Chiến sự Nga - Ukraine làm thay đổi địa chính trị không gian

Kể từ năm 2000, khi những nhà du hành vũ trụ đầu tiên tới Trạm vũ trụ quốc tế (ISS), nơi đây thường cố gắng tránh xa các bất đồng chính trị dưới mặt đất, nhưng cuộc xung đột ở Ukraine có thể thay đổi điều đó.

Đáp trả tuyên bố của Tổng thống Mỹ ngày 24/2 về việc áp trừng phạt lên chương trình không gian của Nga, Tổng Giám đốc cơ quan vũ trụ Nga (Roscosmos) Dmitry Rogozin đã cảnh báo về việc “rút tay” khỏi ISS, dẫn đến việc có thể khiến trạm vũ trụ 500 tấn này mất kiểm soát, rơi khỏi quỹ đạo và có khả năng “hạ cánh” xuống Mỹ, Trung Quốc, Ấn Độ, hay bất cứ vùng dân cư đông đúc nào trên hành tinh.

Tuyên bố của Tổng Giám đốc cơ quan vũ trụ Nga (Roscosmos) Dmitry Rogozin khiến nhiều người đặt câu hỏi về số phận của ISS, nơi hiện là “nhà” của 2 phi hành gia Nga, 4 phi hành gia Mỹ và 1 phi hành gia châu Âu.

Ông John Grunsfeld, một cựu phi hành gia NASA, cho biết: “Tâm trạng trên trạm vũ trụ có lẽ tương tự như ở Trái Đất. Hãy nhớ rằng, khi các phi hành gia bay qua Ukraine, họ có thể nhìn xuống và thấy sự tàn phá, những đám cháy và khói. Chắc chắn nơi đây đang rất căng thẳng”.

Trạm Vũ trụ Quốc tế ISS, nơi hiện là “nhà” của 2 phi hành gia Nga, 4 phi hành gia Mỹ và 1 phi hành gia châu Âu (Ảnh NASA)

Cuộc chiến ở Ukraine đang tác động tới các mối quan hệ đối tác bắt đầu từ 3 thập kỷ trước nhằm thu hẹp khoảng cách giữa Nga và phương Tây.

Khi được hỏi về những căng thẳng chính trị giữa Nga và phương Tây sẽ tác động thế nào đến ISS, cựu phi hành gia người Mỹ Scott Kelly cho rằng trạm vũ trụ quốc tế cần đến sự hợp tác giữa các bên vào lúc này.

“Khi bạn đang ở trong không gian và bay quanh Trái Đất với vận tốc 28.158 km/h thì đó là môi trường làm việc rất nguy hiểm, sự hợp tác chính là điều giúp ISS vận hành hiệu quả suốt nhiều năm qua”, ông Kelly nói.

Ông Kelly cho biết thêm, ISS là một ví dụ điển hình về nơi có thể có “hòa bình vĩnh viễn” vì tất cả các phi hành gia đều có chung một mục tiêu, khám phá và học hỏi. Ông hy vọng, mối quan hệ hợp tác Mỹ-Nga trong không gian có thể vượt qua được những căng thẳng chính trị ở dưới mặt đất.

Trạm vũ trụ quốc tế (ISS) được xây dựng dựa trên hợp tác giữa nhiều quốc gia, gồm: Nga, Mỹ, Nhật Bản, Canada và các quốc gia thành viên của Cơ quan Vũ trụ châu Âu như Bỉ, Đức, Tây Ban Nha, Đan Mạch, Italy, Hà Lan, Pháp, Na Uy, Thụy Sĩ và Thụy Điển.

Các modul đầu tiên do Mỹ và Nga xây dựng từ năm 1998. ISS tiếp tục được lắp ráp thêm các modul mới trong suốt 20 năm sau đó. Hầu hết hoạt động trên trạm vũ trụ đều do các phi hành gia của Mỹ và Nga thực hiện. Tính đến thời điểm hiện tại, ISS có tổng cộng 15 modul chính, 6 modul trong đó thuộc về Nga, 7 modul của Mỹ, một của châu Âu và modul còn lại của Nhật Bản.

Một số người cho rằng, ISS là một trong những thành tựu vĩ đại nhất của nhân loại và gần như vượt trên bất cứ điều gì đang xảy ra trên Trái Đất.

