cơ sở hạ tầng năng lượng của đất nước” và phá hủy đập Kakhovka, gây ra lũ lụt lớn.

Hậu quả từ lũ lụt và vỡ đập Kakhovka

Theo “số liệu sơ bộ” mà Bộ trưởng Guerman Galouchchenko liệt kê, sau khi đập Kakhovka (miền nam Ukraine) bị phá hủy, lũ lụt đã gây ảnh hưởng lên khu vực với diện tích 600 km2, “80 vùng địa phương có khả năng đã bị phá hủy”, “20.000 ngôi nhà mất điện” và “khoảng 10.000 ha đất nông nghiệp bị hư hại”.

Tại Hội nghị Hiệu quả Năng lượng Hàng năm lần thứ 8 tại Paris do Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) tổ chức, ông nói thêm rằng, việc phá hủy con đập cũng đe dọa nguồn cung cấp nước uống của những thành phố như Dnipro hay Nikolayev.

Theo Bộ trưởng, kể từ khi nổ ra chiến tranh Nga - Ukraine vào tháng 2/2022, “50% cơ sở hạ tầng năng lượng” của Ukraine “đã bị tấn công”. Theo ông, “người Nga sử dụng mọi loại vũ khí để tấn công” vào cơ sở hạ tầng này.

Về vấn đề năng lượng, sản lượng điện nhập khẩu từ châu Âu vào Ukraine có mức trần là 1.050 MW. Tuy nhiên, theo Bộ trưởng, cơ sở hạ tầng kết nối hiện nay “cho phép Ukraine nhập khẩu đến 2 GW điện” cho mùa đông tới. Ông nói thêm: “Cho đến nay, Ukraine đáp ứng 100% nhu cầu của mình” bằng cách tự sản xuất điện, thế nhưng, bây giờ “chúng tôi kiến nghị châu Âu tăng” mức trần.

Bảo đảm an toàn cho nhà máy điện hạt nhân Zaporizhia

Khi được hỏi về độ an toàn của nhà máy điện hạt nhân ở Zaporizhia – cơ sở điện hạt nhân lớn nhất Ukraine và châu Âu, Bộ trưởng xác nhận rằng mực nước của hồ làm mát cho nhà máy phụ thuộc vào mực nước của hồ chứa của đập Kakhovka. Ông nhận xét: “Chúng tôi không thấy bất kỳ rủi ro tiềm năng nào ở giai đoạn này”, nhưng “chúng tôi phải theo dõi tình hình”.

Ông cho biết, hồ làm mát có độ sâu là “16,6m”. Tuy nhiên “mực nước đang ở mức đáng chú ý là 12,7m” để cấp điện cho bộ mạch làm mát của nhà máy. “Rủi ro có tồn tại, nhưng không phải ngay lúc này.” Theo lời giải thích của Bộ trưởng Bộ Năng lượng Ukraine, nhiệt độ mùa hè và tình trạng bay hơi nước là hai yếu tố gây nhiều rủi ro.

Dự kiến ông Rafael Grossi - Tổng Giám đốc Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA), sẽ đến thăm Ukraine vào “tuần tới” và “đích thân” đi đến Zaporizhia.

Nhà máy điện hạt nhân ở Zaporizhia có 6 lò phản ứng. Tất cả đã ngừng hoạt động từ vài tháng nay. Cơ sở này là tâm điểm của cuộc xung đột Nga-Ukraine. Nhiều lần, nhà máy đã trở thành mục tiêu bị tấn công. Kể từ khi bị quân đội Nga chiếm đóng vào ngày 4/3/2022, nhà máy đã xảy ra 7 lần cắt điện.

Ngọc Duyên

AFP

Nguồn PetroTimes: https://nangluongquocte.petrotimes.vn/chien-tranh-ukraine-bao-nhieu-co-so-ha-tang-nang-luong-da-bi-tan-cong-hoac-pha-huy-686937.html