Bác Hồ trong hồi ức của chiến sĩ Điện Biên

'…Cuối năm 1952, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã bí mật sang Trung Quốc rồi Liên Xô hội đàm với các đồng chí lãnh đạo Xô Viết và Nguyên soái Stalin. Sau cuộc hội đàm Nguyên soái Stalin đã quyết định tặng cho Quân đội Nhân dân Việt Nam một trung đoàn cơ giới pháo cao xạ 37 ly mà sau này Trung đoàn pháo cao xạ 367 của chúng tôi đảm nhận đưa pháo lên chiến trường Điện Biên Phủ.'

Xô Viết viện trợ pháo cao xạ 37mm cho chiến dịch Điện Biên Phủ

Cựu chiến binh, Phạm Đức Cư, (94 tuổi) nhà ở phố 7, phường Nam Thanh, TP. Điện Biên Phủ; nguyên cán bộ Thông tin, Tiểu đoàn 394, Trung đoàn Pháo cao xạ, Đại đoàn 315 đã từng tham gia chiến đấu từ khi mở màn chiến dịch Điện Biên Phủ đến kết thúc thì kể:

“…Tôi từng tham gia nhiều chiến dịch trước khi tham gia vào chiến dịch Điện Biên Phủ năm 1954. Mãi đến sau này hòa bình lập lại tôi mới được nghe các đồng chí cán bộ cao cấp của quân đội nói chuyện về lịch sử bắt nguồn của Trung đoàn 367 pháo cao xạ, nơi tôi cùng đồng đội tham gia chiến đấu tại chiến trường Điện Biên Phủ. Vào cuối năm 1952, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã bí mật sang Trung Quốc rồi Liên Xô hội đàm với các đồng chí lãnh đạo Xô Viết và Nguyên soái Stalin.

Sau cuộc hội đàm Nguyên soái Stalin đã quyết định tặng cho Quân đội Nhân dân Việt Nam một trung đoàn cơ giới pháo cao xạ 37 ly mà sau này Trung đoàn pháo cao xã 367 của chúng tôi đảm nhận đưa pháo lên chiến trường Điện Biên Phủ.

Khi ấy, Việt Nam tiếp nhận nhưng không đưa về nước ngay sợ quân Pháp biết được sẽ đề phòng. Vì khi ấy nước ta đang trong giai đoạn kháng chiến chống Pháp, nên cần giữ bí mật an toàn để cho bọn chúng mất cảnh giác.

Binh chủng được nước bạn Trung Quốc nhận giúp đỡ địa điểm huấn luyện và các nhu cầu sinh hoạt quân trang, quân dụng. Ta đưa toàn bộ xe pháo, khí tài của một Trung đoàn pháo cao xạ 37 ly về Pháo trường Tân Dương – Trung Quốc.

Đầu năm 1953, các cán bộ chiến sỹ chúng tôi được của đi làm nhiệm vụ mới, hành quân về tập trung tại huyện Định Hóa, tỉnh Thái Nguyên tổ chức thành lập các đơn vị đại đội, tiểu đoàn… bí mật hành quân bộ sang Trung Quốc để tiếp nhận xe pháo, khí tài khẩn trương học tập, huấn luyến tính năng, tác dụng, chiến lược, chiến thuật thao tác chiếm lĩnh, chiến đấu của loại pháo mới hiện đại này.

Cuối năm 1953, chúng tôi được lệnh cho xe pháo về nước và nhận nhiệm vụ bí mật cùng xe pháo hành quân lên Tây Bắc để trực tiếp tham gia cùng các đơn vị bạn kéo pháo vào tiếp cận, bám sát bảo vệ cho bộ binh ta tiến công đánh địch và đối đầu chiến đấu với không quân của quân Pháp trên vùng trời chiến trường Điện Biên Phủ, mùa xuân năm 1954.

Qua 3 đợt chiến dịch, 56 ngày đêm cơ động chiến đấu quyết liệt, kiên cường của 2 Tiểu đoàn Pháo cao xạ 383 và 394, thuộc Trung đoàn Pháo cao xạ 367 và nhiều đơn vị bạn đã bắn rơi 52 chiếc máy bay các loại. Trong đó, có cả Pháo đài bay B24 và bắn bị thương 117 chiếc khác.

Các chiến sỹ pháo cao xạ non trẻ, những người lính mang trong mình phẩm chất Cụ Hồ đã chiến đấu ngoan cường, hy sinh vẻ vang như anh Tô Vĩnh Diện, Dương Bá Xanh, Bùi Văn Phú… đã tô thắm thêm lá cờ “Quyết chiến, Quyết thắng” của quân đội ta. Góp phần quan trọng vào đại thắng lịch sử Điện Biên Phủ, năm 1954. Chiến dịch lịch sử năm thứ 9 kết thúc kháng chiến trường kỳ như ý tưởng của Bác Hồ đã định.” – Cựu Chiến binh Phạm Đức Cư kể.