Thực tế, sự hợp tác này đã có lúc bị ảnh hưởng bởi địa chính trị dưới mặt đất. Khi Nga sáp nhập bán đảo Crimea năm 2014, Mỹ đã áp đặt trừng phạt kinh tế đối với Nga. Đáp trả, Nga tuyên bố sẽ không vận chuyển các nhà du hành vũ trụ Mỹ lên Trạm vũ trụ quốc tế và từ ISS trở lại Trái Đất từ năm 2020. Kể từ khi dừng chương trình tàu con thoi năm 2011, Mỹ hoàn toàn phụ thuộc vào Nga để đưa các nhà du hành lên ISS.

Trạm Vũ trụ Quốc tế ISS được xây dựng dựa trên sự hợp tác của nhiều quốc gia (Ảnh NASA)

Bà Wendy Whitman Cobb, giáo sư tại Trường Hàng không và Nghiên cứu không gian của Mỹ khi đó nói rằng: “Tôi có cảm giác rằng ISS đang bắt đầu trở thành một con bài mặc cả trong quan hệ của Mỹ, đặc biệt là với Nga”.

ISS được thiết kế hoạt động phụ thuộc lẫn nhau giữa tất cả các bên. Phía Mỹ do NASA dẫn đầu phụ trách cung cấp năng lượng điện cho ISS, trong khi Nga chịu trách nhiệm nâng ISS để ngăn Trạm vũ trụ quốc tế trôi xuống quỹ đạo thấp hơn.

Trong suốt 24 năm qua, Mỹ và Nga đã cùng nhau hợp tác xây dựng và bảo trì ISS – một trong những kỳ quan công nghệ của nhân loại trong thế kỷ 21, bất chấp những bất đồng trong quan hệ giữa 2 nước. Thế nhưng sự hợp tác này có thể sẽ sớm kết thúc khi căng thẳng giữa Moscow và các nước phương Tây đã lên đỉnh điểm xung quanh cuộc xung đột ở Ukraine.

“Điều này có thể sẽ phá vỡ mối quan hệ hợp tác được xây dựng sau khi Chiến tranh Lạnh kết thúc”, ông Asif Siddiqi, một nhà sử học tại Đại học Fordham ở Thành phố New York nhận định.

Theo bà Julie Patarin-Jossec, nhà xã hội học ở Paris, Pháp, nghiên cứu về mối quan hệ giữa các đối tác ISS: “Các phi hành gia và nhà du hành vũ trụ nói rằng, những chuyến bay đưa con người lên vũ trụ vượt ra ngoài những căng thẳng địa chính trị và điều đó cho thấy trên vũ trụ có thể có những mối quan hệ hợp tác không tồn tại trên Trái Đất. Nhưng đây là lần đầu tiên kể từ sau Chiến tranh Lạnh, căng thẳng địa chính trị dưới mặt đất có tác động tiêu cực đến các chuyến bay vào không gian của con người”.

Trong suốt 24 năm qua Mỹ, Nga và các quốc gia đã cùng nhau xây dựng và bảo trì trạm ISS (Ảnh NASA)

Theo NASA, hiện tại Trạm vũ trụ quốc tế vẫn hoạt động như bình thường. Không ai trong số các phi hành gia hoặc nhà du hành trên ISS phát ngôn công khai về xung đột Nga - Ukraine. Hôm ngày 9/3, phi hành gia Matthias Maurer đã đăng tải một video tham quan thú vị về phòng thí nghiệm khoa học của châu Âu trên ISS.

Các hoạt động của ISS với sự tham gia của Nga vẫn tiếp tục diễn ra theo kế hoạch. Tàu vũ trụ Soyuz của Nga sẽ vẫn vận chuyển các phi hành gia lên ISS từ sân bay ở Kazakhstan và từ ISS trở về Trái Đất theo kế hoạch trong tháng 3 này.

Tàu Soyuz của Nga là phương tiện chủ đạo vận chuyển các nhà du hành lên và rời khỏi trạm ISS (Ảnh NASA)

Tuy nhiên, số phận của phòng thí nghiệm tinh thể plasma của Đức-Nga, được gọi là PK-4, vẫn chưa chắc chắn. Dự án do Trung tâm Hàng không Vũ trụ Đức đồng lãnh đạo, đã ngừng mọi hợp tác với Nga.

Nhiều mối quan hệ đối tác không gian khác cũng đang rạn nứt theo địa chính trị trên Trái Đất, khi Nga và các nước phương Tây rút khỏi các dự án chung. Nhiều dự án khác cũng phải đối mặt với tương lai bất định.

