Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bản anh hùng ca bất diệt trong thời đại Hồ Chí Minh

Cách đây 70 năm, vào ngày 7/5/1954, lá cờ 'Quyết chiến - Quyết thắng' của QĐND Việt Nam đã tung bay trên nóc hầm tướng De Castries, báo hiệu một thời khắc lịch sử: Chiến dịch Điện Biên Phủ đã toàn thắng. Lần đầu tiên trong lịch sử, quân đội của một nước châu Á non trẻ đã đánh thắng quân đội của một cường quốc châu Âu. Có thể nói, Chiến thắng Điện Biên Phủ là bản anh hùng ca bất diệt trong thời đại Hồ Chí Minh.

Lá cờ “Quyết chiến - Quyết thắng” của QĐND Việt Nam tung bay trên nóc hầm tướng De Castries, đánh dấu Chiến dịch Điện Biên Phủ toàn thắng. Ảnh: Tư liệu TTXVN

Trong bài diễn văn đọc tại Lễ kỷ niệm 10 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ (7/5/1964), Tổng Bí thư Lê Duẩn đã khẳng định: “Chiến thắng Điện Biên Phủ đã đi vào lịch sử của dân tộc Việt Nam như một Bạch Đằng, một Chi Lăng, một Đống Đa trong thế kỷ XX và đi vào lịch sử thế giới như một chiến công chói lọi đột phá thành trì của hệ thống thuộc địa của chủ nghĩa đế quốc. Trong lịch sử 4.000 năm dựng nước và giữ nước của dân tộc ta, Chiến thắng Điện Biên Phủ là một trong những đỉnh cao chói lọi, một kỳ tích vẻ vang của thời đại Hồ Chí Minh”.

Như chúng ta đã biết, ngay sau khi Cách mạng tháng Tám năm 1945 thành công, đất nước ta đứng trước tình hình rất khó khăn: Được sự hậu thuẫn của quân Anh, quân Tưởng kéo vào xâm chiếm miền Bắc, còn quân đội Pháp thì quay lại đánh chiếm miền Nam với mục đích chung là muốn bóp chết Nhà nước công nông đầu tiên còn non trẻ ở Đông Nam Á. Chúng ta còn gặp khó khăn hơn nữa là nạn đói, nạn dốt xảy ra rất nặng nề (đã có hơn 2 triệu người chết đói và hơn 90% người dân bị mù chữ).

Trước tình thế hiểm nghèo đó, Đảng và Chính phủ đã tập trung toàn lực để giải quyết mọi khó khăn, khôn khéo loại dần những kẻ thù, phát động phong trào toàn dân tham gia diệt giặc ngoại xâm, giặc đói, giặc dốt. Mặt khác, để bảo vệ hòa bình, độc lập, tự do, chúng ta đã kiên trì đàm phán, thương lượng với thực dân Pháp, nhưng dã tâm của thực dân Pháp là hòng xâm lược nước ta một lần nữa. Quân Pháp đánh vào Lạng Sơn, Hải Phòng, tiếp đó đánh vào Hà Nội. Chúng ta càng nhân nhượng, thực dân Pháp càng lấn tới, buộc nhân dân ta phải cầm súng chiến đấu.

Ngày 19/12/1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ra Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến: “Chúng ta thà hy sinh tất cả chứ nhất định không chịu mất nước, không chịu làm nô lệ”. Toàn thể nhân dân Việt Nam hưởng ứng lời kêu gọi của Người, đã tiến hành cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược. Từ năm 1946 đến năm 1952, chúng ta đã mở nhiều chiến dịch và đã giành chiến thắng: Chiến dịch Thu Đông năm 1947, Chiến dịch Biên giới năm 1950, Chiến dịch Tây Bắc năm 1952. Đến năm 1953, quân và dân ta đã giành thế chủ động trên chiến trường, càng đánh ta càng mạnh, vùng giải phóng được mở rộng, chính quyền nhân dân ngày càng được củng cố. Thực dân Pháp ngày càng lún sâu vào con đường thất bại. Trước tình hình đó, để cứu vãn tình thế, thực dân Pháp tăng cường lực lượng, chúng xây dựng Điện Biên Phủ thành tập đoàn cứ điểm mạnh nhất Đông Dương, nhằm mục đích ngăn chặn, thu hút và tiêu hao quân chủ lực của ta.

