Chiến thắng mở đầu thời kỳ toàn quốc kháng chiến

Trong những năm đầu kháng chiến chống thực dân Pháp, chiến thắng Giồng Dứa đã làm chấn động dư luận trong và ngoài nước lúc bấy giờ. Ngày nay, Di tích lịch sử Chiến thắng Giồng Dứa là 1 trong 4 di tích cấp Quốc gia của huyện Châu Thành, tỉnh Tiền Giang được Bộ Văn hóa - Thông tin (nay là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) xếp hạng công nhận vào năm 2003.Trận đánh Giồng Dứa diễn ra tại ấp Đông, xã Long Định, huyện Châu Thành, đoạn km 1974 + 250, Quốc lộ 1A ngày nay. Do có nhiều cây dứa gai mọc hoang um tùm nên nhân dân địa phương gọi là Giồng Dứa.DẤU ẤN NHỮNG NĂM ĐẦU KHÁNG CHIẾN CHỐNG THỰC DÂN PHÁP

Đầu năm 1947, bước sang giai đoạn mới - giai đoạn toàn quốc kháng chiến, phân bổ lực lượng của thực dân Pháp ở Khu 8 và tỉnh Mỹ Tho (nay là tỉnh Tiền Giang) có xáo trộn. Trên địa bàn tỉnh Mỹ Tho, chúng giảm 18% quân số để đưa ra Bắc (từ 3.668 tên còn 3.040 tên, trong đó 1/4 là quân viễn chinh). Trước tình hình đó, Đảng bộ tỉnh đã có chủ trương và biện pháp nhằm xây dựng lực lượng mạnh, đáp ứng yêu cầu mới của Trung ương là cầm chân quân địch, không cho chúng dễ dàng chuyển ra Bắc.

Trận đánh Giồng Dứa ngày 25-4-1947.

Đầu năm 1947, thành lập Tỉnh đội Dân quân, đồng chí Đoàn Hữu Huynh làm Tỉnh đội trưởng, đồng chí Nguyễn Văn Thịnh làm Tỉnh đội phó - những đồng chí từng chỉ huy mặt trận kinh Xáng, đã cầm chân quân địch suốt 2 tháng, địch không tiến lên được. Tỉnh cũng đã thành lập Ban Phá hoại, do đồng chí Nguyễn Tấn Thành, Ủy viên Ban Quân sự tỉnh làm Trưởng ban; các huyện Châu Thành, Cai Lậy, Cái Bè, Chợ Gạo và hầu hết các xã đều thành lập ban phá hoại của cấp mình. Trung đội Tự vệ chiến đấu được bổ sung, xây dựng thành Đại đội Dân quân tỉnh trực thuộc Tỉnh đội.

Đó là những nét mới so với những ngày Nam bộ kháng chiến - nét mới của sự trưởng thành, cùng với việc củng cố chính quyền, phát triển thực lực, các hoạt động chiến đấu và phá hoại cũng được đẩy mạnh đều khắp. Nhưng Mỹ Tho là một tỉnh vùng sau lưng địch, tuy cũng có căn cứ, nhưng chỉ là những căn cứ nhỏ và luôn xê dịch; hầu hết là vùng tranh chấp và du kích là chính.

Đầu năm 1948, thực hiện chỉ thị của Trung ương, Xứ ủy Nam bộ, Khu 8 thành lập Đoàn cán bộ từ Đồng Tháp Mười ra Việt Bắc gặp Bác Hồ và Trung ương Đảng. Đoàn do đồng chí Trần Văn Trà làm trưởng đoàn. Đoàn đã trao tặng Bác bức tranh lụa của họa sĩ Diệp Minh Châu vẽ Bác với dáng ngồi hiền từ, ôm 3 em bé thiếu nhi 3 miền Bắc, Trung, Nam chụm đầu dưới chòm râu của Bác. Đây là bức vẽ được họa sĩ Diệp Minh Châu thực hiện vào dịp Lễ Quốc khánh 2-9 tại Đồng Tháp Mười vào năm 1947, trước khi đoàn lên đường ra Việt Bắc.

Trong niềm xúc động trào dâng, họa sĩ đã lấy dao rạch tay mình, lấy máu vẽ lên tấm lụa trắng, là chiến lợi phẩm của bộ đội thu được của địch trong trận Giồng Dứa. Cùng với bức tranh, họa sĩ Diệp Minh Châu còn gửi tới Bác Hồ một bức thư, thể hiện tình cảm của một người con đối với người Cha mà tác giả vô cùng kính trọng.

Chính thực tế đó và nhiệm vụ chính trị mà Quân khu 8 đã nêu ra trong Hội nghị Quân sự ở Ấp Bắc (Cai Lậy) tháng 11-1946: Phát động chiến tranh du kích thành phong trào, buộc chúng phải co kéo mạnh trong âm mưu thực hiện ý đồ sắp tới của chúng.

Đặc điểm của chiến sự ở tỉnh Mỹ Tho trong giai đoạn đầu kháng chiến chống Pháp (tháng 9-1945 - tháng 12-1947) hết sức sôi động, đều khắp, nổi bật là “Mặt trận đường 4”, hầu hết các cầu trên đường 4 đều bị phá, nhiều đoạn đường sắt bị gỡ, nhiều lần đường sắt phải ngưng chạy 6 - 7 ngày..., thể hiện tính sáng tạo trong giai đoạn đầu kháng chiến.

