Chiến thắng lịch sử

Luật Phục hồi thiên nhiên đã được thông qua với 336 phiếu thuận, 300 phiếu chống và 13 phiếu trắng. Nhìn con số này, có thể thấy được dự luật đã giành chiến thắng với số phiếu sít sao thế nào. Ngay trước cuộc bỏ phiếu, một số kiến nghị bác bỏ toàn bộ đạo luật đã không nhận được đủ sự ủng hộ để thông qua.

Vượt qua cuộc bỏ phiếu sít sao

Trước đó, đã có rất nhiều ý kiến tranh luận về dự luật giữa các nhà khoa học, Ủy ban châu Âu (EC) và Nghị viện châu Âu (EP), với việc mỗi cơ quan đưa ra những mục tiêu khác nhau. Chưa bao giờ một văn bản trong Thỏa thuận xanh châu Âu lại gây căng thẳng chính trị đến như vậy. Dự luật đã bị Ủy ban Ngư nghiệp và Nông nghiệp cùng Ủy ban Môi trường của EP ngăn chặn.

Tỷ lệ bỏ phiếu sít sao. Ảnh: Euro News

Thậm chí, giới quan sát còn cho rằng, việc cuộc họp của EP nhằm bỏ phiếu thông qua Luật Phục hồi thiên nhiên còn làm lu mờ tính chất quan trọng của cuộc gặp thượng đỉnh NATO tại Vilnius, Litva, diễn ra cùng thời điểm.

Đảng Nhân dân châu Âu (EPP), nhóm đảng lớn nhất trong EP, dẫn đầu một chiến dịch nhằm hủy bỏ dự luật này bất chấp việc EC, do bà Ursula von der Leyen (thành viên của EPP) làm Chủ tịch, là cơ quan đưa ra đề xuất luật trên. EPP nêu lý do là dự luật sẽ gây nguy hiểm cho sinh kế của nông dân và ngư dân châu Âu, phá vỡ chuỗi cung ứng đã được thiết lập, giảm sản lượng lương thực, tăng giá tiêu dùng và thậm chí thay thế các khu vực đô thị bằng không gian xanh.

Rosanna Conte, nghị sĩ người Italy, thành viên của EPP nói rằng: “Nông dân sẽ ít đất hơn, ngư dân sẽ ít biển hơn, doanh nghiệp sẽ ít lợi nhuận hơn trong khi công dân châu Âu sẽ thất nghiệp và đối mặt với tình trạng giá cả leo thang do khan hiếm sản phẩm”.

Những phản đối tuyên bố rằng các biện pháp được đề xuất sẽ gây hại cho các ngành công nghiệp đang gặp khó khăn do ảnh hưởng của đại dịch toàn cầu và khủng hoảng năng lượng.

Copa-Cogeca và Europêche, hai tổ chức đại diện cho ngành nông nghiệp và thủy sản, gọi Luật Phục hồi thiên nhiên là “một đạo luật thiếu suy nghĩ, phi thực tế và không thể thực hiện được, gây nguy hiểm cho sinh kế của nông dân và ngư dân cũng như sản xuất lương thực ở EU”.

Chiến thắng cho tất cả

Bất chấp sự phản đối gay gắt, các nhà khoa học vẫn kiên định bác bỏ ý kiến cho rằng việc phục hồi thiên nhiên có tác động xấu đến sản xuất lương thực và nền kinh tế. Trong một bức thư ngỏ tập hợp chữ ký của 6.000 nhà khoa học, bức thư khẳng định, những tuyên bố như vậy “không những thiếu bằng chứng khoa học mà thậm chí còn tự mâu thuẫn”. Họ chỉ ra các nghiên cứu chứng minh rằng việc phục hồi thiên nhiên sẽ chỉ giúp tăng cường an ninh lương thực, củng cố nghề cá, tạo cơ hội việc làm và tiết kiệm tài chính cho nông dân. Những người ủng hộ khẳng định kiên quyết rằng bằng cách khôi phục hệ sinh thái, châu Âu có thể thúc đẩy nông nghiệp bền vững, giảm thiểu rủi ro thiên tai, cải thiện quản lý tài nguyên thiên nhiên và hỗ trợ cộng đồng địa phương.

