Chiến lược vaccine ngừa Covid-19 ở châu Âu: Hành trình 'lội ngược dòng' ngoạn mục

Nguồn cung dồi dào và sự linh hoạt trong việc tiến hành chiến dịch tiêm vaccine ngừa Covid-19 giúp Pháp, Italy và Đức đi đúng hướng trong cuộc chiến chống lại virus SARS-CoV-2.

Một nhân viên y tế tại Trung tâm tiêm chủng vaccine ngừa Covid-19 ở Munich, Đức. (Nguồn: Guardian)

Một nhân viên y tế tại Trung tâm tiêm chủng vaccine ngừa Covid-19 ở Munich, Đức. (Nguồn: Guardian)

Sáng thứ Sáu, ngày 18/6, Leyla Çelik, 22 tuổi, thức dậy trong tâm trạng bồn chồn. Hôm nay là ngày cô đi tiêm chủng vaccine ngừa Covid-19.

Trước đó, trong nhiều tuần, Leyla Çelik, sinh viên tại Đại học Freie (Berlin) cố gắng tìm cơ hội để có một cuộc hẹn tiêm vaccine phòng Covid-19 nhưng các nỗ lực đều vô ích.

Çelik thực sự bất ngờ khi tuần trước cô nhận được email của trường đại học, thông báo cô được tiêm liều vaccine Moderna đầu tiên.

Đến 9h sáng thứ Sáu, sau khi đã tiêm xong, sự lo lắng của Leyla Çelik đã biến thành sự phấn khích. Çelik cho biết: "Cuối cùng thì tôi có thể đi tàu hoặc xe buýt mà không cảm thấy lo lắng".

Hàng triệu người châu Âu đang có tâm trạng phấn khích giống như Çelik. Vào mùa Xuân, họ đã không giấu nổi cảm giác ghen tị khi số người được chủng ngừa vaccine Covid-19 ở Mỹ và Anh ngày càng nhiều trong khi các nước như Pháp, Italy, Đức đang loay hoay trong giai đoạn đầu.

Tạp chí Foreign Policy từng có bài viết nhan đề “Thảm họa vaccine của châu Âu”, đề cập sự chậm chạp của nhiều nước châu Âu trong khâu đặt hàng vaccine Covid-19 và cách tiến hành các chiến dịch chủng ngừa.

Nhưng gần đây, các nước thành viên EU đã có những bước tiến nhảy vọt trong việc triển khai tiêm chủng vaccine ngừa Covid-19.

Đức vượt chỉ tiêu

Tuần trước, Đức đã vượt qua cột mốc tiêm cho 50% toàn bộ dân số mũi đầu tiên.

Phát biểu trong cuộc họp báo ngày 18/6 về tình hình đại dịch Covid-19 tại Đức, Bộ trưởng Y tế liên bang Jens Spahn cho biết, 41,5 triệu người, tương đương 50,1% dân số Đức, đã được tiêm ít nhất một mũi vaccine phòng Covid-19. Trong đó, 29,6% người đã được tiêm đủ liều.

Số liệu của Bộ Y tế Đức cho thấy 7/16 bang của nước này đã đạt hoặc vượt ngưỡng 50% dân số được tiêm ít nhất một mũi vaccine, trong đó thành phố Bremen đứng đầu với 55,6%.

Vào tháng Hai, Sebastian Dullien, Giám đốc nghiên cứu tại Viện chính sách kinh tế vĩ mô, đã đưa một lộ trình mà theo đó tất cả người trưởng thành của Đức sẽ được tiêm liều đầu tiên vào cuối tháng Bảy.

Thủ tướng Angela Merkel tỏ ra thận trọng, đưa ra lời hứa những người trưởng thành của Đức sẽ được chủng ngừa vaccine Covid-19 mũi đầu tiên vào cuối tháng 9.

Nhà kinh tế học Dullien cho biết: “Bất chấp những trở ngại về năng lực giao hàng từ AstraZeneca và Johnson & Johnson, khả năng cao là chúng tôi hoàn thành mục tiêu (tiêm vaccine ngừa Covid-19) cuối tháng 7”.