Chỉ trong vòng 1 tháng sau ngày toàn quốc kháng chiến, địch ghi nhận có tất cả 21 hoạt động của ta trên lộ 4, từ tháo gỡ đường sắt đoạn Trung Lương đến đốt nhà ga Tân Hương, đốt 1 cầu ở gần Bắc Mỹ Thuận; đến diệt 1 tên tề ở thị trấn Tân Hiệp, phục kích đoàn công voa bán lữ đoàn Lê Dương ở Mỹ Đức Tây… đã gây cho chúng tâm lý bất an khi phải di chuyển trên đường 4 - con đường mà chúng cho là an ninh nhất trong mạng lưới giao thông ở Nam bộ. Nhưng sau khi đụng 2 trận lớn, 1 trận vào dịp Tết Đinh Hợi, trận Cổ Cò thuộc xã An Thái Đông, huyện Cái Bè và trận Giồng Dứa, huyện Châu Thành ngày
25-4-1947, chúng mới thật sự hoảng loạn. Đây là 2 trận đánh lớn nhất cả nước lúc bấy giờ.

Ý NGHĨA VỀ QUÂN SỰ VÀ CHÍNH TRỊ

Trận Giồng Dứa ngày 25-4 là một trận đánh lớn không chỉ có ý nghĩa về quân sự, mà còn có tác động mạnh về chính trị. Trận đánh do đồng chí Trần Văn Trà, Tư lệnh trưởng Quân khu 8 trực tiếp chỉ huy. Lực lượng được sử dụng trong trận này gồm 1 đại đội là học viên khóa 2 của Trường Quân chính Quân khu, 2 đại đội thuộc Chi đội 17 và khoảng 200 dân quân thuộc Tỉnh đội Mỹ Tho. Đoàn công voa của địch gồm 39 xe, trong đó có 12 xe quân sự chở đồ tiếp tế và phái đoàn chính phủ Lê Văn Hoạch do tên đại tá Trocard chỉ huy.

Đoàn công voa lọt vào trận địa lúc 10 giờ, bị lực lượng ta khóa đầu chặn đánh, tên đại tá chỉ huy bị diệt tại chỗ, bọn hộ tống chưa kịp phản ứng thì liên tục bị mìn nổ tung và toàn trận địa nổ súng. Cuộc chiến diễn ra trong vòng 30 phút. Kết quả, ta diệt 43 tên, bắt sống 7 tên, thu một số súng.

Theo báo cáo của tỉnh trưởng Mỹ Tho, trong số chết có tên Đại tá Trocard, Trung úy Fray, Bộ trưởng quốc gia giáo dục Trương Vĩnh Khánh, Tổng trưởng thông tin Diệp Quang Đông; trong số bị ta bắt có 2 tên kỹ sư công chính. Trận thất bại ở Giồng Dứa đã làm chấn động dư luận nước Pháp và nhiều nước. Chính phủ Pháp đã ra lệnh cho toàn quốc để tang.

Tượng đài Chiến thắng Giồng Dứa.

Có thể nói, Chiến thắng Giồng Dứa đã đánh dấu bước trưởng thành của lực lượng vũ trang cách mạng Việt Nam trong những năm đầu kháng chiến chống Pháp. Đây là trận đánh tiêu biểu, táo bạo, quyết đoán, được nhân rộng ở nước ta trong những tháng đầu toàn quốc kháng chiến; thúc đẩy khí thế đấu tranh cách mạng, tạo sự tin tưởng, phấn khởi trong nhân dân cả nước; đánh dấu bước trưởng thành của lực lượng vũ trang nước ta cả về trình độ, nghệ thuật tác chiến, chỉ huy, sử dụng lực lượng, bố trí thế trận của cuộc chiến tranh nhân dân; đồng thời, khẳng định tinh thần chiến đấu anh dũng, mưu trí của cán bộ, chiến sĩ địa phương.

Ghi dấu trận đánh oai hùng này, năm 1985, Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Tiền Giang xây dựng tại đây Tượng đài Chiến thắng Giồng Dứa, mô tả trận đánh do 2 nhà điêu khắc Đỗ Như Cẩn và Phạm Mười tạo mẫu, Thượng tướng Trần Văn Trà làm cố vấn. Tượng đài mô tả lại cảnh chiến đấu đốt xe địch của quân ta qua hình ảnh 3 nhân vật: Nữ dân quân, vệ quốc quân và một nông dân thổi tù và.

Năm 2000, do nhu cầu mở rộng Quốc lộ 1A, tượng đài đã được quy hoạch, tôn tạo lại và di dời vào trong 40 m, xây dựng trong một khuôn viên với diện tích hơn 8.000 m2, gồm các hạng mục công trình: Công viên, vườn hoa, cây cảnh, hồ cảnh bao bọc chung quanh. Tượng đài và phù điêu được đắp bằng chất liệu bê tông cốt thép cao 7 m, dài 24 m.

HỒNG LÊ (tổng hợp)

Nguồn Ấp Bắc: http://baoapbac.vn/chinh-tri/202104/ky-niem-74-nam-chien-thang-giong-dua-25-4-1947-25-4-2021-chien-thang-mo-dau-thoi-ky-toan-quoc-khang-chien-924110/