Chiến tranh không phải trò đùa

Chúng ta đều hiểu chiến tranh là hy sinh, mất mát, đau thương. Chiến tranh không phải trò đùa. Ngày hôm nay, chúng ta cùng ôn lại những ký ức về một thời bom đạn để thêm trân trọng giá trị của hòa bình, độc lập, tự do và để thêm yêu quý hình ảnh cao đẹp của người lính.

Hôm nay là ngày 22/12, tròn 79 năm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam. Trong một ngày đầy ý nghĩa này, những dòng ký ức về một thời bi tráng của dân tộc, quê hương lại trở về. Nghĩ về người lính, ta thường liên tưởng đến những cuộc chiến tranh, trận mạc: sự xả thân, hy sinh. Nghĩ về người lính, ta càng nhân lên khát vọng hòa bình, càng thấy yêu hơn hình ảnh người lính trong hòa bình, những người luôn thường trực ý chí bảo vệ môi trường hòa bình, ngăn ngừa chiến tranh, xung đột. Không một ai, cả tôi và bạn lại không khát vọng hòa bình, căm ghét chiến tranh.

Chiến tranh là đau thương, chia ly, là mất mát và chết chóc. Hôm nay, tôi mời bạn cùng tôi xuôi theo dòng ký ức của một người, trở về một thời đạn bom, để thấy chiến tranh thực sự không phải trò đùa.

Nhớ lại những năm tháng chiến tranh. Tuổi thơ tôi vừa trọn những năm đế quốc Mỹ đem không quân, hải quân đánh phá, phong tỏa cơ sở hậu cần, giao thông miền Bắc. Quê tôi, xứ cồn chông bãi cát, nằm sát biển Đông. Dù không phải là trọng điểm cầu đường giao thông hay kho tàng bến bãi, nhưng đã nhiều lần chịu cảnh bom rơi đạn nổ. Tất cả những gì mà chiến tranh đem đến, người dân quê tôi đều hứng chịu, nếm trải. Đạn pháo từ tàu biển bắn vào. Đạn bom từ máy bay dội xuống. Những lần làng quê nhận tin dữ, những tờ giấy báo tử từ chiến trường gửi về.

Chiến thuật "trực thăng vận" của Mỹ trong trận Ấp Bắc. Ảnh tư liệu: QĐND

Chiến thuật "trực thăng vận" của Mỹ trong trận Ấp Bắc. Ảnh tư liệu: QĐND

Hàng ngày, chiếc máy bay do thám AD6 của không quân hải quân Mỹ bay dọc bờ biển. Lũ trẻ chúng tôi gọi loại máy bay này là máy bay bà già. Nó bay rất chậm, tiếng vè vè ù ù rất khó chịu. Phát hiện mục tiêu khả nghi là lượn vòng, xả đạn. Rồi bất kể ngày đêm, từng đợt máy bay ào ào từ biển vào, những loạt đạn phòng không vạch trời bay lên; những loạt bom dội xuống. Những lần bị hệ thống phòng không của ta đánh trả rát rạt, chúng cắt bom rồi chuồn nhanh. Trước khi trở lại tàu sân bay đậu ngoài khơi, chúng trút toàn bộ bom đạn xuống mặt đất, mặt biển.

Đêm đầu tháng 9 năm 1967, đó là một đêm trăng. Mới khoảng 10 giờ, vừa nghe pháo phòng không phía Hàm Rồng nổ giòn giã, đã nghe tiếng máy bay xẹt qua. Phía ngoài biển ù ù ì ì tiếng máy bay bà già. Rồi một loạt bom ba quả cắt chéo từ hướng tây bắc xuống đông nam. Quả bom thứ hai rơi xuống vườn nhà tôi, thổi bay hai cái nhà với toàn bộ tài sản. May mắn khi ấy cả nhà đã kịp xuống hầm. Quả bom đầu rơi phía tây bắc, cách nhà tôi khoảng 300 mét làm một anh thanh niên thiệt mạng.