Trong hoàn cảnh đó, với tinh thần “Tất cả cho Chiến dịch Điện Biên Phủ”, Đảng ta đã huy động đến mức cao nhất sức người, sức của cho chiến dịch này: Đã có 26 vạn thanh niên xung phong và dân quân hỏa tuyến làm đường dã chiến trong điều kiện rất khó khăn ở miền núi Tây Bắc, lại luôn luôn bị máy bay Pháp theo dõi và ném bom bắn phá. Chính phủ đã huy động dân công từ vùng do ta kiểm soát đi tiếp tế, dùng gánh gồng, xe đạp thồ kết hợp với xe cơ giới để vận chuyển vũ khí, lương thực, thực phẩm... lên Điện Biên Phủ, bảo đảm hậu cần cho chiến dịch (đã có trên 2 vạn người dùng xe đạp thồ, mỗi xe chở được từ 200-300kg). Đây là việc ngoài tầm dự tính của các cấp chỉ huy Pháp, vì họ cho rằng, ta không thể bảo đảm hậu cần cho một chiến dịch lớn, dài ngày trong các điều kiện khó khăn như ở vùng rừng núi Điện Biên Phủ. Về lực lượng thì ta có 5 đại đoàn chủ lực, nhiều binh đoàn. Đáng chú ý là lần đầu tiên lực lượng pháo binh của ta tham gia chiến dịch. Phương án được đề ra là “Đánh chắc, tiến chắc, đánh dài ngày theo kiểu “bóc vỏ dần tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ”.

17 giờ 5 phút, ngày 13/3/1954, đợt 1 của Chiến dịch Điện Biên Phủ bắt đầu. Qua 3 đợt tấn công với 56 ngày đêm chiến đấu dũng cảm, quân ta đã tiêu diệt và bắt sống 16.000 quân Pháp, bắn rơi 62 máy bay địch, thu nhiều vũ khí, đạn dược. Chiều 7/5/1954, quân ta đã bắt sống tướng De Castries và toàn bộ sĩ quan chỉ huy tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ.

Với Chiến thắng Điện Biên Phủ, chúng ta đã giáng đòn quyết định tạo bước ngoặt lịch sử, làm thay đổi hẳn cục diện chiến tranh giữa ta và địch, trực tiếp đưa đến việc ký kết Hiệp định Genève về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Đông Dương. Chiến thắng Điện Biên Phủ đã kết thúc thắng lợi cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, chấm dứt hoàn toàn ách xâm lược của thực dân Pháp trên đất nước ta và các nước trên bán đảo Đông Dương, bảo vệ và phát triển thành quả Cách mạng tháng Tám năm 1945. Đồng thời, mở ra một giai đoạn cách mạng mới: Giai đoạn tiến hành cách mạng xã hội chủ nghĩa ở miền Bắc, đấu tranh giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, đưa cả nước đi lên chủ nghĩa xã hội.

Chiến thắng Điện Biên Phủ bắt nguồn từ truyền thống yêu nước nồng nàn, tinh thần độc lập, tự chủ, ý chí kiên cường, bất khuất, trí thông minh, sáng tạo, tình đoàn kết của dân tộc Việt Nam. Tinh thần Điện Biên Phủ trước hết là tinh thần yêu nước, yêu độc lập, tự do, quyết không cam chịu làm nô lệ, sẵn sàng xả thân vì sự nghiệp giải phóng dân tộc, là sự nỗ lực phi thường để khắc phục những khó khăn tưởng chừng như không thể vượt qua, tạo nên bước tiến vượt bậc về khả năng và sức mạnh chiến đấu để đánh bại mọi kẻ thù.

Chiến thắng Điện Biên Phủ mãi mãi ngời sáng chân lý của thời đại Hồ Chí Minh: Không một thế lực tàn bạo nào có thể vùi dập ý chí, khát vọng độc lập, tự do của một dân tộc có lịch sử 4.000 năm dựng nước và giữ nước, của một dân tộc biết đoàn kết, chiến đấu dưới sự lãnh đạo sáng suốt, tài tình của Đảng Cộng sản Việt Nam.

Kể từ Chiến thắng Điện Biên Phủ đến nay, biết bao sự kiện trọng đại đã diễn ra trên hành tinh, nhưng các thế hệ người dân Việt Nam và nhân dân yêu chuộng hòa bình, độc lập, tự do trên thế giới vẫn mãi mãi ca ngợi, tôn vinh Chiến thắng Điện Biên Phủ - một trong những chiến công chống ngoại xâm oanh liệt của dân tộc Việt Nam trong thế kỷ XX. Chiến thắng đó mang tầm vóc thời đại, mở đầu sự sụp đổ của chủ nghĩa thực dân cũ, cổ vũ mạnh mẽ phong trào giải phóng dân tộc trên thế giới và là cội nguồn sức mạnh tiếp sức cho dân tộc ta giành những thắng lợi to lớn trong công cuộc đổi mới đất nước hiện nay.

Đoàn Mạnh Tiến

Nguồn Biên Phòng: https://bienphong.com.vn/chien-thang-dien-bien-phu-ban-anh-hung-ca-bat-diet-trong-thoi-dai-ho-chi-minh-post474827.html