Chiến lược mua sắm vacine Covid-19 nhiều sai sót của Ủy ban châu Âu và năng lực của các nhà sản xuất không theo kịp nhu cầu là những nguyên nhân khiến chiến lược chủng ngừa của châu Âu có những bước đi “chệch choạch” ban đầu.

Pháp đủ vaccine cho thanh thiếu niên

Steven Seggie, giáo sư bộ môn marketing tại ESSEC, một trong những trường kinh doanh hàng đầu của Pháp, cho biết: “Sự thành công của chương trình vaccine của Pháp là do nguồn cung cấp vaccine tăng lên, đặc biệt là Pfizer-BioNTech. Đơn giản như vậy".

Nói về những hạn chế trong chiến lược tiêm ngừa vaccine Covid-19 của Pháp, Steven Seggie khẳng định: “Vấn đề trước đây hoàn toàn là do Pháp không có vaccine”.

Các số liệu của chính phủ Pháp cho thấy hơn 31,3 triệu người Pháp đã được tiêm ít nhất một liều vaccine, trong đó hơn 17,3 triệu người hiện đã được tiêm chủng đầy đủ.

Kể từ 16/6, thanh thiếu niên Pháp từ 12 đến 17 tuổi cũng có thể chủng ngừa với vaccine Pfizer-BioNTech.

Chìa khóa thành công của chương trình vaccine của Pháp là việc mở các trung tâm tiêm vaccine tại các tòa thị chính, cho phép nhiều nhân viên y tế tham gia chiến lược tiêm vaccine. Các sinh viên trường y và cả các bác sĩ vật lý trị liệu cũng trở thành lực lương tiêm vaccine phòng Covid-19.

Hiện người dân Pháp có thể không phải đeo khẩu trang khi đi ra ngoài, song vẫn có một số ngoại lệ như khi đến trung tâm mua sắm hay tham gia các sự kiện đông người. Quy định bắt buộc đeo khẩu trang vẫn có hiệu lực trong không gian kín và trên phương tiện giao thông công cộng.

Khả năng Pháp sẽ dỡ bỏ lệnh giới nghiêm vào lúc 23h hàng ngày trong những ngày tới.

Italy chuyển từ vùng đỏ sang vùng trắng

Tại Italy, quốc gia đầu tiên ở châu Âu bị ảnh hưởng nặng nề bởi đại dịch, bắt đầu có những tia hy vọng tươi sáng trong cuộc chiến chống Covid-19 khi một y tá 29 tuổi trở thành người đầu tiên được tiêm vaccine vào ngày 27/12/2020.

Trong những tháng đầu tiên của năm, số ca tử vong do Covid-19 của Italy vẫn ở mức cao. Từ cuối tháng 4, với việc tăng tốc chiến lược tiêm vaccine, số ca tử vong và nhiễm mới ở Italy giảm mạnh.

Tính đến sáng 18/6, hơn một nửa trong số hơn 60 triệu người dân Italy đã được tiêm liều vaccine đầu tiên và 25,13% dân số đã được tiêm hai liều.

Từ đầu tháng 6, mỗi ngày Italy đã tiêm 420.000 đến 620.000 liều vaccine và hy vọng sẽ có 80% dân số được tiêm chủng đầy đủ vào tháng 9.

Ngày 19/6, Bộ trưởng Y tế Roberto Speranza tuyên bố rằng từ ngày 21/6, gần như toàn bộ các khu vực của nước này đều được xác định là vùng gần như không có nguy cơ lây nhiễm Covid-19 (vùng trắng). Hầu hết các quy định phòng dịch được dỡ bỏ.

Theo quy định của Italy, màu trắng chỉ những khu vực hầu như không có nguy cơ lây nhiễm, màu vàng chỉ các khu vực có nguy cơ thấp, màu cam – nguy cơ trung bình và màu đỏ - nguy cơ cao.

(theo Guardian, Reuters)

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/chien-luoc-vaccine-ngua-covid-19-o-chau-au-hanh-trinh-loi-nguoc-dong-ngoan-muc-148894.html