Nga đã dừng các vụ phóng từ sân bay vũ trụ của Châu Âu ở Guiana thuộc Pháp và ngừng bán động cơ tên lửa cho Mỹ.

Tổng Giám đốc Roscosmos, ông Rogozin ngày 26/2 thông báo Nga sẽ không còn hợp tác với NASA trong một sứ mệnh đã lên kế hoạch tới sao Kim có tên là Venera-D, mặc dù hai cơ quan không có mối quan hệ chính thức để thực hiện dự án này.

Cơ quan vũ trụ châu Âu (ESA) cũng đang tìm cách thay đổi sứ mệnh thăm dò sao hỏa ExoMars sau khi vụ phóng sử dụng tên lửa của Nga trong năm nay bị hủy bỏ. Một nhóm nhà thiên văn học của Đức, do Viện Max Planck về Vật lý ngoài Trái Đất ở Garching dẫn đầu, đã tắt một thiết bị do Đức chế tạo trên đài quan sát thiên văn Nga Spektr-RG.

Tuy nhiên, NASA vẫn tiếp tục sử dụng hệ thống thông tin liên lạc ở Nga để giúp chuyển dữ liệu từ tàu vũ trụ trên sao Hỏa về Trái Đất. Tương lai của mối hợp tác này vẫn chưa rõ ràng. NASA cũng có 4 nhiệm vụ khoa học với các nhóm thiết bị do Nga dẫn đầu, chẳng hạn như máy dò neutron trên tàu thám hiểm Sao Hỏa Curiosity, và tất cả vẫn tiếp tục hoạt động.

Nhiều dự án nghiên cứu không gian bị trì hoãn hoặc ngưng vô thời hạn (Ảnh Reuters)

Rõ ràng, căng thẳng giữa Nga và Mỹ xung quanh vấn đề Ukraine đang khiến Roscosmos và NASA “xa rời” nhau. Điều này có thể mở ra một cuộc đua mới và kỷ nguyên hợp tác không gian mới.

Từ tháng 8/2021, Roscosmos cho biết, Nga có kế hoạch rút khỏi ISS và xây dựng trạm vũ trụ quốc gia của riêng mình, trong bối cảnh ISS sắp hết thời hạn hoạt động.

Giống như Mỹ, Nga cũng muốn thực hiện các sứ mệnh đến Mặt Trăng, Sao Hỏa, và sau đó là Sao Kim và Sao Mộc. Tuy vậy, cơ quan vũ trụ Nga dường như không còn hứng thú với việc hợp tác chặt chẽ với Mỹ nữa. Thay vào đó, Roscosmos đang chuẩn bị cho các cuộc thám hiểm không gian của riêng mình và hợp tác với các quốc gia khác thay vì NASA.

Cuộc đua này đã diễn ra trên Mặt Trăng. Sau khi Mỹ công bố chương trình Artemis - một nỗ lực quốc tế do NASA dẫn đầu nhằm khám phá và thiết lập sự hiện diện của con người trên bề mặt Mặt Trăng, Nga và Trung Quốc cũng tuyên bố sẽ hợp tác trong một mối quan hệ đối tác riêng để thực hiện điều tương tự.

Hiện vẫn chưa rõ nền chính trị vũ trụ mới này sẽ diễn ra như thế nào. Bà Teasel Muir-Harmony, nhà nghiên cứu lịch sử ngoại giao không gian, thuộc Bảo tàng không gian tại Mỹ cho rằng, luôn có khả năng Roscosmos sẽ hòa giải với NASA. Thực tế lịch sử cho thấy, Liên Xô và Mỹ đã cố gắng làm việc cùng nhau trong không gian trong suốt Chiến tranh Lạnh, cho dù cả khi hai bên cũng luôn tìm cách vượt mặt nhau.

“Luôn có sự kết hợp giữa cạnh tranh và hợp tác trong không gian giữa Mỹ và Nga. Mối quan hệ này có thể bền chặt rồi lạnh nhạt, nhưng hợp tác không gian luôn là một điều hấp dẫn”, bà Muir-Harmony nói.

Quá trình phóng tàu Soyuz đưa 3 nhà du hành vũ trụ lên trạm không gian ISS (Nguồn NASA)

Nguồn: VOV

Nguồn Lào Cai: http://www.baolaocai.vn/bai-viet/354040-chien-su-nga--ukraine-lam-thay-doi-dia-chinh-tri-khong-gian