Chiến sự Dải Gaza khắc họa rõ hơn sự phân cực của thế giới

Với lá cờ Palestine và chiếc khăn quàng truyền thống của người Palestine, Tổng thống Nam Phi, Cyril Ramaphosa đã xuất hiện tại một cuộc biểu tình cách đây ít ngày để bày tỏ sự ủng hộ với người Palestine. Và ông Ramaphosa không phải nhà lãnh đạo duy nhất ở Nam bán cầu có quan điểm như thế…

Những tiếng nói từ Nam bán cầu

Kể từ sau vụ tấn công của các chiến binh Hamas vào lãnh thổ Israel hôm 7/10 dẫn đến cái chết của hơn 1.300 người Israel, Tel Aviv đã liên tục tiến hành không kích đáp trả nhằm vào Dải Gaza, nơi Hamas đang kiếm soát, khiến hơn 3.000 người Palestine thiệt mạng.

Tổng thống Nam Phi, Cyril Ramaphosa (cầm cờ) tại một cuộc biểu tình bày tỏ sự ủng hộ với người Palestine. Ảnh: The Indian Express

Israel cũng cắt nguồn cung cấp thực phẩm, thuốc men, điện và nước đối với Dải Gaza, nơi có hơn 2 triệu người sống trên một khu vực rộng gần 400 km vuông. Mới nhất, Israel đã yêu cầu hơn 1 triệu cư dân ở phía bắc Dải Gaza sơ tán về phía nam “trong vòng 24 giờ” khi nước này chuẩn bị cho một cuộc tấn công trên bộ.

Trước những diễn biến này, nhiều nhà lãnh đạo tại Nam bán cầu - một thực thể địa chính trị mới nổi bao gồm các nước hậu thuộc địa và các nước đang phát triển - đã bày tỏ sự lo ngại và cả những quan điểm phản đối gay gắt với Israel.

Tổng thống Ai Cập Abdel Fattah El-Sisi, trong cuộc gặp với Ngoại trưởng Mỹ, Antony Blinken hôm Chủ nhật đã nói rằng: “Tôi khá lo ngại về phản ứng của Israel. Họ mở rộng quá mức quyền tự vệ và nó biến thành một hình phạt tập thể đối với 2,3 triệu người Palestine”.

Tổng thống Brazil, Luiz Inacio Lula da Silva, người tháng trước đã tự nhận mình là một trong những nhà lãnh đạo của Nam bán cầu, tuần trước thì kêu gọi nhanh chóng chấm dứt “sự điên rồ của chiến tranh”.

Ngoại trưởng Brazil, Mauro Vieira, mô tả rằng Chính phủ nước này đã "thất kinh khi nhận được tin lực lượng Israel kêu gọi tất cả dân thường - hơn một triệu người - sống ở phía Bắc Dải Gaza rời đi trong vòng 24 giờ".

Trong khi đó, Thủ tướng Malaysia, Anwar Ibrahim hôm thứ Hai cho biết các quan chức phương Tây đã nhiều lần gây áp lực buộc ông phải lên án Hamas. Ông nói với quốc hội nước mình: “Tôi đã trả lời rằng, về mặt chính sách, chúng tôi có mối quan hệ với Hamas từ trước và điều này sẽ tiếp tục”.

Tổng thống Nam Phi, Ramaphosa - một nhà hoạt động chống chủ nghĩa phân biệt chủng tộc – như đã đề cập ở phần đầu bài viết, khẳng định nước này sẽ ủng hộ người Palestine vì họ đã phải chống lại "sự chiếm đóng của Israel trong gần 75 năm".

Sự chia rẽ thêm sâu sắc

Nhận xét của ông Ramaphosa và nhiều nhà lãnh đạo Nam bán cầu trái ngược hoàn toàn với sự ủng hộ kiên định của phương Tây, do Mỹ dẫn đầu, đối với Israel.

Bộ Ngoại giao Algeria hôm 15/10 bày tỏ quan ngại sâu sắc về các cuộc tấn công của Israel vào Gaza, cáo buộc nước này vi phạm luật nhân đạo quốc tế. Algeria cũng kêu gọi sự can thiệp quốc tế ngay lập tức để bảo vệ người dân Palestine, những người mà các quyền của họ được phía Algeria mô tả là “trọng tâm trong việc giải quyết cuộc xung đột”.

Chủ tịch Liên minh châu Phi (AU), Moussa Faki Mahamat trong một phát biểu với kênh Al Jareeza thì nhấn mạnh việc phủ nhận các quyền cơ bản của người dân Palestine là nguyên nhân chính dẫn đến căng thẳng hiện nay.

Indonesia, quốc gia đông dân nhất Đông Nam Á, cũng kêu gọi chấm dứt ngay lập tức bạo lực để ngăn chặn thêm thương vong, đồng thời lập luận rằng việc Israel chiếm đóng các vùng lãnh thổ của người Palestine là nguyên nhân sâu xa của cuộc xung đột.

Thậm chí, ngay tại phương Tây, cũng có những quan điểm tương tự. Chẳng hạn, Ngoại trưởng Na Uy Anniken Huitfeldt mới đây chỉ trích việc phong tỏa toàn bộ Dải Gaza là “không thể chấp nhận được” và nhấn mạnh rằng quyền tự vệ của Israel phải tuân thủ luật pháp quốc tế.