Bác luôn sát cánh, động viên bộ đội kịp thời

Chủ tịch Hồ Chí Minh vị lãnh tụ anh minh của thời đại. Trong suốt thời gian chỉ huy chiến dịch, Người đã tham dự và chủ tọa nhiều cuộc họp của Bộ Chính trị để nhận định, đánh giá tình hình diễn ra trên mặt trận, chỉ đạo sát sao không chỉ trên chiến trường Điện Biên Phủ mà trên cả các chiến trường phối hợp trong cả nước, nhằm phục vụ cho việc giành thắng lợi ở Điện Biên Phủ.

Trước Cách mạng tháng 8, Bác đã chỉ đạo cho tổ chức thành lập Đội Tuyên truyền Giải phóng quân, (tức ngày 22/12/1944), gồm 34 chiến sỹ, tại Khu rừng Trần Hưng Đạo, tỉnh Cao Bằng do Đại tướng Võ Nguyên Giáp chỉ huy và ta tiến công đánh địch thắng trận đầu ở Phay Khắt – Nà Ngần.

Bác ra lời kêu gọi toàn dân kháng chiến, toàn diện kháng chiến quyết bảo vệ nền độc lập tự do vừa mới giành lại được, dù có phải hy sinh quyết tâm kháng chiến đến cùng. Nghe lời Người kêu gọi, con em các dân tộc Việt Nam hang hái lên đường nhập ngũ. Chiến dịch Thu - Đông từ năm 1947 đến năm 1953 đã qua 8 mùa chiến dịch, song cuộc trường kỳ kháng chiến vẫn chưa kết thúc.

Là một trong những chiến sỹ Điện Biên nghe lời kêu gọi của Bác Hồ lên đường nhập ngũ. Cựu chiến binh Lê Hữu Hùng (94 tuổi), quê gốc Thanh Hóa, nhà ở phố 7, phường Nam Thanh, TP. Điện Biên Phủ, tỉnh Điện Biên. Năm 1952, ông lên Điện Biên tham gia chiến dịch tại Trung đoàn 176, Đại đoàn 316.

Ông cùng đồng đội có nhiệm vụ chuyên phá mìn, đào hào từ Hồng Cúm, sang đồi A1, ra sân bay đến Mường Phăng. Ông kể: “ Trong kí ức của những Chiến sỹ Điện Biên đã trực tiếp tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ thì trái tim mỗi người chiến sỹ đều hướng về Bác, về đường lối cách mạng của Đảng. Và mỗi khi bước vào một nhiệm vụ cam go thì cấp trên luôn thông báo về những nhiệm vụ phải làm kèm theo lời động viên, khích lệ, cổ vũ của Bác.

Bác luôn sâu sát chỉ đạo, theo dõi từng bước hành quân của đơn vị. Bác ra sát chiến trường nắm chắc tình hình, diễn biến của chiến sự để kịp thời chỉ đạo, động viên quân và dân ta thi đua sản xuất và chiến đấu.

Khi ấy, bộ đội chủ yếu sống ở dưới giao thông hào. Giao thông hào của quân ta ở chiến trường Điện Biên Phủ có khoảng trên 300 đường hào, chằng chịt ngang dọc như đường phố Hà Nội bây giờ, đến mỗi nút giao phải có mỗi tên chỉ về đơn vị sợ bộ đội lạc.

Hôm ấy, cũng vào buổi sáng chúng tôi đang đào hào trên đồi A1, nhận được lệnh cấp trên ngừng đào. Tất cả lên khỏi hào nằm ngửa, há mồm ra để tránh sức ép của bom mìn, nếu không sẽ bị ộc máu tươi. Một lúc sau thì quả bộc phá gần 1.000kg trên đồi A1 nổ long trời lở đất. Sau đó không lâu thì chúng tôi nhận được tin chiến thắng, tất cả nhảy múa hò reo ngay trên giao thông hào.”

Sau chiến thắng Điện Biên Phủ, ngày 21/7/1954, Hiệp định đình chiến ở Đông Dương được ký kết tại Hội nghị Geneva (Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao của một số nước họp từ 26/4 đến 21/7/1954 tại Geneva, Thụy Sĩ). Để chấm dứt chiến tranh và lập lại hòa bình ở Việt Nam.

Và để có một Hội nghị Geneva thắng lợi, Chủ tịch Hồ Chí Minh cùng với Nhân dân Việt Nam đã phải anh dũng, ngoan cường làm nên một Điện Biên Phủ có sức chấn động toàn cầu.

Chủ tịch Hồ Chí Minh, vị lãnh tụ vĩ đại của dân tộc Việt Nam. Trong chiến dịch Điện Biên Phủ, Người là vị chỉ huy tối cao. Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ đỉnh cao của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp là thắng lợi của đường lối chính trị, đường lối quân sự đúng đắn và sáng tạo của Đảng, đứng đầu là Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Phạm Duy (lược ghi)

Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/bac-ho-trong-hoi-uc-cua-chien-si-dien-bien-post293362.html