Ròng rã đến gần ba tháng, gia đình tôi ở nhờ một gia đình xóm trong. Thầy tôi gom nhặt những gì còn sót lại, cùng với mọi thứ cây, tre trong vườn dựng lên hai căn nhà lấy chỗ tá túc. Năm ấy, tôi bước vào lớp 3. Sách vở chuẩn bị cho năm học mới bị mảnh bom xiên thủng, không cuốn nào còn nguyên vẹn. Mẹ tôi từ đấy mắc hội chứng sợ máy bay. Suốt nhiều năm sau đó, bà hầu như lấy hầm làm nhà. Chỉ nghe tiếng ì ì ù ù từ đâu đó là bà vội nháo nhào tìm hầm. Có lần tôi tựa trán vào cây cột nhà, kéo một đường từ phía trên xuống phía dưới, tạo ra cái thứ âm thanh âm âm u u, na ná tiếng động cơ máy bay từ xa, khiến bà giật mình, hốt hoảng chạy ra hầm trú ẩn. Nhận ra đó chỉ là trò đùa của con trai, bà buồn và giận tôi. Đến tận bây giờ, mỗi lần hồi tưởng về những ngày tháng đã qua, về thứ trò đùa quái ác ấy, tôi lại thêm một lần thầm hối lỗi.

Kỷ niệm về chiếc mũ rơm, căn hầm trú ấn chữ A vẫn in sâu trong tâm khảm của nhiều người Việt. Ảnh tư liệu: sovhtt.hanoi.gov

Kỷ niệm về chiếc mũ rơm, căn hầm trú ấn chữ A vẫn in sâu trong tâm khảm của nhiều người Việt. Ảnh tư liệu: sovhtt.hanoi.gov

Một năm trước trận bom, năm 1966, vào tháng 4, cũng một đêm trăng sáng. Chị gái đầu của tôi cũng bị bom Mỹ giết hại. Đang đêm, nghe tiếng máy bay chị bế con gái, lúc ấy mới hơn một tuổi ra hầm. Vừa đến cửa hầm thì bom nổ, một viên bi xuyên qua nách, vào tim. Trước đó, khi chị đang mang bầu con gái, anh rể tôi cũng bị trúng bom. Anh là công nhân ở mỏ Crommite Cổ Định, Thanh Hóa. Buổi trưa đi làm về, đang nghỉ trưa thì máy bay Mỹ đến thả bom.

Từ khi tôi bước vào lớp 1 đến nửa năm đầu cấp 3 là liên tục cảnh đầu đội mũ rơm, lưng mang nùn rơm, lại còn kè kè túi bông băng, thuốc đỏ, nước muối, nẹp tre... Lớp học thì nay chỗ này mai chỗ khác. Chủ yếu nằm khuất dưới tán cây sa mộc, tre, xoan. Xung quanh đắp đất cao, dày như thành lũy, có đường dẫn ra hào giao thông và hầm trú ẩn. Thời kỳ đầu, hầm trú ẩn đơn giản, gác tre, gỗ rồi đổ đất lên. Sau này, học kiểu hầm Triều Tiên, dựng tre gỗ như mái nhà, chìm sâu dưới đất, có hai cửa để thoát hiểm... Năm nào vào năm học mới cũng khệ nệ tranh tre gỗ lạt để dựng lán, làm hầm.

Năm đầu cấp 3 - lớp 8 bấy giờ, tôi được tuyển chọn vào lớp chuyên văn đầu tiên của tỉnh. Thầy trò sơ tán lên tận Vĩnh Lộc, bên bờ sông Mã không xa thành Nhà Hồ. Lớp học khi ấy nép vào thân đê, cũng nửa chìm nửa nổi. Nhiều đêm nghe tiếng bom rền, chủ nhà chúng tôi trọ học bảo máy bay B52 của Mỹ thả bom bên mạn Thọ Xuân. Mãi đến hồi ký kết Hiệp định Paris, đầu năm 1973 thầy trò mới về lại Trường cấp 3 Lam Sơn giữa lòng thị xã Thanh Hóa. Thị xã Thanh Hóa khi ấy ngổn ngang đổ nát.

Suốt năm tháng tuổi thơ tôi sống trong không khí nơm nớp chiến tranh bom đạn. Có đêm đang ngủ, bị đánh thức dậy, cả nhà vội vội vàng vàng vơ vội ít đồ rồi gồng gánh tản cư. Là có tin đêm nay B52 của Mỹ sẽ rải thảm dọc bờ biển này. Có hôm, cấp trên cấp báo tàu biệt kích sẽ đổ bộ, lại sơ tán. Có thời kỳ, cả khẩu đội pháo DKZ ở trong nhà tôi. Nơi đặt khẩu DKZ cách nhà chỉ vài trăm mét canh chừng tàu Mỹ đổ bộ ban đêm. Có năm, cả một tiểu đoàn pháo mặt đất 122 li đặt trận địa trước làng. Từ nhà tôi ra trận địa pháo gần nhất chỉ vài trăm mét. Một vài lần ra xem tàu chiến Mỹ lùi lũi từ khơi vào, rồi quay ngang câu pháo vừa thích vừa sợ. Đôi lần chứng kiến mấy khẩu pháo 122 li của bộ đội nhằm tàu chiến Mỹ khai hỏa, thấy tàu Mỹ xịt khói đen, quay đầu chạy, hô toáng lên cháy rồi.