Những người ủng hộ đề xuất này cũng đã chỉ ra cách nó tạo tiền đề cho hành động rộng rãi nhằm khôi phục các hệ sinh thái cần thiết trên cả đất liền và biển. Những người ủng hộ như Virginijus Sinkevicius cho rằng, các nước châu Âu có thể đảm bảo các kế hoạch khôi phục quốc gia của họ đồng thời đảm bảo an ninh lương thực vì lợi ích cho nông dân sẽ rất nhiều. Cách tiếp cận này công nhận sự cống hiến để khôi phục bản chất của châu Âu vào năm 2050.

Trước cuộc bỏ phiếu, một số thành viên EPP đã “rời bỏ hàng ngũ” để ủng hộ dự luật. Một nghị sĩ thuộc EPP nói trong một video trên Twitter: “Chúng ta cần bảo vệ đa dạng sinh học. Chúng ta cần luật này để bảo vệ công dân, doanh nghiệp và trên hết là các thế hệ tương lai”.

Nhóm đảng Xanh tại EP đã hoan nghênh kết quả trên là “một chiến thắng” và sẽ trở thành một “tiêu chuẩn rõ ràng” để đánh giá các chính phủ trong EU đã cải thiện đa dạng sinh thái đến đâu.

Dự thảo luật đã nhận được sự ủng hộ rộng rãi từ các chính trị gia xanh, cánh tả và các tổ chức môi trường như WWF và BirdLife.

Nhiều doanh nghiệp bao gồm cả Nestlé và Unilever, cũng đã lên tiếng ủng hộ, cho rằng “cơ hội thương mại của một nền kinh tế tích cực với thiên nhiên là rất lớn”.

Một số người đứng đầu các bảo tàng lịch sử tự nhiên cũng đã ủng hộ luật này và hàng trăm nhà nghiên cứu, bao gồm cả Claudet, đã ký một tuyên bố ủng hộ khác do nhà bảo tồn đại dương Enric Sala đưa ra, lập luận rằng lợi ích của việc phục hồi thiên nhiên vượt xa chi phí của nó.

Chính vì vậy việc dự luật được thông qua được coi là một chiến thắng lịch sử bởi nếu không, đây sẽ là hiệu cho thấy châu Âu đang thụt lùi trong việc thực hiện các mục tiêu xanh của mình.

Kết quả của cuộc bỏ phiếu ấn tượng, đã khiến các nghị sĩ cấp tiến đồng loạt đứng dậy vỗ tay ở hội trường, báo hiệu một chiến thắng trong cuộc chiến chống biến đổi khí hậu. Bất chấp sự phản đối gay gắt, quyết tâm bảo vệ môi trường đã chiến thắng, bao gồm các cân nhắc về sinh thái và kinh tế.

Xác lập vai trò tiên phong của EU

Cuộc bỏ phiếu ngày 12.7 mặc dù là một chiến thắng mong manh, nhưng đánh dấu một bước đi đúng hướng để ngăn chặn sự suy giảm đa dạng sinh học. Thiên nhiên châu Âu đang suy giảm đáng báo động, với hơn 80% môi trường sống trong tình trạng tồi tệ. Việc thông qua Luật Phục hồi thiên nhiên của EU là một thời điểm xác định vai trò lãnh đạo toàn cầu của châu Âu trong nỗ lực bảo vệ môi trường. Bằng cách thực thi luật này, châu Âu có thể tự tin đi đầu làm gương và thực hiện cam kết của mình đối với các mục tiêu của khuôn khổ đa dạng sinh học toàn cầu.

“Tôi muốn đặc biệt cảm ơn các nhà khoa học và giới trẻ vì họ đã thuyết phục chúng tôi rằng chúng tôi cần phải có luật này”, chính trị gia César Luena thuộc đảng Công nhân Xã hội Tây Ban Nha (PSOE) bày tỏ.

Các nước EU và EP đã bắt đầu các đàm phán nhằm thống nhất về một văn bản cuối cùng trước cuộc bầu cử EP vào năm 2024. May mắn thay, các cuộc đàm phán có thể được thực hiện dễ dàng hơn do lập trường của Nghị viện tương tự như của các nước EU.

Quỳnh Vũ

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/viet-nam-va-the-gioi/chien-thang-lich-su-i337384/