Một cuộc bỏ phiếu gây tranh cãi của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc hôm thứ Hai về một nghị quyết do Nga soạn thảo kêu gọi ngừng bắn nhân đạo và lên án bạo lực chống lại dân thường tại Dải Gaza càng nhấn mạnh sự chia rẽ như thế.

Nỗ lực của Nga đã được Trung Quốc, UAE, Gabon và Moziambique ủng hộ tại Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc gồm 15 thành viên. Tuy nhiên, nghị quyết đã không thu được đủ 9 phiếu ủng hộ cần thiết. Mỹ, Anh, Pháp và Nhật Bản đã bỏ phiếu chống. Albania, Brazil, Ecuador, Ghana, Malta và Thụy Sĩ bỏ phiếu trắng.

Đại sứ Trung Quốc tại Liên hợp quốc, Trương Quân bày tỏ sự tiếc nuối khi hội đồng không đạt được thỏa thuận ngừng bắn, đồng thời nói thêm rằng “các vấn đề nhân đạo không nên bị chính trị hóa và việc bảo vệ dân thường phải là ưu tiên hàng đầu của tất cả các bên”.

Đại sứ Nga tại Liên hợp quốc, Vasily Nebenzya đổ lỗi cho “ý định ích kỷ của các nước phương Tây” là nguyên nhân dẫn đến thất bại này. Còn Đại sứ UAE nói rằng họ đã bỏ phiếu ủng hộ nghị quyết này vì người dân Gaza đang "đau khổ vô cùng", và mô tả việc các thành viên Hội đồng bảo an không thể đoàn kết là điều đáng thất vọng.

Trong khi đó, cuộc bỏ phiếu về nghị quyết do Brazil soạn thảo đã hai lần bị trì hoãn trong vài ngày qua. Và đến hôm 19/10, khi cuộc bỏ phiếu diễn ra thì kết quả cũng vẫn phản ánh sự chia rẽ tại Hội đồng Bảo an: Mỹ bỏ phiếu chống, 12 thành viên bỏ phiếu ủng hộ, còn Nga và Anh bỏ phiếu trắng.

Điểm nhìn chung: Giải pháp hai nhà nước

Bất chấp những bế tắc ở Hội đồng Bảo an, những nỗ lực để tháo gỡ ngòi nổ chiến tranh tại Dải Gaza vẫn đang được nhiều bên nỗ lực thực hiện. Nói chuyện với Ngoại trưởng Ả Rập Xê Út, Faisal bin Farhan Al-Saud, Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị nhấn mạnh rằng Bắc Kinh vẫn tham gia liên lạc sâu với tất cả các bên để thúc đẩy lệnh ngừng bắn.

Hãng tin Tân Hoa Xã dẫn lời ông Vương cho biết, Trung Quốc sẵn sàng hợp tác với các bên trong khu vực để đưa vấn đề Palestine trở lại đúng hướng của giải pháp hai nhà nước nhằm giải quyết vấn đề một cách toàn diện, công bằng và lâu dài. Ông Vương nói thêm rằng các hành động của Israel đã vượt ra ngoài khả năng tự vệ và sự trừng phạt tập thể của nước này đối với người dân ở Dải Gaza phải dừng lại.

Cuộc bỏ phiếu tại Hội đồng Bảo an LHQ về cuộc xung đột tại Dải Gaza đã không thể đạt được sự đồng thuận cần thiết. Ảnh: Reuters

Ấn Độ, vốn không xa lạ gì với các cuộc tấn công khủng bố và gần đây đã thiết lập mối quan hệ chặt chẽ hơn với Washington, dù đã nhanh chóng bày tỏ tình đoàn kết với Israel nhưng cũng nhắc lại sự ủng hộ đối với giải pháp hai nhà nước.

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Ấn Độ, Arindam Bagchi cho biết nước này “luôn ủng hộ... các cuộc đàm phán trực tiếp hướng tới việc thành lập... một nhà nước Palestine có chủ quyền, độc lập và khả thi”.

Mô tả quan điểm của Ấn Độ về vấn đề Palestine là “lâu dài và nhất quán”, ông Bagchi nói rằng chính phủ nước này mong muốn chứng kiến các cuộc đàm phán dẫn đến một nhà nước Palestine “sống trong các biên giới an toàn và được công nhận, sát cánh (và) hòa bình với Israel”.

Giải pháp hai nhà nước, dường như là điểm nhìn chung nhất mà nhiều quốc gia hướng đến khi đề cập tới vấn đề Israel - Palestine. Hay nói đúng hơn, đó là quyền cơ bản của các quốc gia, các dân tộc phải được tôn trọng.

Và, như thông điệp mà rất nhiều nhà lãnh đạo Nam bán cầu đề cập, chỉ khi nào những quyền ấy được đảm bảo một cách bình đẳng, thông qua con đường đàm phán hòa bình, thì bình yên mới thực sự tồn tại lâu bền với cả người Israel lẫn người Palestine.

Khánh Nguyễn

Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/chien-su-dai-gaza-khac-hoa-ro-hon-su-phan-cuc-cua-the-gioi-post269232.html