May mà làng tôi chưa bị trúng pháo kích. Nghe tiếng “véo” là biết đạn pháo từ tàu Mỹ vượt qua làng mình. Nhưng bị bom đạn thì nhiều đận. Có lần bè đánh cá vào gần bờ, máy bay Mỹ lao tới, xả đạn ca-nông-vanh, có người chết, có người bị thương. Lần khác, lúc nửa đêm về sáng, bom nổ xóm trên, có gia đình chết và bị thương gần hết. Có lần, trận địa phòng không của dân quân xã đặt ở đầu làng trên, máy bay Mỹ phát hiện, chúng xả đạn một nữ dân quân hy sinh. Làng tôi, hồi đó có một nhân vật nổi tiếng, chị Tô Thị Cửi bị bom Mỹ tiện đứt cả hai bàn tay, nhưng chị vẫn làm được những việc như người lành lặn, từ khâu vá, củi lửa, cơm nước... đến học hành. Hồi đó chị được đi nhiều nơi, cả nước ngoài, để tố cáo tội ác đế quốc Mỹ.

Tôi có người bạn rất thân, chơi với nhau từ thuở nhỏ. Anh hơn tuổi tôi, học hết cấp hai là đi học trung cấp cầu đường giao thông. Năm Mỹ phong tỏa bến phà Ghép, anh làm nhiệm vụ đảm bảo giao thông ở đây. Một lần anh xung phong cảm tử lái ca nô rà phá ngư lôi, bom từ trường. Bom nổ quá gần, anh hy sinh.

Chuẩn bị hầm trú ẩn cá nhân cho người dân Hà Nội trong những ngày cuối tháng 12 năm 1972. Ảnh tư liệu

Chuẩn bị hầm trú ẩn cá nhân cho người dân Hà Nội trong những ngày cuối tháng 12 năm 1972. Ảnh tư liệu

Người anh con bác ruột tôi, dáng cao, đẹp trai, lại hát hay. Đến giờ, tôi vẫn đinh ninh ở làng tôi anh là thanh niên đẹp trai nhất, tốt tính nhất. Ra đường gặp người quen hay lạ, anh chào hỏi từ xa. Chưa thấy ai trách anh một lời. Quê tôi ngày ấy bữa đói bữa no, cơm khoai sắn cũng chỉ ngày hai bữa. Anh có thói quen chưa ăn gì cũng ngậm cái tăm bên miệng. Xuống nhà tôi, gặp bữa thày mẹ tôi có mời chào gãy đũa, anh vẫn cứ cháu vừa ăn, cháu vừa ăn.Vào những năm chiến tranh ác liệt, anh đi thanh niên xung phong, chuyên làm đường ở miền tây Thanh Hóa, Nghệ An, Quảng Bình. Năm 1968, anh chuyển sang bộ đội. Trong lần cùng đoàn xe đưa hàng vào tuyến trong, anh hy sinh cùng với nhiều đồng đội khi trúng bom tọa độ của Mỹ. Ngày gia đình nhận tin dữ đúng hôm cơn bão lớn từ biển đổ vào. Tiếng khóc thương anh trong đêm bão gió quăng quật ấy cứ đọng mãi trong tôi. Điều làm tôi canh cánh bao năm qua, là đến hiện giờ vẫn chưa biết mộ anh ở đâu? Giấy báo tử gửi về có kèm theo sơ đồ mộ chí. Mộ anh nằm trên quả đồi, xóm Cây Bòng, xã Lâm Trạch, huyện Bố Trạch, tỉnh Quảng Bình. Gia đình một vài lần theo giấy báo tử đi tìm anh, mà không có thông tin gì. Bác gái tôi bao năm khắc khoải chờ mong đưa hài cốt anh về, nhưng rồi vô vọng. Không biết bây giờ anh ở đâu?

Chúng ta đều hiểu, chiến tranh là hy sinh, là mất mát, là đau thương. Chiến tranh không phải trò đùa. Vậy mà nhiều nơi trên hành tinh này, vẫn còn chiến tranh, xung đột, vẫn còn bom rơi, đạn nổ. Ngày hôm nay, bạn cùng tôi ôn lại những ký ức thời chiến tranh để thêm trân trọng giá trị của hòa bình, độc lập, tự do; để thêm yêu quý hình ảnh cao đẹp của người lính./.

Nguồn Hà Nội TV: https://hanoionline.vn/chien-tranh-khong-phai-tro-dua-210084.htm